Đến Đài Loan thưởng thức cà phê
Ghé thăm vườn cà phê thượng hạng SCAA
Bài‧Mei Kuo Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 4 2024
Chất lượng cà phê sản xuất tại Đài Loan không thua kém các khu vực sản xuất lớn trên thế giới.
Hương thơm cà phê Đài Loan đang lan tỏa! Doanh nghiệp trồng cà phê đã ứng dụng công nghệ trí tuệ vào sản xuất để làm ra hạt cà phê đẳng cấp hoàn hảo quốc tế SCAA. Hãy ghé thăm vườn cà phê, thưởng thức một tách cà phê cực phẩm, bạn sẽ nhìn thấy được mọi việc mà chủ nhân nông trại làm đều là vì để có được một hớp cà phê tuyệt vời.
Bình minh, hoàng hôn và biển mây là cảnh đẹp đặc trưng của ngọn núi Alishan, đặc sản trà cao sơn cũng nổi tiếng từ lâu, còn ngày nay những khu vườn cây cà phê nằm rải rác cũng đã trở thành “vùng đất cà phê”, nơi hội tụ các chủng loại cà phê thượng hạng của Đài Loan. Năm 2023, Đài Loan và Liên minh Cà phê Xuất sắc (ACE) lần đầu tiên tổ chức cuộc thi xác định cà phê chất lượng cao nhất và bán đấu giá mang tên Cup of Excellence (COE, Cup of Excellence), trong số 20 loại cà phê hàng đầu có 13 loại đến từ vùng núi Alishan.
Lịch sử nuôi trồng cà phê Đài Loan
Đài Loan là vùng đất thích hợp trồng cà phê ư? Viện trưởng Viện Thí nghiệm Nông nghiệp chi nhánh Gia Nghĩa - Phương Di Đơn (Yi-Tan Denise Fang) cho biết, khu vực giữa vĩ độ Bắc và Nam 23,5 độ thường được gọi là “vành đai cà phê”, điều kiện trồng cà phê cũng tương tự như trồng cây trà. Vào năm 1884, những doanh nhân người Anh đã mang đến Đài Loan trồng một lượng nhỏ cây cà phê Arabica.
Đến năm 1902, khi chính phủ Nhật Bản trồng cà phê ở khu vực ngày nay là Vườn thực vật nhiệt đới Hengchun (Hằng Xuân),đã phát hiện chủng loại cà phê Arabica là thích hợp nhất với thổ nhưỡng Đài Loan, từ đó đã trồng cây non trên vùng núi Hebao (núi Hà Bao), xã Gukeng (Cổ Khanh), huyện Yunlin (Vân Lâm), dần dần được trồng rộng rãi ở các nơi như Huashan (Hoa Sơn) và nhiều địa phương khác. Sau Thế chiến thứ hai, Đài Loan không còn thị trường cà phê, hầu hết các vùng sản xuất cà phê đều bị bỏ hoang.
Vào những năm 1950, giá cà phê quốc tế tăng vọt, Đài Loan lại diễn ra một làn sóng cà phê mới, du nhập kỹ thuật canh tác và giống cà phê Hawaii chống nấm. Sau đó chính phủ không tiếp tục chính sách khen thưởng, quảng bá, thế là cà phê Đài Loan một lần nữa rơi vào dĩ vãng.
Trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999 gây ảnh hưởng nặng nề đến Đài Loan nhưng lại là cơ hội để ngành trồng cà phê cất cánh. Để phục hồi xây dựng lại khu vực thiên tai, chính phủ đã thúc đẩy chính sách “Tạo nên nét riêng độc đáo của từng xã”, trong đó xã Gukeng lấy ngành trồng cà phê vốn có từ xưa để làm trục phát triển chính. Năm 2003, Chính quyền huyện Yunlin lần đầu tiên tổ chức “Festival Cà phê Đài Loan” tạo tiếng vang cho ngành cà phê địa phương, đồng thời cũng xác lập xã Gukeng là “Quê hương của cà phê”.
