Thực vật thủy sinh và kim loại tấm
Trải nghiệm để đi tiếp chặng đường xa hơn
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 4 2020
如何延續品牌的價值?如何創造與消費者的聯結?《體驗經濟時代》這本書提到,體驗可以做為一種新的經濟產出,超越商品與服務,為企業創造新的價值。正如宜蘭「勝洋水草」與台南「志鋼金屬」,各自面臨同業低價競爭與找不到人才的窘境,卻共同藉由水草的五感體驗與板金的教育體驗,打開一條更寬更遠的路。
Duy trì giá trị của thương hiệu bằng cách nào? Làm thế nào tạo sự liên kết với người tiêu dùng? Trong cuốn sách “Nền kinh tế trải nghiệm” (The experience economy) có đề cập rằng, trải nghiệm có thể trở thành một sản phẩm kinh tế mới, vượt trên cả hàng hóa và dịch vụ, tạo giá trị mới cho doanh nghiệp. Như Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang ở Nghi Lan (Yilan’s Sheng Yang Leisure Farm) và Công ty vật liệu kim loại Chih Kang (Chih Kang Material Company) ở Đài Nam, phải đương đầu với tình cảnh khó khăn bởi sự cạnh tranh giá thấp từ các doanh nghiệp cùng ngành và không tuyển được người, nhưng thông qua sự trải nghiệm 5 giác quan đối với thực vật thủy sinh và sự trải nghiệm giáo dục đối với kim loại tấm, đều mở ra một con đường thênh thang hơn.
“Ối! Sao tôm của em biến mất rồi?”, “Thầy ơi, có phải vì tôm ăn thực vật thủy sinh? Hay là phân của nó vậy ạ?”, các em học sinh đang làm DIY “Lọ sinh thái” tại Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang vừa hỏi vừa tìm cách hoàn thành tác phẩm của mình.
“Lọ sinh thái này là mô phỏng môi trường của Trái đất, tạo ra một đại dương siêu nhỏ từ nước, cát và thực vật thủy sinh, trong đó người tiêu dùng là tôm; tảo biển thì có chức năng sản xuất, có thể cung cấp thức ăn cho tôm; ngoài ra còn có chất giúp làm phân hủy: đó là khuẩn tiêu hóa phân hủy chất bài tiết của tôm, biến nó thành dưỡng chất cho thực vật thủy sinh, lại có tác dụng lọc sạch nước”, giáo viên thuyết trình trả lời câu hỏi của các em học sinh, truyền đạt nguyên lý “Cộng sinh tự túc” của lọ sinh thái.
Từ trồng cây thủy sinh chuyển hướng thành trang trại phục vụ du lịch
Từng là nhà cung ứng cây thủy sinh lớn nhất trong nước, ông Từ Chí Hùng (Hsu Chih Hsiung) - Tổng giám đốc Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang đã dự đoán trước sự cạnh tranh giá thấp trong ngành thủy sinh và sự suy thoái của nghề kinh doanh bể nuôi sinh vật cảnh, cho nên vào năm 2001, ông Từ Chí Hùng một mặt duy trì sản xuất cây thủy sinh, mặt khác cũng hưởng ứng “Chương trình một xã, một khu trang trại vườn cây ao cá phục vụ nghỉ dưỡng”, chuyển đổi mô hình làm ăn thành trang trại nghỉ dưỡng phục vụ du lịch.
Ông Từ Chí Hùng cảm nhận được sự rủi ro trong kinh doanh qua kinh nghiệm nhiều lần thất bại của cha mẹ khi theo nghề nuôi trồng thủy sản tại Nghi Lan. “Từ năm 1967, cha mẹ tôi đã bắt đầu nuôi cá chình, sau 10 năm hoàng kim thì bắt đầu xuống dốc, sau đó tiếp tục nuôi tôm càng xanh, nuôi cá tầm, hầu như chỉ trừ có rùa là cha mẹ tôi chưa từng nuôi, còn hầu hết đều đã từng nuôi thử rồi”. Ông nói, trải qua biết bao năm thất bại và thăng trầm, sau cùng đã nghiệm ra rằng, ở Nghi Lan thiếu ánh nắng, nhiệt độ lại thấp hơn vùng Trung và Nam bộ Đài Loan, thực ra không thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản. Do vậy, năm 1993, ông cùng người em trai vừa xuất ngũ Từ Huy Hùng (Hsu Hui Hsiung) đã đầu tư vào trồng các loại cây thủy sinh, khi đó trên thị trường chỉ có hai doanh nghiệp làm về mảng này.
