Sự tinh tế đằng sau một ly thức uống hoàn hảo
Thức uống Đài Loan gây sốt toàn thế giới
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 8 2023
Người Đài Loan trồng trà, chế biến trà và phát huy sức sáng tạo để đưa ra các món thức uống pha chế nổi tiếng thế giới.
台灣的大街小巷,走幾步就有手搖飲店,每間都各具特色,讓飲料成了創意的凝聚。且看台灣的手搖飲是如何從這塊土地出發,走向全世界。
Trên các phố lớn ngõ nhỏ ở Đài Loan, chỉ cần đi vài bước là có thể bắt gặp một tiệm bán thức uống, mỗi cửa hàng đều có đặc điểm riêng của mình, để các món thức uống trở thành nơi tập hợp của những ý tưởng sáng tạo. Mời các bạn hãy cùng theo dõi câu chuyện về thức uống Đài Loan đã vươn ra thế giới như thế nào.
Theo thống kê của Bộ Kinh tế, doanh thu năm 2022 của các cửa hàng thức uống tại Đài Loan đã vượt quá 100 tỷ Đài tệ và theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến tháng 11 năm 2022, mật độ cửa hàng kinh doanh thức uống rất cao, trên khắp Đài Loan có hơn 28.000 cửa hàng kinh doanh thức uống.
Người Đài Loan thích trồng trà, chế biến trà và cũng thích uống trà, nhưng vì sao thói quen pha trà nóng lâu đời đã biến thành đồ uống lạnh trong vài thập kỷ qua và còn cho thêm vào nhiều loại topping khác nhau, tạo ra hương vị luôn thay đổi và quyến rũ.
Hương vị của sự hòa quyện
Ông Liu Hanjie (Lưu Hán Giới) – người sáng lập Chun Shui Tang (Xuân Thủy Đường) nói, cha ông vốn làm bác sĩ, ông luôn thấy cha mình sầu não vì những nỗi khổ của bệnh nhân, chỉ có lúc ngồi pha trà ông mới thấy cha thoải mái vui vẻ nên đã lưu giữ ấn tượng “uống trà là điều rất hạnh phúc”.
Ông Lưu Hán Giới yêu trà một cách say mê, ông đích thân đi đến các khu vực sản xuất trà nổi tiếng trên thế giới để học hỏi về kiến thức liên quan đến trà. Ông cho rằng, xét từ góc độ lịch sử hay địa lý, trà vẫn là ngành có thể kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, theo nhận thức của người dân thì dụng cụ, nghi thức khi pha trà đều quá phức tạp, chỉ có những người lớn tuổi mới quan tâm, giới trẻ chỉ thích đi đến tiệm chè, nhà hàng Tây để ăn kem, uống nước ngọt nên làm sao để đồ uống làm từ trà có thể đi vào đời sống của giới trẻ đã trở thành một thách thức đối với ông.
Ông Lưu Hán Giới có lần đến Nhật Bản, bạn ông gọi cà phê đá, ông thấy nhân viên pha chế đã cẩn thận dùng máy pha Siphon để pha cà phê, rồi đổ vào bình lắc pha chế, cho thêm đá, rồi lắc mạnh hỗn hợp để làm thành ly cà phê đá. Ông hy vọng nhân viên pha chế đó có thể dùng phương pháp tương tự để pha hồng trà đá cho mình nhưng không ngờ lại bị từ chối với lý do là trà chỉ nên uống nóng. Trong lòng không phục, khi trở về Đài Loan, ông đã tự dùng bình lắc pha chế để thử và tìm tòi ra cách chế biến món hồng trà sủi bọt.
Từ nhỏ, Trợ lý giám đốc Lưu Ngạn Linh của Tập đoàn trà Chun Shui đã cho rằng, thức uống pha chế được vun vén từ biết bao nhiêu công sức sáng tạo, cho thấy tính linh hoạt và khả năng tổng hợp của người Đài Loan. Đây cũng chính là biểu tượng về thực lực của Đài Loan.
