Dàn nhạc giao hưởng Taipei Philharmonia Ngoại giao văn hóa Giai điệu tỏa sáng làng âm nhạc quốc tế
Bài‧Li, Xiang-ting Ảnh‧Dàn nhạc giao hưởng Taipei Philharmonia cung cấp Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 8 2016
1985年,指揮大師亨利‧梅哲在台灣成立了「台北愛樂管弦樂團」。
這個純粹民間的樂團,以挑戰古典音樂極致、建立台北文化地標為職志,積極與藝文各界合作,提攜台灣作曲家登上國際。
如今,緣起於台灣的樂壇傳奇「梅哲之音」,已在這片土地上整整迴盪超過30個年頭。
Năm 1985, Dàn nhạc giao hưởng Taipei Philharmonia (Dàn nhạc TPO) được thành lập bởi nhạc trưởng Henry Simon Mazer- đầu tàu và cũng là linh hồn của dàn nhạc.
Mặc dù chỉ là một dàn nhạc tư nhân, nhưng đã không ngại ngùng thử thách loại hình âm nhạc cổ điển, các thành viên trong đoàn nhạc tự đặt ra mục tiêu xây dựng đoàn nhạc thành một điểm nhấn văn hóa tiêu biểu của Đài Bắc, để đạt được ý định này họ đã không ngừng hợp tác với giới văn hóa nghệ thuật khắp nơi, dẫn dắt các nhà âm nhạc Đài Loan đến với sân khấu quốc tế, đồng thời cũng không quên tinh thần quan tâm chăm sóc xã hội. Cho đến nay "Giai điệu Mazer" du dương bay bổng trên khắp mảnh đất Đài Loan đã hơn 30 năm.
Nhà bình phẩm âm nhạc quá cố Ngũ Mục (Wu Mu) từng nói: "Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Mazer, Dàn nhạc giao hưởng TPO mang sự khác biệt, giai điệu êm ấm, sâu lắng làm rung động lòng người, sức mạnh tiềm tàng trong giai điệu trầm bổng, đáng để được phong danh ngôi vị "Giai điệu Mazer" trong giới nhạc giao hưởng.
Nhạc trưởng Henry. Mazer sinh năm 1918 tại Mỹ, ông là một trong những nhà thành lập dàn nhạc kiệt xuất, là người thành lập Dàn nhạc giao hưởng Florida và Dàn nhạc giao hưởng Wheeling trứ danh. Năm 1981 sau nhiều lần đến Đài Loan với tư cách khách mời, ông đã khẳng định thực lực âm nhạc cổ điển của Đài Loan. Trong bối cảnh mảng âm nhạc cổ điển chưa được ưa chuộng tại Đài Loan, qua lời mời của Phó Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Chicago, Henry Mazer đã nhận lời mời đến Đài Loan thành lập dàn nhạc. Với tinh thần quên mình để cống hiến như một nhà truyền giáo, ông đã đem tất cả sự tinh túy của nghệ thuật và quan điểm âm nhạc mà ông có để hiến dâng cho làng nhạc Đài Loan. Đến khi ông qua đời vào năm 2002, ông vẫn không rời khỏi Đài Loan, nhạc trưởng Henry Mazer thực sự đã xây dựng được mô hình dàn nhạc giao hưởng kiểu mẫu cho nền âm nhạc Đài Loan.
Dàn nhạc giao hưởng tư nhân‧Tỏa sáng thế giới
Từ khi bắt đầu biên soạn nhạc cho đến khi trình diễn nhạc giao hưởng, để có thể diễn tấu những khúc nhạc đa dạng hơn, từ tháng 8/1991 dàn nhạc chính thức đổi tên thành "Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Taipei TPO". Các thành viên trong dàn nhạc có người là giáo sư khoa nhạc của trường đại học, cũng có người là thành viên của các ban nhạc lớn, họ sẽ tham gia theo nhu cầu của từng bài nhạc. Người tiếp nối trọng trách lãnh đạo dàn nhạc, Nhạc trưởng Lâm Thiên Cát (Lin Tian Ji) chia sẻ: "chúng tôi hoàn toàn là một đơn vị tư nhân, thành viên trong dàn nhạc đều là những nhạc công không chuyên, thực lực của họ thể hiện lên hình ảnh cuộc sống âm nhạc địa phương trong khu vực thành phố Đài Bắc, đồng thời cũng phản ánh sức mạnh văn hóa nghệ thuật của người dân một cách chân thật nhất."
