Kamaro’an ở lại đây nhé!
Tái sinh ngành thủ công đan thủy trúc
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 8 2019
這是一個關於編織的故事,從舒米‧如妮復育海梯田、輪傘草開始,遇見了在花東推動產業輔導的林易蓉,再加入了設計師劉立祥、張雲帆,所有的環節被編織起來,成為一盞簡約、現代風格的浪草燈,說著品牌Kamaro'an的故事。
Đây là câu chuyện liên quan đến nghề thủ công đan truyền thống, bắt nguồn từ cô Sumi Dongi, người đã phục hồi những thửa ruộng bậc thang cạnh biển, phục hồi ngành đan bằng cây thủy trúc, sau đó gặp gỡ Lin Yi Rong (Lâm Dịch Dung), người tư vấn thúc đẩy ngành nghề vùng Hoa Liên-Đài Đông (gọi tắt Hoa Đông), rồi gia nhập thêm hai nhà thiết kế Liu Li Xiang (Lưu Lập Tường), Zhang Yun Fan (Trương Vân Phàm), khi tất cả những mối liên kết trên được đan lại với nhau, đã trở thành cây đèn lượn sóng (Riyar Light) được đan bằng cây thủy trúc với phong cách hiện đại tối giản, kể cho chúng ta nghe câu chuyện về thương hiệu Kamaro'an.
Được kết hợp bởi thiết kế và thủ công mỹ nghệ, đèn lượn sóng Riyar Light đã tỏa sáng trên bầu trời quốc tế, một thiết kế vừa mang đặc sắc địa phương lại mang nét thời thượng đã giành được giải thưởng "nhà thiết kế trẻ châu Á" tại triển lãm nội thất quốc tế Maison et Objet của Pháp. Khi chiếc đèn đến các nước Châu Âu tham gia triển lãm, thường nghe bạn bè quốc tế thốt lên những từ khen ngợi như Elegant (sang trọng), Poetic (thơ mộng), Sculptural (điêu khắc), và Authentic (chân thực); đèn lượn sóng Riyar Light cũng đã trở thành quà tặng ngoại giao trong những chuyến thăm các nước bang giao của Tổng thống Thái Anh Văn, nét đẹp của thủ công mỹ nghệ Đài Loan đã được mọi người trên thế giới nhìn thấy.
Cửa hàng Kamaro’an (Ngọn gió Thái Bình Dương) bán sản phẩm mỹ nghệ tuyển chọn của vùng Hoa Đông, nằm trong khu nhà gạch ngói đỏ thuộc khuôn viên Công viên sáng tạo văn hóa Hua Shan (Hoa Sơn). Hai cô gái Ngodo và Nacu đang chăm chú đan bện, Ngodo đang dùng phương pháp đan bện bằng một sợi mây của dân tộc Amis để bện quai cầm tay của chiếc túi vải hình tam giác. Còn Nacu thì ngồi trước một giàn đan bện với chiều dài 150 cm và chiều ngang 12 cm, cô lấy 2 lát thân cây thủy trúc, sau khi cố định trên giàn đan bện thì dùng cọng dây bằng giấy vòng từ phía trên xuống phía dưới lát thủy trúc rồi bắt chéo lại, sau đó dùng trọng lượng của con lắc ép lát thủy trúc xuống.
Nacu vừa đan vừa nói: "Đây là cách đan chiếu, hồi nhỏ ở đây nhà nào cũng có một giàn đan chiếu, chúng tôi đều từng xem bà nội đan chiếu, ... sau này học cách làm đèn lượn sóng, tuy là có vật liệu thủy trúc nhưng lại không có giàn đan, nên đành chạy qua nhà dì Sumi vác một chiếc về".
Tìm lại những gì đã mất
Những thứ bị quên lãng không chỉ riêng mỗi giàn đan chiếu, sự biến đổi hình thái cuộc sống trong bộ lạc Gangkou (Cảng Khẩu) ở Xã Fengbin (Phong Tân), huyện Hualian (Hoa Liên) cũng khiến cho rất nhiều phong cảnh nơi này dần dần biến mất, chẳng hạn như hình ảnh những cánh đồng khô cạn nước trở thành rừng hoang phế, hình ảnh chị em phụ nữ trong bộ lạc ngồi đan chiếu cói vào những lúc nhàn rỗi, v.v…đã không còn nữa.
