Những câu chuyện từ trò chơi Tabletop
Sự sáng tạo của Đài Loan bắt nhịp cùng xu hướng mới
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 2 2020
台灣一年有超過100款原創桌遊問世,機關團體選擇以桌遊,作為向大眾溝通的媒介;公司行號透過桌遊訓練員工談判技巧,培養創業靈感。台灣原創桌遊主題五花八門多樣,富娛樂性,又具收藏價值,展現台灣文創新動力。
Mỗi năm Đài Loan sáng tạo ra hơn 100 trò chơi Tabletop, các đoàn thể cơ quan lựa chọn Tabletop làm nhịp cầu trao đổi với xã hội, còn các công ty kinh doanh thì thông qua trò chơi Tabletop để đào tạo kỹ năng đàm phán cho nhân viên, cũng như nuôi dưỡng nguồn cảm hứng khởi nghiệp. Chủ đề trong các trò chơi Tabletop Đài Loan đa dạng và phong phú, lại mang tính giải trí cao và có giá trị sưu tầm, thể hiện động lực mới trong ngành sáng tạo văn hóa Đài Loan.
Tìm hiểu Tabletop trên Wikipedia cho thấy, khái niệm về Tabletop là một trò chơi phi điện tử, chẳng hạn như các loại thẻ bài, xí ngầu, Board game, cờ nhảy, bài tây, v.v..., đều được xem là một loại hình khái quát của trò chơi Tabletop. Trong những năm gần đây, Đài Loan mọc lên rất nhiều các cửa hàng Tabletop, từ đó nhận thức của công chúng đối với Tabletop không còn chỉ nghĩ đến trò chơi Cờ tỷ phú nữa. Cho đến nay, khi nhắc đến Tabletop, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh một nhóm người quây quần bên nhau, chơi một trò chơi bằng những tấm thẻ bài hay những vật dụng đi kèm, trò chơi này dần trở thành một sự lựa chọn trong thú vui tiêu khiển.
Từng bước phát triển ngành Tabletop do Đài Loan sáng tạo
Khi nhắc đến Tabletop, chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến trò chơi kinh điển “Cờ tỷ phú”, trò này đã đồng hành cùng với tuổi thơ của rất nhiều người Đài Loan do Công ty sản xuất dụng cụ học tập Yawan phát hành. Năm 2008, công ty Yawan thành lập Văn phòng thiết kế Tabletop 2Plus, một năm sau đã phát hành 3 trò chơi Tabletop “Rabbit Hunt”, “Fuzzy Tiger” và “Fire Bulls”, từ đó Yawan trở thành công ty tiên phong trong ngành sáng tạo Tabletop.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, thị trường Tabletop của Đài Loan chủ yếu đều là các trò chơi nhập từ Âu Châu, dạo quanh các cửa hàng Tabletop hầu như không nhìn thấy bóng dáng Tabletop do Đài Loan sáng tạo. Từ đó nhiều tay chơi Tabletop bắt đầu tự hỏi, “vì sao những trò chơi Tabletop hay và nổi tiếng đều là tác phẩm của nước ngoài? Phải chăng Đài Loan cũng có thể thiết kế ra trò chơi Tabletop thú vị?”
Làm cách nào để hiện thực được ý tưởng là thách thức mà các nhà thiết kế Tabletop cần phải vượt qua. Thế là một tay chơi Tabletop lão làng nickname Smoox đã kêu gọi vài người bạn có cùng sở thích, lần đầu tiên cho tổ chức buổi giao lưu thử nghiệm Tabletop tại Đài Bắc vào tháng 4 năm 2012. Anh Smoox lên mạng kêu gọi những người có hứng thú với mảng thiết kế Tabletop mang theo tác phẩm của mình đến thảo luận và thử nghiệm. Ngoài việc thông qua quá trình thử nghiệm giúp cơ chế trò chơi trở nên hoàn thiện hơn, còn tạo cơ hội cho mọi người chia sẻ nguồn lực, cùng xây dựng ý tưởng và kế hoạch tương lai cho Tabletop của Đài Loan, đóng vai trò mấu chốt trong quá trình phát triển Tabletop Đài Loan trong thời kỳ đầu.
