Phép màu của nghệ thuật sắp xếp
Những người sắp xếp chuyên nghiệp
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Kent Chuang Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 2 2021
現代人生活寬裕,物品的取得容易。但堆積如山的物品卻沒有帶來快樂,反倒在雜物中迷失,「整理師」便因應而生。跟著我們直擊居家整理顧問何安蒔與衣櫥醫生賴庭荷的工作現場,探訪這個神秘又迷人的新領域吧!
Cuộc sống của con người hiện đại luôn sung túc thoải mái, thứ gì cũng dễ dàng có được; tuy nhiên, đồ đạc chất cao như núi không những không mang lại niềm vui, mà ngược lại còn khiến người ta lạc lối trong mớ đồ đạc hỗn tạp. Và cũng từ đó mà xuất hiện “chuyên gia sắp xếp”.
Trước khi sắp xếp, đồ đạc trong phòng bếp rất nhiều và hỗn loạn. Sau khi sắp xếp xong, những đồ vật cùng loại được đặt ở cùng một chỗ, lấy ra để vào đều rất tiện lợi, số lượng của mỗi món đồ cũng rất rõ ràng, giúp chủ nhà tránh mua sắm quá nhiều.
Mời các bạn cùng chúng tôi khám phá nơi làm việc của chuyên gia tư vấn về sắp xếp và dọn dẹp Hà An Thi (Sasha Ho) và “bác sĩ tủ áo” (Closet visitor) Lại Đình Hà (Lai Tinghe), cùng tìm hiểu về lĩnh vực mới đầy bí ẩn và hấp dẫn này!
Mở tủ ra, đồ đạc rơi từ trên đầu xuống, trong phòng chất đầy sách vở quần áo, đến cả lối đi còn không có, hoặc là những chiếc thùng giấy chất cao như núi trong góc phòng, chỉ cần dịch chuyển một chút là gián, chuột liền chạy ra... Đây đều là những tình huống thực tế mà các chuyên gia dọn dẹp thường gặp phải.
Trong lý thuyết màu của bốn mùa, đỏ, hồng, vàng, lam, lục…, mỗi màu đều có các mùa xuân, hạ, thu, đông khác nhau.
Sinh hoạt thường ngày của chuyên gia dọn dẹp
Cô Hà An Thi, chuyên gia tư vấn về sắp xếp nhà cửa tại công ty Yishouna bày tỏ, công việc vệ sinh nhà cửa chủ yếu là dọn những thứ “dơ bẩn”, dọn sạch bụi bặm và vết bẩn, còn công việc của chuyên gia sắp xếp là xử lý sự “bừa bãi”, phải đối mặt với những đồ vật và những căn phòng ngổn ngang, sắp xếp không có logic.
Bằng việc thay đổi cách sắp xếp nội thất và đặt ra vị trí để sắp đặt đồ đạc, chuyên gia sắp xếp đã giúp cho khách hàng thực hiện những tưởng tượng của họ về không gian thoải mái và tự tại nhất. Cô Hà An Thi từng chỉ dựa vào việc thay đổi lối di chuyển trong căn phòng, biến không gian thiếu thẩm mỹ thành nơi ở với 4 khu vực gồm phòng ngủ, phòng khách, phòng đọc sách và nơi tập yoga, khách hàng của cô bày tỏ đây là căn phòng mà họ hài lòng nhất trong đời.
Chuyên gia sắp xếp thường sẽ phải đối mặt với những tâm trạng khác nhau của khách hàng, có người sắp xếp dọn dẹp đến giữa chừng thì giận dỗi, không chịu làm tiếp, có người khi nhìn thấy lượng lớn đồ đạc của mình thì cảm thấy đau lòng vì bản thân quá lãng phí, hoặc cũng có gia đình trong lúc đang dọn dẹp thì gây gổ cãi vã, có khi chuyên gia sắp xếp không chỉ là làm đẹp cho không gian, mà còn phải tỉ mỉ tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Ví dụ như có một khách hàng nhờ cô Hà An Thi thay đổi phòng ăn của mình, thế nhưng hai vợ chồng lại mỗi người một ý, sau khi tìm hiểu mới biết, người vợ hy vọng có thể lưu lại những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ về hình ảnh cả gia đình cùng quây quần bên bàn ăn, chia sẻ về cuộc sống với con cái, còn người chồng thì từ lúc nhỏ đã quen với việc ăn cơm trong phòng khách. Trong trường hợp này thì cho dù có làm đẹp phòng ăn thì cũng chưa chắc sẽ cải thiện được tình hình nhưng cô Hà An Thi đã tìm ra được nguyên nhân cốt lõi giúp cho cả hai vợ chồng hiểu nhau hơn, từ đó thông cảm cho đối phương hơn trong việc sắp xếp, cùng tạo ra không khí gia đình mà họ mong muốn.
