Trở lại thời tuổi thơ tươi đẹp
Sự bất ngờ và thỏa mãn với trải nghiệm làm đồ thủ công
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Hoàn Lam
Tháng 4 2020
坊間的手作工作坊越來越多,無論是在百貨公司或市集裡,都可見到職人們教學的身影。手作體驗逐漸成為趨勢,反映了台灣人對傳統工藝的思維正在改變。
Các lớp học làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp nơi, cho dù là trong Trung tâm mua sắm hay trong chợ phiên, đều có thể thấy bóng dáng các nghệ nhân đứng lớp. Phong trào trải nghiệm làm đồ thủ công dần dần trở thành xu hướng mới, điều này phản ánh tư duy của người Đài Loan đối với nghề thủ công truyền thống đang có sự thay đổi .
Trung tâm mua sắm Trung Hữu (Chungyo Department Store) ở Đài Trung có cách bố trí trang nhã đẹp mắt, nhiều khách hàng đang tùy hứng ngắm nghía những mặt hàng cao cấp trên kệ bày hàng, nhưng ở đâu đó lại vang lên âm thanh của những tấm gỗ, phá vỡ sự yên tĩnh. Vài giờ sau, một nhóm phụ nữ quần áo bị dính mùn cưa, trên tay cầm những chiếc ghế đẩu bằng gỗ, có vẻ rất hài lòng đi ra khỏi Trung tâm mua sắm.
Lớp học làm đồ thủ công sẽ trở thành một xu thế mới
Vào giữa tháng 7 năm 2019, Trung tâm mua sắm Trung Hữu hợp tác với Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan (Taiwan School of Arts & Crafts) cùng quy hoạch tổ chức “Triển lãm trải nghiệm Thủ công Mỹ nghệ" (Crafts Experience Expo) trong thời gian 10 ngày, vào dịp này còn mở hơn 200 buổi học trải nghiệm làm đồ thủ công. Khác với sự đơn điệu và chóng vánh của tiêu dùng thường ngày, chương trình này tạo niềm cảm hứng và sự thích thú cho học viên trong lúc trải nghiệm, trở thành một sự chọn lựa mới mẻ trên thị trường và đã thu hút rất nhiều người tiêu dùng đăng ký tham gia.
“Nghệ nhân mở lớp học làm đồ thủ công mỹ nghệ sẽ trở thành phong trào phổ biến trong tương lai”. Người sáng lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan (Taiwan School of Arts & Crafts) - ông Trần Minh Huy (Chen Minghui) cho rằng, ấn tượng của mọi người đối với nghệ nhân hiện vẫn chỉ dừng lại ở việc chế tác ra tác phẩm, nhưng trong tương lai, các khóa học trải nghiệm sẽ trở thành nội dung công việc quan trọng của các nghệ nhân và điều này cũng cho mọi người thấy rằng, ngành thủ công mỹ nghệ của Đài Loan sẽ chuyển từ ngành chế tạo truyền thống (traditional manufacturing) thành ngành dịch vụ tri thức (knowledgebased services).
Trải nghiệm năm giác quan đưa vào giảng dạy
Nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình ngành thủ công mỹ nghệ Đài Loan và dẫn dắt giới trẻ cảm nhận được nét đẹp của thủ công mỹ nghệ, ông Trần Minh Huy (Chen Minghui) đã thành lập “Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan” (Taiwan School of Arts & Crafts) vào năm 2017. Thông qua việc kết nối giữa các trường học với các nghệ nhân, Trần Minh Huy hy vọng thế hệ sau ngay từ nhỏ đã có thể lĩnh hội được giá trị và sự thích thú đối với thủ công mỹ nghệ trong giờ học.
“Các em đã từng nhìn thấy gỗ chảy nhựa chưa?” Ông Trần Minh Huy vừa cười vừa hỏi. Lớp học rất chú trọng tới sự trải nghiệm, cái mà học sinh được nghe không phải là hướng dẫn thao tác một cách đơn điệu, thứ mà học sinh nhận được cũng không phải là gỗ khô, mà là âm thanh chẻ gỗ bằng búa và vật liệu gỗ tươi vẫn còn nguyên cả vỏ cây. Thông qua âm thanh, có thể phán đoán đặc điểm của gỗ; thông qua khứu giác, có thể ngửi thấy vị thơm nồng của gỗ; thông qua xúc giác, có thể cảm nhận được gỗ có xớ thô và xớ mịn. Dạy làm đồ gỗ thủ công tràn đầy trải nghiệm năm giác quan, mục tiêu không phải là huấn luyện nghề, mà là thỏa thích trải nghiệm giác quan và tri thức.