Năm 2021, Đài Loan lần đầu tiên kết hợp cùng với Liên minh Cà phê Xuất sắc tổ chức cuộc thi “Professional Coffee Athletic” (PCA), thu hút các doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia tham gia thi và đấu thầu, trong đó có American Blue Bottle Coffee, là một nhà rang xay cà phê đặc biệt của Mỹ, hay còn được mệnh danh là APPLE trong ngành cà phê. Năm 2023, Đài Loan tiếp tục nâng cấp tổ chức cuộc thi đấu CUP OF EXCELLENCE (COE) là một cuộc thi danh giá và uy tín bậc nhất để tìm ra cà phê chất lượng cao, được ví như “Giải Oscar trong giới cà phê”, từ đó thể hiện rõ chất lượng cà phê của Đài Loan đã được khách hàng quốc tế công nhận.
Những người trồng cà phê ở núi Alishan đã đoàn kết để cải tiến công nghệ trồng trọt và chế biến cà phê, biến Alishan trở thành một tụ điểm sản xuất cà phê cao cấp ở Đài Loan.
Hiện tượng tiêu dùng cà phê tại Đài Loan
Đài Loan sản xuất cà phê cao cấp, văn hóa tiêu dùng cà phê cũng là một trong những động lực thúc đẩy phát triển ngành cà phê. Theo thống kê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổng lượng tiêu thụ cà phê của người Đài Loan vào năm 2021 khoảng 2,85 tỷ cốc, tính trung bình mỗi người uống 122 cốc cà phê một năm.
Người Đài Loan thích uống cà phê, trong ngành sản xuất cà phê cũng có những hiện tượng khá thú vị. Người triệu tập của Liên minh Chiến lược ngành công nghiệp Cà phê Đài Loan, ông Lâm Triết Hào (Krude C.H. Lin) quan sát cho thấy, đã có 671 người Đài Loan nhận được Chứng chỉ Q Arabica Grader về thẩm định chất lượng cà phê được trao bởi Viện Chất lượng Cà phê Quốc tế CQI, trong khi đó số lượng quán cà phê, quán cà phê mô hình tự rang xay, và chuyên gia rang cà phê chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số. Ngoài ra, việc các siêu thị tiện lợi cung cấp hạt cà phê tươi rang xay trong một tuần cũng là điều hiếm thấy trên thế giới.
Những năm gần đây, Đài Loan là khách hàng lớn nhất của cuộc thi đấu giá Best of Panama (BOP), là cuộc thi xuất xứ cà phê nổi tiếng nhất thế giới, các siêu thị tiện lợi cũng tung ra thị trường loại cà phê cao cấp. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng “có gu thưởng thức” khi chọn mua cà phê cao cấp và cà phê thượng hạng đắt tiền. Ngành trồng cà phê Đài Loan hiện đang phát triển theo hướng tạo ra sản phẩm cà phê cao cấp, đồng thời lan tỏa nét đặc sắc của Đài Loan.
Quả cà phê được rửa sạch, phơi khô hoặc chế biến bằng mật ong (Honey processing) sẽ tạo ra những hương vị khác nhau khi được chế biến bằng phương pháp khác nhau.
Đồn điền Zouzhouyuan, vườn cà phê tuổi đời trăm năm trở thành mục tiêu nghề nghiệp
Chúng tôi đến thăm vườn cà phê, hành trình đầu tiên là ghé đồn điền Zouzhouyuan của bộ tộc Lalauya ở núi Alishan, bên ngoài cửa hàng là bức tượng đồng của một chiến binh bộ tộc Tsou, tay cầm giáo, trên lưng đeo một con dao săn, y hệt chân dung của một “chiến binh nông dân” như lời của anh Phương Chính Luân (Fang Zhenglun) đã nói.