Để có thể làm chuyên gia sắp xếp, không những phải có kỹ năng trong việc quy hoạch không gian và sắp xếp, còn phải biết cách trao đổi, khuyên nhủ và càng phải có sự đồng cảm.
Cô Lại Đình Hà (trái) lấy hết toàn bộ quần áo ra, rồi mời khách hàng kiểm tra phân loại. Trong quá trình quyết định giữ lại hay bỏ đi, khách hàng sẽ càng rõ ràng hơn về sở thích của mình.
Phát huy tài năng, tìm thấy chính mình
Cô Hà An Thi thành lập “Yishouna” vào tháng 2 năm 2016 và cô cũng là một trong những người tiên phong trong giới chuyên gia sắp xếp tại Đài Loan.
Lúc còn nhỏ, cha của Hà An Thi 6 tháng 1 lần đều cùng hai chị em cô thay đổi sắp xếp nội thất trong nhà, dạy cô cách đo lường không gian, tư duy về mối tương quan trong việc sắp đặt đồ vật trong nhà. Hai chị em cô thường xuyên thay đổi vị trí sắp đặt trong phòng, tự mình quét sơn, trang trí tủ áo, đây chính là nơi ươm mầm cho hạt giống làm đẹp không gian của Hà An Thi. Sau khi kết hôn, Hà An Thi cùng chồng sống trong một căn nhà cũ, trong nhà có rất nhiều đồ nội thất cũ do họ hàng, bạn bè tặng cho, mặc dù chúng rất thiết thực nhưng lại thiếu đi tính mỹ quan; vì thế, cô dần dần dọn dẹp, sắp xếp lại để làm mới căn nhà và vào năm 2015, cô đã dành đủ tiền để tân trang nhà bếp và sàn nhà. Hà An Thi tự mình chọn vật liệu, vẽ bản thiết kế, đích thân tạo ra căn bếp lý tưởng của mình.
Khi nhìn thấy Hà An Thi làm cho ngôi nhà trở nên ngăn nắp, xinh đẹp, cha cô đã đề nghị con gái mở tiệm kinh doanh dịch vụ sắp xếp dọn dẹp, đi đến nhà người khác để tìm ra vấn đề và hỗ trợ họ làm đẹp cho không gian sống, thế là Hà An Thi bước chân vào nghề từ đó.
Cô Hà An Thi đã mở trang fanpage trên mạng xã hội Facebook tên là “Yishouna” để chia sẻ kinh nghiệm làm mới không gian nhà mình trong nhiều năm qua và tạo dựng hình ảnh cá nhân là một người phụ nữ thường xuyên mặc sườn xám (qipao).
Ban đầu, mỗi tháng cô có từ 1 đến 2 đơn hàng nhưng đến cuối năm 2017 thì mỗi tháng có đến mười mấy đơn đặt hàng. Bây giờ cô Hà An Thi đã mở lớp tập huấn chuyên gia sắp xếp, đi thuyết giảng ở khắp nơi và còn thành lập Hiệp hội tư vấn Sắp xếp không gian Tâm Hy Vọng Trung Hoa (Heart, Hope, Space International Organization of Professional Organizers). Hiệp hội này đã tổ chức kỳ thi chứng nhận chuyên gia sắp xếp đầu tiên của Đài Loan vào tháng 10 năm nay. Mỗi lần nhìn thấy khách hàng từ tâm trạng lo âu, buồn bã trước khi sắp xếp và dọn dẹp, chuyển sang tươi cười thỏa mãn sau khi đã sắp xếp xong xuôi, cô Hà An Thi đều cảm thấy rất cảm động.