Thế là từ năm 2012, các buổi họp mặt giao lưu thử nghiệm được tổ chức cố định mỗi tháng một lần và liên tiếp trong 7 năm chưa từng đứt quãng. Anh Smoox chia sẻ, hồi đó, trong số những thành viên tham gia buổi họp mặt đầu tiên, có rất nhiều người đều là lính mới không có kinh nghiệm xuất bản Tabletop, mọi người dần dần tiến bộ nhờ vào bầu nhiệt huyết sáng tạo Tabletop và giờ đây họ đã trở thành những thành viên nòng cốt của các nhà xuất bản trò chơi internet như Moaideas, EmperorS4, v.v..., cho đến nay họ vẫn kiên trì theo đuổi con đường sáng tạo Tabletop.
Nghị đề xã hội + kêu gọi đầu tư = Cơ hội mới cho Tabletop
Để ra đời một trò chơi Tabletop thường sẽ phải trải qua giai đoạn lên ý tưởng, sản xuất game sample, thử nghiệm và sửa đổi, xuất bản, tham gia triển lãm và bắt đầu lên sàn tiếp thị quảng bá. Anh Smoox vừa cười vừa nói, cách thức truyền thống xếp theo thứ tự đâu vào đó này gặp phải sự xuất hiện đột ngột như từ trên trời rơi xuống của Tabletop “The wonderful Island” được xuất bản năm 2013, từ đó đã nảy sinh ra một phương hướng sáng tạo game mới.
Nhắm vào nhu cầu cần giải tỏa tâm trạng chán nản mệt mỏi của giới trẻ khi suốt ngày phải đối diện với những trận đấu khẩu của các nhân vật chính trị, hoặc hiện tượng nhân vật chính trị có giọng điệu trước và sau bầu cử thay đổi đến chóng mặt, đồng thời hy vọng khơi dậy niềm hứng thú của người dân đối với chính trị. Nhà thiết kế Ngũ Bác Dương (Wu,Po-Yang) đã lấy ý tưởng từ những nghị đề bầu cử quen thuộc nhất của người dân Đài Loan để sản xuất ra trò chơi “The wonderful Island”. Đưa các nhân vật chính trị quen thuộc hóa thân thành những nhân vật ảo, còn chiến dịch vận động bỏ phiếu thường thấy trong các cuộc bầu cử hoặc chiến lược cạnh tranh cũng được biến thành những lá bài thú vị, tham gia một trận chiến bầu cử ảo thông qua phương thức chơi trò chơi. Do trò chơi mang tính chất lồng ghép đề tài xã hội nên khi vừa xuất bản đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông, chỉ trong thời gian ngắn bán được vài nghìn bộ.
Thành công về doanh số của trò chơi “The wonderful Island” đã mở ra xu hướng trò chơi Tabletop mang tính chất thời sự khiến cho những người dân bình thường vốn không chơi trò này nhưng do bị đề tài xã hội thu hút, từ đó tiếp xúc với mảng Tabletop. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, sàn huy động vốn cộng đồng ngày càng trưởng thành, các nhà xuất bản Tabletop có thể lên mạng thu hút người hâm mộ trước, sau khi tập hợp vốn thì mới chính thức tiến hành xuất bản. Điều này có thể giảm đáng kể rủi ro, đồng thời cũng giúp ngành sáng tạo Tabletop được mùa phát triển nở rộ.
Những đề tài Tabletop vượt ngoài sức tưởng tượng
Thoát ra khỏi loại hình Tabletop có nội dung giải trí đơn thuần với bối cảnh các nhân vật hư cấu thời Trung cổ và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên không gian vũ trụ, công ty Big Fun chuyên kết hợp đa ngành nghề vào việc thiết kế nội dung trò chơi Tabletop đã tạo nên những loại hình Tabletop thú vị vượt ngoài sức tưởng tượng.