Năm 2007, anh Phương Chính Luân giành giải vô địch trong Cuộc thi đánh giá hạt cà phê cao cấp toàn quốc Đài Loan, đến năm 2022, hạt cà phê Geisha Natural của anh đã giành giải đặc biệt trong Cuộc thi giao lưu cà phê ưu tú và được bán với giá 520.000 Đài tệ/5 kg, lập kỷ lục thế giới về giá mua đấu giá.
Đài Loan là một hòn đảo khoa học công nghệ, anh Phương Chính Luân đã ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vào việc trồng cà phê chất lượng cao. Vườn cà phê được trang bị máy thăm dò, số liệu thăm dò nhiệt độ, độ ẩm, độ phì của thổ nhưỡng sẽ gửi vào App, anh Phương Chính Luân chỉ cần sử dụng dữ liệu big data để thiết lập chiến lược quản lý, từ đó giúp anh có nhiều thời gian trực tiếp đến quan sát tại vườn, thế là anh đã “phát hiện ra nhiều điều đặc biệt làm thay đổi ngành cà phê Đài Loan”.
“So'ngna” (trong tiếng Tsou có nghĩa là tốt nhất, xuất sắc nhất), tên gọi này là kết quả của việc anh quan sát được các đặc điểm độc đáo của lá và quả cà phê, sau khi kiểm định DNA xác nhận là loài nguyên sinh ở châu Phi nhưng lại không có tên, thế là anh bèn đặt tên là “So'ngna”. Anh tin rằng nếu tiếp tục quan sát và khám phá những giống mới thì việc tìm ra những giống cà phê được phát hiện ở Đài Loan là điều có thể xảy ra.
Vườn cà phê của anh Phương Chính Luân từ khâu quản lý canh tác cho đến khâu sản xuất hậu kỳ hoàn toàn áp dụng phương pháp “Dịch vụ một điểm đến”. Khi đến thăm đồn điền Zouzhouyuan, bạn sẽ hiểu được sự ra đời của hạt cà phê đẳng cấp là như thế nào.
Anh Hứa Định Hoa, chủ quán cà phê Zhuowu, rất sáng tạo và sử dụng ly rót trà, tách trà và tách ngửi trà để thưởng thức cà phê. (Ảnh Lin Min-hsuan)
Nông trường cà phê núi Zhuowu, mỗi năm mong chờ sự ra đời của những hạt cà phê mới
Thôn Trà Sơn (Chashan) nằm ở cực nam của xã Alishan, cà phê “Geisha Natural” của nông trường cà phê Trác Vũ (Zhuowu) trong cuộc đấu giá PCA năm 2021 được bán với giá 500,5 USD/1 pound (tương đương 30.820 Đài tệ/1kg), phá kỷ lục giá bán cao nhất giá trong lịch sử đấu giá PCA.
Chủ nông trường là ông Hứa Tuấn Vinh (Xu Junrong) năm nay 70 tuổi, ông trồng trà đã 37 năm, vì bị ảnh hưởng bởi côn trùng phá hoại mùa màng nên ông đã nghe theo lời khuyên của con trai là Hứa Định Hoa (Xu Dinghua) chuyển sang trồng cà phê từ năm 2001.
Ông Hứa Tuấn Vinh rất có chuyên môn trong việc quản lý vườn, ông còn học được cách ghép cây, bán được cà phê “geisha natural” với giá cao, chính ông là người ghép giống Geisha lên cây Typica để tạo ra những tác phẩm tuyệt vời.
Mặt khác, anh Hứa Định Hoa hợp tác với một công ty công nghệ sinh học để triển khai ngành nông nghiệp chính xác, lấy mẫu đất, quả cà phê, lá và cành ở những thời điểm khác nhau mang đi thử nghiệm. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng và năng suất của hạt cà phê. Anh Hứa Định Hoa nói: “Chúng tôi biết phải làm gì đúng thời điểm, điều này rất khoa học”.
