TRÁI CÂY ĐÀI LOAN
HƯƠNG VỊ THƠM NGON CỦA DỨA VÀ TÁO XANH ĐÀI LOAN
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧ Khiết Nhi
Tháng 6 2022
Ảnh: Hợp tác xã Greenland cung cấp
台灣擁有全世界最多品種的鳳梨,不僅鮮食鳳梨的口感細嫩多汁,酸甜有韻,獨步全球外,靠著優勢的品種與果農專業的栽培管理技術,奠定堅實的外銷基礎,讓鳳梨成為目前台灣水果外銷量第一的水果。
Đài Loan sở hữu nhiều giống dứa nhất thế giới, dứa Đài Loan không những thịt mịn, mọng nước, chua ngọt vừa phải, nổi tiếng toàn cầu, mà với ưu thế về giống và kỹ thuật quản lý trồng trọt chuyên nghiệp đã tạo nên nền tảng xuất khẩu vững chắc để dứa trở thành loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất trong số các loại trái cây của Đài Loan hiện nay.
Theo thống kê của Ủy ban Nông nghiệp, người dân Đài Loan có thể ăn hết 300.000 tấn dứa trong một năm, kim ngạch xuất khẩu dứa đứng đầu trong số các loại trái cây, dứa Đài Loan trở thành biểu tượng trái cây cực phẩm tại nước ngoài, Do thuế và phí vận chuyển, dứa Đài Loan xuất khẩu sang Nhật Bản có giá từ 598 Yên – 789 Yên/ trái (tức là khoảng 150 đến 200 Đài tệ, tùy trái lớn nhỏ), còn xuất khẩu sang Canada thì có giá là 20 CAD (khoảng 400 Đài tệ) nhưng do dứa Đài Loan thịt mịn, ngọt lịm, giòn và mọng nước nên vẫn luôn được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình và bán cháy hàng.
Trước sự cạnh tranh giá thấp của các nước xuất khẩu dứa lớn khác như Costa Rica và Phillipines, yếu tố để dứa Đài Loan có thể chiến thắng từ chất lượng đến hương vị chính là từ điểm xuất phát – chọn giống.
Giống dứa Đài Loan,số một thế giới
Đội ngũ ký giả của tạp chí “Taiwan Panorama” đã đến thăm chi nhánh Gia Nghĩa của Viện thử nghiệm Nông nghiệp thuộc Ủy ban Nông nghiệp. Nơi đây chính là cơ sở thử nghiệm kỹ thuật trồng và cải tạo giống dứa lớn nhất Đài Loan, rộng hơn 3 ha, trong viện có sưu tầm khoảng 90 giống dứa khác nhau từ trong và ngoài nước để làm cây giống.
Phó nghiên cứu viên Kuan Ching-san (Quản Thanh Sam) – người đã có 26 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu dứa cho biết, nếu nói về lịch sử di chuyển trên thế giới của quả dứa, có thể truy nguồn từ thời ông Columbus, đã làm thế nào để đưa cây dứa từ Nam Mỹ đến Đài Loan. Vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, để chọn lựa giống dứa thích hợp chế biến thành đồ hộp, năm 1925, người Nhật đã du nhập giống dứa Cayenne Hawaii, giống dứa Singapore để cải tạo giống, dùng dứa Cayenne có quả to, sợi xơ to, vị chua để chế biến đồ hộp, giúp Đài Loan vượt qua Hawaii, trở thành nước xuất khẩu đồ hộp dứa số một thế giới vào những năm 1970.
Về sau, do ngành chế biến dứa đóng hộp suy thoái, từ năm 1974, Phân viện thử nghiệm Nông nghiệp Gia Nghĩa đã thay đổi mục tiêu chọn giống dứa, “ăn dứa tươi” là chính, tạo thành đặc điểm riêng cho dứa Đài Loan. Ví vụ như giống Tainong No.13 có tên gọi là “Đông mật” (Winter Honey), thích hợp sản xuất vào mùa đông; còn giống “Mật ngọt” (Sweet Honey) Tainong No.16 thì thịt dứa có chất xơ mịn nhất; dứa “Mật bảo” (Honey Treasure) No.19 thì có độ ngọt không thua gì mía mật; dứa “Kim quế” (Golden Osmanthus) No.18 có mùi thơm của hoa mộc (hoa quế), dứa “Hoàng kim” (Golden) No.21 khi ăn có vị thơm của dưa lưới, còn dứa “Mật hương” (Honey Fragrance) No.22 lại có mùi thơm của dừa. Gần 90% dứa bán trên thị trường là giống dứa “Kim cương” (Golden Diamond) Tainong No.17, có chất thịt mịn, ngọt, mọng nước, cũng là giống dứa xuất khẩu chính hiện nay.