Năm 1983, ông Lưu Hán Giới đã mở tiệm trà Yangxian, ngoài bán các dụng cụ pha trà, còn lập một quầy bar nho nhỏ, chuyên bán các loại thức uống trà sủi bọt. Kết quả là các món trà lạnh này được phản hồi rất tốt, giúp tiệm trà Yangxian ngày càng phát triển. Do thấy được cơ hội kinh doanh của các loại trà lạnh nên ông đã mua hẳn một cửa tiệm tại đường Siwei ở Đài Trung, sáng lập thương hiệu Chun Shui Tang, từ đó thay đổi diện mạo thức uống làm từ trà ở Đài Loan.
Sức hấp dẫn của đồ uống lắc tay
Cũng là hồng trà cho thêm đá vào, nhưng sau khi được bỏ vào bình lắc pha chế lắc qua lắc lại thì có gì khác biệt? Cô Angela Liu (Lưu Ngạn Linh) – Trợ lý giám đốc của Tập đoàn trà Chun Shui nói, dùng bình pha chế lắc qua sẽ giúp đá và nước trà có thể hòa quyện vào nhau, nước trà sau khi lắc cũng sẽ tự tạo bọt, làm thay đổi kết cấu và hương vị của trà. Bọt trà mịn và nhỏ li ti sẽ khiến cho món trà thêm nhiều tầng lớp hương vị, đây cũng chính là đặc điểm hấp dẫn của những món trà pha chế.
Trà quán nhân văn Chun Shui Tang xem trọng phục vụ chu đáo, trưng hoa tươi, treo tranh ảnh trong quán để tạo không khí lãng mạn khi thưởng thức trà.
Giờ đây, những món trà này đã trở thành văn hóa ẩm thực mang tính hấp dẫn riêng của Đài Loan, kinh điển nhất là trà sữa trân châu. Cô Lưu Ngạn Linh với tư cách là truyền nhân thế hệ thứ hai của Chun Shui Tang cười nói, nhiều người cho rằng trà sữa trân châu là sản phẩm tự nhiên “từ trên trời rơi xuống”, nhưng thật ra đây là cảm hứng mà cha cô đã mày mò được từ kinh nghiệm của người xưa. Thời xưa, người ta hay bỏ thêm mứt, rau thơm vào trà khi uống, ông Lưu Hán Giới đã nhờ nhân viên cùng suy ngẫm về khả năng cho thêm topping vào trong thức uống trà hiện đại. Kết quả là cửa hàng trưởng lúc bấy giờ là bà Lâm Tú Tuệ - Giám đốc R&D của Tập đoàn Trà Chun Shui hiện nay, đã thử cho viên Fen-yuan (trân châu) vào trong trà sữa, không ngờ lại hợp đến thế. Cô Lưu Ngạn Linh nói, lúc bấy giờ hầu như đã thử cho tất cả các loại topping dùng với kem đá bào vào trà, chỉ duy nhất có Fen-yuan là thích hợp bỏ vào trà nhất, “đây chính là nguồn gốc của trà sữa trân châu”.
Thưởng thức trà đạo cần có không gian đẹp
Với ông Lưu Hán Giới, trà quán là nơi chứa đựng niềm vui của nhân gian, phố thị, ông hy vọng có thể tái hiện tấm lòng dùng “xuân thủy” tiếp đón khách quý của các văn nhân ngày xưa vào thời nay.
Thế là ông Lưu Hán Giới đã tạo nên bầu không khí lãng mạn trong trà quán. Vừa bước vào tiệm, đập vào mắt là tác phẩm thư pháp “Trà kinh” được treo giữa tiệm, trên tường còn có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và tranh vẽ khác, cùng với những bình hoa tươi đặt rải rác ở các nơi trong trà quán, để khách có thể ngồi trên những chiếc ghế gỗ chắc nịch, tay cầm ly trà, cảm thụ văn hóa phương đông.
Trà sữa trân châu đến từ Đài Loan đã trở thành cầu nối giữa Đài Loan và thế giới.
Chun Shui Tang đã làm dấy lên xu hướng uống thức uống pha chế ở Đài Loan, trà sữa trân châu cũng đã trở thành món du khách nhất định phải thử khi đến Đài Loan. Để có thêm nhiều người hiểu rõ văn hóa thức uống pha chế ở Đài Loan, Chun Shui Tang còn đặc biệt giới thiệu hoạt động trải nghiệm DIY trà sữa trân châu, hướng dẫn người dân cách phân biệt nước trà, chế biến trân châu, mọi người có thể tự tay dùng bình lắc pha chế ly hồng trà sủi bọt, trà sữa trân châu, để hiểu được rằng đằng sau một ly trà sữa còn có bao nhiêu điều phải chú ý.