Tabletop nội dung “European Union” xuất bản vào năm 2015 là tác phẩm được Văn phòng Kinh tế Châu Âu kết hợp cùng công ty Big Fun hợp tác phát hành với mục tiêu giúp người dân Đài Loan làm quen với Liên minh Châu Âu. Công ty Big Fun đã dựa vào quy trình các cuộc họp nghị viện hoặc bối cảnh lịch sử của Liên minh Châu Âu, đồng thời xây dựng mô hình chiếu theo các dự luật thực tế đã được Liên minh Châu Âu và chính Đảng xem xét thông qua, để cho người chơi được đóng vai chính Đảng trong Liên minh Châu Âu, thông qua các cuộc đàm phán cố gắng giúp dự luật chính sách do mình đề xuất được thông qua. Khi bắt đầu cuộc chơi, người chơi sẽ biện luận hoặc thuyết phục lẫn nhau, có thể huyên thuyên hoặc đưa ra những ví dụ thực tế cụ thể, trong quá trình đối thoại qua lại không những giúp không khí cuộc chơi trở nên náo nhiệt, tăng thêm tính thú vị, mà vô hình chung người tham gia cũng trở nên quen thuộc với Liên minh Châu Âu. Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Sáng tạo đổi mới Game hóa Châu Á (Game hóa hay còn gọi Trò chơi điện tử ứng dụng hóa)-cô Trần Uyển Du (Chen,Wan-Yu, Rachel Chen) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã đưa trò chơi này vào chương trình huấn luyện, đào tạo nội bộ, nhân đó giúp nhân viên tìm hiểu về quan hệ quốc tế, nâng cao kỹ năng đàm phán cho nhân viên."
Từ mảng tự thiết kế trò chơi Tabletop dần phát triển thành mô hình hợp tác thiết kế theo yêu cầu, công ty Big Fun tự xưng mình là nhà xuất bản Tabletop xuyên lĩnh vực. Giám đốc điều hành-anh Dương Đông Nhạc (Yang,Dong-Yue, Slime Yang) nói: “Cả Đài Loan chỉ có mỗi công ty chúng tôi vận dụng Tabletop trở thành công cụ tiếp thi và kênh truyền thông”. Không chỉ là sản phẩm trò chơi mang tính giải trí, Tabletop còn mang tính chất là một câu chuyện, có thể thông qua Tabletop để truyền tải khái niệm. Tabletop “Người quy hoạch chế độ chăm sóc dài hạn” do Big Fun phát hành vào năm 2018 chính là một ví dụ điển hình.
Trước sự mơ hồ của người dân về khái niệm chăm sóc dài hạn, Liên minh người khuyết tật Trung Hoa Dân Quốc đã tìm đến công ty Big Fun, hy vọng tạo ra những khả năng mới trong giáo dục giảng dạy. Công ty Big Fun đã áp dụng các hạng mục phục vụ và chi trả trong chế độ chăm sóc dài hạn 2.0 của chính phủ, dựa trên những trường hợp thực tế để thiết kế ra nhân vật ảo, giúp người chơi thông qua các tình huống mô phỏng để quan sát nhu cầu của người thân cần được chăm sóc hoặc mong muốn của người khuyết tật và người già.
Cửa hàng bán sản phẩm sáng tạo của Đài Loan
Không cạnh tranh như những ngành nghề khác, ngành sáng tạo Tabletop Đài Loan vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, doanh nghiệp cùng ngành hỗ trợ lẫn nhau và quyết tâm cùng phát triển mở rộng thị trường. Từ đó đã cho ra đời cửa hàng chuyên bán trò chơi Tabletop do Đài Loan sáng tạo mang tên Baodao tại Đài Trung. Người sáng lập cửa hàng-anh Lâm Gia Tiến (Lin,Jia-Jin, Shin Lin) cũng là Tổng giám đốc điều hành Nhà xuất bản Mozi Games, ban đầu với ý định tìm đến các cửa hàng Tabletop để tiếp thị sản phẩm của mình, rồi tiện tay mang theo luôn Tabletop của bạn bè, thế rồi từ đó cho ra đời cửa hàng Tabletop Baodao.