Muốn thưởng thức cà phê hạt nguyên bản của nông trường cà phê trên núi Trác Vũ (Zhuowu) hãy đến uống tại quán cà phê Zhuowu ở trung tâm thành phố Gia Nghĩa. Thưởng thức cà phê ở đây được trải nghiệm rất nhiều nghi lễ, sử dụng cốc nếm thử và cốc ngửi mùi thơm của cà phê để khởi động năm giác quan thưởng thức mùi thơm của cà phê trước khi uống. Cà phê Geisha Washed có mùi thơm chua ngọt của chanh và cam quýt, khi uống vào thấy phảng phất vị thơm của quả mọng, nước cà phê mềm mại đậm đà, còn cà phê SL34 có hương hoa, hương thơm của trà, mận, cam quýt và hương thơm của quả dưa, vị cà phê ngọt dịu, phong vị hài hòa.
“Tiếp tục thử nghiệm, không ngừng thử nghiệm và tích lũy thông tin”. Anh Hứa Định Hoa chia sẻ, hàng năm cứ vào mùa thu hoạch, anh đều rất mong chờ sự ra đời của những hạt cà phê mới, “cảm giác cứ như trúng số vậy”.
Quán cà phê Songyue của ông Quách Chương Thịnh (phải) đã ghép cà phê vào cây Tricalysia dubia bản địa của Đài Loan, nỗ lực tìm ra hướng phát triển bền vững cho cà phê ở Đài Loan trong thời kỳ biến đổi môi trường. Vì lý do này, ông đã giành được Giải thưởng Thần Nông. (Ảnh Lin Min-hsuan)
Đến quán cà phê Peisu, thưởng thức một ly cà phê văn hóa dân tộc Tsou
“Aveoveoyu!” là lời chào bằng tiếng Tsou với khẩu khí cực kỳ nhiệt tình mà ông Mo’o’e ‘Akuyayana (Chen Jihua), cha cô chủ quán cà phê Peisu Lupi’i ‘Akuyayana (Chen Yuan) đã dùng để hoan nghênh chào mừng chúng tôi.
Quán cà phê Peisu độc đáo ẩn mình sau những ngôi nhà dân nằm trong bộ lạc Hosa no Tfuya thuộc xã Alishan.
Cô Lupi’i ‘Akuyayana, con gái ông Mo’o’e ‘Akuyayana thuộc tốp thanh niên từ quê lên miền Bắc làm việc trong thời gian dài, một lần về nhà thăm gia đình, cô chợt nhận ra bố mình tuổi đã cao mà cô lại sống rất xa nhà, “muốn về nhà”. Cô nhớ lại mỗi lần về quê, cô đều ngồi uống cà phê với bố mẹ và trò chuyện về tình hình cuộc sống của nhau, “mùi cà phê là mùi vị của quê nhà”, thế là cô Lupi’i ‘Akuyayana quyết định khởi đầu mới từ hạt cà phê.
Không chỉ là nơi tụ họp gia đình, cô Lupi’i ‘Akuyayana còn biến quán cà phê Peisu thành một một nơi lan tỏa văn hóa dân tộc Tsou. Theo truyền thuyết, vị thần Hamo của bộ tộc Tsou đã để lại dấu chân của mình trên núi rừng, sau đó, người trong bộ tộc đã định cư ở những nơi có dấu chân của thần. Bộ lạc Hosa no Tfuya là nơi đầu tiên có dấu chân của thần Hamo. Cô Lupi’i ‘Akuyayana đã thiết kế chương trình hướng dẫn tham quan bộ lạc, để khách đến uống cà phê nhân tiện làm một chuyến đi trải nghiệm văn hóa dân tộc Tsou. Tinh thần trở về quê hương khởi nghiệp của cô đã khiến quán cà phê Peisu được Hội đồng Phát triển Quốc gia chọn Phòng đào tạo huấn luyện năng lực dành cho thanh niên, cùng đồng hành với thanh niên trở về quê hương tìm kiếm cơ hội đầu tư khởi nghiệp tại địa phương.
