Thiết kế- Bảo vệ môi trường- Lợi ích công cộng
Túi xách làm từ chai nhựa, thiết kế thời đại của FNG
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 12 2021
據環保署統計,近年來台灣的寶特瓶回收量均高過52億支。如此龐大的數量,可塞滿超過三座的台北101,回收場內堆積如山的寶特瓶磚,即使回收也不能否認塑膠對環境造成的負擔。社會企業「FNG世代設計」致力為回收寶特瓶尋找解方,並以5倍價格收購的方式關懷回收者,希望用設計喚醒大家對減塑的認識,創造良善的循環。
Theo thống kê của Sở Bảo vệ Môi trường, bình quân số lượng chai nhựa phế liệu được thu hồi trong những năm gần đây đã vượt mức 5,2 tỷ chiếc, số lượng khổng lồ này có thể chất đầy 3 toà nhà 101 tầng. Cảnh tượng từng khối chai nhựa phế liệu chất cao như núi trong xưởng rác tái chế khiến ta không khỏi trăn trở, dù có thu hồi đi chăng nữa vẫn không thể phủ nhận gánh nặng mà nguyên liệu nhựa gây ra cho môi trường. Doanh nghiệp xã hội Công ty thiết kế For Next Generation Design FNG nỗ lực tìm kiếm giải pháp thu hồi chai nhựa, quan tâm nhóm người thu gom phế liệu bằng cách mua lại với giá cao gấp 5 lần, hy vọng dùng thiết kế để cảnh tỉnh nhận thức của mọi người về việc giảm sử dụng nhựa, từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn thân thiện.
Năm 2018, đề án được quan tâm nhất trên kênh huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding) không ngờ lại là dự án về một chiếc túi bảo vệ môi trường! Dự án này không chỉ nhận được sự hưởng ứng ủng hộ nhiệt liệt từ nhiều đoàn thể bảo vệ môi trường, mà còn thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, sau cùng đã lập kỷ lục số lượng người tài trợ nhiều nhất dành cho các sản phẩm mang ý tưởng thân thiện với môi trường trên kênh gây quỹ của Đài Loan. Chiếc túi xách trông rất đỗi bình thường, không biết có sức hút gì mà tại sao chúng lại được mọi người yêu thích đến thế?
Người sáng lập FNG-anh Thái Cẩn Bằng, vận dụng năng lực thiết kế để mang lại sức sống mới cho chai nhựa phế liệu.
Chiếc túi đong đầy lý tưởng
Chiếc túi xách mang tên “Túi Tote” được công ty thiết kế For Next Generation Design (sau đây gọi tắt là FNG) bỏ ra 2 năm để phát triển, nguyên liệu sản xuất túi gồm 100% chai nhựa tái chế và 3 chiếc nút gỗ, cùng với nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên của Trái đất.
Nguyên liệu thô của chai nhựa là loại nhựa PET, sau khi được thu hồi, làm sạch, nghiền nát, rồi nung chảy thành hạt polyester, sau đó tiếp tục trải qua các bước khác như kéo tơ, kéo sợi và dệt, quy trình này giúp chai nhựa được tái sinh thành sợi vải để sản xuất ra sản phẩm quần áo may mặc. Công nghệ sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa của Đài Loan đã rất phát triển, nhiều thương hiệu quần áo quốc tế đều có bóng dáng loại sợi thân thiện với môi trường của Đài Loan. Chẳng hạn như trong giải bóng đá World Cup năm 2018, các cầu thủ đến từ 16 quốc gia đã khoác lên mình chiếc áo thi đấu làm bằng sợi vải tái chế từ chai nhựa của Đài Loan.
Anh Thái Cẩn Bằng (Tsai Jinpeng) người sáng lập công ty thiết kế FNG cho biết, tuy công nghệ sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa của Đài Loan đã rất phát triển, nhưng đa số các thương hiệu thời trang chỉ sử dụng từ 10% đến 50% nguyên liệu sợi tái chế trong mỗi sản phẩm may mặc. Nguyên nhân không thể sử dụng 100% sợi vải tái chế không phải vì công nghệ chưa làm được, mà nguyên nhân chính là xem xét đến vấn đề giá thành. Chai nhựa sau khi được thu hồi, bước đầu tiên nhất định phải qua khâu tuyển chọn thủ công, thêm vào đó là quy trình sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa khá phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, chính vì thế khiến cho giá thành sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa cao hơn khoảng 40% so với các loại sợi dệt làm từ chất liệu mới.