Chính vì thế, quyết tâm phục hồi ruộng bậc thang, đồng thời cũng cho trồng lại cây thủy trúc và Quế đất (cây Hồi nước) là hai loài thực vật có quan hệ cộng sinh với lúa nước, để cho quang cảnh biển lúa vàng ươm chạy dọc bên con đường Tỉnh lộ số 11 và ngành thủ công đan chiếu của người dân tộc Amis một lần nữa trở thành phong cảnh của bộ lạc Gangkou.
Loài cây thủy trúc vốn nổi tiếng bởi hình dáng lá tựa như khung chiếc ô, thân cây thẳng tắp lại không có đốt, có thể mọc cao đến 3 mét, được người Amis sử dụng làm vật liệu đan chiếu. Cô Sumi nhớ lại, ngày xưa cứ độ mùa hè tháng 6, tháng 7, cả xóm nhà nào cũng vừa phơi hạt kê vừa phơi cây thủy trúc hoặc đan chiếu. Vào mùa hè, mọi người đều không ngủ trong nhà, mà trải chiếu ngủ dưới bầu trời đầy sao. Trước kia kế bên ruộng là có "Daruan" (ngôi nhà nhỏ dành để nghỉ ngơi), trong bộ lạc vợ chồng nào mới cưới thường mang chiếu ra Daruan để tâm tình. Cô Sumi nói: "cây thủy trúc là một phần vẻ đẹp cuộc sống bộ lạc, hơn nữa nó rất gắn bó với sinh hoạt của người dân nơi đây."
Cô Sumi suy nghĩ cây thủy trúc còn có thể được sử dụng như thế nào, hơn nữa làm sao xây dựng thành một ngành nghề cho địa phương, giúp bộ lạc có được cơ hội việc làm ổn định. Tuy cách đan chiếu thủy trúc đơn giản nhưng do Đài Loan có độ ẩm cao nên làm thế nào để giải quyết vấn đề cây thủy trúc dễ bị ẩm mốc trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Sau vài lần làm thử, từ phương pháp chẻ mây của người dân tộc Amis giúp cô Sumi tìm được cảm hứng, nghĩ ra ý tưởng chỉ tách phần vỏ của thân cây thủy trúc, bỏ đi phần mạch ống hấp thụ nước ở chính giữa thân cây, sau đó mang đi phơi nắng để chẻ thành lát thủy trúc, cô cũng theo các bậc trưởng lão trong bộ lạc học kỹ thuật đan của người dân tộc Amis .
Cuộc hội ngộ với thiết kế đương đại
Thuở ban đầu, hai bạn Zhang Yun Fan và Liu Li Xiang cùng với cô Dong Fang Wu (Đổng Phương Vũ) giảng viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã thực hiện hành trình tìm về văn hóa bộ lạc. Trong những năm qua, có khá nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nghệ thuật, khai thác văn hóa và thủ công mỹ nghệ truyền thống của bộ lạc nhưng việc khai thác thường bị ngừng lại do chương trình hỗ trợ kết thúc, chính vì thế tài nguyên văn hóa bộ lạc không thể phát triển bền vững, "rất nhiều câu chuyện và văn hóa được tìm lại, nhưng bước tiếp theo là vấn đề làm thế nào để ngành nghề hóa những yếu tố văn hóa đó", cô Zhang Yun Fan giải thích vấn đề mà nhóm của cô muốn giải quyết.
Cô Tipus Hafay (tên tiếng Hán: Lin Yi Rong), xuất thân từ bộ lạc Nataoran bộ tộc Amis ở Xã Jian (Cát An), sau khi tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Thành thị Nông thôn trường Đại học Quốc gia Đài Loan, cô làm việc ở Đài Bắc hơn 5 năm rồi cuối cùng có được cơ hội trở về quê hương làm công tác hỗ trợ tư vấn ngành nghề truyền thống khu vực Hoa Đông (Hoa Liên-Đài Đông).
Nhờ sự giới thiệu của cô Tipus, đội ngũ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã hợp tác với cô Sumi, người đã nghiên cứu thành công cách làm những lát thân cây thủy trúc. Cô Sumi đề xuất: "Cây thủy trúc sợ ẩm, mà đèn thì phát ánh sáng và tỏa nhiệt, làm thành đèn trang trí là cách tốt nhất để phòng tránh thủy trúc bị ẩm mốc."
Đội ngũ thực hiện kế hoạch phải học từ bước cơ bản, cả đội theo cô Sumi học cách làm thế nào để xử lý cây thủy trúc và phương pháp đan, tìm hiểu quy trình đan cần bao nhiêu thời gian, cũng như những biến hóa có thể phát triển trong quá trình đan.
