Mở rộng đôi tai để lắng nghe Tái thiết kế phong cảnh âm thanh xe điện Metro
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Bích Ngân
Tháng 6 2018
不知您是否「聽覺」台北捷運閘門警示音,從呆板、機械的嗶嗶聲換成了悅耳的鋼琴和弦;當列車駛進路線轉接點時,輕快的鋼琴音階迴盪在車廂間,提醒旅客轉乘;藍、綠、紅、橘四線列車進站時,月台有專屬的音樂旋律,陪伴市民一日的開始與結束;陸續推出的捷運站體音樂,也希望成為市民的台北記憶。從一個音符改變開始,這是「台北聲音地景計畫」的一小步,卻是整個城市文化升級、邁向精緻的一大步。
Bạn có từng để ý “lắng nghe” âm thanh báo hiệu khi cánh cửa các toa xe điện metro Đài Bắc đóng, mở hay chưa, từ tiếng “bíp, bíp” cứng nhắc của máy móc chuyển đổi thành giai điệu du dương của tiếng đàn piano; khi xe chuẩn bị tiến vào điểm chuyển tiếp giữa các tuyến đường, giai điệu dương cầm nhẹ vang trong các toa xe, nhắc nhở hành khách chuẩn bị đổi xe, và mỗi lần xe điện metro của các tuyến màu lam, lục, đỏ, cam tiến vào trạm, trên sân ga cũng có một giai điệu riêng trỗi lên, đồng hành cùng người dân thành phố đón chào một ngày mới hoặc chào kết thúc một ngày làm việc; thể loại âm nhạc ambient liên tiếp được sử dụng trong không gian trạm xe điện metro với hy vọng sẽ trở thành ký ức trong lòng người dân thành phố Đài Bắc. Bắt đầu từ sự thay đổi 1 nốt nhạc, mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong “Chương trình phong cảnh âm thanh Đài Bắc”, thế nhưng đã giúp cho toàn bộ đường nét văn hóa của thành phố được nâng lên một bậc, đưa người dân thành phố vươn đến một cuộc sống văn hóa sâu sắc và tinh tế.
Kể từ năm 2007, anh Lý Minh Thông (Lee Ming-tsung) đã giảng dạy khóa học “Xã hội học về Âm nhạc” tại trường Đại học Đài Loan (National Taiwan University), thông thường ngay trong giờ học đầu tiên anh đều cùng với sinh viên thảo luận khái niệm “phong cảnh âm thanh” được nêu ra bởi nhà soạn nhạc R. Murray Schafer, cha đẻ về âm thanh sinh thái, với dụng ý để sinh viên biết lắng nghe, qua đó cũng trở thành một cơ hội để thay đổi thế giới phong cảnh âm thanh.
Năm 2014, ông Kha Văn Triết (Ke Wen-je) dựa vào sức mạnh quần chúng trở thành thị trưởng thành phố Đài Bắc, lúc bấy giờ Lý Minh Thông cũng là cố vấn chính sách của chính quyền thành phố Đài Bắc, anh thảo luận với Cục Văn hóa về vấn đề mọi người có thể cùng nhau nghiên cứu đến vấn đề tuy nhỏ nhưng rất đáng đầu tư, đó là thiết kế phong cảnh âm thanh cho xe điện metro Đài Bắc.
Phá bỏ tâm lý “Nghe cũng như không” của mọi người
“Trí tưởng tượng xã hội học” do nhà xã hội học người Mỹ C. Wright Mills nêu ra, “đó là quá trình nỗ lực của mỗi con người khi họ đặt tình huống cá nhân vào các chủ đề bao quát hơn trong xã hội”, được đưa vào kế hoạch thiết kế âm thanh cho hệ thống xe điện Metro Đài Bắc, Lý Minh Thông hy vọng mọi người nên ngẫm nghĩ, khi chúng ta cùng ở chung trong một không gian công cộng, có thể có một vài điều mọi người sẽ cảm thấy là chuyện bình thường, không có gì lạ, thí dụ như âm thanh báo hiệu của xe điện Metro Đài Bắc; mọi người nghĩ rằng tần suất âm thanh lớn như vậy là để nhắc nhở những người khiếm thị, thế nhưng có một điều mà chúng ta không hề nghĩ đến, đó là độ nhạy cảm âm thanh của những người khiếm thị còn cao hơn những người bình thường, do đó họ rất khó chịu khi nghe những âm thanh lớn như vậy. Nếu đem tình huống của người khiếm thị đặt vào bản thiết kế môi trường công cộng, thì đây chính là “Trí tượng tượng xã hội”. Thông qua đó để chúng ta suy ngẫm lại, cũng để chúng ta xem xét lại không gian công cộng mà mọi người đang cùng nhau sử dụng có thật sự thoải mái, thân thiện, thật sự đáp ứng được nhu cầu và cảm nhận của nhóm người yếu thế hay không.