Mặc dù giá thành sản xuất khá cao nhưng với quyết tâm thực hiện ý tưởng nền kinh tế tuần hoàn, anh Thái Cẩn Bằng cho rằng, chỉ khi nguyên liệu được sử dụng 100% sợi tái chế từ chai nhựa thì đến lúc sản phẩm bị hư hại vẫn có thể biến chúng trở lại như ban đầu, từ đó tiếp tục thu hồi và tái chế, có như thế mới thực sự đạt được mục tiêu nền kinh tế tuần hoàn và ý tưởng C2C (sản phẩm được tái sinh sau khi hư hại). Chính vì thế anh hy vọng sản phẩm mà FNG thiết kế được dùng đến khi hỏng hoặc hết hạn sử dụng thì chúng vẫn có thể được thu hồi và tái chế lại, sẽ không biến thành rác thải, cũng không trở thành gánh nặng cho môi trường.
Ngoài quan tâm môi trường, anh Thái Cẩn Bằng còn hy vọng có thể giúp đỡ các nhóm đoàn thể yếu thế. Vì vậy, dự án kêu gọi quyên góp sản xuất túi xách từ chai nhựa cũng đã ấp ủ nên kế hoạch thu mua thân thiện đối với người thu gom phế liệu (theo cách gọi thông thường là người thu gom ve chai). Công ty thiết kế FNG hợp tác với Do You a Flavor, một doanh nghiệp xã hội luôn quan tâm đến nhóm người thu gom ve chai, thu mua chai nhựa phế thải với giá cao gấp 5 lần so với giá thị trường.
Có người từng đặt ra câu hỏi tại sao không trực tiếp quyên góp cho những người thu gom ve chai? Anh Thái Cẩn Bằng chia sẻ, người làm nghề thu hồi rác tái chế thường bị cho là thấp kém trong xã hội, đằng sau mỗi người đều có câu chuyện buồn của riêng mình. Công việc thu hồi rác tái chế mất rất nhiều thời gian, có khi cả ngày trời đi nhặt lụm mới đổi được thu nhập ít ỏi vài trăm Đài tệ, khi không còn sự lựa chọn nào khác thì người ta mới chọn đến nghề thu gom ve chai cực nhọc này. Nếu những người thu gom ve chai đã cố gắng dùng sức lao động để đổi lấy thu nhập, thế thì khi giá thu hồi chai nhựa PET được nâng cao, tức là tăng thêm sức mạnh tự lực cánh sinh cho bản thân người yếu thế, từ đó trả cho họ mức thù lao hợp lý, điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nhóm người thu gom ve chai, mà còn thể hiện sự tôn trọng thái độ sống nghiêm túc của họ.
Vì không muốn dùng khẩu hiệu bảo vệ môi trường và công ích để bán các loại túi bảo vệ môi trường bình thường, anh Thái Cẩn Bằng hy vọng chiếc túi Tote được công ty FNG thiết kế phải vừa đẹp mắt vừa hữu dụng, vì thế trong quá trình sáng tạo hình dáng chiếc túi đã tốn không ít công sức. Túi Tote ngoài công dụng là chiếc túi xách, sau khi gấp lại túi sẽ lập tức biến thành chiếc túi đựng ly tinh tế, túi Tote với chiều cao trên 30 cm, nhưng sau khi gấp lại có thể nhỏ bằng bàn tay, rất tiện lợi khi mang ra ngoài. Khi túi Tote được mở ra, toàn bộ nguyên liệu chỉ vỏn vẹn 3 chiếc nút gỗ và vải tái chế từ chai nhựa, nhưng điều đặc biệt là chiếc túi có thể biến hóa thành 3 hình dáng khác nhau, nơi gắn nút gỗ vừa có thể thu gọn túi lại, mà còn là điểm mấu chốt khi muốn biến thành túi đựng ly. Mỗi chi tiết nhỏ được điều chỉnh từng milimet, chiếc túi xách trông có vẻ đơn giản nhưng lại không hề giản đơn.