Năm 1997, doanh thu năm của Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang đạt mức đỉnh cao trên 10 triệu Đài tệ, nhưng vì thế cũng thu hút nhiều doanh nghiệp cùng ngành gia nhập, với sự cạnh tranh giá thấp, đã khiến thị trường nuôi trồng thực vật thủy sinh trở nên bão hòa, tình hình càng tệ hơn khi nghề kinh doanh bể nuôi sinh vật cảnh cũng bắt đầu xuống dốc, tới năm 2019, doanh thu của Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang chỉ đạt hơn 5 triệu Đài tệ.
Cũng may là Sheng Yang đã chuyển sang mô hình trang trại phục vụ tham quan du lịch, mỗi năm ít nhất đón 70-80 nghìn lượt khách tham quan. “Rất nhiều người nói rằng tôi quá giỏi, đã đi trước một bước, là người đi tiên phong”, ông Từ Chí Hùng cũng rất thẳng thắn cho biết: “Tới trang trại Sheng Yang câu cá 1 người thu 150 Đài tệ, số tiền 150 Đài tệ ra chợ có thể mua được 1 con cá rô phi nặng khoảng gần 2 kí-lô, nhưng tại đây, câu được cá chụp hình xong, rồi phải thả đi không được mang về”. Điều quan trọng là ở chỗ “làm kinh tế trải nghiệm” mới là “cách để thoát khỏi sự cạnh tranh chỉ về giá cả”, đúng như nội dung được đề cập trong cuốn “Nền kinh tế trải nghiệm”.
Nền kinh tế trải nghiệm cũng là nền kinh tế tri thức
Chiều sâu của sự trải nghiệm là dựa vào chủ đề. Hiện còn kiêm nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội phát triển nông nghiệp nghỉ dưỡng Nghi Lan, ông Từ Chí Hùng cho biết: “Chủ đề của chúng tôi là thực vật thủy sinh, bởi vì không ai hiểu rõ thực vật thủy sinh bằng chúng tôi, do vậy có thể phát huy chủ đề này tới mức cao nhất”.
Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang dành nhiều thời gian thực hiện khảo sát về nguồn tài nguyên để khám phá mọi khả năng, trường hợp sử dụng của các loài thực vật thủy sinh, ví dụ dùng các loại hương liệu thủy sinh như tía tô nước, mùi tàu biển hoặc rau quế vị để chế biến các món rau thủy sinh; tổ chức các buổi học DIY trải nghiệm làm lọ sinh thái và quả cầu sinh thái.
“Những sản phẩm mở rộng có tính kiến thức thì mới có tuổi thọ”, ông Từ Chí Hùng nhấn mạnh, ví dụ như đèn ngủ sinh vật cảnh, chậu cảnh tưới nước tự động đều đáp ứng được đặc điểm làm tăng thêm niềm vui trong cuộc sống và cũng có tác dụng sử dụng thiết thực. Ngoài ra, giá cả cũng phải được người tiêu dùng chấp nhận thì mới có thể làm tăng tỷ lệ người mua hàng trên tổng số người xem hàng.
Khi đi chơi, khách hàng có được nhiều trải nghiệm khác nhau, tâm trạng vui vẻ, trẻ em thì học tập một cách thích thú, có một ngày thật vui, sự trải nghiệm có thể tạo thêm các giá trị phụ trợ như giáo dục, giải trí.
Vào 3 năm trước, hai anh em Từ Chí Hùng và Từ Huy Hùng đã tận dụng ao nuôi trồng thủy sản bỏ không mà cha mẹ họ để lại, bắt đầu nuôi tôm hùm Úc, đợi tới khi thích nghi được mùa đông ở Nghi Lan, loại tôm hùm này trở thành nguồn cung cấp cho bữa tiệc tại các nhà hàng thực vật thủy sinh, ngoài ra còn tạo trải nghiệm mang tính giá trị gia tăng.
Khi thực vật thủy sinh không chỉ là cây cỏ rong rêu, chỉ có thể bán cho những điểm kinh doanh bể nuôi sinh vật cảnh; nhờ sự trải nghiệm 5 giác quan, Trang trại nghỉ dưỡng Sheng Yang đã khiến “thực vật thủy sinh không chỉ còn là cây cỏ”, tạo ra tiềm năng vô hạn cho nghề kinh doanh này.