Trong những ngày đầu thành lập dàn nhạc, sân khấu biểu diễn tại Đài Loan rất hiếm hoi, lúc bấy giờ làm thế nào để được vào biểu diễn tại thính phòng Nhà hát lớn, thường là vấn đề đau đầu nhất đối với Dàn nhạc giao hưởng TPO. Bởi một khi không có cơ hội biểu diễn thì lấy đâu ra doanh thu từ việc bán vé, điều này đối với dàn nhạc như một con đường không lối, khó mà tồn tại.
Tổng giám đốc điều hành Du Băng Thanh (Yu Bing Qing) nhớ lại, lúc đó điều kiện đoàn nhạc tư nhân rất hạn hẹp, hoạt động trong thời kỳ đầu rất vất vả, Du Băng Thanh nói: "Chúng tôi thường không xếp được lịch biểu diễn tại các thính phòng, thời đó phong trào nhạc cổ điển tại Đài Loan không thịnh hành, việc mở chương trình diễn và bán vé gặp biết bao khó khăn chồng chất. Sau đó nhà biên tập cho cuốn sách Tập san Nhạc cổ điển "The Musical Digest" ông Lý Triết Dương (Lee Zhe Yang) cho chúng tôi ý kiến rằng, nếu muốn dàn nhạc tư nhân có chỗ đứng trong thị trường Đài Loan, cách tốt nhất là trước tiên phải giành được sự khẳng định từ giới âm nhạc quốc tế. Tuy thời điểm đó tình hình ngoại giao Đài Loan tương đối khó khăn, thế nhưng Dàn nhạc giao hưởng TPO vẫn quyết định ra nước ngoài biểu diễn, kiên quyết tìm hướng đi mới cho mình.
Năm 1990 Dàn nhạc giao hưởng TPO lần đầu tiên xuất ngoại, tham gia trình diễn trong Lễ hội âm nhạc Victoria tại Canada, sau đó tiếp tục chuyến lưu diễn đến thành phố Vancouver và Chicago nước Mỹ. Chuyến lưu diễn nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của các nhà bình luận âm nhạc, thậm chí giới truyền thông còn dùng mỹ từ "Viên kim cương của hòn đảo" để giới thiệu về dàn nhạc, mở ra tầm nhìn quốc tế mới cho Dàn nhạc giao hưởng TPO, khiến nhiều khán giả nước ngoài hiếu kỳ không hiểu Đài Loan là một quốc gia như thế nào, và Dàn nhạc giao hưởng TPO đã khiến cho họ hiểu hơn về hòn đảo xinh đẹp này.
Kể từ lần biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc Victoria, Dàn nhạc giao hưởng TPO bắt đầu hành trình chinh phục khán giả khắp các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Quốc, v.v... Năm 1993, họ bước lên thính phòng Goldener Saal, là sân khấu hoành tráng nổi tiếng bậc nhất của Nhà hát lớn Wiener Musikverein - kinh đô âm nhạc Vienna nước Áo, lập kỳ tích dàn nhạc Đài Loan đầu tiên được biểu diễn trên tầm cỡ này. Đội hình dàn nhạc bấy giờ bao gồm nghệ sĩ Violin Tô Hiển Đạt (Su Xian Da), Âu Dương Tuệ (Ou Yang Hui), Lâm Huy Quân (Lin Hui Jun) và Lý Tuấn Dĩnh (Lee Jun Ying), họ đã từng là học trò của nhạc trưởng Henry Mazer, là những học viên trở thành người biểu diễn chính của dàn nhạc và sau đó là giáo sư âm nhạc. Đến nay đã trở thành những nhân vật đứng đầu trong làng nhạc cổ điển Đài Loan.
Sự tán thưởng của giới phê bình âm nhạc, đồng nghĩa với vai trò ngoại giao văn hóa
Tờ The Washington Post số ra ngày 17/7/2006 đã trích dẫn lời bình của Stephen Brookes: "Với trình độ biểu diễn chuyên nghiệp của Dàn nhạc giao hưởng TPO, đã tạo nên đỉnh điểm nhiệt tình, mang lại sự phấn chấn cao độ, thể hiện giai điệu trong các mặt điều khiển dàn nhạc, trình diễn đầy sức sống, khiến cho người nghe nhớ mãi không quên."