Cái tâm đằng sau những ly thức uống
Bước vào bất kỳ cửa hàng thức uống nào ở Đài Loan, bạn cũng sẽ dễ dàng phát hiện mỗi thương hiệu thức uống hầu như đều có món trà sữa tươi. Tuy nhiên, món thức uống tưởng chừng bình thường như bây giờ, thực ra cách đây hơn chục năm lại khá hiếm... Từ năm 2004, thương hiệu trà Milkshop với dòng thức uống chính được pha chế từ sữa tươi, đã bắt đầu mở ra một “vùng trời mới” trong thị trường thức uống. Giám đốc của hãng Milkshop là ông Huỳnh Sĩ Vĩ cho biết, vào thời mà người dân chỉ xem trọng vấn đề giá cả, không đặc biệt quan tâm đến chất lượng, “thương hiệu với dòng sản phẩm chủ yếu là sữa tươi có thể nói khá là đặc biệt”, nhưng làm sao để người dân chịu bỏ ra số tiền đắt hơn 40% để mua, đó chính là bài toán khó mà Milkshop phải tự tìm lời giải.
Phương án giải quyết mà ông Huỳnh Sĩ Vĩ đưa ra là tiếp tục giữ vững chất lượng của thức uống trong tiệm, đồng thời cũng phải nâng cao hình thức các cửa hàng, để người dân cảm thấy sản phẩm này tương xứng với giá cả. Khi đa số cửa hàng trà sữa còn dùng bàn inox để làm quầy tính tiền, thì Milkshop đã đưa những yếu tố mang sắc màu tự nhiên như chất liệu gỗ, màu xanh, xám để hòa vào trong thiết kế mặt bằng của mình.
Từ khi thành lập, Milkshop đã kiên quyết sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, họ đã tự chế biến ra trân châu trắng không dùng phẩm màu, không chất bảo quản từ rất sớm. Khi toàn thế giới nổi lên phong trào “từ nơi sản xuất đến bàn ăn”, thì Milkshop lại đi “từ nơi sản xuất đến ly nước”, luôn nhấn mạnh dùng các nguyên liệu tưới. Ví dụ như với sản phẩm tiêu biểu là sữa tươi khoai môn, họ sẽ gửi thẳng khoai môn tươi đến các cửa hàng chi nhánh, hàng ngày mỗi cửa hàng sẽ tự hấp chín khoai, tán nhuyễn rồi cho vào trong sữa tươi, còn đường đen sẽ do các cửa hàng tự nấu, “khi uống sẽ có hương thơm caramel, đó là hương vị rất đặc biệt”, ông Huỳnh Sĩ Vĩ nói.
Milkshop chủ yếu bán các dòng sản phẩm liên quan sữa tươi, mở ra một “khoảng trời mới” trong thị trường thức uống.
Tổng giám đốc Huỳnh Sĩ Vĩ (thứ 5, từ trái qua) của Milkshop đã cùng nhân viên chế biến thức uống với cái tâm như làm cho trẻ em uống, pha chế ra những ly thức uống vừa ngon, vừa khiến người dùng an tâm.
Ông Huỳnh Sĩ Vĩ dẫn đầu đội ngũ nhân viên Milkshop, làm thức uống như làm cho trẻ em uống, pha chế ra những món thức uống vừa ngon, lại vừa khiến người ta an tâm. Khi xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, sự phát triển của Milkshop cũng ngày càng vững vàng, thương hiệu này đã có hơn 260 cửa hàng trên khắp Đài Loan. Tháng 2 năm nay, hai sản phẩm sữa tươi khoai môn và sữa tươi thuần Chocolate Valrhona của Milkshop đã nhận được sự khẳng định từ giải thưởng 3 sao về Hương vị thuần khiết toàn cầu (A.A. Taste Awards).
Nhìn thấy thiết kế Đài Loan từ ly thức uống
Xu hướng kinh doanh của ngành thức uống đang ngày càng cao cấp hóa, thức uống không những phải ngon, tự nhiên, mà còn phải đẹp.
