Chặng đường hai mươi năm“nằm gai nếm mật”
Sự lột xác của khổ qua rừng
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 6 2020
明代《本草綱目》記載:「苦瓜,苦、寒、無毒,除邪熱,解勞乏,清心明目。」花蓮農改場歷經20年辛苦的田間試驗,育出「花蓮1至7號」品種,讓山苦瓜不只是餐桌上的一道配菜,在現代科技萃取、純化技術的助力下,由生技公司與有機農場開發出多樣機能性的保健食品,讓山苦瓜不只苦,而且補。
Trong cuốn bách khoa toàn thư về Đông Y “Bản thảo cương mục” thời nhà Minh có ghi chép: “Khổ qua, khổ, hàn, không độc, trừ tà nhiệt, giải tỏa mệt nhọc, thanh tâm minh mục”. Trải qua 20 năm thử nghiệm thực địa, Trung tâm cải tiến nông nghiệp Hoa Liên đã ươm tạo ra các giống khổ qua từ “Hoa Liên (Hualian) số 1 đến số 7”, khiến khổ qua rừng không chỉ là một món ăn trên mâm cơm, mà với sự hỗ trợ của kỹ thuật chiết xuất, tinh lọc bằng các công nghệ hiện đại, đã được các công ty công nghệ sinh học và nông trường hữu cơ phát triển ra các loại thực phẩm chức năng phong phú đa dạng khiến mướp đắng (khổ qua) không chỉ đắng, mà còn bổ nữa.
“Đây là nàng dâu mới ngày hôm nay, hãy ngắm sắc màu rực rỡ của “nàng”, nụ hoa nào vàng nhất có thể chọn để thụ phấn, sau khi thụ phấn, từ ngày hôm sau sẽ dần dần hình thành trái khổ qua, sau 15 ngày là có thể thu hoạch.”
Ánh nắng chói chang tháng 10 được ví “như hổ mùa thu” chiếu lên khu nhà màng trồng cây (nhà kính), nhiệt độ lên tới 30 độ C khiến nhà màng trở nên giống y như tên gọi “nhà kính”. Việc làm đầu tiên của phó nghiên cứu viên Toàn Trung Hòa (Chyuan Jong-ho) thuộc Phòng Cải tiến cây trồng, Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan, (dưới đây gọi tắt là Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên) là đến cơ sở bí mật - vườn ươm giống của ông để thụ phấn cho “cây khổ qua mẹ” và tiến hành công việc trồng trọt, thu hái.
Cây khổ qua mẹ vô địch thế giới
Ông Toàn Trung Hòa dùng một tay đỡ một đoạn dây leo màu xanh rì lên và nói: “Đây là cây mẹ có rất nhiều hoa cái, là bảo bối của Đài Loan chúng ta”.
Với giống khổ qua bình thường, trong số 100 bông hoa trên giàn dây leo của một cây khổ qua, chỉ có khoảng 2-10 bông là hoa cái nên sẽ kết được từ 2 đến 10 trái khổ qua; nhưng cây khổ qua kiểu dây leo “có tỷ lệ hoa cái rất cao” này trải qua 5 đời thuần hóa tự thụ tinh thì trong 100 bông hoa lại có tới 80-90 bông là hoa cái.
Nếu quy đổi ra sản lượng thì bất giác người ta sẽ phải cảm thấy vô cùng thán phục, bởi vì vốn dĩ mỗi 1 hecta trồng khổ qua 1 vụ có thể thu hoạch được 1 tấn, nay có thể tăng lên thành 6-10 tấn khổ qua rừng.
“Tiền kiếp” và hiện tại của khổ qua rừng
Trong cuốn “Bản thảo cương mục”, khổ qua còn được gọi là Cẩm Lệ Chi hoặc Lại Bồ Đào. Vào thập niên 1980, các tiệm bán đặc sản rừng và biển của Hoa Liên có món khổ qua rừng xào trứng muối, khổ qua dồn thịt, v.v..., để du khách thưởng thức. Năm 1989, Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên bắt đầu triển khai cải tiến giống và cải tiến kỹ thuật trồng trọt khổ qua rừng, có thể giúp nông dân cải thiện thu nhập.
Năm 1996, ông Toàn Trung Hòa bắt đầu tiến hành công việc ươm giống khổ qua. Từ năm 2005, “các giống khổ qua Hoa Liên (Hualian) số 1, số 2, số 3” được nghiên cứu phát triển ra trong 3 năm liên tục đều có khả năng kết trái tốt và đối với “loại rau quả cỡ vừa và nhỏ” cung cấp cho bữa ăn của các gia đình ít người, với chiều dài bằng cây bút bi, trọng lượng khoảng 160 gram, chỉ bằng 1/3 so với giống khổ qua trắng, đã rất được ưa chuộng tại các siêu thị bán đồ tươi sống.