Tờ The Boston Globe Mỹ số ra ngày 10/10/1995 cũng đã trích dẫn bài viết của Richard Dyer: "Bản nhạc đầu tiên trong màn biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng thính phòng Taipei khiến khán giả phải sửng sốt."
Sau khi bước chân đến sàn diễn quốc tế, Dàn nhạc giao hưởng TPO đã nhiều lần nhận được sự khẳng định của các nhà bình phẩm âm nhạc nặng ký của làng nhạc hải ngoại, tỏa sáng trên sân khấu quốc tế. Trưởng đoàn biểu diễn Lại Văn Phúc (Lai Wen Fu) chia sẻ, đoàn nhạc tư nhân khó mà xin được tài trợ, cho nên việc ra nước ngoài biểu diễn chỉ có thể dùng hai chữ gian nan để mô tả mà thôi. Thật may mắn khi nhận được sự đánh giá tích cực của làng âm nhạc quốc tế, thời đó thể loại nhạc cổ điển tại Đài Loan chưa được xem trọng, thì thành tích này đối với Dàn nhạc TPO mà nói là cả một sự khích lệ to lớn.
Giới âm nhạc cổ điển rất xem trọng sự đánh giá của các nhà phê bình âm nhạc, nhưng sự đánh giá này không có nấc thang xếp hạng như cuộc thi Thể thao Olympic, phải tìm kiếm từng cơ hội để trình diễn. Lại Văn Phúc chia sẻ: "Nấc thang đánh giá của thể loại văn hóa âm nhạc không có một tiêu chuẩn nhất định nào cả, nhiều lần nhận được sự khẳng định của giới bình phẩm âm nhạc quốc tế mới có thể phân biệt ra trình độ của một dàn nhạc."
Cứ mỗi lần các thành viên trong dàn nhạc ra nước ngoài biểu diễn, mọi người vừa hồi hộp vừa mong đợi xem những lời bình luận sẽ xuất hiện trên mặt báo vào ngày hôm sau. Thường thì sau khi nhìn thấy những lời bình luận tán thưởng, các thành viên cũng chỉ có thể vui mừng trong vài phút, rồi thì lại thu dọn hành lý chạy show đến những nước khác tiếp tục biểu diễn. Đôi khi biên chế dàn nhạc có trên một trăm người, mọi người đành phải ôm lấy nhạc cụ của mình ngồi trên không gian chật hẹp của chiếc xe du lịch, kiên nhẫn chịu đựng mỏi mệt do chênh lệch múi giờ, nếm trải cảnh ngồi xe đường dài. Thậm chí để đáp ứng thị hiếu âm nhạc của thính giả ở các địa phận khác nhau, đôi khi còn phải tìm bài nhạc và gấp rút luyện tập ngay tại địa phương đó, tất cả những nỗ lực đó chỉ mong mang lại màn trình diễn hoàn hảo.
Vài ngày sau khi xảy ra vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001, Dàn nhạc giao hưởng TPO đã đáp chuyến bay đến Phần Lan chuẩn bị cho chương trình biểu diễn tại nhà hát Helsinki vào ngày 14/9. Tổng giám đốc điều hành Du Băng Thanh kể lại: "Để tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9, chúng tôi đã đột xuất tìm bài nhạc tại địa phương rồi cả đoàn tập luyện, chúng tôi kết hợp cùng với bản nhạc The Last Spring - một sáng tác của Edvard Grieg - nhà soạn nhạc lừng danh xứ Na Uy. Trên sân khấu ngày hôm đó, giai điệu bản nhạc giao hưởng đã thể hiện nỗi day dứt đau buồn sâu sắc của chúng tôi đối với toàn nước Mỹ. Sau buổi biểu diễn, đã được phương tiện truyền thông địa phương đó đưa tin, năm đó, Đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại Phần Lan ông Ngô Minh Ngạn cũng hỗ trợ cho dàn nhạc rất nhiều, Đại sứ quán Mỹ còn viết thư bày tỏ lời cảm tạ gửi đến Văn phòng đại diện Đài Loan tại đây, và cũng từ lần trình diễn đó, Dàn nhạc TPO một lần nữa nhận được cơ hội mời đi lưu diễn tại Bắc Âu vào năm 2007". Chính vì sau những chuyến đi nước ngoài như thế mới hiểu ra rằng, hoàn cảnh ngoại giao của chúng ta thời đó đã gặp biết bao khó khăn, dàn nhạc đã dùng sức mạnh của một đoàn nhạc dân sự, tự tìm con đường riêng cho mình, giành cơ hội trình diễn trên các sân khấu quốc tế, điều này có thể nói rằng dàn nhạc đã đem về cho đất nước những thành tích xuất sắc trong ngoại giao văn hóa thế giới.