Cô Lại Đình Hà dùng những phương pháp như thử màu, số đo cơ thể, tư vấn… từng bước tìm ra màu sắc và phong cách trang phục thích hợp cho khách hàng của mình.
Bác sĩ tủ áo đi khám bệnh
Muốn tạo lối đi riêng trong lĩnh vực sắp xếp thì nhất thiết phải tìm ra nét đặc sắc của bản thân. Cô Lại Đình Hà đã dùng sở trường trong việc phối trang phục để tạo dựng nên thương hiệu “Bác sĩ tủ áo” của mình, cung cấp dịch vụ sắp xếp tủ áo và đóng góp ý kiến trong vấn đề mua sắm trang phục.
Vào ngày phỏng vấn, chúng tôi đi theo cô Lại Đình Hà đến nhà khách hàng, cô lấy ra một miếng vải để thử màu. Miếng vải màu trắng được đặt trước ngực vị khách với gương mặt mộc không hề trang điểm, ngăn cản mọi sự gây nhiễu từ những màu sắc khác. Sau đó, Lại Đình Hà bắt đầu thử màu bằng cách mỗi lần đưa hai miếng vải màu khác nhau lên ướm thử. Theo lý thuyết màu của bốn mùa, dùng cảnh sắc tự nhiên qua bốn mùa để chia làm màu ấm của mùa xuân và mùa thu, màu lạnh của mùa hạ và mùa đông. Cùng là màu đỏ, màu vàng, màu lam, màu lục, nhưng tùy theo độ bão hòa và độ sáng tối trong từng mùa khác nhau thì sẽ có sự biến hóa khác nhau.
Màu da, màu môi, màu mắt của mỗi người đều không giống nhau, ta có thể thông qua những miếng vải màu để quan sát sự thay đổi của màu sắc trên gương mặt con người, ví dụ như giúp gương mặt trở nên hồng hào hơn, thử đi thử lại nhiều lần, cho đến khi tìm ra được màu sắc phù hợp với tính chất của bốn mùa trong năm, lấy đó làm căn cứ tham khảo cho việc lựa chọn trang phục và phong cách trang điểm.
Cô Lại Đình Hà bày tỏ, vận dụng màu sắc bốn mùa có thể là thiên đường, mà cũng có thể là địa ngục. Có người cầm theo bảng màu đi chọn quần áo và khăng khăng tìm cho bằng được màu chính xác nhưng lại làm mất đi thú vui trong việc mua sắm. Còn cách vận dụng thiên đường là biết bản thân mình thích hợp với màu nào nhưng vẫn lấy bản thân làm chủ đạo. Cô Lại Đình Hà nêu ví dụ của bản thân rằng, mặc dù biết là màu trắng không thích hợp với mình nhưng nó lại phù hợp với hình ảnh cá nhân mà cô muốn truyền đạt. Cô đã dùng khăn choàng hoặc trang điểm bằng những màu của mùa thu để phối với màu trắng, chỉ cần đặt những màu sắc thích hợp với bản thân ở vị trí gần khuôn mặt là có thể tạo ra hình tượng đẹp mắt.
Cô Lại Đình Hà xem quần áo như một người thầy, tỉ mỉ tìm hiểu về mối quan hệ giữa mỗi người với quần áo của họ, giúp họ tìm ra bộ trang phục thích hợp nhất và đẹp nhất.