Chiếc túi Tote được kết hợp bởi tinh thần bảo vệ môi trường, công ích và thiết kế, được ra đời với sứ mệnh tái sinh. (Ảnh: FNG cung cấp)
Tích hợp chuỗi ngành nghề dệt may
Công ty thiết kế FNG tuy chỉ mới chính thức thành lập từ năm 2018 nhưng khi chiếc túi Tote mới ra mắt thị trường đã lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi người. Đằng sau thành công này là nhờ vào sự tích lũy 20 năm kinh nghiệm trong ngành dệt may của người sáng lập-anh Thái Cẩn Bằng.
Thông thường, loại sợi tái chế có độ chịu lực kém hơn một chút so với loại sợi làm bằng vật liệu mới, nếu muốn sản phẩm làm từ sợi tái chế từ chai nhựa đạt chất lượng và có độ chịu lực tốt như sợi làm bằng vật liệu mới, bắt buộc phải nhờ vào kỹ thuật dệt xếp sợi dọc và sợi ngang, bao gồm độ dày mỏng của sợi, phương pháp sắp xếp trong lúc dệt đều phải được điều chỉnh liên tục. Sau khi khắc phục những trở ngại trong kỹ thuật dệt vải, cuối cùng chiếc túi Tote đã đạt được những đặc tính như chịu được trọng lượng lên đến 15 kg, chống thấm và không dễ bị bẩn.
Quy trình sản xuất túi Tote bắt đầu từ khâu kéo sợi, dệt thành vải, sau đó đến khâu in ấn, cắt và may. Theo phương pháp truyền thống, vải sẽ được mang đi cắt xong mới cho in ấn, nhưng do suy nghĩ đến đặc tính thiết kế vẻ ngoài của túi Tote, anh Thái Cẩn Bằng bèn trao đổi với các bậc thợ may với tuổi nghề trên 40 năm kinh nghiệm, cuối cùng quyết định thay đổi quy trình truyền thống.
Anh Thái Cẩn Bằng cho biết, những nhà máy gia công túi Tote thực ra đều thuộc chuỗi ngành nghề dệt may Đài Loan chuyên nhận đơn hàng gia công cho các thương hiệu quốc tế. Các nhà máy này đều đạt chứng nhận Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu (GRS), điều này có nghĩa là các sản phẩm của nhà máy phải chứa ít nhất 20% nguyên liệu thô được làm bằng sợi tái chế, đồng thời là nguyên liệu 100% không gây ô nhiễm. Thông qua các mối quan hệ và kinh nghiệm tích lũy được trong ngành dệt may, anh Thái Cẩn Bằng tìm kiếm được các nhà máy có chứng nhận GRS và sẵn lòng ủng hộ lý tưởng của công ty FNG, cùng nhau thử nghiệm phương pháp và công nghệ mới, thậm chí họ còn từ chối một số đơn đặt hàng gia công để cùng thực hiện quyết tâm sản xuất ra túi xách mang thương hiệu của Đài Loan.
Giao công việc may cho các bà mẹ chuyên làm hàng gia công cũng là một thử sức mang tính phá vỡ truyền thống của FNG. Trước đây khi nhận được đơn đặt hàng thì nguyên liệu sẽ được vận chuyển đến xưởng may gia công, sau đó tất cả các khâu tiếp theo như số lượng hàng xuất ra, tiến độ công việc, chỉ cần trao đổi và giao cho nhà máy gia công phụ trách. Công việc may một chiếc túi xách, từ phần quai túi, nút, cho đến đường kim mũi chỉ trên mặt vải, mỗi một chi tiết đều đòi hỏi sử dụng những kỹ thuật và máy móc khác nhau. Một nhà máy có thể may một chiếc túi hoàn chỉnh, nhưng mỗi một bà mẹ gia công chỉ có một chiếc máy may, họ chỉ phụ trách một bộ phận mà thôi, chính vì thế phía đội ngũ nhân viên phải dựa theo từng bước mang bán thành phẩm đến những gia đình làm gia công khác nhau để hoàn thành chiếc túi. Điều này tương tự như kiểu nhiều nhà máy bị chia cách tứ tán, đội ngũ nhân viên phải tốn rất nhiều thời gian để làm công tác quản lý và trao đổi, lại còn khó kiểm soát được thời gian xuất hàng. Mặc dù như thế nhưng FNG vẫn chọn sử dụng nguồn nhân lực các bà mẹ gia công với hy vọng có thể mang lại thu nhập ổn định cho họ.