Âm nhạc Đài Loan vượt biên giới ngành nghề̀
Có người cho rằng việc kết hợp nhạc hiện đại với nhạc truyền thống là liều thuốc độc đối với phòng vé. Thế nhưng Dàn nhạc TPO chưa bao giờ từ bỏ mảng âm nhạc này, luôn ủng hộ sáng tác của các nhà soạn nhạc Đài Loan, Dàn nhạc TPO không chỉ trình diễn tác phẩm của họ ngay trong nước mà còn đem những giai điệu truyền thống này lên sân khấu quốc tế.
"Bản hòa tấu Piano" của nhà soạn nhạc Tiêu Thái Nhiên (Tyzen Hsiao), bản "Three Movements for Strings ", "Capriccio of Kuandu" của Mã Thủy Long (Ma Shui-long), hay hai tác phẩm của nhà soạn nhạc Kim Hy Văn (Gordon Shi-Wen Chin) là "Formosa Seasons" và "Vision Valley", v.v... đều là những sáng tác âm nhạc kinh điển lại độc đáo, mang đậm bản sắc truyền thống của Đài Loan. Dàn nhạc TPO đã từng đem những khúc nhạc này tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.
Bên cạnh đó, Dàn nhạc TPO luôn tích cực thử trình diễn xuyên ngành nghề. Năm 2007, Dàn nhạc TPO tổ chức Buổi hòa nhạc chủ đề cho vở kịch Nhật Bản mang tên "Nodame Cantabile", phòng vé bán chạy đến mức khán thính giả yêu cầu tăng thêm buổi diễn. Đến năm 2008, tiếp tục tổ chức buổi hòa nhạc chủ đề Trò chơi âm nhạc giao hưởng hòa nhạc "Video Games Live, VGL", thu hút nhiều loại hình khán thính giả đến thưởng thức. Cũng vào năm 2008, Dàn nhạc TPO được mời tham dự chương trình trực tuyến mang tên "Dàn nhạc giao hưởng YouTube”, một hợp tác xuyên ngành nghề lần đầu tiên toàn thế giới, trở thành dàn nhạc chỉ định của hãng Google tại khu vực Đài Loan, đồng thời tham gia Lễ hội nhạc giao hưởng trực tuyến đầu tiên trên thế giới.
Vào năm 2015 Dàn nhạc TPO tham gia chương trình hòa nhạc từ thiện "Bravo! Taiwan” do Nhà hát Quốc gia Đài Loan tổ chức, tiến thêm một bước đưa âm nhạc cổ điển đến với mảng văn hóa kịch múa rối Bố Đại Hí. Nhà soạn nhạc nổi tiếng Chung Diệu Quang (Chung Yiu-Kwong) đã biên soạn phần hòa âm cho vở kịch múa rối "Tề thiên đại thánh Mỹ Hầu Vương" được tái biên soạn bởi Đoàn múa rối Bố Đại Hí Hoa Châu Viên (Hua-Zhou Yuan). Màn trình diễn đã được tái hiện trên sân khấu đặt tại quãng trường nghệ thuật nằm giữa hai nhà hát quốc gia trong khuôn viên Quảng trường Tự do Đài tưởng niệm Trung Chính. Các nghệ nhân điều khiển con rối bắt buộc phải nhìn vào màn hình, phối hợp nhịp nhàng với phần chỉ huy hòa âm của Dàn nhạc giao hưởng Taipei phía trong nhà hát. Thông qua sự chuyển tải hình ảnh âm thanh kỹ thuật số để cảm nhận giai điệu du dương giao thoa tuyệt vời giữa kèn Suona đan xen trong âm thanh hùng hồn của trống, kèn đồng và âm sắc réo rắc của dương cầm và vĩ cầm, khiến cho hàng chục nghìn khán giả say mê thưởng thức cùng lúc hai loại hình nghệ thuật kinh điển.