Thương hiệu trà Chun Fun How được sáng lập vào năm 2014 dùng những chiếc ly có thiết kế bắt mắt để gây sự chú ý ở thị trường trong vào ngoài nước. Người sáng lập Lin Chun-chen (Lâm Tuấn Thừa) và Canny Lee (Lý Quán Thuyền) không những quan tâm đến việc tìm tòi phát triển các món thức uống, mà họ luôn suy ngẫm làm thế nào để xây thương hiệu, để trà Chun Fun How của Đài Loan có thể vươn ra thế giới.
Với hi vọng có thể tạo dựng được cả hiệu ứng vị giác và thị giác khi thưởng thức đồ uống, Chun Fun How đã đặc biệt cho thiết kế ly có in hoa để khách hàng nhìn thấy ly đẹp, tâm trạng cũng sẽ vui hơn. Như ly hoa đào, ngụ ý mang lại may mắn trong các mối quan hệ và công việc cho người uống.
Hai người sáng lập của thương hiệu này đều yêu thích văn hóa bản địa Đài Loan, họ đã cùng đưa ra ý tưởng về những chiếc ly mang biểu tượng của Đài Loan, bao gồm ly in hình động vật như gấu đen Formosa, hươu sao, lợn rừng, hay in những biểu tượng vật tổ của người dân tộc nguyên trú Đài Loan lên những chiếc ly đựng trà. Lâm Tuấn Thừa sinh ra ở Đài Nam, với tấm lòng yêu quê hương tha thiết, anh cũng đã thiết kế ra chiếc ly in các thắng cảnh nổi tiếng tại Đài Nam như lâu đài cổ An Bình, đền Khổng Tử... Anh cho biết, những chiếc ly mang đậm bản sắc Đài Nam này đã được các cửa hàng ở nước ngoài đón nhận nồng nhiệt.
Ngành thức uống pha chế của Đài Loan phát triển mạnh mẽ, từ thức uống, ly đựng cho đến trang trí trong cửa tiệm đều ngày càng tinh tế.
Những chiếc ly đầy sáng tạo của Chun Fun How với các chủ đề khác nhau như ly hoa, để người dùng vừa được uống ngon lại vừa đẹp mắt.
Mỗi khi có cửa tiệm khai trương tại nước ngoài, thương hiệu cũng sẽ thiết kế các kiểu ly mang yếu tố của địa phương để chào mừng, như ly Trung Hoàn – Hong Kong in hình tàu điện leng keng Hong Kong, biển báo tên đường, hiệu cầm đồ... Trên nền ly màu đen, dùng đường viền kim tuyến điểm xuyết thêm những bông hoa, để ly trông càng đẹp và sang trọng hơn. Những kiểu ly này sẽ được sử dụng luân phiên ở các cửa hàng trà Chun Fun How, mỗi lần mua thức uống, khách hàng đều sẽ có bất ngờ nho nhỏ vì không biết mình sẽ được nhận chiếc ly như thế nào.
Thức uống Đài Loan vươn ra thế giới
Những năm gần đây, các thương hiệu trà của Đài Loan liên tục mở rộng thị trường ra nước ngoài như trà quán nhân văn chú trọng phục vụ chu đáo của Chun Shui Tang tiến vào Nhật Bản, Hong Kong; Chun Fun How có ly in hình tinh tế đẹp mắt, cùng món trà xanh vải lô hội mật ong nổi tiếng đã thu hút nhiều đại lý đến từ các nước như Singapore, Anh, Vancouver đến đàm phán hợp tác. Còn thương hiệu trà sữa Milkshop kinh doanh thương hiệu hải ngoại tại Hong Kong, Anh, Úc, Philippines. Sau khi hợp tác cùng tập đoàn ẩm thực đa quốc gia Philippines Jolliebee, còn mở rộng thị trường đến Mỹ, để thức uống pha chế của Đài Loan có thể bay cao, bay xa hơn nữa. Mời mọi người thưởng thức ly nước có hương vị của cuộc sống hạnh phúc.
Anh Lâm Tuấn Thừa (trái) và cô Lý Quán Tuyền (phải) khi sáng lập thương hiệu trà Chun Fun How đã mong muốn để thế giới được uống những ly thức uống tinh tế của Đài Loan, để thương hiệu của mình bay cao, bay xa hơn.
Thức uống pha chế ở Đài Loan không ngừng phát triển như cho thêm sữa tươi, trái cây, những nguyên liệu topping ở địa phương, tạo ra hương vị phong phú và đa dạng.