Dứa hiện là loài trái cây có lượng xuất khẩu cao nhất của Đài Loan. (Ảnh: Hợp tác xã Greenland cung cấp, Jupiter Chang chụp)
Làn sóng dứa Đài Loan từ tình hữu nghị Đài - Nhật ấm áp
Để phối hợp với chính sách xuất khẩu, mục tiêu chọn giống mới nhất là có thể giữ độ tươi lâu trong quá trình vận chuyển, và vì thế mà giống “Dứa xoài” (Mango Pineapple) Tainong No.23 đã được ra đời. Đây là giống dứa tạp giao có ưu điểm của cả cha là giống No.21 và mẹ là giống No.19, đặc điểm của giống dứa này là có hương thơm của xoài, có khả năng bảo quản trong thời gian vận chuyển dài đến 21 ngày, có thể giúp dứa Đài Loan mở rộng thị trường xuất khẩu từ Nhật, Hàn sang Mỹ, Canada và Úc.
Hợp tác xã Greenland tại xã Gaoshu (Cao Thụ), huyện Bình Đông là một trong các hợp tác xã xuất khẩu dứa quan trọng của Đài Loan, nhất là lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đang tăng trưởng từng năm, từ năm 2020 là 1.000 tấn, năm 2021 là 2.000 tấn, dự kiến năm 2022 lượng xuất khẩu có thể tăng trưởng đến 2.500 tấn.
Đầu tháng 3 năm 2021, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dứa của Đài Loan, dưới sự hợp tác giữa chính phủ với công ty thương mại nông sản Đài Loan, đã nhanh chóng chuyển đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng trưởng gấp 9 lần, đạt 18.000 tấn.
Tại Nhật Bản còn dấy lên “làn sóng dứa Đài Loan”, không chỉ có doanh nghiệp, kiều bào Đài Loan tại Nhật cùng đổ xô đi mua, mà cả người tiêu dùng Nhật Bản cũng rất sẵn sàng bỏ ra 800 Yên để mua một quả dứa Đài Loan, như một cách để cám ơn tấm chân tình khi Đài Loan đã từng hết mình cứu trợ Nhật Bản trong thảm họa sóng thần, động đất ngày 11/3 của mười năm trước, qua đó cũng cho thấy rõ tình hữu nghị giữa Đài Loan và Nhật Bản.
Năm ngoái, Hợp tác xã Greenland lần đầu xuất khẩu dứa sang thị trường Canada. Do mỗi container chỉ có thể chứa 672 thùng dứa, mỗi quả dứa Đài Loan có giá khoảng 20 CAD (tương đương 460 Đài tệ). Dứa vừa được lên kệ hàng tại siêu thị ở Toronto đã lập tức bán sạch, kiều bào Đài Loan nào chưa mua được còn phải trông mong năm nay lại có hàng.
Tỉa quả theo tỷ lệ lá và quả trên cây.
Dứa không chỉ là dứa
Nông thôn Đài Loan có điểm chung là diện tích đất canh tác nhỏ, nông dân già hóa. Ông Kuo Chih-wei (Quách Trí Vĩ) thành lập Hợp tác xã Greenland vào năm 2005, đã khắc phục được những khó khăn này. Sau 6 năm, cùng với sự điều chỉnh và nỗ lực qua 3 vụ mùa, đến nay hợp tác xã có khoảng 25 nông dân với hơn 100 ha diện tích đất canh tác, sản lượng cung ứng ổn định.
Do diện tích đất trồng đủ lớn, có nguồn tiêu thụ và thị trường xuất khẩu ổn định, dưới sự quản lý có kế hoạch với vườn trồng, phối hợp với lịch trình xuất khẩu để xuất hàng, hợp tác xã phải thu mua dứa của nông dân với giá đảm bảo, dù thị trường có xuất hiện tình trạng mất cân bằng cung cầu thì vẫn không bị ảnh hưởng, vì thế có thể thu hút được nông dân trẻ trở về quê tham gia sản xuất, xây dựng môi trường lành mạnh.
