Đài Bắc - Một sự khởi đầu mới Không gian đọc sách chung đầy thú vị
Bài‧Wu Ching-wen Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 6 2018
在虛擬當道的年代,我們仍需要實實在在的圖書館。50年的數位資訊洪流,沖不散五千年的知識載體;人們的短期記憶日益薄弱、轉瞬即逝,幸好生活中還有一兩處收納長期記憶的物理空間,大隱於市。
Đứng trước trào lưu của thời đại mô phỏng thực tại ảo, chúng ta vẫn cần đến sự hiện diện của thư viện thật. Hòa trong dòng chảy 50 năm của thông tin kỹ thuật số, bộ nhớ truyền tải kiến thức của 5.000 năm qua chưa bị xóa nhòa; các ký ức ngắn hạn của con người ngày càng trở nên yếu ớt mỏng manh, bị phai nhạt chỉ trong nháy mắt, nhưng thật may mắn là trong cuộc sống vẫn có một vài không gian vật lý để lưu trữ trí nhớ dài hạn, ẩn dật đâu đó trong cuộc sống.
Tay cầm điện thoại di động lên vốn có ý định chụp ảnh nhưng động tác này dừng lại giữa chừng, rồi buông xuống, và cất vào trong túi. Nơi đây là địa điểm lưu trữ hơn 2.000 đầu sách nhiếp ảnh, thật sự cần chi phải tạo thêm một vài tấm ảnh nữa? Việc bấm nút chụp đã trở thành một động tác thừa. Và chỉ có những người yêu chuộng nhiếp ảnh mới tạo ra một không gian như thế, ngay cả tên gọi của không gian cũng rất lạ: Lightbox (Hộp đèn), ngăn nắp sáng sủa đúng như tên gọi của nó.
Thư viện ảnh “Lightbox”
Có rất nhiều danh từ liên quan tới kỹ thuật nhiếp ảnh, vì sao tên gọi “Lightbox” lại được chọn? Ông Tào Lương Tân (Tsao Liang-pin), người sáng lập thư viện chậm rãi giải thích: “Hộp đèn là thiết bị dùng để kiểm tra phim chụp ảnh, tôi hy vọng không gian này sẽ tạo cảm giác tràn đầy năng lượng, tựa như chiếc hộp phát ra ánh sáng. Thông qua những cuốn sách khiến những người yêu thích nhiếp ảnh đến đây sẽ được kích thích óc sáng tạo, thắp lên ngọn lửa đam mê với nhiếp ảnh. Có lẽ đây là việc làm tràn đầy niềm vui tươi sáng.” Điều thú vị ở đây đó là, mặc dù đều thuộc phạm trù nghệ thuật, nhưng tên gọi “Lightbox” vừa hay lại có thể tạo sự phân biệt với “Chiếc hộp trắng” là một tên gọi khác của Bảo tàng Mỹ thuật hoặc tên thường gọi “Chiếc hộp đen”của sân khấu kịch.
Nói đến ý tưởng sáng lập ban đầu, là có liên quan với hai kinh nghiệm cá nhân của ông Tào Lương Tân. Cuối năm 2014, bộ sưu tập ảnh đầu tiên của ông xin trợ cấp của Quỹ Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia để xuất bản; tuy nhiên, sau khi phát hành, “mới chỉ là đi được nửa chặng đường, rồi sau đó sẽ làm gì?” Ông bắt đầu suy nghĩ bộ sưu tập ảnh này sẽ mang lại ý nghĩa cho những người nào, và lại có thể gợi sự thích thú cho ai. Hơn nữa ông là một trong những thành viên tham gia “Dự án Nghiên cứu đại cương lịch sử nhiếp ảnh Đài Loan” của Bảo tàng Quốc gia Đài Loan. Là một trong những thành viên của nhóm tác giả, trong quá trình thu thập tài liệu lịch sử nhiếp ảnh vào thời kỳ đầu của Đài Loan, ông Tào Lương Tân phát hiện tài liệu bị phân tán nhiều nơi, khiến công việc phân tích và nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. “Cho nên, sau này khi tôi muốn thành lập không gian nhiếp ảnh đã nghĩ tới vấn đề ở Đài Bắc không thiếu địa điểm trưng bày, nhưng địa điểm dành cho những người có chung sở thích có thể tập trung để đọc sách, tự trau dồi học tập, gặp nhau thảo luận thì rất ít, để thực hiện các chức năng giao tiếp xã hội ngoài việc tổ chức tọa đàm, có lẽ sau này di chuyển tới một không gian rộng hơn thì sẽ hoàn hảo hơn.”