Bên trong cửa hàng toàn bộ đều là trò chơi Tabletop do Đài Loan sáng tạo với vô số chủ đề như dân tộc nguyên trú, xe điện ngầm, công ty điện lực, kể cả gạch hoa Đài Loan cũng có thể trở thành đề tài Tabletop.
Do kéo theo năng lực giáo dục sáng tạo đổi mới của Đài Loan, việc sử dụng Tabletop hỗ trợ cho công tác giảng dạy được giáo viên và phụ huynh ưa chuộng, điều này cũng khiến cho Tabletop Đài Loan có hiện tượng phát triển theo chiều hướng giáo dục. Chính vì thế, nhiều tụ điểm chơi Tabletop độc lập bắt đầu mọc lên khắp nơi, khách hàng chủ yếu là những tay chơi Tabletop và nhóm khách hàng chủ yếu tìm đến quầy Tabletop Baodao đặt tại Trung tâm thương mại thường là các bậc phụ huynh và con cái. Giúp con cái rời xa sản phẩm 3C, tạo ra những khoảnh khắc cho cha mẹ được ở bên cạnh các con, qua đó có thể kích thích suy nghĩ và phản ứng cho trẻ, đây cũng chính là nguyên nhân mà cha mẹ lựa chọn trò chơi Tabletop.
Ngoài những trò Tabletop được bán trong cửa hàng, một số Tabletop có nội dung giáo dục cao cấp thường được các công ty cố vấn chọn làm đề tài huấn luyện nhân lực, ví dụ như trò “Winnor” được anh Lâm Gia Tiến thiết kế dựa trên câu chuyện khởi nghiệp của chính bản thân. Anh nhận thấy rằng, giáo dục trong trường học truyền thống chủ yếu tập trung việc đào tạo nhân viên và huấn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong môi trường công việc, còn liên quan đến Know how trong khởi nghiệp, mọi người đều vừa khởi nghiệp vừa tự mày mò, quá trình rất gian nan, vì vậy anh Lâm Gia Tiến mới nảy sinh cảm hứng trải nghiệm khởi nghiệp qua trò chơi, thử cách thông qua Tabletop giảm bớt cơ hội va chạm cho người khởi nghiệp.
Cả thế giới đều trở thành sân khấu cho Tabletop Đài Loan
Ngoài những đề tài xã hội trong nước được đưa vào thiết kế Tabletop, đa số những trò chơi Tabletop do Đài Loan sáng tạo đều có cơ hội bán ra thị trường quốc tế. Trong thế giới Tabletop, cơ chế trò chơi đều tương thông, có một số chỉ cần thêm bớt chữ số là có thể tiến hành trò chơi, thêm vào đó là năng lực thiết kế mỹ thuật của đa số nhà sản xuất giúp cho Tabletop Đài Loan khi tham dự các triển lãm quốc tế thường được các tay chơi nước ngoài thích thú. Chẳng hạn như Tabletop “Harvest Island” được hợp tác sản xuất bởi công ty Big Fun và họa sỹ vẽ tranh minh họa Khưu Hinh Di (CHIU,HSIN-I), trên mỗi tấm thẻ bài được vẽ hình ảnh hoa quả và động vật đặc hữu của Đài Loan, nét vẽ tinh tế mang phong cách diệu kỳ, trông giống như tác phẩm nghệ thuật khiến cho Tabletop không chỉ đơn thuần là một trò giải trí, mà còn mang giá trị sưu tầm. Bộ Tabletop “Harvest Island” không những được Bộ Ngoại giao tuyển chọn làm món quà tặng đặc sắc của Đài Loan năm 2018, mà còn được đại lý ký hợp đồng bán sản phẩm trên khắp Châu Âu.