Đến với quán cà phê Peisu, tách cà phê mà bạn uống không chỉ là một tách chứa đựng vị ngọt văn hóa, mà trong đó còn phảng phất vị cà phê của quê hương.
Hai bố con ông Trần Cát Hoa (phải) và con gái Lupi’i ‘Akuyayana, đã biến quán cà phê thành một quán cà phê đặc sắc mang đậm văn hóa của dân tộc Tsou.
Cà phê Peisu có view rộng nhìn ra núi, nơi được rất nhiều khách quen yêu thích.
Quán cà phê Songyue Gukeng, đi tìm vị cà phê xuất sắc nhất
Đi theo đường quốc lộ Caoling đến Gukeng, vùng đất được mệnh danh là “quê hương của cà phê Đài Loan”, ghé thăm quán cà phê Songyue ở độ cao cách mặt nước biển 1.200 mét. Ngôi nhà của gia đình họ Quách (Guo) là một ngôi nhà cổ kiểu tam hợp viện. “Chúng tôi là gia đình đúng chất nhà nông", chủ nông trường - ông Quách Chương Thịnh (Guo Zhangsheng) mỉm cười giới thiệu. Từ bên trong sân vườn, có thể nhìn ra khu vườn thí nghiệm cà phê của ông Quách, nhìn ra xa là dãy núi Gia Nam Phong (Jiananyun feng) và dãy núi Alishan. Ngồi trên chiếc ghế đá, bạn có thể thưởng thức một tách cà phê phong vị đậm chất Đài, vô cùng độc đáo.
Ông Quách Chương Thịnh năm nay 60 tuổi, từ bé đã có niềm đam mê nghiên cứu thực vật, ông biết ghép cây từ khi còn học tiểu học, ông cũng đã đến núi Hebao tìm cây cà phê, sau đó đem về nhà và trồng thử.
Sau trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999, cà phê trở thành điểm độc đáo của Gukeng, ông Quách Chương Thịnh chuyên trồng cà phê, năm 2010, ông tham gia cuộc thi Hiệp hội Cà phê Hảo hạn Hoa Kỳ (SCAA) và được xếp hạng xuất sắc nhất trong số các thí sinh Đài Loan. Điều này càng củng cố sự tự tin của ông và giúp ông chiến thắng mọi cuộc thi những năm sau đó.
Để nâng cao chất lượng hạt cà phê, ba người con trai của ông Quách đều đạt được chứng nhận chuyên gia nếm cà phê Q Grade. Trong thời gian thu hoạch, cả gia đình cùng nhau nếm thử để chọn ra loại cà phê nổi bật xuất sắc nhất.
“Dãy núi Jiananyun nằm gần mạch núi Alishan nên cà phê có vị như trà ô long, vốn là đặc sản của ngọn núi này”. Năm 2023, ông tham gia Cuộc thi thị phạm đánh giá và phân loại cà phê Đài Loan (TCAGs) kỳ đầu tiên do Bộ Nông nghiệp khởi xướng, kết quả ông đã giành được giải tuyển chọn đặc biệt đối với hạt cà phê Geisha Washed, có mùi thơm của hoa và vị chua ngọt. Ông nói: “Giống như uống nước ép trái cây vậy, hương vị trong trẻo đến mức có thể xuyên thấu giác quan, không gian tưởng tượng cũng rất rộng, các giám khảo người Singapore cũng muốn mua”.
Đến với nông trường cà phê Đài Loan để uống cà phê, vị cà phê mà bạn thưởng thức là cực phẩm được tạo ra bởi niềm đam mê của cả cuộc đời chủ nông trường, nó xứng đáng để tìm đến dù có xa xăm ngàn dặm!
Quán cà phê Songyue xuất thân từ “gia đình đậm chất nhà nông”, với một vài chiếc bàn trong sân liền hóa thân thành quán cà phê ngoài trời. (Ảnh Lin Min-hsuan)