Trong thời đại phát triển mạnh mẽ về nghe nhìn, con người rất dễ bị cuốn hút, nhưng cũng lãng quên rất nhanh. Tìm kiếm thông tin trong đại dương Internet mênh mông, xem lướt hình ảnh mặc dù tiện lợi, nhưng lại bị thiếu tính hệ thống và tính tuần tự, dễ trở nên rời rạc vụn vặt, ông Tào Lương Tân nêu nhận xét: “Sách nhiếp ảnh vừa đúng ở giữa của tác phẩm gốc và tập tin kỹ thuật số, Bảo tàng Mỹ thuật chưa chắc có đủ kinh phí để mua nguyên tác nhiếp ảnh, nhưng mua bộ sưu tập ảnh sẽ dễ dàng hơn, huống chi sách cũng là sự thể hiện ý chí và quá trình sáng tác của tác giả.”
Mọi người quyên góp và tập hợp 2.000 đầu sách
Hiện nay số lượng sách được lưu trữ đã lên tới 2.272 cuốn, có được kết quả này là nhờ sự thu thập, tập hợp sức mạnh của mọi người từ khắp nơi. Trước tiên ông Tào Lương Tân dốc hết tâm huyết quyên tặng toàn bộ 400 cuốn sách nhiếp ảnh của mình cho thư viện, việc ông làm đã thu hút Giáo sư Quách Lực Hân (Kuo Li-hsin), khiến giáo sư đóng gói toàn bộ sách có trong tay của mình thành 24 thùng, và đích thân chở tới thư viện, nhân viên thư viện phải mất hơn 3 tháng mới hoàn thành công việc sắp xếp lại số sách này. “IMA”- tạp chí nhiếp ảnh đương đại Nhật Bản đặc biệt gửi 3 thùng to tạp chí của công ty này qua đường hàng không đến Đài Loan; nhân dịp ông Tào Lương Tân đến thăm New York, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ - Robert Frank, đã tặng cho ông vài bộ sưu tập ảnh kinh điển; khi ông Tào Lương Tân sang Pháp giao lưu văn hóa đã mang theo hơn chục bộ ảnh của Đài Loan để chuẩn bị quyên tặng cho đơn vị địa phương, 3 tháng sau Thư viện Quốc gia Pháp gửi đến một xấp văn bản, trên đó có in chi tiết đăng ký lên kệ của mỗi một quyển sách. Ngoài ra, cũng có độc giả nhắn tin riêng trên fanpage, hỏi xem có cuốn sách chuyên môn của một nhiếp ảnh gia người Nhật nào đó hay không, khi biết được hiện thư viện này chưa có cuốn đó, thế là họ liền đặt mua trực tiếp trên mạng và ghi tên người nhận là Thư viện ảnh “Lightbox” tại Đài Loan.
