Đưa bạn về Hoa Liên
Khám phá nét đẹp trong thơ Dương Mục
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 10 2023
Dương Mục (1940-2020)
là nhà thơ sinh ra ở Hoa Liên, tên thật là Vương Tịnh Hiến. Khi học trung học, những tác phẩm được xuất bản của ông đều dùng bút danh Diệp San. Năm 1972, đổi bút danh thành Dương Mục, từng phát hành hơn 50 tuyển tập thơ, tản văn, tác phẩm dịch thuật các loại. Tác phẩm của ông đã từng được dịch sang các thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, Hà Lan và Thụy Điển. Ông là nhà thơ, nhà văn tản văn, nhà dịch thuật và bình luận, ngoài ra còn là người biên tập, đã từng đoạt nhiều giải thưởng. Ông từng được Ủy viên giám khảo giải thưởng Nobel văn học Nils Göran David Malmqvist nhận xét là nhà thơ người Hoa có khả năng đoạt giải Nobel nhất. (Ảnh: Cooper Chen cung cấp)
「但知每一片波浪都從花蓮開始。」
~楊牧〈瓶中稿〉
被稱為「博學詩人」的楊牧,大半的生涯分別在太平洋海濱旁的花蓮與西雅圖度過,1974年他在西雅圖寫〈瓶中稿〉,眺望西邊的落日和潮水,那方向及聲音正是指向他的家鄉,「但知每一片波浪都從花蓮開始」。花蓮是楊牧文學中一個重要的隱喻,讀楊牧的詩可以看到花蓮的風景。
“Dẫu biết rằng, mỗi gợn sóng đều bắt nguồn từ Hoa Liên…”
(Bản thảo trong chai - Dương Mục).
Yang Mu (Dương Mục) được ví là “nhà thơ bác học”, ông sống hơn nửa đời người tại hai thành phố ven biển giáp Thái Bình Dương là Hoa Liên và Settle. Năm 1974, ông viết “Bản thảo trong chai (Manuscript in a Bottle)” tại Seattle, ngắm nhìn hoàng hôn và thủy triều ở phía tây, đó chính là phương hướng và âm thanh của quê hương ông, “…dẫu biết rằng, mỗi gợn sóng đều bắt nguồn từ Hoa Liên…”. Hoa Liên là một ẩn dụ quan trọng trong các tác phẩm của Dương Mục, đọc những bài thơ của ông đều có thể thấy được vẻ đẹp của phong cảnh Hoa Liên.
Thư phòng Dương Mục trưng bày bản chép tay, tác phẩm, sách sưu tầm của Dương Mục và máy đánh chữ ông từng dùng.
Dưỡng chất đến từ quê hương
Nhà văn Xi Xi (Tây Tây) cho rằng, muốn tìm hiểu về Đài Loan thì có thể thông qua các tác phẩm văn học và điện ảnh..., còn thật sự tìm hiểu về Hoa Liên thì phải thông qua những bài thơ và tản văn mà nhà thơ Dương Mục đã miệt mài sáng tác. Tác phẩm của ông đã giúp bà được làm quen với một Hoa Liên đầy cảm tính. Bà nói: “Dương Mục chắc chắn là niềm tự hào của Hoa Liên”.
Đúng thế. Dương Mục từng nói: “Hoa Liên chính là vũ khí bí mật của tôi”. Ông Hsu Yu-Fang (Hứa Hựu Phương) – Giám đốc Thư phòng Dương Mục thuộc Đại học Đông Hoa (NDHU) giải thích, đây chính là biểu tượng của thơ Dương Mục. “Sở dĩ Dương Mục trở thành một nhà thơ, đó là do tố chất con người ông đều được nuôi dưỡng từ Hoa Liên và cũng là tình cảm ẩn chứa trong lòng ông”.
Dương Mục cũng đã từng viết rất nhiều bài thơ về địa danh của Hoa Liên. Người học trò đầy tự hào của ông, cũng là người sáng lập kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn học tiếng Anh và Sáng tác, Đại học Đông Hoa - bà Tseng Chen-chen (Tăng Trân Trân) cho rằng, đây chính là cách mà Dương Mục thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình dành cho lịch sử, địa lý Đài Loan.