Anh Liu Li Xiang nói: "Sống trong bộ lạc, ngày nào cũng ngắm núi ngắm biển, không biết từ khi nào mà lại làm ra hình dáng như những con sóng biển (đèn lượn sóng bằng thủy trúc), mỗi góc nhìn đều mang lại hiệu ứng thị giác khác nhau, rất giống như những gợn sóng biển mang theo nhịp điệu", chỉ cần kết hợp vài hình dáng đơn giản như hình thoi thêm hai hình bán nguyệt, thiết kế đèn lượn sóng vừa tối giản vừa thời trang, cây thủy trúc đã hấp thụ ánh mặt trời của vùng Hoa Đông, chuyển mình thành hình dáng những con sóng biển, đây quả là một thiết kế ẩn chứa nét đẹp thiên nhiên của vùng Hoa Đông.
Để đảm bảo cân bằng giữa việc thể hiện sự tinh tế của nghề thủ công đan và nhu cầu sản xuất số lượng lớn trong tương lai, các nhà thiết kế đã khéo léo đặt chi tiết đan thủ công tại vị trí bắt mắt nhất trên sản phẩm, còn những vị trí khác thì dựa vào phương pháp quy cách hóa để giảm chi phí.
Từ việc tạo hình, đến làm khung nền cho đèn lượn sóng, cứ thế dần dần phát triển ổn định hơn, họ cho rằng đã đến lúc đưa chuỗi sản phẩm đèn lượn sóng ra thử sức trên thị trường, vì thế đã chọn "Kamaro'an" làm tên thương hiệu, sau đó đưa sản phẩm lên trang web "ZecZec" để gây quỹ đầu tư.
Lúc đó họ đặt mục tiêu tập hợp vốn trị giá 200 nghìn Đài tệ, không ngờ đến ngày thứ 12 sau khi đăng tin đã đạt được mục tiêu.
Kamaro'an ở lại đây nhé!
"Kamaro'an" trong ngôn ngữ dân tộc Amis có nghĩa là lời mời chào mọi người "ngồi xuống đi!", mang đậm phong cách cuộc sống đời thường. Cô Zhang Yun Fan giải thích thêm, Kamaro'an còn có một ý nghĩa khác nữa là "Ở lại đây nhé!". Nếu thương hiệu này thành công, hy vọng sẽ tạo ra cơ hội cho các bạn trẻ xuất thân từ bộ lạc trở về và ở lại với quê hương. Đây cũng chính là nguyện vọng sâu sắc phía sau việc xây dựng thương hiệu.
Năm 2015, sau khi thương hiệu Kamaro'an tập hợp vốn thành công, đến khi có được đơn đặt hàng thì cũng là lúc họ bắt đầu đối mặt với thử thách sản xuất số lượng lớn. Cô Sumi tuy đã thu hoạch cây thủy trúc và tích lũy vật liệu từ rất sớm nhưng quy trình chẻ thành lát thủy trúc bắt buộc phải trải qua quá trình phơi nắng trong nhiều tháng hè. Các đối tác trẻ tuổi nghĩ ra cách dùng máy sấy để xử lý thủy trúc, tiết kiệm được thời gian phơi nắng, tuy nhiên máy sấy chỉ có thể khống chế độ ẩm của mạch ống thân cây nhưng lại không thể hoàn toàn hút hết khí ẩm, từ đó mới xác định rằng cây thủy trúc nhất định phải phơi ngoài nắng mặt trời thì mới hoàn toàn khô ráo.
Sau bao nhiêu trắc trở, mãi đến năm 2016 quy trình sản xuất cây thủy trúc mới suôn sẻ̉ và dần dần xây dựng nên mô hình hợp tác với bộ lạc, với mục tiêu giữ vốn lại cho bộ lạc, đồng thời bộ lạc cũng là đơn vị phụ trách thiết lập dây chuyền sản xuất, hy vọng lợi nhuận có được từ yếu tố văn hóa sẽ được dùng để phục vụ cho công tác văn hóa, xây dựng ngành nghề địa phương, và mang cơ hội việc làm ổn định đến cho người dân cũng như tiếp nối nền văn hóa bộ lạc.
