Huy động sức dân quy hoạch toàn diện
Lễ hội nghệ thuật lúa thu Trì Thượng
Bài‧Tina Xie Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 8 2021
一個人口嚴重外移的小鎮,卻在2009年登上《時代》雜誌,照片裡的音樂家在金黃色的稻浪裡彈奏鋼琴,輕風拂過稻田,琴聲在山谷間悠揚迴響。
台東池上秋收稻穗藝術節,經歷11年的歲月,對當地鄉親而言,不只是藝術活動,更是家鄉的慶典,是池上人向外地旅客說:「我愛池上」的大好機會。
Một thị trấn nhỏ có tình trạng dân số di chuyển đi nơi khác khá trầm trọng nhưng lại được đăng trên tạp chí “Time” năm 2009. Trong ảnh là một nhạc sĩ đang chơi đàn piano giữa một biển lúa vàng óng, từng cơn gió nhẹ lướt qua cánh đồng lúa, tiếng đàn du dương vang vọng trong thung lũng.
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Trì Thượng Lương Chính Hiền đẩy mạnh hệ thống chứng nhận xuất xứ gạo Trì Thượng, đảm bảo giá trị cho gạo Trì Thượng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật của Trì Thượng.
Lễ hội nghệ thuật lúa thu Trì Thượng ở Đài Đông (Chishang - Taitung) đã trải qua 11 năm. Đối với cư dân địa phương, đây không chỉ là sự kiện văn hóa nghệ thuật, mà còn là lễ hội của quê hương, là dịp để người dân Trì Thượng bày tỏ với du khách rằng: “Tôi yêu mảnh đất Trì Thượng”.
Trước thềm diễn ra Lễ hội nghệ thuật lúa thu Trì Thượng, nông dân cùng thu hoạch lúa ở khu vực sân khấu, số còn lại đợi lễ hội kết thúc mới gặt nốt. (Ảnh: Luo Zhengjie, Quỹ Lovely Taiwan cung cấp )
Cư dân Trì Thượng có tinh thần đoàn kết cao
Trong ngày diễn ra Lễ hội nghệ thuật, xung quanh địa điểm tổ chức đều có sự hiện diện của những tình nguyện viên, người điều khiển giao thông, đội ngũ y tế, quầy bán hàng lưu niệm, toàn bộ đều là do dân cư ở Trì Thượng phụ trách quy hoạch. Trước cổng ga xe lửa, một người đàn ông phấn khởi nói: “Hai ngày nay là ngày trọng đại của Trì Thượng!”. Cả xã Trì Thượng đã huy động toàn bộ dân cư, mọi người đều phục vụ hết sức nhiệt tình, nhìn thấy du khách có vẻ như bị lạc đường là lập tức đến chỉ dẫn hỗ trợ.
Hàng năm để chuẩn bị cho lễ hội này, người dân Trì Thượng phải mất ít nhất 8 tháng, cử 300 tình nguyện viên tham gia lớp bồi dưỡng năng lực chuyên môn theo các nhóm khác nhau, bao gồm lập kế hoạch, tuyên truyền, quan hệ công chúng, bố trí không gian hoạt động và dịch vụ vé, v.v... Đối với nông dân thì sẽ phối hợp theo nhu cầu dàn dựng sân khấu, phải thu hoạch trước một phần thóc lúa, số còn lại sẽ đợi sau Lễ hội nghệ thuật bế mạc mới gặt nốt.
“Người dân Trì Thượng rất đoàn kết nên làm việc gì cũng dễ dàng”. Ông Lương Chính Hiền (Liang Zhengxian), Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Trì Thượng hồi tưởng lại, sức mạnh đoàn kết này có lẽ được bắt đầu hình thành từ thập niên 1990, kể từ khi Đài Loan xin gia nhập Tổ chức WTO. Vào lúc đó, sau khi nông dân biết thông tin này, cả xã bao trùm một bầu không khí ảm đạm, chẳng ai màng tới việc lắp đặt những máy móc thiết bị mới mua.