Chúng ta hãy cùng ngâm nga bài hát “Đưa bạn về Hoa Liên”, do ca sĩ hát dân ca Yang Hsieh (Dương Huyền) phổ nhạc, thơ Dương Mục, lên đường khám phá nét đẹp của Hoa Liên qua các tác phẩm của Dương Mục.
Hãy cùng trượt xuống từ thung lũng hoa màu
Đây là quê hương ta
…
Đường tuyết trắng xóa đánh dấu nơi cao nhất
Tháng 1 nhiệt độ trung bình là 16oC
Tháng 7 trung bình 28oC
Lượng mưa hằng năm là 3.000mm
Mùa đông có gió Đông Bắc
Mùa hè có gió Tây Nam
Sản vật không quá phong phú
Nhưng đủ để tự cung tự cấp
Hãy cùng trượt xuống từ thung lũng hoa màu
Để chứng kiến huyền thoại tạo hóa
làm việc
khai hoang những vùng đất ấm áp
…
Hãy cùng trượt xuống thung lũng thu hoạch
Đây là quê hương ta.
“Đưa bạn về Hoa Liên” – Dương Mục (1975)
Thư phòng Dương Mục nằm trong Thư viện Đại học Đông Hoa, mở cửa cho du khách vào tham quan.
Khởi điểm chuyến du lịch văn học: Hẻm núi Taroko
Nhìn xuống để tìm nguyên nhân hội tụ của núi sông
Mây trôi là xiêm y bay bổng, nước suối tuôn chảy thành dòng
Mặt trời ló dạng giữa sương lạnh, chiếu rọi bóng dáng co ro
Không lặng im, giữa đường nét hùng vĩ của vách đá
Màu của đá, chan chứa phong thái của rừng lau
Nhắc ta làm sao vượt vạn dặm đường xa
Đi qua nghịch cảnh và gạt bỏ
Để đến gần em
Nhìn xuống –Dương Mục (Suối Liwu, 1983)
Bà Tăng Trân Trân từng nói, bài “Nhìn xuống” được viết khi ông Dương Mục lần thứ hai trở lại Đài Loan để làm giáo sư thỉnh giảng của Khoa Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Đài Loan. Ông sáng tác khi quay lại thăm suối Liwu, “Nữ thần của suối Liwu trong thơ thật ra là hóa thân của nữ thần Muse của nhà thơ”.
Ông Shiu Wen-wei (Tu Văn Úy) – Phó viện trưởng Viện Văn học, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, đồng thời là Chủ nhiệm nghiên cứu của Trung tâm Văn học Dương Mục. Ông cho biết “Đây chính là câu chuyện thần thoại do Dương Mục viết cho quê hương khi ông trở về hồi còn trẻ, là của riêng bộ lạc này, cộng đồng này, non nước xinh đẹp nhất của mảnh đất này, là một bài thơ tràn đầy khát khao, hùng tráng”.
Hang Yanzi của Taroko có đá cẩm thạch lâu đời nhất của Đài Loan, “Nhìn xuống” sẽ thấy thung lũng hùng vĩ, xinh đẹp và dòng suối xanh biếc trong veo chảy róc rách. Đọc thơ của ông Dương Mục như mở ra một cánh cửa mới để thấy rõ sự tinh tế của các tuyệt tác trời ban này.
“Kỳ Lai tiền thư” chứa chất bao ký ức và tâm trạng của Dương Mục về Hoa Liên.
Chuyến du lịch văn học 2: Thất Tinh Đàm
Tiếng sóng lấn át
Màu của thời gian
Quay lưng với những sắp đặt vô đoan
Như cái nhỏ nhoi, giữa núi và bóng mây
Xếp chồng nhau – ta hướng về trước
Đón lấy biển cả, nghe em nói,
Phảng phất ảo giác không thể giải thích của ký ức.
Thất Tinh Đàm – Dương Mục (1996)
Bãi biển Thất Tinh Đàm là một vịnh hình vòng cung tuyệt đẹp, là eo biển được hình thành bởi đới đứt gãy. Du khách có thể vừa giẫm lên đá cuội, vừa nghịch nước, vừa ngồi lắng nghe tiếng sóng rì rào vỗ bờ trên bãi đá cuội, vừa đọc bài thơ “Thất Tinh Đàm” của nhà thơ Dương Mục để cảm nhận được tình cảm dạt dào được gửi gắm trong những câu thơ tả cảnh của nhà thơ.