Mặc đúng trang phục thì sẽ tỏa sáng
Bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ năm 2017, cô Lại Đình Hà thường xuyên nhìn thấy khách hàng của mình bị gò ép trong quan điểm thẩm mỹ thịnh hành của Đài Loan: trắng, ốm, đẹp. Gương mặt quá dài, đôi mắt quá nhỏ..., những gì mà các vị khách này cảm thấy phiền não, trong mắt của Lại Đình Hà, đều là những nét đặc sắc của riêng họ, chỉ cần tìm được phong cách ăn mặc thích hợp là sẽ có thể phát huy triệt để ưu thế của bản thân. Vì thế, cô Lại Đình Hà đã phân tích hàng trăm khách hàng mình từng gặp, nghiên cứu con người ở các nước trên thế giới, chất liệu và nét đặc sắc trong trang phục ở các địa phương, v.v..., rồi mang đi so sánh với kiểu gương mặt, kiểu thân hình, từ đó cho ra lý luận “3 hình mẫu dựa trên phong cách nhân vật”, dựa trên ngũ quan, độ dài gương mặt, thân hình của khách hàng để chia làm 3 nhóm gồm người chăm sóc, người lãnh đạo và kẻ mơ mộng, tìm ra nguyên tắc phối trang phục thích hợp với từng người. Ví dụ như áo khoác vest hay trench coat, người mang phong cách lãnh đạo khi mặc vào thì sẽ trông rất khí thế, còn nếu người mang phong cách kẻ mơ mộng mà mặc vào thì sẽ trông giống như trẻ con mặc áo người lớn, trông không hợp tí nào.
Tiếp sau đó là dọn hết tất cả quần áo trong tủ áo ra, rồi chia làm 5 loại: thích, bình thường, không thích, quần áo mặc trong nhà, đồ kỷ niệm. Trong quá trình sắp xếp, khách hàng sẽ dần dần bị đống quần áo đã được phân loại bao vây, cô Lại Đình Hà gọi đây là pháp trận của sự sắp xếp. Khi quần áo đều đã được phân loại chính xác, ta sẽ càng biết rõ rằng mỗi chiếc quần áo cần phải được xếp vào nhóm nào. Ví dụ, nếu một chiếc áo bạn không phải là thích lắm nhưng lại không nỡ bỏ đi, khi cho nó vào trong khu quần áo yêu thích, trong lòng sẽ tự hỏi, mình có thật sự thích nó không? Trong quá trình phân loại, Lại Đình Hà sẽ quan sát biểu cảm của khách hàng, nhất là đối với quần áo ở khu bình thường, bằng cách không ngừng đặt câu hỏi, tìm ra mối liên kết giữa khách hàng với quần áo của họ, có thể là của bạn bè, người thân tặng cho, có thể là mang một ký ức tươi đẹp nào đó và cũng có người từ trong quá trình này phát hiện ra bản thân vẫn luôn sống trong sự đánh giá của người khác, chứ chưa từng lắng nghe tiếng nói của lòng mình.
Quần áo, giày dép, túi xách, trang điểm, kiểu tóc, mắt kính, những thứ có liên quan đến tạo hình đều nằm trong phạm vi tiếp xúc của Lại Đình Hà. Sau khi cùng khách hàng sắp xếp lại tủ áo, Lại Đình Hà sẽ phối vài bộ trang phục thích hợp cho khách hàng, đóng góp ý kiến về kiểu tóc và cách trang điểm cho họ. Người bình thường quen mặc một chiếc áo đi với quần, nhưng dưới bàn tay phối trang phục khéo léo của Lại Đình Hà, một chiếc đầm màu trơn đi kèm với áo không tay cổ hoa lại tạo thành điểm nhấn, áo mặc ngược trước sau lại có thể giải quyết vấn đề gương mặt dài, cho dù không có ngoại hình như minh tinh, nhưng chỉ cần mặc đúng trang phục, bạn sẽ tỏa sáng.
Từ khi thành lập thương hiệu “Bác sĩ tủ áo”, bảo vệ môi trường vẫn luôn là tôn chỉ của cô Lại Đình Hà. Mỗi một chiếc tủ áo đều có tiềm năng giúp cho con người ta trở nên đẹp hơn, thông qua việc hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về bản thân mình, giúp họ không còn mù quáng khi đi mua sắm và cũng được giải thoát ra khỏi xu hướng thời trang nhanh đang khiến cho người ta chóng mặt như hiện nay. Cô Hà An Thi nói: “Zheng (chỉnh) là sắp xếp lại không gian bề mặt, li (lý) là sắp xếp lại tư duy rối bời và tâm hồn mệt mỏi của khách hàng.” (Zhengli nghĩa là chỉnh lý hoặc sắp xếp), các chuyên gia sắp xếp sẽ dẫn dắt khách hàng tìm ra vấn đề, nhìn thấu bản chất của bản thân, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.