Đứng trước thử thách này, ông Lương Chính Hiền cho rằng, thay vì bó tay chờ chết, chẳng thà mở ra một con đường mới, nâng cao giá trị cho gạo Trì Thượng. Vì vậy, ông Lương Chính Hiền kêu gọi mọi người cùng đẩy mạnh hệ thống chứng nhận xuất xứ gạo Trì Thượng, đồng thời chuyển sang canh tác hữu cơ, do vậy người nông dân với tâm lý cứ thử xem sao, tham gia vào hành động đổi mới, trải qua 4 năm nỗ lực, cuối cùng nhận được sự ủng hộ của Văn phòng hành chính xã và Hội nông dân, chính thức cho ra mắt hệ thống nhãn hiệu chứng nhận xuất xứ.
Kể từ đó, chỉ có sản phẩm gạo sản xuất tại Trì Thượng mới được gắn nhãn hiệu “Gạo Trì Thượng”. Sau khi xây dựng thương hiệu, cuộc sống của người nông dân được đảm bảo, nhờ vậy đã tạo nên tinh thần đổi mới và ý thức cộng đồng.
Trì Thượng mang đậm chất văn hóa thư pháp, tại ga xe lửa và trên các biển tên đường phố có thể thấy được nhiều tác phẩm của người dân.
Nội hàm văn hóa của Trì Thượng
Từ khi nông dân Trì Thượng cùng đoàn kết đương đầu với thử thách, nỗ lực tạo nên nhãn hiệu chứng nhận xuất xứ, khiến họ cũng đặc biệt trân trọng và bảo vệ mảnh đất quê hương. Năm 2003, Công ty Điện lực Đài Loan định xây cột điện ngay sát ruộng lúa, nhưng bị nông dân phản đối vì sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của đồng lúa và tập tính sinh trưởng của cây lúa. Do sự kiên định của nông dân lúc bấy giờ cho nên đã giữ lại được cánh đồng lúa tuyệt đẹp, tạo ra một “sâu khấu thiên nhiên” sau này.
Đối với lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy, vào mùa nông nhàn, câu lạc bộ thư pháp, lớp hội họa, hội đọc sách đều là những cách sinh hoạt của nông dân. Đặc biệt là thư pháp có lịch sử lâu dài bắt nguồn từ “văn hóa canh đọc” (tức vừa trồng trọt canh tác, vừa đọc sách) của dân tộc Khách Gia và Mân Nam, cũng là thú vui thư giãn của cựu chiến binh thời hậu chiến. Ví dụ “Hội thư pháp Kuroshio” do thầy Tiêu Xuân Sinh (Xiao Chunsheng) sáng lập có bề dày lịch sử hơn 20 năm đã đặt nền tảng cho sự yêu thích thư pháp của người Trì Thượng.
Nét văn hóa này đã mở ra cơ hội khiến Trì Thượng trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, thu hút Quỹ Lovely Taiwan đến đặt cơ sở hoạt động tại Trì Thượng vào năm 2008 và đã nhanh chóng tìm được mô hình hợp tác với người dân địa phương.
Giám đốc điều hành Quỹ Lovely Taiwan Lý Ứng Bình cho biết, ý tưởng của Quỹ là “Tôn trọng lối sống mà người dân địa phương lựa chọn”, thông qua giao lưu kết bạn tại địa phương để tìm hiểu nhu cầu của họ.
Tôn trọng địa phương, cùng nhau lập kế hoạch
Quỹ Lovely Taiwan hy vọng dùng văn hóa nông thôn làm nền tảng để cho mọi người cảm nhận được cảnh đẹp, lòng tốt của con người và chiều sâu văn hóa Đài Loan. Giám đốc điều hành Lý Ứng Bình (Lee Ying Ping) nhấn mạnh, là một nhóm người từ nơi khác đến, quan niệm của họ rất đơn giản - tôn trọng lối sống mà người dân địa phương chọn lựa, “Chúng tôi không nghĩ là sẽ mang đến điều gì, mà là đến đây để tìm hiểu người dân địa phương, sau khi trở thành bạn của nhau mới dần dần hiểu được điều họ mong muốn và chúng tôi có thể giúp gì cho họ”.