Trong công việc phân loại sách lưu trữ của thư viện, các bộ sưu tập ảnh có tỷ lệ cao nhất, chiếm đến 50% số sách, ngoài ra là sách lịch sử nhiếp ảnh, sách bình luận nhiếp ảnh, tạp chí nhiếp ảnh, sách ghi chép triển lãm nhiếp ảnh v.v... Cùng với việc gia tăng danh mục sách, ngoài xem xét chuyển thư viện tới một địa điểm rộng hơn, ông Tào Lương Tân cũng dự định đưa thêm các ấn phẩm xuất bản thuộc các lĩnh vực liên quan như kỹ thuật nhiếp ảnh, quay phim điện ảnh v.v... vào kho tàng bảo tồn của thư viện.
“Về nguồn sách thì có thể áp dụng cách xin lập dự toán ngân sách để mua thống nhất một lần, nhưng cách này hơi cá nhân hóa và lại không thấy thú vị; sau này đã quen được những người quyên góp sách khác nhau, những tình nguyện viên hay thính giả, trong một năm qua đã tiến dần tới mục tiêu 2.000 cuốn.” Đối với ông Tào Lương Tân mà nói, quá trình “thu gom sách từ mọi người” rất giàu ý nghĩa, tính đến nay đã có tổng cộng 190 người quyên tặng, như vậy cũng tạo cơ hội tiếp xúc với các nhóm nhiếp ảnh khác nhau, qua đó để hiểu được những thắc mắc hay hứng thú của họ đối với nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại.
Mặc dù thông qua các đoàn thể xã hội dễ thu hút và tập hợp được những người có chung sở thích, nhưng mặt khác cũng tạo ra rào cản cho người mới bước vào nghề nhiếp ảnh, “chúng tôi hy vọng đây là nơi có tính chuyên môn, nhưng không phải là nhóm khép kín, giúp nhóm cộng đồng này trong lúc mở rộng phát triển cũng có thể đón chào những người đến từ các lĩnh vực khác nhau, đối với chúng tôi mà nói đây là điều quan trọng.” Ngoài việc trao đổi sách, Lightbox cũng cho mời những người làm công tác nhiếp ảnh ở nước ngoài tới Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm hoặc tổ chức các buổi trao đổi kiến thức, phương pháp hay kỹ năng, kỳ vọng có thể xúc tiến đội ngũ các nhà nhiếp ảnh Đài Loan có sự đối thoại với các nhóm nhiếp ảnh gia nước ngoài.
“Trung tâm Văn hóa Nhiếp ảnh Quốc gia” theo dự kiến sẽ tu sửa xong trong năm 2018, lấy lịch sử nhiếp ảnh Đài Loan, nghệ thuật nhiếp ảnh, công tác nghiên cứu di sản nhiếp ảnh, bảo tồn, triển lãm, giáo dục và quảng bá làm tôn chỉ thành lập và định hướng phát triển, vậy nó có sự khác biệt như thế nào so với Thư viện ảnh Lightbox?
Ông Tào Lương Tân chỉ ra, Trung tâm này không thiết lập không gian lưu trữ đặc biệt, theo cách phân loại sách của thư viện hiện tại cũng không bao quát được tính đa dạng của sự phát triển nhiếp ảnh đương đại, sưu tầm tư liệu sách chỉ dựa vào cơ quan thông thường là không dễ, nên việc thành lập thư viện chuyên môn là điều tất yếu. “Khác với thư viện được thiết lập trong Bảo tàng Mỹ thuật, tôi muốn chú trọng vào việc sưu tập, sắp xếp và quảng bá các loại ấn phẩm nhiếp ảnh của Đài Loan, có chút tương tự như thực hiện công việc lưu trữ vậy.”
Bà Susan Sontag là nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ, trong tác phẩm “On Photography” của bà có nhắc tới, sách là cách bố trí các bức ảnh giàu sức ảnh hưởng nhất, đồng thời còn bảo đảm được tuổi thọ của chúng. Mặc dù quy mô xuất bản các ấn phẩm bằng giấy đang giảm dần từng năm, viễn cảnh của nhiếp ảnh cũng vậy, không được đánh giá cao, sự xuất hiện của Lightbox, kỳ vọng có thể tập hợp được nguồn năng lượng nhiếp ảnh, hướng trọng tâm vào giá trị nhiếp ảnh của Đài Loan, giúp văn hóa nhiếp ảnh của Đài Loan phát triển có tính tự giác và tự quyết, đồng thời tiếp tục tỏa sáng.