Còn “Hoa Liên (Hualian) số 6” là giống khổ qua ra đời vào năm 2016, “đời cha mẹ” (tức cây bố và cây mẹ) đều lấy giống khổ qua sinh trưởng ngay tại mảnh đất Hoa Liên. Đây là giống khổ qua chất lượng cao mà ông Toàn Trung Hòa đã thu được sau quá trình suốt 10 năm không ngừng tiến hành việc thuần giống, sàng lọc và tạp giao, với thời kỳ thu hoạch là 1 tháng rưỡi, mỗi một hecta diện tích trồng trọt có thể thu hoạch tới 14 tấn.
Giống khổ qua Hoa Liên số 6 chú trọng việc ăn quả tươi, quả có màu xanh nõn và có màu đậm dần lên, sáng bóng, giòn và có vị chua nhẹ của táo tây, sau khi cho ướp lạnh để khử vị đắng rất phù hợp dùng để chế biến các món như salad trộn ăn sống hay sinh tố thanh lọc cơ thể, v.v...
Khi chúng tôi đến thăm Nông trường hữu cơ Chi-Lai (Chi-Lai Green Land Organic Farm) có trồng giống khổ qua Hoa Liên số 2 và số 6, Tổng Giám đốc Thái Chí Phong (Cai Zhi-feng) cho biết: “Giống khổ qua do Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên ươm tạo đạt sản lượng khá cao, đến vụ thu hoạch, mỗi tuần có thể thu hái 1 lần, ví dụ như mảnh đất khoảng 2.000 mét vuông mỗi ngày có thể thu hoạch được 1 tấn. Hiện tại chúng tôi có hơn 30 hec-ta nông trường được cấp chứng nhận hữu cơ, ngoài việc cung ứng cho các nhà hàng, siêu thị, còn cung cấp khổ qua theo hợp đồng thu mua của các công ty công nghệ sinh học”.
Sự lột xác của khổ qua rừng
Ông Toàn Trung Hòa vất vả để ươm tạo ra những giống khổ qua, ngoài cung cấp làm món ăn thì còn vì mục đích nghiên cứu. “Chương trình cấp quốc gia về kỹ thuật sinh học nông nghiệp” do Ủy ban Khoa học Quốc gia triển khai từ năm 2005 đến năm 2011, cho mời các đơn vị học thuật như Trường Đại học Quốc gia Đài Loan, tiến hành nghiên cứu các giống cây trồng như sơn dược (hoài sơn), lan kim tuyến (lan gấm), hy vọng có thể khai thác phát triển thành các loại thảo dược và thực phẩm chức năng, tới năm 2006 đã đưa thêm khổ qua vào chương trình này, tiến hành những nghiên cứu về điều chỉnh đường huyết, giảm mỡ máu và chống ung thư. Tuy nhiên, do khổ qua mua trên thị trường để đơn vị nghiên cứu sử dụng trong mỗi lần làm thí nghiệm thảo dược đều khác nhau về giống và nguồn gốc cho nên có lúc đạt hiệu quả, có lúc không, đã làm ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả và độ tin cậy của công trình nghiên cứu.
Được hỗ trợ bởi chương trình cấp quốc gia của Ủy ban Khoa học Quốc gia, các đơn vị học thuật liên tiếp tiến hành nghiên cứu đối với “chất chiết xuất từ khổ qua”, tới nay đã có tổng cộng 46 sáng chế độc quyền về quy trình sản xuất và chức năng chăm sóc sức khỏe được đăng ký phê duyệt.
Ví dụ như nghiên cứu của giáo sư Trịnh Tuyết Linh (Cheng Hsueh-ling) thuộc Sở Nghiên cứu Công nghệ Sinh học, trường Đại học Công nghệ Quốc gia Bình Đông (National Pingtung University of Science and Technology) triển khai trong suốt 10 năm, từ dây leo và quả của giống khổ qua “Hoa Liên (Hualian) số 2” và giống khổ qua tương tự khổ qua xanh Okinawa, đã tinh lọc ra được hợp chất Triterpenoids và thành phần Saponin, dùng để thí nghiệm trên tế bào và trên chuột con đều có thể cải thiện được tác dụng kháng Insulin của tế bào, qua đó cho thấy khổ qua có tiềm năng khai thác phát triển thành thực phẩm chức năng dành cho người bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Giáo sư Từ Tuyết Oánh (Hsu Hsue-yin) thuộc Học viện Khoa học đời sống, trường Đại học Từ Tế (Tzu Chi University) 10 năm nay đã sử dụng chất chiết xuất và chất tinh lọc từ khổ qua để tiến hành nghiên cứu đối với dòng tế bào ung thư. Kết quả cho thấy có những thành phần cụ thể có hiệu quả kiềm chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư. Nhưng giáo sư Từ Tuyết Oánh nhấn mạnh, phòng bệnh hơn chữa bệnh, phải thực hiện chăm sóc sức khỏe qua việc ăn khổ qua xanh trong sinh hoạt thường nhật mới tạo được ích lợi, nếu đợi tới khi bị ung thư giai đoạn cuối mới ăn thì đã quá muộn.