Khi viết bài thơ này Dương Mục 56 tuổi, bài thơ được đăng trong tuyển tập thơ “Mệnh đề thời gian”. Ông Tu Văn Úy nói, Thất Tinh Đàm là nơi Dương Mục rất yêu thích, vừa lắng nghe tiếng sóng vỗ vừa lặng yên ngẫm nghĩ, nhìn lưới đánh cá nằm yên trên mặt biển, thuyền bè ra khơi rồi lại về bờ, mặt trời lặn rồi lại lên cao.
Dương Mục rất thích đi lối đi liên thông ở tầng 2 Học viện Văn học, Đại học Đông Hoa, để về phòng làm việc.
Chuyến du lịch văn học 3: Nhà cũ của Dương Mục
Đến thành phố Hoa Liên, du khách cũng có thể đến thăm “Tiệm sách cũ” ở số 57 đường Guangfu, địa chỉ cũ chính là xưởng in Dongyi tại số 8 đường Jieyue, do ông Yang Shui-sheng (Dương Thủy Thịnh), cha của Dương Mục mở. Tập thơ đầu tiên của ông “Bên mé sông” đã được in tại đây và đây cũng chính là một khung cảnh văn học quan trọng của người yêu sách tại Hoa Liên.
Trường Trung học Hoa Liên, nơi Dương Mục học tập chính là nơi khởi nguồn con đường văn học của ông. Đây cũng là “ngôi trường xinh đẹp nhất” trong lòng ông. Dạo quanh quần thể kiến trúc kiểu Nhật cổ xưa như ký túc xá trường Trung học Hoa Liên nằm trong một con hẻm vắng, ngôi nhà cũ của nhạc sĩ Quách Tử Cứu, dạo quanh những nơi đã trải qua bao thăng trầm của năm tháng mà vẫn giữ lại được nét nhân văn xưa.
Trong bài thơ “Shapodang” của Dương Mục, có hình ảnh bà phù thủy, chuột bay, mèo hoang ..., du khách đang nô đùa bên dòng suối có thể từ hiện tại hoài niệm về vẻ đẹp hoang sơ nơi đây năm xưa.
Chuyến du lịch văn học 4: Suối Shapodang
Thằn lằn thở dưới trời sao
Nước sông từ từ dâng trào, sắp sửa
Nhấn chìm chân trước rồi chân sau, lạnh cóng
Trong hơi ấm tàn dư của sao Thiên Lang
Làm ướt đuôi mình, chỉ để lại
Chiếc lưỡi dài định vị, như ánh lửa ma mị
Run rẩy từ cội nguồn ưu uất
Tỏa sáng trong giấc chiêm bao
Shapodang – Dương Mục (2003)
Dương Mục từng nói, lúc nhỏ đạp xe đến sông Shapodang để chơi là thú vui lớn nhất của ông trong những ngày hè oi bức. Đi đến thắng cảnh bí mật của người Hoa Liên-Shapodang, tận mắt nhìn thấy Hoa Liên được bao bọc bởi màu xanh của dãy núi Trung Ương.
Ông Tu Văn Úy cho rằng, Dương Mục muốn thông qua bài thơ này, khắc họa lại sự kiện lịch sử người dân tộc Sakizaya bị thảm sát và tập tục của người Amis, cuối cùng là kết thúc bằng quẻ bói kinh dịch. Bằng cách của mình, ông đã dùng thơ để viết lại những khoảnh khắc không được ghi chép trong lịch sử.
Trong cuốn “Gió núi mưa biển” đã từng nhắc đến, gia đình Dương Mục dọn đến nhà cũ ở số 91 đường Nanjing, thành phố Hoa Liên, lúc ông lên 3, lên 4. Ngôi nhà này đã sang tay qua nhiều chủ, bây giờ ngày thường đều thấy khóa kín cửa.
Chuyến du lịch văn học 5: Chiêm ngưỡng núi Qilai, cầu suối Mugua
Ở Hoa Liên, ngẩng đầu trông ra xa, có thể thấy núi Mugua (Mộc Qua Sơn). Nếu muốn nhìn ra xa núi Qilai, có thể đi dọc theo đường quốc lộ số 9 về phía Nam, đi lên cầu lớn ở suối Mugua, chỉ cần thời tiết đẹp, nhìn hướng thung lũng suối Mugua là có thể thấy được núi phía Bắc của dãy Qilai.