Nghề thủ công truyền thống chuyển đổi thành dịch vụ trải nghiệm
Đợt xu thế chuyển đổi này của nghề thủ công mỹ nghệ cũng đã tác động đến một số xưởng truyền thống, phát triển theo hướng trải nghiệm và dạy học. Lớp học Hướng Dương Tân Truyền (Sunrise Driftwood Workshop) dạy làm đồ gỗ thủ công ở gần ga xe lửa Đa Lương, huyện Đài Đông được thành lập sau trận bão Morakot ngày 8 tháng 8 năm 2009 để giải quyết vấn đề gỗ trôi dạt sau trận thiên tai. Trong quãng thời gian 10 năm, với định hướng sản xuất để kinh doanh, dần dần nảy sinh vấn đề, lớp học làm đồ gỗ thủ công cách chợ và nơi sản xuất vật liệu gỗ làm đồ gỗ nội thất khá xa, sau khi trừ đi chi phí vận chuyển, lợi nhuận thu được không còn bao nhiêu. Cũng vì sự gợi mở của kinh tế trải nghiệm, nên dần dần chuyển đổi thành lớp học làm đồ thủ công mỹ nghệ và cơ sở sản xuất tài liệu giảng dạy.
“Khu rừng ở phía sau Lớp học Hướng Dương Tân Truyền là nguồn tài liệu dạy học tốt nhất cho môn học làm đồ gỗ thủ công”. Ông Trần Minh Huy cho biết, mặc dù khu vực Đa Lương thiếu vật liệu làm đồ gỗ nội thất nhưng lại có rất nhiều nguyên liệu gỗ phục vụ cho giáo trình giảng dạy, có thể cung cấp cho môn học làm đồ gỗ thủ công sử dụng, cũng có thể thông qua việc tổ chức các lớp học làm đồ thủ công mỹ nghệ, kết hợp những câu chuyện và nét đặc sắc của địa phương để tạo sự trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng.
Sự chuyển đổi của lớp học làm đồ gỗ thủ công là một trong các trường hợp được Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan (Taiwan School of Arts & Crafts) hỗ trợ, ngoài ra còn bao gồm việc thành lập cơ sở đào tạo nghệ nhân. Các nghệ nhân đã được đào tạo sẽ mở lớp tại cơ sở đào tạo, biến quy trình làm đồ thủ công thành chương trình giảng dạy và thiết kế trải nghiệm, giúp người tiêu dùng thông qua quá trình tự tay làm, có thể hiểu sâu sắc hơn về vật liệu và kỹ thuật thực hiện đồ thủ công mỹ nghệ không còn là hàng hóa nữa, mà là một quá trình khó quên làm thỏa mãn cả giác quan lẫn tinh thần ham học hỏi của con người.
Cửa tiệm ấm áp ôn lại sự hồn nhiên của tuổi thơ
Fun-Maker nằm tại khu Nội Hồ, thành phố Đài Bắc là lớp học làm đồ thủ công bằng kỹ thuật cắt laser. Tác phẩm chủ yếu là đồ dùng bằng gỗ, gồm có các kiểu súng xuất hiện trong phim và các vật dụng sinh hoạt thiết thực như đèn, đồng hồ, hộp đựng đồ ăn dã ngoại và loa xách tay, v.v…
Khi bước vào cửa tiệm, ngay tại cửa vào, ánh mắt lập tức bị thu hút bởi những đồ chơi bằng gỗ, có bộ đồ chơi đường đua bi (marble run machine), đồng hồ bánh răng cưa, còn có đèn bàn có khắc dòng chữ “Chuyển động Đài Loan”, trên chân đèn có tạo hình Đài Loan có một chiếc bánh răng cưa, sau khi quay tay cầm, bóng đèn sẽ phát sáng. Vô số những tác phẩm thủ công khiến mỗi một vị khách ghé thăm đều lập tức biến thành trẻ con, ôn lại óc tò mò thuở thơ ấu.
Bà chủ Kiều An (Joan Yang) chỉ vào những tấm hình trên vách tường vừa mỉm cười vừa nói: “đó là ký ức của những vị khách từng ghé thăm, cũng là ký ức của chúng tôi”. Các nhân vật trong hình, người lớn tuổi, người nhỏ tuổi đều có, có người Đài Loan, cũng có du khách đến từ Hồng Kông, Macau, Malaysia, v.v..., nhưng điểm giống nhau là họ có nụ cười rạng rỡ khi chụp hình với tác phẩm mà họ tự tay làm ra.