Thành quả của các nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình cấp quốc gia của Ủy ban Khoa học Quốc gia có thể nói đã làm bừng sáng tương lai của khổ qua rừng. Đội ngũ nghiên cứu phát triển của Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên vì vậy đã tiến hành ươm tạo theo phương hướng nghiên cứu phát triển khổ qua rừng thành “sản phẩm thực phẩm chức năng”.
Đặc biệt là các giống khổ qua mà ông Toàn Trung Hòa và nhóm nghiên cứu của ông phát triển ra gồm giống “Hoa Liên (Hualian) số 4” được cấp quyền về giống cây trồng năm 2008, giống số 5 ra mắt vào năm 2010 là giống khổ qua đã được Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên bắt đầu ươm tạo vào năm 2002, với hình dáng “lùn, mập, ngắn” và vỏ ngoài có màu xanh lục đậm “nổi bật rất rõ nét”, có những giống khổ qua “nhìn bề ngoài không bắt mắt” nhưng đúng là không thể “trông mặt mà bắt hình dong”. Sau khi được Sở Nghiên cứu phát triển Công nghiệp Thực phẩm kiểm nghiệm, hai giống khổ qua này rất phù hợp để khai thác phát triển thành thực phẩm chức năng.
Ông Toàn Trung Hòa nói, hai giống khổ qua “Hoa Liên số 4 và số 5” có “ưu thế tạp chủng”, giống như con người thường nói: “Thế hệ con lai đầu tiên sẽ khá thông minh”, cho nên sản lượng khá cao, lại cũng rất có giá trị dinh dưỡng.
Vượt qua bão táp, đời sau càng mạnh mẽ hơn
Đặc biệt là cây mẹ của hai giống khổ qua số 4, số 5 từng sống sót sau bão gió. Ông Toàn Trung Hòa kể lại, Hoa Liên năm nào cũng có bão, có một năm bão thổi tới mức khiến những cây khổ qua giống trong vườn ươm giống đổ rạp, vô cùng thảm hại. Sau khi bão tan, nhân viên của nông trường thường sẽ đem cây khổ qua bị đổ đi vứt rác. “Nhưng đêm đó sau khi đi ngủ, trong lúc nửa tỉnh nửa mơ, tôi chợt nghĩ có lẽ cây khổ qua dây leo đó vẫn còn sống!” và không chờ tới khi trời sáng, ông Toàn Trung Hòa tức tốc chạy đến vườn ươm giống, may quá cây khổ qua đó chưa bị vứt đi, sau khi cứu được cây khổ qua, trải qua quá trình thụ tinh với những giống lạ chỉ biết trông chờ vào sự may rủi thì nó đã trở thành cây mẹ của giống khổ qua Hoa Liên số 4 và số 5, nhờ vậy “cây khổ qua mẹ với tỷ lệ hoa cái cao” không những không biến mất mà còn giúp Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên dành được khoản thu nhập hàng triệu Đài tệ phí ủy quyền về giống, ươm tạo nên những thế hệ sau đạt hiệu ích cao.
Theo tiến sĩ Lưu Kỹ Mưu (Davis Liu), Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Aquavan (Aquavan Technology Co.), công ty dành được ủy quyền độc quyền của giống khổ qua Hoa Liên số 4 chỉ ra rằng, công ty này đã áp dụng kỹ thuật “chiết xuất siêu tới hạn” để chiết xuất, tinh lọc ra thành phần của giống khổ qua Hoa Liên số 4 và đã khai thác, phát triển ra các thực phẩm chức năng có thể giúp tăng chức năng cơ thể, tiếp thị quảng bá sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, đồng thời còn tiến hành việc khai thác phát triển và thí nghiệm đối với dược phẩm được làm từ khổ qua và hiện đang xin phép Sở Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn, đồng thời cũng đang trong giai đoạn triển khai xin cấp sáng chế độc quyền trên toàn cầu.
Trung tâm cải tiến Nông nghiệp Hoa Liên còn ươm tạo ra giống khổ qua trắng “Hoa Liên (Hualian) số 7”, hiện đang đăng ký để Ủy ban Nông nghiệp cấp quyền đối với giống cây trồng. Cho tới nay, các giống khổ qua từ Hoa Liên số 1 đến số 6 đã được chuyển giao kỹ thuật cho 13 nông trường và công ty công nghệ sinh học, phát triển thành các sản phẩm như tinh gà khổ qua, dầu hạt khổ qua, trà khổ qua, viên nang khổ qua, thậm chí còn có cả mỹ phẩm.
Ông Toàn Trung Hòa nói, “Mơ ước của tôi là có một ngày, khổ qua rừng có thể phát triển thành thuốc chống ung thư, khổ qua sẽ giống như đậu nành lông, trở thành hình mẫu về nông sản phẩm gia công, xuất khẩu ra quốc tế trong con mắt của Ủy ban Nông nghiệp.”