Thiết kế âm thanh trong hệ thống xe điện metro Đài Bắc trong lúc chưa có không gian cải tiến, thì đây cũng là điểm bắt đầu cho sự thay đổi , anh Lý Minh Thông chia sẻ: “Là một việc làm rất nhỏ, thế nhưng khi chúng ta đem việc làm nho nhỏ này dùng phương thức văn hóa cụ thể để quan tâm đến những việc khác lớn hơn, chúng ta sẽ suy nghĩ tìm tòi mối quan hệ giữa một cá thể và môi trường xung quanh, làm thế nào để có thể quan tâm từng chi tiết một cách tỉ mỉ hơn, chăm lo đến mỗi sự khác biệt.”
Vì thế Sở Văn hóa thành phố Đài Bắc đã hợp tác với Sở Công trình xe điện metro thành phố Đài Bắc, tiến hành một số thay đổi bắt đầu từ âm thanh cảm ứng thẻ ở vào cổng vào trạm xe điện metro, đem âm thanh chói tai của máy móc đổi thành âm sắc nhẹ nhàng của tiếng đàn piano, bắt đầu từ một âm đơn, từ một bước nhỏ để hướng đến sự thay đổi lớn.
Từ việc chi tiết, việc bé xé ra to
Chỉ mới là một âm đơn, nhưng đã khiến cho mọi thứ trở nên hỗn loạn. Thiết kế ban đầu với hy vọng khi vào trạm, hợp âm dương cầm sẽ có giai điệu cao thấp khác nhau, tức là khi hành khách quẹt thẻ cảm ứng để vào trạm, có thể tuỳ theo đó mà phổ thành một điệu nhạc, thế nhưng dung lượng lưu trữ file âm thanh của thiết bị ổ cứng trong hệ thống xe điện metro lại có giới hạn, cho nên chỉ được thể hiện âm đơn mà thôi; hơn nữa tần số âm thanh không được điều chỉnh quá cao hoặc quá thấp, do đó để có thể sáng tạo ra một âm thanh nghe sao cho thật nhẹ nhàng, thoải mái, chỉ riêng giai đoạn này cũng đã khiến cho toàn thể đội thiết kế tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Kế đến , phần thứ 2 trong “Chương trình phong cảnh âm thanh Đài Bắc” là giai điệu khi vào sân ga dành riêng cho 4 tuyến đường có lượng hành khách nhiều nhất, đó là tuyến Đạm Thủy - Tín Nghĩa (tuyến màu đỏ Damshui-Xinyi), tuyến Bản Kiều- Nam Cảng (tuyến màu xanh lam Banqiao-Nangang), tuyến Tùng Sơn-Tân Điếm (tuyến màu xanh lá Songshan-Xindian), tuyến Trung Hòa-Tân Lư (tuyến màu cam Zhonghe-Xinlu).
Cô Lôi Quang Hạ (Lei Kwang-hsia), người sáng tác giai điệu cho tuyến màu đỏ đã dùng khái niệm “Chuyến du lịch ngắn”, với bản hợp âm dương cầm, guitar và đàn celesta đưa hành khách xuyên suốt từ phố cổ Đạm Thủy đến Tòa nhà cao ốc 101, khu vực đại diện cho cuộc sống hiện đại; còn Chu Nhạc Trừng (Ken Chou) lại đặt trọng tâm vào bầu không khí tràn đầy nghệ thuật của tuyến Tùng Sơn-Tân Điếm, giai điệu chính được cải biên từ bản nhạc “Dạ khúc” của nhà soạn nhạc Chopin, sau đó cho thêm vào một vài giai điệu Jazz, để cuối cùng trình làng một khúc nhạc êm dịu mê ly mà bạn đang nghe thấy.