Đối với người nông dân, quả dứa không chỉ là giống cây trồng giúp họ nhìn thấy tương lai, quan trọng hơn nữa, họ có thể ở nhà để chăm sóc người lớn tuổi trong nhà, ba thế hệ sống chung với nhau.
Hợp tác xã cũng có hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, do nhiệt độ chênh lệch lớn, tia cực tím ngày càng gay gắt, nông dân phải đội nón cho dứa để chống nắng. Giờ đây, để có thể chống nắng triệt để, vào ngày hè tháng 5 nắng gắt, họ còn trực tiếp mặc áo cho dứa, vừa dùng túi trùm, vừa phủ thêm lưới đen, tạo thành hai lớp bảo vệ chống nắng cho dứa một cách cẩn thận. Kỹ thuật trồng dứa tỉ mỉ như vậy, có lẽ đến các quốc gia chuyên sản xuất dứa ở Đông Nam Á cũng chưa đâu làm được, đây có thể cũng chính là lý do mà dứa Đài Loan luôn có chất lượng nổi trội.
Kỹ thuật công nghệ sinh học tiên tiến của Đài Loan khiến cho dứa không chỉ là dứa. Công ty công nghệ sinh học Chappion đã hợp tác với xưởng dược Israel, chiết xuất chất men từ cuống dứa bản địa để làm enzyme Escharase, hiện đã xin được giấy phép lưu thông tại 17 quốc gia, dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị bỏng. Hiện nay, enzyme này đang xin giấy phép lưu thông dược phẩm tại Mỹ, trong tương lai sẽ được dùng để giúp bệnh nhân tiểu đường điều trị các vết thương lở loét hoặc vết bỏng do vũ khí hóa học. Ông Lin Ifan (Lâm Nhất Phàm) – Phó Tổng giám đốc điều hành của công ty Chappion cho biết, hiện nay đang nghiên cứu cách chiết xuất các tiểu phân tử từ quả và lá cây dứa, chế biến thực phẩm chức năng kháng viêm, để cả cây dứa đều có thể được tận dụng.
Dưới cái nắng gắt của mùa hè, được ăn miếng dứa chua chua ngọt ngọt, mát lạnh chính là cách giải nhiệt tốt nhất, ngoài ra còn có món bánh dứa, đặc sản Đài Loan nổi tiếng với nhiều thương hiệu khác nhau, mang đậm hương vị riêng, nhân bánh có độ chua ngọt khác nhau được làm từ giống dứa bản địa cho đến giống dứa Kim cương, hoặc bánh có vỏ giòn rụm hay xốp mềm, đó đều là hương vị riêng của Đài Loan.
Giống táo xanh vừa chua vừa chát, nặng chưa tới 10 gram của Ấn Độ được nhập vào Đài Loan năm 1944, nhưng sau khi đến Đài Loan, loài táo này như được lột xác, trở thành những quả táo to, nặng gần 200g, vừa ngọt vừa giòn, lại mọng nước. Tất cả đều phải kể đến công lao của các chuyên gia nông nghiệp và sự nỗ lực của những người nông dân để mang lại những quả táo ngon phục vụ người dân.
Vườn táo đã được phủ lưới bảo vệ dưới ánh nắng mùa xuân chói lọi, ấm áp vô cùng. Đoàn ký giả của tạp chí “Taiwan Panorama” đã đến thăm khu Dashe (Đại Xã), thành phố Cao Hùng – nơi đã 6 năm liên tiếp đoạt giải Quán quân trong cuộc thi “Đánh giá các vườn táo toàn Đài Loan” của Trung tâm Cải tạo nông nghiệp khu vực Cao Hùng thuộc Ủy ban Nông nghiệp, để thỉnh giáo bí quyết trồng táo xanh nặng 200 gram mỗi quả của “Vua táo” Su Xin-cheng (Tô Tín Thành) - người từng hai lần đoạt danh hiệu Quán quân trong cuộc thi này.
Ông Su Xin-cheng đã tự sáng tạo ra cách trồng táo bằng “giàn trồng 3D”, giúp sản lượng táo xanh tăng gấp đôi.
