Lực lượng dân sự hợp sức phát triển hướng Nam mới
Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á:thể hiện sức mạnh ấm áp của Đài Loan
Bài‧Sharleen Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 10 2019
.jpg?w=1080&mode=crop&format=webp&quality=80)
去(2018)年在臺灣亞洲交流基金會舉辦的「玉山論壇」中,總統蔡英文提到台灣可以幫助亞洲,亞洲也能幫助台灣。區域互惠不只落實在台灣的新南向政策,台灣的民間也正默默地以各自的方式,與世界各國做朋友。
Trong “Diễn đàn Ngọc Sơn” (Yushan) do Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á tổ chức vào năm 2018, Tổng thống Thái Anh Văn có đề cập tới việc Đài Loan có thể giúp đỡ châu Á, châu Á cũng có thể giúp đỡ Đài Loan. Việc cả khu vực đều đạt được lợi ích chung không chỉ thể hiện trong chính sách hướng Nam mới của Đài Loan, mà lực lượng dân sự của Đài Loan cũng âm thầm kết giao với các nước trên thế giới bằng các phương thức khác nhau.
Khu vực lân cận thủ đô Kathmandu của Nepal xảy ra động đất 7,9 độ Richter vào ngày 25-4-2015. Khi động đất ập đến, bảo tháp Phật giáo Boudhanath Stupa nằm ở phía Đông vùng thung lũng cũng rung chuyển rất mạnh. Nhiều người hoảng loạn tháo chạy về phía bảo tháp, họ tin rằng trong lúc nguy cấp, bảo tháp có thể phù hộ họ.
Thảm hoả động đất này gây thương vong và thiệt hại nghiêm trọng cho Nepal, những vùng núi xa xôi hẻo lánh bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài, đường sá bị đứt đoạn, có tổng cộng hơn 8.000 người thiệt mạng. Động đất làm sập nhiều kiến trúc đã cũ kỹ, đến cả di tích cổ nổi tiếng cũng bị hủy hoại trong chớp mắt.
Đài Loan luôn đi đầu trong công tác cứu trợ thiên tai
Sau đó nửa năm, bà Vương Kim Anh -chủ tịch Liên minh phát triển viện trợ hải ngoại Đài Loan (gọi tắt là Taiwan AID) đã cùng với tổ chức của mình tới vùng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai (Dhading). Dhading nằm ở vùng núi, cách thủ đô Kathmandu 4 tiếng đi xe, đường đi rất xấu. Bà Vương Kim Anh nhớ lại: “Dọc đường đi toàn lều bạt, động đất đã nửa năm rồi mà rất nhiều người vẫn phải sống trong lều bạt, không có nước sạch, không có nhà vệ sinh.
Chuyến đi này của Taiwan AID là phối hợp với kế hoạch cứu trợ thiên tai của Bộ Ngoại giao, sử dụng khoản tiền huy động quyên góp được cho công tác tái thiết sau thiên tai của Nepal. “Người Đài Loan rất giàu lòng nhân ái”, ánh mắt bà Vương Kim Anh sáng bừng lên khi nhắc tới sự thiện nguyện của người Đài Loan, “khi đó Bộ Y tế Phúc lợi Đài Loan thành lập đường dây nóng kêu gọi quyên góp, không hề thực hiện tuyên truyền mà đã huy động được 100 triệu Đài tệ. Có kinh phí cho tái thiết rồi, Taiwan AID cùng với đối tác hợp tác là Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Chương Hóa đã tới vùng núi Dhading, thông qua sự hỗ trợ của EPF (Ecological Protection Forum) - tổ chức phi chính phủ tại địa phương, đã xây dựng một Trung tâm phát triển khu dân cư đa chức năng. Còn vật tư hỗ trợ của Bộ Ngoại giao cũng được thuận lợi đưa đến Nepal nhờ sự liên kết giữa các tổ chức NGO là Taiwan AID và EPF và đưa tới tận tay những nạn nhân thiên tai.