Trước tiên, Quỹ Lovely Taiwan quyết định bắt đầu thực hiện từ hoạt động có quy mô nhỏ - Lễ hội picnic mùa xuân Trì Thượng, mời cư dân tới bờ hồ Đại Ba (Dapo) trải nghiệm hoạt động picnic, xem biểu diễn. Lễ hội picnic mùa xuân đã nhận được sự hưởng ứng của người dân và giành được sự tin tưởng đối với quan niệm của Quỹ Lovely Taiwan. Trong một bữa tiệc họp mặt, có cư dân đề xuất rằng, “Chúng ta có cánh đồng lúa xinh đẹp như vậy, nếu tổ chức buổi hòa nhạc tại đó, chắc sẽ tuyệt vời lắm đấy!” Chủ tịch Quỹ Lovely Taiwan Kha Văn Xương (Ko Wen-chang) đã nhận lời ngay lập tức, “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp buổi hòa nhạc, còn ruộng lúa thì do quý vị phụ trách”.
Lễ hội nghệ thuật lúa thu lần thứ nhất chính thức khai mạc vào năm 2009, hình ảnh nghệ sĩ dương cầm Trần Quán Vũ (Eric Chen) biểu diễn trên cánh đồng lúa được đăng tải trên trang web của tạp chí “Time”, để thế giới nhìn thấy vẻ đẹp của Trì Thượng. Những năm sau đó, Đoàn biểu diễn trống nghệ thuật U-Theatre, Đoàn múa Vân Môn, ca sĩ Trương Huệ Muội (A-Mei) và ca sĩ Ngũ Bách (Wubai) đã lần lượt tới trình diễn tại sân khấu Trì Thượng, thu hút càng nhiều du khách đến tham quan Trì Thượng, lắng nghe câu chuyện của Trì Thượng, trải nghiệm cuộc sống Trì Thượng.
Bảo tàng Nghệ thuật Vựa lúa do ông Lương Chính Hiền cải tạo từ kho lúa cũ của gia đình, không những lưu giữ ký ức của người dân, mà còn trở thành không gian giao lưu giữa người dân và nhóm nghệ sĩ lưu trú.
Truyền thụ kỹ năng chuyên môn, tạo nền móng vững chắc tại địa phương
Để thúc đẩy Trì Thượng phát triển theo đường lối kinh doanh bền vững, ông Kha Văn Xương hy vọng cư dân Trì Thượng thành lập Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật, tự đứng ra tổ chức Lễ hội nghệ thuật lúa thu, còn Quỹ Lovely Taiwan sẽ hỗ trợ từ phía sau.
Ban đầu, cư dân Trì Thượng không đủ tự tin có thể tổ chức được hoạt động lễ hội lớn như vậy. Tuy nhiên, nhờ có sự cổ vũ không ngừng của Quỹ Lovely Taiwan, đã tạo được bước đi đầu tiên khởi đầu từ việc thành lập một tổ chức địa phương.
Quỹ Lovely Taiwan dần dần từng bước chuyển giao nguồn lực, mối quan hệ và kỹ năng chuyên môn cho Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Trì Thượng, trao lại diễn đàn cho cư dân địa phương. Sau cùng vào năm 2018, Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Trì Thượng đã đứng ra tổ chức Lễ hội nghệ thuật lúa thu.