Người thu gom ve chai dùng sức lao động để đổi lấy thu nhập, thái độ sống nghiêm túc đáng nhận được tự tôn trọng. (Ảnh: FNG cung cấp)
Túi Tote ra đời và hướng đi tiếp theo
Khi kêu gọi huy động vốn sản xuất túi Tote, mặc dù số tiền đề xuất theo dự kiến ban đầu là 300.000 Đài tệ, nhưng anh Thái Cẩn Bằng cũng nói thật lòng rằng, “thực tế thì cần phải có 3 triệu mới miễn cưỡng hoàn thành kế hoạch với khoản lỗ nhỏ”. Nhưng nào ngờ, số tiền huy động được vượt ngoài sự mong đợi, lên đến 18 triệu Đài tệ, nhận được sự khẳng định và tài trợ của trên 10.000 lượt người. Điều này đã tăng thêm sức mạnh giúp đội ngũ bước nhanh hơn đến lý tưởng của mình.
Nhờ vào sự nỗ lực của các bà mẹ làm gia công và nhà máy, hiện tại đã thuận lợi xuất ra hơn 60.000 chiếc túi Tote, sau đó lập kế hoạch tiếp tục thiết kế túi đựng cơm hộp, kết hợp với tấm thảm trò chơi cờ bàn Board game khi đi dã ngoại v,v..., tất cả sản phẩm đều 100% làm bằng sợi tái chế từ chai nhựa, hy vọng tìm ra phương hướng phát triển đa dạng trong việc tái chế từ chai nhựa phế liệu.
Tiếp nối kế hoạch thu mua thân thiện với người thu hồi ve chai, công ty FNG tiếp tục hợp tác với các đơn vị như doanh nghiệp xã hội Do You a flavor, chuỗi thương hiệu thức uống Milkshop, công ty hữu hạn Fun Lead Change điều hành hệ thống thu hồi tự động, cùng thúc đẩy phát triển Kế hoạch thu hồi thân thiện 3.0 (Recycling-Friendly Project 3.0), thiết kế lắp đặt máy thu hồi tự động bên ngoài tiệm bán thức uống. Ngoài việc thu hồi chai nhựa, còn tăng thêm hạng mục thu hồi ly đựng thức uống, đồng thời duy trì mức giá thu mua cao gấp 5 lần với người thu gom ve chai. Hy vọng thông qua việc mở rộng địa điểm đặt máy móc tự động, khuyếch trương phạm vi dịch vụ nhằm cải thiện hoạt động giao dịch với người thu gom ve chai tại các địa điểm được chỉ định như trước kia, từ đó hỗ trợ thêm càng nhiều người làm nghề thu gom phế liệu. Nếu người dân sử dụng máy thu hồi tự động cũng có thể tích điểm để đổi phiếu tiêu dùng hoặc quyên góp từ thiện, từ đó khuyến khích mọi người tham gia vào hàng ngũ thu hồi tài nguyên, giảm thiểu rác thải.
Cũng như lý tưởng của FNG: “Mỗi sự lựa chọn của chúng ta đều mang ý nghĩa như một tấm phiếu bầu cho tương lai”. Cố gắng khai thác phát triển sợi tái chế bảo vệ môi trường làm nguyên liệu sản xuất đồ dùng sinh hoạt mang tính thẩm mỹ cao, nâng cao độ bền cho sản phẩm, khi người tiêu dùng mua những đồ vật mình yêu thích mà lại hữu dụng thì sẽ dùng lâu hơn, tránh mua quá nhiều, giảm tiêu hao tài nguyên Trái đất. Mỗi chúng ta chỉ cần một chút suy nghĩ tử tế thì sẽ mang lại cho môi trường thêm nhiều vòng tuần hoàn thân thiện.
Sự ủng hộ của các bậc thầy trong ngành dệt may đã giúp FNG thành công thúc đẩy sử dụng 100% sợi tái chế từ chai nhựa làm nguyên liệu sản xuất túi Tote.
Vận dụng thiết kế vào công tác bảo vệ môi trường và công ích xã hội, đội ngũ FNG hy vọng tập hợp sức mạnh của mọi người, mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho thế hệ sau.
FNG hợp tác với Hiin Studio, một công ty luôn quan tâm đến môi trường biển, lập kế hoạch tái chế rác thải biển, sản xuất dép kẹp.