Ông Tu Văn Úy trích dẫn từ tập thơ “Mệnh đề thời gian” chỉ ra rằng, ông Dương Mục vốn dĩ hừng hực khí thế cho việc chuẩn bị thành lập Trung tâm Văn học của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông nhưng cuối cùng lại thất vọng quay về Đài Loan. Trong bài “Ngẩng nhìn”, ông đã viết “Dẫu ta do dự không thể bước tiến, nhưng em, cớ sao không đến”, trong đó đã tiết lộ những suy tư của người trí thức khi gánh vác trách nhiệm cộng đồng, phải đối diện với những phê bình và áp lực từ xã hội, nhưng trong câu thơ có thể thấy được tư thế hùng vĩ và kiên định của núi Qilai, núi Mugua, xoa dịu nỗi lòng hoang mang, lo lắng của tác giả.
Núi lớn tĩnh lặng chưa hề đổi thay, nên
Tĩnh lặng mạnh mẽ trêu ngươi lòng nôn nao;
nao nao lòng ta, nghe như sóng vỗ,
Vọng về, khi ngồi tựa ký ức sâu thẳm;
Giữa muôn vàn an lạc cùng nuối tiếc, ngước nhìn,
Về vĩnh hằng.
Ngẩng nhìn – Dương Mục (Núi Mugua, 1995)
Dương Mục đi tham quan hẻm núi Taroko và đã sáng tác bài thơ “Nhìn xuống – Suối Liwu 1983”.
Điểm cuối của chuyến du lịch văn học: Thư phòng Dương Mục, Đại học Đông Hoa
Dương Mục từng đi dạy ở Mỹ hơn 30 năm. Năm 1995, ông trở về Đài Loan, hỗ trợ Đại học Đông Hoa thành lập Học viện Xã hội và Nhân văn. Viện nghiên cứu sáng tác Hoa ngữ (viết tắt là MFA degree) do ông sáng lập đã lần đầu đưa cơ chế nhà văn lưu trú sáng tác tại trường vào Đài Loan, mời những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như nhà thơ Ya Xuan (Á Huyền), nhà văn Huang Chun-ming (Huỳnh Xuân Minh) làm nhà văn ở trường, tạo nên phong trào sáng tác văn học của thầy trò trong trường.
Dương Mục rất thích băng qua hành lang tầng 2 của Học viện Văn học để đến phòng làm việc sạch sẽ nhưng giản dị của mình. Lối đi liên thông này vốn dĩ hiếm khi có người đi lại, vì thế nơi đây cũng được thầy trò trong trường gọi vui là “phong cảnh của Đông Hoa”, ông Hứa Hựu Phương cười nói. Từ trong bài thơ “Thỏ - gặp nhau tại Đại học Đông Hoa vào ngày 20 tháng 7”, độc giả có thể tìm thấy “tam bảo” của trường Đông Hoa mà nhà thơ Dương Mục miêu tả như thỏ hoang, trĩ đỏ khoang cổ…
Độc giả có thể đến tham quan Thư phòng Dương Mục trong Thư viện Đại học Đông Hoa. Đây là không gian công cộng mở cửa cho mọi người, trong đó trưng bày bản chép tay, tác phẩm, sách sưu tầm của Dương Mục và máy đánh chữ ông từng dùng, còn có cả tập thơ đầu tiên “Bên mé sông” đã tuyệt bản của ông.
Khi về già, Dương Mục đã chọn lựa quay về Đài Loan. Từ năm 16 tuổi đến năm 76 tuổi, ông vẫn miệt mài viết, “hiện tượng Dương Mục” mà ông tạo ra khiến rất nhiều tác giả đều thấy Dương Mục giống nhà văn T.S Eliot trong văn học Anh – Mỹ, là một tượng đài khó có thể vượt qua. Những người nghiên cứu về Dương Mục cũng sẽ phát hiện ra rằng có rất nhiều đề tài về ông để suy ngẫm và tổ chức triển lãm. Thông qua chuyến du ngoạn theo chân tác phẩm văn học này, một lần nữa đưa chúng ta lần nữa đọc lại về Dương Mục.
Từ hướng thung lũng suối Mugua nhìn ra xa, có thể thấy được núi phía Bắc của dãy Qilai. (Ảnh: Tsui Tsu-hsi).