Sau khi hoàn công, Trung tâm phát triển khu dân cư đa chức năng đã trở thành địa điểm được dân làng thường xuyên lui tới sử dụng. Trung tâm này sử dụng điện năng lượng mặt trời nên có thể tự cung cấp đủ nguồn điện cho khu dân cư. Các đoàn thể phụ nữ phát triển rất mạnh ở Nepal đã tổ chức nhiều lớp học tại trung tâm bao gồm: lớp dạy vi tính, lớp dạy nấu ăn, khiến cho cả khu dân cư tràn đầy sức sống và họ cũng đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ tại đây, bao gồm hướng dẫn kiến thức y tế, đào tạo về y tế cũng như các hoạt động của cư dân tại đây. Phía trước ngôi kiến trúc khá khiêm tốn có 2 tầng rưỡi nằm ở chân núi Himalaya phấp phới quốc kỳ Trung Hoa Dân Quốc và có đặt tấm biển bên trên ghi dòng chữ “Love from Taiwan” (Lòng nhân ái đến từ Đài Loan) để mọi người đều thấy được.
“Sức mạnh ấm áp” của Đài Loan gây cảm động trên trường quốc tế
Những hoạt động viện trợ như vậy của Taiwan AID được thành viên hội đồng quản trị của Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á (gọi tắt là Quỹ Đài Loan - châu Á), cũng chính là cựu cố vấn của Phủ Tổng thống - ông Tiêu Tân Hoàng gọi là: “sức mạnh ấm áp” của Đài Loan. Taiwan AID là một trong rất nhiều đối tác hợp tác của Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á - đơn vị cố vấn chính sách cho chính phủ, và kể từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay, tổ chức này liên tục thúc đẩy sự giao lưu toàn diện của Đài Loan với các nước châu Á, với vai trò là đội ngũ cố vấn chính sách có tính dân sự, đã làm sâu sắc hóa quan hệ đối tác giữa Đài Loan với các nước châu Á.
“Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á muốn đóng vai trò mở rộng chính sách hướng Nam mới của Đài Loan”, trong đó việc tổ chức “Diễn đàn Ngọc Sơn” là một ý tưởng dẫn đầu. Diễn đàn này bắt đầu được tổ chức vào năm 2017 và đã trở thành diễn đàn đối thoại khu vực có tính chất thường lệ. Năm 2018, diễn đàn này lấy chủ đề là: “Cùng tạo sự phồn vinh cho khu vực”, đặt trọng tâm vào sự phát triển và sự ổn định của khu vực, giúp cho các nước châu Á thấy được “chính sách hướng Nam mới” của Đài Loan cũng như năng lực hành động trong khu vực của các tổ chức dân sự và xã hội Đài Loan. Diễn đàn Ngọc Sơn 2018 đã cho mời các diễn giả gồm người được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình Kailash Satyarthi và cựu Tổng thống Nam Phi Frederik Willem deKlerk cũng là chủ nhân của giải Nobel hòa bình.
Hoạt động giao lưu dân sự vươn ra bên ngoài
Ngoài chính sách hướng Nam mới, Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á còn nêu ra 5 chương trình trọng điểm, bao gồm sự hợp tác công dân và xã hội, sự giao lưu giữa các đơn vị cố vấn chính sách, công tác bồi dưỡng lãnh đạo thanh niên, giao lưu văn hóa nghệ thuật và chương trình khu dân cư chống thiên tai. Thông qua sự giao lưu hợp tác với các đối tác, tiếp cận tới những ngóc ngách mà chính phủ không thể thâm nhập được.
Tóm lại, nhiệm vụ của Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á chính là “tìm bạn hữu” cho Đài Loan, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu trong khu vực.