Biến nguy cơ thành cơ hội, chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh
Công ty vật liệu kim loại Chih Kang vốn khởi đầu công việc kinh doanh từ chế tạo vỏ ngoài của thang máy, sở dĩ thành lập nhà máy phục vụ tham quan du lịch có tên gọi “Bảo tàng sáng tạo kim loại Đài Loan”, đi theo định hướng kinh tế trải nghiệm, không phải là vì có nhu cầu chuyển đổi mô hình làm ăn, cũng không phải là để khuyến mại sản phẩm; mà ngược lại là vì sau khi nhà máy chuyển đổi mô hình thành công, liên tục nhận được đơn đặt hàng nhưng lại gặp khó khăn vì không tuyển được thợ. Tổng giám đốc Quách Trị Hoa (Kuo, Chih-hua) đã xoay chuyển tình thế, biến nhà máy thành sân khấu, trưng bày giới thiệu sản phẩm và kỹ thuật làm kim loại tấm, để “trải nghiệm” tạo ra sự chuyển biến “sau cơn mưa trời lại hửng nắng”.
Công ty vật liệu kim loại Chih Kang thành lập vào năm 1995, vì khi đó các công ty nơi 6 vị cổ đông làm việc đều chuyển sang Trung Quốc đại lục làm ăn, chính vì không muốn đi Trung Quốc, nên 6 người đã tập hợp lại, hùn vốn sản xuất kim loại tấm để làm cửa thang máy, khoang của thang máy và của thiết bị nâng.
Do cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, đơn đặt hàng của các nhà máy tại nội địa Đài Loan đều bị tạm ngưng, trong khi đó các nhà máy xuất khẩu và nhà máy công nghệ cao hoạt động rất ổn định, vì vậy công ty đã chuyển hướng sang nhận làm các đơn hàng xuất khẩu và đơn hàng có giá trị gia tăng cao.
“Tôi vẫn còn nhớ lần đầu kiếm được mối làm ăn với người ngoại quốc, chuyển một container vỏ kim loại tấm ra nước ngoài nhưng vì chất lượng không đạt tiêu chuẩn nên bị trả lại toàn bộ, trong nháy mắt tất cả sản phẩm biến thành đống sắt vụn”, nhưng Công ty Chih Kang gặp được khách hàng rất tốt, ông Quách Trị Hoa nói, vị khách hàng này đã nói rất rõ về lý do trả lại hàng, hóa ra là do khâu kiểm tra và quản lý chất lượng.
Quay về Đài Loan, kiểm điểm lại kỹ càng, hoàn toàn căn cứ theo tiêu chuẩn và phương pháp mà vị khách hàng ngoại quốc đã hướng dẫn để thực hiện khâu quản lý chất lượng, nhờ đó sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, không những mở ra được thị trường xuất khẩu, mà dựa trên tiêu chuẩn quản lý chất lượng như vậy, đã thuận lợi giành được đơn hàng của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Israel...
Ông Quách Chí Hoa lần lượt kể lại những mấu chốt quan trọng giúp Công ty vật liệu kim loại Chih Kang chuyển đổi mô hình thành công, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đơn hàng làm không xuể, mở ra một tiền đồ xán lạn, nhưng công ty lại vấp phải tình cảnh khó khăn vì không tuyển được thợ.
Không tuyển được thợ, cái khó ló cái khôn
Không những học sinh học nghề không chịu đến công ty làm, mà còn nghe tin Khoa Kim loại tấm của trường cũ ông từng theo học là trường Trung cấp công nghiệp Đài Nam giải tán. Ông giải thích, vì Khoa Kim loại tấm đã hết thời, không được ưa chuộng như Khoa Cơ khí, khi đó Khoa Kim loại tấm của nhiều trường đều đứng trước vận mệnh bị cắt giảm hoặc bị sáp nhập.
Ngay cả khi tham dự hội chợ việc làm, quầy của Công ty vật liệu kim loại Chih Kang cũng to không kém quầy của các hãng điện tử lớn như TSMC, Innolux, “nhưng quầy của họ người xếp hàng dài, còn quầy của mình không một bóng người, trong lòng cảm thấy rất buồn”, ông Quách Trị Hoa không cam tâm, Công ty vật liệu kim loại Chih Kang cũng có chút danh tiếng trong ngành chế tạo kim loại tấm, vậy mà chẳng được mọi người biết đến, sau khi tham gia hội chợ về càng tăng thêm quyết tâm phải thành lập nhà máy phục vụ tham quan du lịch.