Thương hiệu Kamaro'na cũng tham gia các triển lãm nước ngoài, trong hơn hai năm, thương hiệu đã đến Paris, Nhật Bản, Bangkok, Hongkong, Milan và thành phố Frankfurt (Đức) tham dự triển lãm. Hành trình một vòng ra nước ngoài đã mang về cho thương hiệu những đơn đặt hàng đến từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Nhờ các triển lãm quốc tế mà tên tuổi của thương hiệu đã được biết đến, Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại New York (Mỹ) gửi lời mời hợp tác, đưa sản phẩm túi xách thương hiệu Kamaro'an (làm bằng vải hình tam giác có tay cầm được bện bằng lát thân cây thủy trúc) vào bày bán trong hội trường của bảo tàng, đây cũng là cơ hội thể hiện năng lực thiết kế và kỹ thuật thủ công mỹ nghệ của Đài Loan ra thế giới.
"Ngọn gió Thái Bình Dương": Cửa hàng thủ công mỹ nghệ tuyển chọn vùng Hoa Đông Made in Taiwan
Năm 2017, thương hiệu Kamaro'an thành lập cửa hàng "Ngọn gió Thái Bình Dương" tại Vườn sáng tạo văn hóa Huashan, cửa hàng chuyên bán các đồ vật sinh hoạt phong cách nghệ thuật do chính tay đội ngũ nhân viên thương hiệu Kamaro'an tìm kiếm lựa chọn những sản phẩm đặc sắc ẩn mình trong các cửa hàng thủ công nằm khuất sâu ở những con hẻm khắp các thôn xã và thị trấn vùng Hoa Đông. Tiêu chuẩn lựa chọn của thương hiệu Kamaro'an là sản phẩm phải được làm từ chất liệu thiên nhiên, không gia công quá mức nhưng vẫn phải tinh tế từng chi tiết, sau đó nhà thiết kế sẽ phối hợp trưng bày sản phẩm tùy theo hoàn cảnh, từ đó tạo ra phong cách cuộc sống mà thương hiệu Kamaro'an muốn hướng tới.
Thương hiệu Kamaro'an luôn mong mỏi có một cửa hàng trưng bày sản phẩm thực tế để có thể trực tiếp tương tác với người tiêu dùng và quan sát sở thích của họ. Anh Liu Li Xiang giải thích, trong những năm gần đây mọc lên rất nhiều cửa hàng bán đồ dùng sinh hoạt phong cách nghệ thuật, nhưng rất ít nơi giống như cửa hàng "Ngọn gió Thái Bình Dương", chỉ chọn sản phẩm sản xuất tại Đài Loan. Có nhiều du khách nước ngoài trong Vườn sáng tạo văn hóa Huashan muốn mua hàng made in Taiwan, vì thế sản phẩm của Kamaro'an khiến du khách vô cùng yêu thích.
Cửa hàng "Ngọn gió Thái Bình Dương" giữ lại một góc không gian trong cửa hàng dành để triển lãm chủ đề thủ công mỹ nghệ vùng Hoa Đông, góc triển lãm sẽ mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng và cũng là nguyên nhân khiến họ quay trở lại với cửa hàng.
Với phong cách không nhấn vào biểu tượng họa tiết người dân tộc và không muốn trở thành cửa hàng bán đồ lưu niệm du lịch, thương hiệu Kamaro'an đã mang những câu chuyện văn hóa vào sản phẩm, lặng lẽ chờ đợi khách hàng từ từ thưởng thức và khám phá ý nghĩa ẩn giấu bên trong.
Nguyện vọng của thương hiệu Kamaro'an là mong muốn có thể chuyển hóa nguồn năng lượng nghệ thuật không ngừng dâng trào trong bộ lạc những năm gần đây, biến chúng trở thành ngành nghề văn hóa địa phương, khiến cho thanh niên bộ lạc trở về và ở lại quê hương của mình. Hơn nữa, trong tương lai cô Tipus cũng hy vọng, thông qua thương hiệu này sẽ có ngày càng nhiều thanh niên theo học các loại hình thủ công mỹ nghệ khác nhau. Cô Tipus nói một cách chân thành: "Nếu không có nhiều mối liên kết với bộ lạc thì thương hiệu này sẽ khó mà đứng vững". Lớp thanh niên thế hệ mới theo chân các bậc trưởng lão học tập, giữ lại kỹ thuật truyền thống thì sau này mới có cơ hội phát huy và thiết kế chính là phương hướng hoặc phương pháp để biến ngành thủ công mỹ nghệ trở thành một nền văn hóa sống.