Ông chủ Mac Yu có vẻ ngượng nghịu lấy một cây súng gỗ từ trên vách tường xuống, sau khi giới thiệu sơ qua về các bước thao tác súng, bèn ngắm trúng vào tấm bia bắn hình người làm bằng gỗ đặt trên bàn, tiếng nổ “pằng” một cái làm tấm bia gỗ đổ xuống ngay, lực mạnh đến nỗi khiến người ta khó tin, đạn của tất cả súng gỗ treo trên tường đều là dây thun vòng. Mac Yu rất ít nói, ông chỉ giới thiệu ngắn gọn về từng tác phẩm súng gỗ mà ông rất lấy làm tự hào, nhưng trong ánh mắt ông lại tràn đầy sự mong chờ và phấn chấn.
Thiết kế tinh tế kỹ lưỡng những giây phút trải nghiệm
“Sản phẩm của chúng tôi là trải nghiệm”. Kiều An (Joan Yang) cho rằng, định vị của Fun-Maker là cung cấp sự trải nghiệm, để người tiêu dùng hưởng thụ sự sáng tác trong lúc trải nghiệm một mình chứ không phải với mục tiêu hoàn thành tác phẩm. Để tạo sự trải nghiệm, cách bố trí lớp học, trà cho khách thưởng thức, chiếc tạp dề mà học viên khoác trên người đều được thiết kế rất tinh tế kỹ lưỡng để tạo ra bầu không khí như ở nhà.
Để cho khách đến thăm có thể hưởng thụ thời gian hiếm hoi của riêng mình, mặc dù lớp học Fun-Maker có thể nhận dạy 8 học viên cùng lúc, nhưng cũng đón nhận khách có nhu cầu học làm đồ thủ công một mình. Vì vậy, có khách hẹn học riêng một mình nhân ngày sinh nhật hàng năm, để làm một món quà tự tặng cho bản thân, hưởng thụ thời gian yên tĩnh vào thời khắc quan trọng trong cuộc đời mình.
Trong khoảng không gian này, mỗi học viên được chọn loại đồ gỗ thủ công theo ý muốn có trong chủ đề, sáng tác tác phẩm độc đáo thuộc về riêng mình. Từng có một nữ sĩ quan trước khi sang Mỹ tham gia khóa huấn luyện, đã đến lớp học đăng ký học làm một cây súng trường Winchester (Winchester Rifle) và súng tiểu liên P90 (Project 90), sau đó mang ra nước ngoài để giao lưu với bạn bè tại đó. Cũng có một cô gái ở đảo Lan Dữ (Orchid Island), gia đình có mở tiệm tạp hóa, để ứng phó với sự ảnh hưởng do cửa hàng tiện lợi đầu tiên sắp sửa mở cửa kinh doanh trên đảo, cô quyết định đến học kỹ thuật cắt laser, làm đồ lưu niệm mang bản sắc địa phương để đối mặt với sự cạnh tranh.
Lý do ghé thăm của mỗi một vị khách đều khác nhau, nhưng “khi đến đây tất cả người lớn đều sẽ biến thành trẻ con”. Kiều An (Joan Yang) vừa cười vừa nói.
Giá trị thủ công mỹ nghệ vượt lên trên tác phẩm
Nhiều người sau khi thấy Fun-Maker nhận được sự khen ngợi, đều đưa ra đề nghị nên sản xuất gói vật liệu để bán, nhưng hai ông bà chủ Mac Yu và Kiều An (Joan Yang) nhận thấy rằng, cách làm này dường như xem nhẹ tâm huyết mà các nghệ nhân thiết kế đã bỏ ra, đánh giá thấp kỹ thuật và giá trị sáng tạo, do đó họ vẫn kiên trì công việc dạy học và trải nghiệm là chính, hướng dẫn mọi người làm quen với nguyên lý máy móc đơn giản, sau đó khuyến khích mọi người phát huy sáng tạo, làm ra tác phẩm theo ý muốn.
Đã 5 năm rồi, cửa tiệm nhỏ ẩn mình trong con hẻm luôn thu hút khách trong và ngoài nước đến thăm này là nơi thực hiện ước mơ của cặp vợ chồng. Họ hy vọng rằng khi mỗi một vị khách ghé thăm đều có được cảm giác ấm cúng như ở nhà và cứ muốn quay trở lại. Họ cũng mong muốn có thêm nhiều người biết rằng, ngoài người máy ra, thực lực làm đồ thủ công mỹ nghệ của những nhà sáng tạo (Maker) Đài Loan là không thể xem nhẹ.