Khi đó nhằm đúng dịp Bộ Kinh tế xúc tiến chính sách thành lập nhà máy phục vụ tham quan du lịch, vào năm 2010, Công ty vật liệu kim loại Chih Kang đã làm thủ tục đăng ký thành lập nhà máy chế tạo kim loại tấm đầu tiên phục vụ tham quan du lịch, nhưng để phân biệt với mảng chế tạo gia công chính của Chih Kang, năm 2014, công ty đã huy động vốn để niêm yết trên sàn GISA thuộc thị trường chứng khoán Taipei Exchange. Được sự hướng dẫn chỉ đạo của chính phủ, công ty thành lập nhà máy với tên gọi “Bảo tàng sáng tạo kim loại Đài Loan”(gọi tắt là TMCM) tại Khu công nghiệp Vĩnh Khang.
Trải nghiệm chính là quảng bá tiếp thị
Để rút ngắn khoảng cách giữa mọi người với kim loại tấm, biến sản phẩm “kim loại tấm” trở thành một kiểu trải nghiệm, Bảo tàng TMCM đã cho ra mắt chương trình hàn trải nghiệm, làm DIY sản phẩm sáng tạo văn hóa bằng kim loại, dùng cây đũa thần thay thế cho que hàn, biến đôi tay thành máy dập, có thể bẻ cong kim loại và tạo hình kim loại, làm thành người máy, đế đặt điện thoại di động hoặc hộp âm nhạc, để trải nghiệm sâu hơn thế nào là “kim loại tấm”.
Đặc biệt là người máy và sản phẩm sáng tạo văn hóa Kiếm Sư (sư tử ngậm kiếm), sau khi Chi cục cảnh sát Vĩnh Khang thuộc Cục cảnh sát Đài Nam đặt búp bê hình nộm Kingkong làm quà tặng cho những cảnh sát kiểu mẫu, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt; nghị viên thành phố cũng đặt làm búp bê hình nộm Kingkong tặng cho những người đạt danh hiệu “người cha kiểu mẫu”, bất ngờ đã mở ra cơ hội làm ăn phát triển loạt sản phẩm kỷ niệm chương, cúp giải thưởng và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt bằng kim loại, đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi khách hàng, đồng thời khiến những trải nghiệm với sự phát triển sáng tạo tiếp tục dẫn dắt việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và làm cơ sở để thiết kế sản phẩm mới.
Trước đây xưởng làm sắt thường được coi là nghề “3K” (gồm nguy hiểm, vất vả và bẩn thỉu), TMCM mở cửa cho tham quan nhà xưởng tại chỗ, làm thay đổi ấn tượng cố hữu của mọi người trước đây cho rằng xưởng chế tạo đồ sắt rất bẩn thỉu và xấu xí, cũng trở thành địa điểm “dạy học ngoại khóa” của các ngành học có liên quan đến kim loại tấm.
“Trước đây thợ làm kim loại tấm ít ai vẫn còn nguyên vẹn cả 10 ngón tay”, giáo viên thuyết trình nhấn mạnh, thời nay máy dập kết nối với máy vi tính có cảm biến bằng tia hồng ngoại, chỉ cần cảm ứng được sự bất thường, máy móc chắc chắc sẽ ngừng chạy ngay lập tức, hơn nữa còn có thiết bị thủy lực giúp tiết kiệm sức lực, phụ nữ cũng có thể thao tác; máy thế hệ mới còn có thể ngồi để thao tác.
Ông Quách Trị Hoa chỉ vào dây chuyền sản xuất của nhà máy nói rằng, hiện nay trong nhà máy có rất nhiều thợ và học sinh hệ vừa học vừa làm đều rất trẻ tuổi, ngay tại hiện trường làm việc thực tế, thấy được những thợ lành nghề thao tác các loại máy móc chính xác, với kỹ thuật rất thành thục khéo léo, mạnh mẽ nhưng tỉ mỉ kỹ lưỡng để chế tạo ra vỏ của các loại máy móc thiết bị y tế, công việc đòi hỏi năng lực kỹ thuật cao như vậy, đương nhiên mức lương cũng không thấp, chính vì vậy đã thu hút lớp trẻ gia nhập hàng ngũ của những người làm kim loại tấm.
Thành quả như vậy cũng chính là câu giải đáp cho ý nghĩa của nền kinh tế trải nghiệm, thông qua sự thiết kế trải nghiệm, kế thừa phát huy giá trị của doanh nghiệp, quảng bá tiếp thị cho thương hiệu của doanh nghiệp.