Còn Lý Hân Vân (Cincin Lee) lại sử dụng nhịp 5/4, một giai điệu lặp đi lặp lại rất ít gặp, kết hợp với tiếng nhạc dương cầm, khiến cho tuyến đường Bản Kiều-Nam Cảng nơi luôn náo nhiệt đông đúc, qua giai điệu du dương do cô sáng tác đã khiến cho hành khách như tịnh tâm trở lại, bỏ qua hết những phiền não áp lực sau một ngày làm việc mệt nhọc. Và Trần Kiến Kì (Chen Chien-chi) sau khi quan sát, nhận thấy hành khách trên tuyến Trung Hoà-Tân Lư đa số là dân công sở, đã quyết định sử dụng giai điệu hài hước nhẹ nhàng giúp giải toả áp lực để làm nhạc nền, dùng âm sắc nhạc điện tử lưu động một cách rất phiêu du, khiến cho thể loại âm nhạc huyền ảo này như đi theo bước chân người dân đến công sở hay về nhà.
Phần thứ 3 là thiết kế âm nhạc dành cho các toa xe chở khách và trạm cuối của các tuyến, bản nhạc “Nổi gió” do Chu Nhạc Trừng sáng tác là dựa vào giai điệu du dương của tiếng đàn dương cầm được tạo thành từ nốt móc kép, ngoài vai trò truyền thông tin nhắc nhở hành khách chuyển trạm hoặc đã đến trạm cuối, còn tạo một cảm giác mới lạ đối với các lữ khách lần đầu tiên đến tham quan Đài Bắc.
Bản thiết kế âm nhạc ambient dành cho không gian từ cổng soát vé tự động đến cửa ra vào trạm xe điện metro, được xem là khó thực hiện nhất, cũng lần lượt được ra đời. Đưa âm nhạc vào không gian xe điện ngầm, mặc dù là thực hiện luận lý đưa âm nhạc giao hòa với không gian công cộng, thế nhưng cũng đối diện với muôn vàn khó khăn; không gian của mỗi một trạm xe khác nhau, dòng người qua lại cũng không giống nhau, do đó thiết bị phát thanh cũng là một thử thách. Âm thanh là một thể loại vô hình, để điều chỉnh một âm hưởng tạo nên cảm giác thoải mái dễ chịu, nghe thật êm dịu và có chất lượng, trong quá trình đó việc bới lông tìm vết để nhìn những lỗi nhỏ chính là điều kinh khủng nhất trong từng chi tiết. Do đơn vị thực hiện liên tục thử nghiệm, điều chỉnh cả trăm lần từng chi tiết của âm lượng, tốc độ, soạn nhạc , nhạc cụ được sử dụng, tần số âm thanh..., không những tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia am hiểu về âm nhạc, âm thanh, mà còn kết hợp cả ý kiến của người sử dụng, đây là những nỗ lực không nhìn thấy được, và cũng không phải một lần là thành công, mà được tích lũy dần qua quá trình “trao đổi”.
Công chúng cùng tham gia, tìm ước số chung lớn nhất
Trong quá trình trao đổi, đương nhiên không thể thiếu sự tham gia của công chúng.
Chính quyền thành phố Đài Bắc đã mở văn phòng liên lạc, mời người dân thành phố tham gia cuộc khảo sát thực tế, tham quan tìm hiểu những âm thanh của thành phố. Khi chuẩn bị sáng tác giai điệu đợt thứ 2 dành cho không gian trạm xe điện metro, trang web chính quyền thành phố mở rộng trưng cầu ý kiến chọn lựa của người dân bằng phương thức rất độc đáo, thiết kế trò chơi DIY, chỉ cần người dân chọn các giai điệu, tiết tấu và âm thanh khác nhau, thì lập trình sẽ tổng hợp lại và cho ra một giai điệu theo ý tưởng tượng của họ.
Cuộc thi chọn âm nhạc ambient cho trạm xe điện metro đã được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng, ban tổ chức nhận được 477 tác phẩm đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là những bản nhạc sáng tác cho các trạm xe điện metro như trạm Đông Môn (Dong men Station), trạm Long Sơn tự (LongshanTemple Station), trạm Sân bay Tùng Sơn (Songshan Airport MRT Station), trạm Tượng Sơn (Xiangshan Station), trạm Nhà vòm Arena (Taipei Arena Station).
Cô Trương Quân Từ (Zhang JunCi), người sáng tác nhạc ambient cho trạm xe điện Sân bay Tùng Sơn, vừa mới tốt nghiệp khoa Thiết kế công nghệ trường đại học Thành Công, cô học đàn piano từ nhỏ, bình thường rất thích cuộc sống đi đây đi đó, ghi nhận lại những âm thanh thiên nhiên (Field Recording). Tác phẩm do cô sáng tác mang tên “Roaming Traveler” dùng hai đường âm thanh đơn giản nhất như ngọn sóng lên xuống nhấp nhô, tượng trưng cho sự trông đợi chuyến du lịch và sự đối thoại trong ký ức của một thời đã qua, khiến cho lữ khách giống như đang bị bao quanh bởi lớp sương mờ, mang theo một cảm giác muốn bay vút lên bầu trời cao.