Nhớ lại tình hình chuyển giao khi đó, cô Lý Ứng Bình vẫn còn nhớ rõ mồn một những phản ứng của người dân, cô cười nói: “Người dân cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ rời đi!”. Tuy nhiên, Quỹ Lovely Taiwan giải thích với mọi người, nhiệm vụ của họ không phải đến đây “bắn pháo bông”, mà là đặt nền móng, ngoài việc trao quyền tổ chức hoạt động cho địa phương, việc tiếp theo sẽ thành lập một cơ sở, một không gian có thể tạo sự kết nối với địa phương. Vì vậy, từ năm 2014, bắt đầu lập dự án xây dựng Làng nghệ thuật Trì Thượng, năm 2016, thành lập Bảo tàng Nghệ thuật Vựa lúa.
Quỹ Lovely Taiwan bắt đầu mời các nghệ sĩ tới lưu trú, thông qua hình thức workshop và triển lãm, thực hiện giao lưu hai chiều với người dân, các nghệ sĩ cũng tới các trường học triển khai giáo dục nghệ thuật, giúp học sinh tiếp xúc với nhiều loại hình sáng tác và tư tưởng khác nhau để mở rộng tầm nhìn.
Cánh đồng lúa Trì Thượng là nơi cư dân địa phương duy trì cuộc sống và gắn kết tình cảm, cũng là cội nguồn bồi đắp nội hàm văn hóa, sáng tạo nghệ thuật của Trì Thượng. (Ảnh: ông Hsiao An-Shun, Quỹ Lovely Taiwan cung cấp)
Cải tạo nhà cũ, bảo tồn ký ức của Trì Thượng
Ngoài Lễ hội nghệ thuật lúa thu diễn ra hàng năm, ở Trì Thượng càng ngày càng xuất hiện nhiều câu chuyện của các chủ cửa hàng, có câu chuyện của những thanh niên trở lại quê nhà, cũng có câu chuyện của những người di cư chỉ đơn giản là vì yêu mến Trì Thượng. Mọi người ở lại đều là vì mảnh đất này, cùng nỗ lực hướng tới mục tiêu chung - lưu giữ những câu chuyện của Trì Thượng.
Anh Ngụy Văn Hiên (Wei Wen Hsuan), chủ nhà trọ “Good Harvest B&B”, quay về Trì Thượng đã 16 năm, được coi là thế hệ đầu tiên của lớp thanh niên trở về quê làm ăn sinh sống. Anh cùng người bạn thân thành lập đội “Hiệp sĩ đen”, đi khắp mọi nơi bằng chiếc xe đạp cũ để triển khai giao lưu, đối thoại với cư dân Trì Thượng, giúp những thanh niên trở lại quê nhà và người nhập cư tìm hiểu bối cảnh phát triển của địa phương, đồng thời giúp người dân địa phương làm quen với những gương mặt mới, qua đó tạo ra mối quan hệ thân thiện giữa hai bên.
Anh Ngụy Văn Hiên nhớ lại thời kỳ đầu giúp người khác cải tạo lại những ngôi nhà cũ, nhiều người không thể lý giải được điều anh làm nhưng anh cho rằng, mô hình kinh doanh thương mại thời nay không phải dựa vào sức cạnh tranh mạnh mẽ để tồn tại, mà phải mở rộng “miếng bánh” thị trường. Anh cũng tin rằng “chúng tôi không cần phải xây thêm một không gian mới, mà là bảo tồn những căn nhà cũ đã được xây nên từ cuộc sống”. So với những thị trấn lân cận, Trì Thượng chiếm ưu thế bởi hơi thở nghệ thuật trong cuộc sống, và câu chuyện trong những ngôi nhà cũ chính là chìa khóa sáng tạo nên hơi thở đó.
Thông qua việc cải tạo nhà cũ và chia sẻ với các nhóm khách hàng, có thể tháo gỡ được vấn đề mưu sinh của lớp trẻ. Nhờ lớp thanh niên trẻ ở lại mới giải quyết được vấn đề chăm sóc người già và giáo dục trẻ em của địa phương, câu chuyện của Trì Thượng mới được tiếp tục phát triển.