Nghệ nhân trồng táo với kỹ thuật chuyên sâu
Ông Su Xin-Cheng (Tô Tín Thành) cao 1.81m, đi len lỏi một cách quen thuộc giữa những bụi cây ăn trái thấp lùn mà không chút e ngại những chiếc gai nhỏ nhọn trên thân cây, vừa ngắt chồi vừa nói: “Đây là lần thứ ba tôi tỉa bớt quả rồi”. Dưới đất đầy những quả táo xanh nhỏ bị cắt bỏ, đó là minh chứng của sự cần cù, công phu tỉa quả để đổi lấy mùa màng bội thu.
Ông Su Xin-cheng tiết lộ, để quả táo xanh có vỏ mỏng thịt xốp, chủ yếu là nhờ tỷ lệ dùng phân đạm và Kali phải vừa đủ. Ông hay dùng các nguyên tố vi lượng từ chất đạm động vật như sữa hết hạn sử dụng, dung dịch trứng, dung dịch rong biển… và chất đạm thực vật từ các loại bả, để làm thành dung dịch phân hữu cơ, ủ ở gốc cây.
Giống “Trân ái” (Cherish) Kaohsiung No.12 đã giành ngôi quán quân trong cuộc thi đánh giá, ông nói: “Giống No.12 có sản lượng thấp, nhưng mỗi quả lại có thể nặng đến 200g, to giống một quả táo đỏ, trông rất đẹp nên thích hợp dùng làm quà tặng Tết”.
So với cách quản lý sơ sài của cha ông, ông Su Xin-cheng là thế hệ thứ ba theo nghề trồng táo xanh, diện tích trồng trọt của vườn táo đã giảm nhưng doanh thu lại tăng đều nhờ vào kỹ thuật “giàn trồng 3D”do ông tự nghĩ ra, tối ưu hóa hóa quy trình quản lý. Lấy ví dụ việc trồng giống “Trân mật” (Honey) Kaohsiung No.11, mỗi cây có thể ra được hơn 240 kg táo, trung bình mỗi 1.000 mét vuông đất có thể trồng được khoảng 3,6 tấn táo, cao gấp đôi các nhà vườn khác.
Đài Loan có nhiều giống táo nhất thế giới
Trung tâm Cải tạo nông nghiệp và Viện thử nghiệm Nông nghiệp đã lai tạo được ít nhất 13 giống táo khác nhau, cộng thêm từ những năm 1960, người nông dân cũng tự lai giống được từ 23 đến 30 loại, các giống táo Đài Loan rất đa dạng, có thể nói là nhiều nhất thế giới. Chính ưu thế về giống cây đã giúp táo Đài Loan hầu như khó kiếm được đối thủ trên thị trường táo thế giới về độ lớn nhỏ và chất lượng.
Cựu nghiên cứu viên của Trung tâm Cải tạo nông nghiệp Cao Hùng - bà Chiou Chu-ying (Khưu Chúc Anh) nghiên cứu về táo đã 31 năm, cho biết táo xanh ăn tươi trên thế giới hiện nay đa số là giống cây do Đài Loan lai tạo. Từ tay bà đã lai tạo thành công 9 giống táo xanh khác nhau, trong đó, giống cây mà bà cảm thấy tự hào nhất chính là giống “Honey” Kaohsiung No.11, được mệnh danh là giống táo nhiều nước như dưa hấu, thịt táo giòn hơn lê, độ ngọt đạt đến cấp 17-18.
Táo xanh có giống cây trồng phong phú với thời gian thu hoạch khác nhau, có thể lần lượt đưa ra thị trường vào thời điểm khác nhau, để làm quà tết hoặc để xuất khẩu. Giống “Trân bảo” (Treasure) Kaohsiung No.8 thu hoạch vào thượng tuần tháng 12; tiếp đó là giống “Trân ái” Kaohsiung No.12 bắt đầu bán ra thị trường vào trung tuần tháng 1; còn giống “Shirley” Kaohsiung No.13 có thể chịu được thời gian vận chuyển dài, dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Canada, Nhật Bản…, thường kết thúc mùa thu hoạch vào trước tết Âm lịch; táo “Honey” No.11 nhiều nước và thịt mịn, có thể đợi đến sau Tết.