Anh Dương Đông Nhạc chia sẻ, khi thiết kế trò chơi, công ty Big Fun đã nhìn thấy tiềm năng bán hàng trong liên tiếp 5 năm sắp tới, vì thế họ chịu bỏ ra chi phí thiết kế mỹ thuật lên đến 6 con số 0. Thoạt nhìn có vẻ vốn đầu tư rất cao nhưng một khi bán ra thị trường toàn thế giới, kết hợp khái niệm phân bổ dần chi phí sử dụng tài sản trong suốt vòng đời của tài sản đó (khái niệm khấu hao tài sản cố định vô hình), thì thực tế cách đầu tư như vậy là rất xứng đáng. Để cho con người bận rộn thời hiện đại lựa chọn trò chơi Tabletop, trong khi họ có vô số sự lựa chọn giải trí khác như xem phim hoặc chơi game trên điện thoại, thì càng cần phải cho ra những sản phẩm tinh tế để mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm khó quên khi chơi Tabletop.
Bước tiếp theo của Tabletop Đài Loan
Năm 2018 Đài Loan xuất bản hơn 100 sản phẩm Tabletop, bên cạnh đó trong vòng 1 năm có đến 50-60 cuộc triển lãm liên quan đến Tabletop, thậm chí trong cùng một thời gian có 5 Tabletop cùng lúc kêu gọi đầu tư cộng đồng, tất cả những dấu hiệu trên cho thấy Tabletop hiện đang phát triển bùng nổ tại Đài Loan.
Trong thế giới Tabletop, mỗi một bước đi hay mỗi sự lựa chọn đều là kết quả do chính người chơi tự suy nghĩ và quyết định. Tronǵ một số trò chơi, sự lựa chọn không chỉ liên quan đến thắng thua của bản thân, mà còn ảnh hưởng tới nhiều người chơi cùng. Người chơi phải hợp tác cùng đồng đội, chọn vị trí phù hợp và ngăn cản đối phương, v.v..., sự tương tác này vô cùng thực tế và trực tiếp. Điều đó không những mang lại hứng thú cho người chơi Tabletop, mà nhờ vào hiệu quả kích thích tư duy, khơi nguồn động lực học tập nên đã thu hút sự chú ý của nhiều người làm công tác giáo dục.
Khi ngày càng nhiều người đầu tư khai thác ngành sáng tạo Tabletop, đồng thời thông qua nhiều kênh giao lưu khác nhau giúp công chúng làm quen với trò chơi này, cũng là lúc ngành công nghiệp Tabletop Đài Loan dần dần chuyển từ thị trường không cạnh tranh sang thị trường cạnh tranh, càng phải tích cực khai thác thêm nhiều thị trường. Cô Trần Uyển Du cho rằng, Tabletop dành cho đối tượng người cao tuổi sẽ là phương hướng có thể thử sức trong tương lai. Chơi Tabletop giúp phát triển trí não và mở rộng quan hệ xã giao cho người cao tuổi, bên cạnh đó còn gia tăng sự giao lưu kết nối với con cháu, thậm chí trở thành thành viên quảng bá giảng dạy Tabletop, mang lại cho cuộc sống hưu trí thêm phần phong phú.
Tabletop cũng gặp những vấn đề tương tự như ngành công nghiệp nội dung, chẳng hạn như ngành hoạt hình hay sách tranh, làm đại lý cho các tác phẩm nước ngoài vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm công sức, hơn nữa cũng đã có tiếng tăm trên thị trường. Nhưng vì sao các nhà xuất bản Tabletop lại chịu bỏ số vốn cao hơn để mạo hiểm, kiên quyết xuất bản những tác phẩm do Đài Loan sáng tác? Có lẽ như anh Dương Đông Nhạc đã nói: “Phải tìm ra con đường riêng cho ngành sáng tạo văn hóa Đài Loan”, có thể nói ngành sáng tạo Tabletop sẽ là một sân khấu mới cho ngành công nghiệp sáng tạo văn hóa Đài Loan được dịp phát huy sức mạnh.