Màn trình diễn ngày hôm đó nhận được tán thưởng nhiệt liệt, Dàn nhạc TPO sẽ đến Nhật Bản thực hiện chuyến lưu diễn vào tháng 4/2017. Du Băng Thanh chia sẻ: "Những tác phẩm mà Dàn nhạc TPO biểu diễn luôn gắn kết với mảnh đất Đài Loan, do xuất thân từ đơn vị tư nhân, nên không bị ràng buộc nhiều, vì thế càng có thể theo kịp với thời gian, chúng tôi cứ như robot biến hình Transformers, mãi mãi đem đến làn gió mới cho âm nhạc cổ điển."
Gieo hạt giống âm nhạc lên vườn ươm cuộc sống
Do quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống, lại muốn nhạc truyền thống bắt nhịp cùng thế giới, họ đã nỗ lực hết mình để âm nhạc Đài Loan giành chiếc vé vào sân chơi quốc tế. Trưởng đoàn Lai Văn Phúc còn đặc biệt nhắc lại một điều rằng, mối quan tâm lớn nhất trong thời gian gần đây là chăm sóc cho cộng đồng xã hội.
Ngày 30/4/2016, tại sân khấu đa chức năng Chính phủ Thành phố Tân Đài Bắc đã tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện mang tên "Hái sao, sân khấu ước mơ". Với tâm nguyện chăm sóc xã hội, bắt đầu từ năm 2012, Ban tổ chức cho thực hiện kế hoạch "Gieo hạt giống âm nhạc Sistema Taiwan". Kế hoạch này đã hỗ trợ giáo dục âm nhạc cho gần 700 em thiếu nhi thuộc các cô nhi viện và trường giáo dục thanh thiếu niên trên toàn quốc. Các thành viên của Dàn nhạc TPO đã có nhiều đóng góp tích cực trong kế hoạch này, như đem một kho tàng kiến thức giáo khoa đầy sức sống, thông qua âm nhạc mang lại sự an ủi về tinh thần và giá trị bản thân cho các bé.
Trưởng đoàn Lai Văn Phúc chia sẻ một cách tha thiết, họ không có định kiến từ thiện là giúp người nghèo khó, Dàn nhạc TPO có phần đặc biệt hơn so với những đơn vị từ thiện khác, họ muốn tiến thêm một bước nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa, Lai Văn Phúc nói: "Dựa trên giáo dục đời sống bằng âm nhạc, đem đến tinh thần sung túc cho các bé, xây dựng một năng lượng khỏe mạnh, để các nhà soạn nhạc có cơ hội đóng góp cho xã hội."
Đối với sự đóng góp quan tâm xã hội, thực ra ngày 8/8/2009, khi cơn bão Morakot đổ ập vào Đài Loan gây ra thiên tai, Dàn nhạc TPO đã lập tức cho ra kế hoạch cơ động mang tên "An ủi tâm linh" trong 30 tuần, tự gây quỹ nhận nuôi từ thiện 448 em thiếu nhi tại xã Đào Nguyên (Taoyuan), Huyện Cao Hùng (Kaohsiung), nơi bị ảnh hưởng bão nghiêm trọng nhất. Để tình yêu và sự quan tâm được tiếp tục phát huy, Dàn nhạc TPO hy vọng mang đến sự giúp đỡ cho càng nhiều thiếu nhi, mở ra cửa sổ hy vọng cho cuộc đời của các em.
Trên thế giới rất nhiều thành phố nổi tiếng đều có những dàn nhạc tiêu biểu của họ. Dàn nhạc TPO đi qua chặng đường 30 năm đầy gian khó, nay dàn nhạc đã trở thành điểm nhấn văn hóa tiêu biểu đẹp nhất của Đài Bắc. Tràng pháo tay của khán thính giả là động lực lớn nhất đối với họ. Trong tương lai, Dàn nhạc TPO sẽ tiếp tục đem những nhạc hòa tấu du dương đến cho những người yêu nhạc, cùng nhau chia sẻ niềm vui âm nhạc.