“Không chỉ là Thư viện”, mà còn là không gian sáng tạo mới
Trăng treo đầu ngọn liễu, người hẹn buổi chiều tà. Xếp bàn ghế qua một bên, sẽ trở thành một hội trường, trai thanh gái lịch từ khắp nơi lũ lượt kéo đến, tiếng nhạc jazz du dương vọng ra qua khe cửa từ rất sớm, thì ra không chỉ là thư viện, nơi đây đang diễn ra một cuộc thử nghiệm đầy tinh thần mạo hiểm.
Đó chỉ là khung cảnh của một ngày cuối tuần nào đó. Hầu hết thời gian còn lại nơi đây rất yên tĩnh và dễ chịu, cùng với cảnh tượng người qua kẻ lại nhộn nhịp của cả một khu công viên tạo sự tương phản mạnh mẽ. Bước chân vào bên trong tiếng huyên náo bên ngoài đã được lọc bỏ hoàn toàn. Các ô cửa sổ tràn đầy nắng ấm, còn kệ sách thì lạnh và cứng; các cuốn tạp chí mang một vẻ hiện đại, còn thời gian thì chầm chậm trôi. Những cuốn sách thiết kế được chất đầy trong phòng đọc, ngoài ra, còn có một không gian triển lãm mini với diện tích 3x3, thậm chí ở nơi đây đã từng tổ chức các buổi tọa giảng, các phiên chợ sách, những buổi hòa nhạc và vũ hội swing....
Ôi~ hãy đưa ống kính trở về với đề tài chính của không gian này, vai chính ở đây chính là “sách”: trong thư viện đã có hơn 30.000 đầu sách, có trên 100 loại tạp chí thiết kế trong và ngoài nước, bao gồm các loại như thiết kế phẳng, thiết kế công nghiệp, kiến trúc, thời trang, mỹ thuật, mỹ nghệ v.v..., hàng năm khi nhập sách sẽ điều chỉnh tùy theo tình hình; bắt đầu từ năm nay còn tăng thêm nhiều tạp chí độc lập trong và ngoài nước, thể hiện nét độc đáo có tính phi thương mại. Đối với vấn đề chọn sách như thế nào, theo người phụ trách không gian “Không phải là thư viện” cô Lưu Phương (Leslie Liu) cho biết, ngoài việc để ý tới xu hướng và trào lưu thiết kế, cộng thêm việc tư vấn và giới thiệu của nhà xuất bản hay đại lý, cũng sẽ tham khảo cách trưng bày của các hiệu sách độc lập.
Chỉ cần lướt qua tình hình lưu trữ sách trong thư viện, sẽ phát hiện có rất nhiều thứ không có mối liên quan trực tiếp với thiết kế, ví dụ như dinh dưỡng thực phẩm, nhiếp ảnh, âm nhạc, tư duy thẩm mỹ v.v... “Chúng tôi cũng bổ sung thêm các loại sách liên quan tới đời sống nghệ thuật. Trong thiết kế không nên giới hạn chỉ có vật thể, mà phải được nâng đỡ bởi nhu cầu sinh hoạt. Nếu chỉ đặt trọng tâm vào vật thiết kế, rất dễ bị cuốn vào dòng chảy, chỉ chạy theo trào lưu của nước ngoài; chỉ cần đưa thêm yếu tố nghệ thuật vào, thì có thể tạo nhiều suy nghĩ độc lập hơn, mà không phải chỉ có kết quả của thiết kế. Do đó, trong tất cả khâu liên quan tới giai đoạn đầu trong thiết kế, đều được dùng làm tham khảo để lựa chọn sách.”
Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển Internet mạnh mẽ như thời nay, tại sao chúng ta còn cần đọc sách? Thông tin về thiết kế đầy rẫy khắp nơi, đâu cần gì phải đi đến thư viện? Cô Lưu Phương đề xuất 3 lý do: Điểm thứ nhất, ở thời đại thông tin tràn lan, càng cần tới sự tồn tại của sách. Trong đại dương Internet mênh mông, đa số là copy rồi dán lại, có tính chất trùng lặp khá cao, ngược lại sách đôi khi sẽ là sự lựa chọn có hiệu quả cao. Internet không phải là vạn năng, nếu muốn tìm hiểu một cách có hệ thống về chủ đề lịch sử văn hóa đặc biệt, lấy ví dụ từ điển trang phục hoặc thiết kế của Trung Đông, thì tìm trong sách còn hơn là tìm trên mạng như mò kim đáy bể, sẽ giúp ta học hỏi được nhiều nội dung kiến thức hơn.
Điểm thứ hai, khi tìm kiếm tư liệu trên Internet, thứ tự ưu tiên của kết quả tìm thấy sẽ được xếp hạng nghiêng theo xu thế chủ đạo, “làm thiết kế tìm ra quan điểm của chính mình là điều rất quan trọng”, đọc sách của các thời kỳ khác nhau có thể tạo sự kích thích khác nhau. Điểm thứ ba, thông thường Ineternet dễ khiến chúng ta khép mình trong một phạm vi quen thuộc, nhưng đôi khi nguồn cảm hứng lại đến từ con người, sự việc và sự vật rất bình thường mà chúng ta không quen thuộc hoặc chưa từng tiếp xúc lần nào. “Đó chính là điều tất yếu của sách và thư viện, chúng có thể thể hiện kiến thức một cách đồng đều.”
Mở rộng xuyên lĩnh vực, xoay chuyển quan niệm truyền thống
Thư viện không chỉ là một không gian, đó cũng là một nơi trung gian; mỗi lần quy hoạch chủ đề triển lãm đều có mối liên quan với một loại hình thiết kế trong đó, hy vọng hướng dẫn khán giả khi vào xem sẽ thấy được một bộ phận lưu trữ bảo tồn của thư viện, ví dụ như cuộc triển lãm về nghệ thuật thêu vừa mới kết thúc, có thể thu hút những người có hứng thú với thiết kế thời trang hoặc điêu khắc 3D, qua đó có thể tìm ra càng nhiều sách có nội dung kiến thức liên quan tại thư viện.
Khi thư viện xem xét việc mời các nhà thiết kế tổ chức triển lãm, thư viện sẽ thiên về tính thí nghiệm cao hơn, phát triển ra những ý tưởng chưa chín muồi, “bằng không thì giao cho Viện Bảo tàng Thiết kế tổ chức là được rồi.” Cô Lưu Phương mỉm cười và nói, đây là một môi trường có thể xuất hiện mọi ý tưởng, họ đang thử xoay chuyển quan niệm truyền thống đối với thư viện.
Đặt trọng điểm vào việc thống nhất các chức năng, hiện nay thư viện ảnh này tọa lạc ở tầng hai bên hông phía Bắc Nhà máy sản xuất thuốc lá trong khu Công viên Văn hóa Sáng tạo Songshan, dự định vào tháng 9 chuyển tới tầng một bên cạnh “Bảo tàng Thiết kế Đài Loan”; người dân sau khi tham quan Bảo tàng Thiết kế Đài Loan, có thể đi tiếp sang thư viện để đọc sách. Khi đó không gian cũng sẽ được thiết kế khác với phong cách công nghiệp hiện có, các bạn nếu muốn nhìn thấy sự chuyển mình đẹp đẽ như vậy của thư viện, thì hãy nắm bắt cơ hội cùng khám phá nhé.