“Chính phủ luôn nói rằng lấy con người làm trọng tâm, 5 chương trình trọng điểm của chúng tôi cũng là vì con người”, phòng chống thiên tai cũng là vì cứu người, lớp người trẻ tuổi chính là chủ nhân tương lai, những công việc khác như sự giao lưu giữa các đơn vị cố vấn chính sách của chính phủ, sự liên kết về công dân và xã hội cũng đều liên quan mật thiết đến con người “và chúng tôi không hề đơn phương độc mã.”
Rất nhiều chương trình của Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á liên kết với nhiều đối tác hợp tác gồm Taiwan AID, The Prospect Foundation, Quỹ văn hóa nghệ thuật quốc gia và Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan, v.v…, đồng thời tiến hành giao lưu có chiều sâu với các đối tác thuộc các quốc gia hướng Nam mới có chung lý tưởng như các đội ngũ cố vấn chính sách quan trọng, chuyên gia chính sách, đại sứ các nước tại Đài Loan, cán bộ các văn phòng đại diện và quan chức đương nhiệm hoặc cựu quan chức các nước và có rất nhiều công việc được triển khai âm thầm lặng lẽ. Ngoài chính sách mang tính nguyên tắc của chính phủ, còn dựa vào sức mạnh mềm dẻo của dân sự để Đài Loan có thể quảng giao duyên lành.
Đối thoại khu vực, giao lưu văn hóa
Ngày 16-9-2019, Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á, Quỹ dân chủ Đài Loan và tổ chức cố vấn chính sách của nước Anh - Chatham House cùng tổ chức hội thảo để thảo luận về các đối sách giải quyết vấn đề người di trú và nạn buôn người châu Á. Vào tháng 4, tổ chức này cùng với Quỹ Ramon Magsaysay Award của Philippines, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan đồng tổ chức “Đối thoại châu Á: Thực tiễn hóa hành động chuyển đổi quyền lãnh đạo” (Asian Dialogues: Transformative Leadership in Action) để tiến hành giao lưu và đối thoại những vấn đề quan trọng của châu Á gồm: sự mất cân bằng cán cân dân chủ, mất cân bằng về phát triển, thâm hụt niềm tin, v.v…Tháng 10 năm ngoái, Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á cho mời 6 nghệ sĩ thị giác của Việt Nam đến Đài Loan giao lưu với các nghệ sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà điêu khắc của Đài Loan. Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á cũng ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) để sau khi kết thúc giao lưu giữa các đơn vị cố vấn chính sách, sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật
Trong phương diện phòng chống thiên tai, tháng 5 năm nay, Quỹ giao lưu Đài Loan - châu Á cũng đặc biệt tổ chức hội nghị thượng đỉnh, giao lưu kinh nghiệm về phòng chống thiên tai, thảo luận các đề xướng phòng ngừa thiên tai với quan chức các nước gồm Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Philippines.
Chia sẻ bình đẳng, kể câu chuyện của Đài Loan
Ông Tiêu Tân Hoàng cho rằng, Đài Loan giao lưu với các nước châu Á là bắt nguồn từ sự chia sẻ kinh nghiệm một cách bình đẳng, “chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, chúng tôi có thể thay mặt chính phủ Đài Loan để kể câu chuyện về Đài Loan.”
Đúng như kinh nghiệm của bà Vương Kim Anh tại Taiwan AID, khi các tổ chức phi chính phủ của Đài Loan tới châu Á triển khai công tác viện trợ, “chúng tôi không hề có bất cứ ý đồ gì khác. Chúng tôi thực lòng muốn giúp đỡ mọi người, viện trợ lâu dài và muốn làm được tới mức luôn ở bên cạnh và sẽ không xa rời.”
Khi cộng đồng quốc tế đang rất dè chừng trước “Quyền lực sắc bén” (Sharp Power) thì hòn đảo Đài Loan lại lan tỏa một chính sách hướng Nam mới ấm áp, thân thiện, với sự hợp sức của chính phủ và lực lượng dân sự, truyền tải thông điệp “sức mạnh ấm áp” chỉ riêng Đài Loan mới có, để thế giới thấy được sự cống hiến ưu việt của Đài Loan đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.