Cô Cao Mẫn Luân (Emma Kao), từng soạn nhạc cho rất nhiều bộ phim Đài Loan, có lẽ do đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác nhạc, nên cô cảm thấy âm nhạc ambient cũng giống như khái niệm nước hoa hay mùi hương thơm ngát của nó, không có hình thể, vậy mà có thể âm thầm thay đổi tâm trạng của con người. Bản nhạc do cô soạn cho trạm Tượng Sơn sử dụng các nhạc cụ dây như đàn guitar, đàn mandolin để tạo ra âm hưởng giòn giã trong trẻo. Với sự lặp lại của các thang âm, cộng thêm hiệu ứng kỹ xảo xếp chồng và giảm thấp, khiến cho không gian trong trạm xe điện Metro tràn ngập giai điệu thật thư giãn và dễ chịu.
Anh Trương Vĩnh Kiều (Chang Yung-chiao) theo học khóa soạn nhạc phim tại San Francisco, làm nên sự thay đổi ở ngôi chùa khiến cho mọi người cảm nhận được sự trang nghiêm và bình an, anh sử dụng sở trường âm nhạc truyền thống Trung hoa của mình là kèn suona và trống, cộng thêm âm hưởng của guitar bass, sáng tác một giai điệu thể hiện cảm giác rộn ràng náo nhiệt của ngôi chùa và cảnh tượng dòng người đông đúc ngược xuôi cho trạm xe điện metro chùa Longshan. Giám đốc sản xuất Công ty phát hành đĩa nhạc Harvest Music Lâm Thượng Đức (Mike Lin), kiêm người đứng đầu kế hoạch tuyển chọn âm nhạc ambient cho không gian của các trạm xe điện metro, đồng thời là ủy viên Ban giảm khảo cho rằng, tác phẩm này rất tao nhã, không hoàn toàn mang đậm chất nhạc Đông phương, cách sử dụng nhạc cụ cũng rất tài tình khéo léo, mang tầm nhìn quốc tế.
Nhà soạn nhạc Mã Nhất Tiên (Ma Yi-xian) tác giả của âm nhạc ambient ở trạm xe điện Nhà vòm Arena thì lại muốn thể hiện tinh thần của một thành phố luôn bận rộn và năng động. Anh đến sân ga, ghi âm lại các âm thanh như tiếng người, tiếng bước chân, tiếng cửa đóng mở cửa, tiếng vỗ tay…để làm tài liệu cho giai điệu của mình, chủ yếu là tiết tấu cộng thêm phương thức dán ghép cho ra đời một khúc nhạc ngắn, được xem là giai điệu tương đối đặc biệt trong 5 tác phẩm được bầu chọn và còn giúp cho người đi xe nhanh chóng nắm bắt được nét đặc biệt của địa phương.
Giai điệu tại trạm Đông Môn là một tác phẩm do Văn Doãn Thần (Yin Chen) và Hứa Khởi Long (Zero Hsu) cùng hợp tác sáng tác, với âm thanh chủ đạo là “Phiên chợ náo nhiệt” và “Tình người thân mật” để sáng tạo ra cảnh “Du hí Đông Môn”. Hai người đã dùng âm giai ngũ cung (thang âm với 5 nốt nhạc) trong âm nhạc truyền thống Trung Hoa làm tài liệu, với ngón đàn Nhị hồ sở trường, Văn Doãn Thần đã góp phần làm cho âm điệu của khúc nhạc trở nên sôi động, bên cạnh một Hứa Khởi Long đầy kinh nghiệm hòa âm phối khí, anh đã đem nhạc giao hưởng phương tây đan xen với dòng nhạc truyền thống khiến cho giai điệu này càng thêm phong phú. Sự giao thoa giữa dòng nhạc cổ điển và hiện đại, cũng tượng trưng cho thành phố Đài Bắc luôn là nơi không ngừng có sự luân chuyển hài hòa giữa cũ và mới.
Ngoài việc chọn lựa tác phẩm của quần chúng ra, thì lắng nghe ý kiến của người sử dụng, tìm kiếm một ước số chung lớn nhất, mới chính là ý nghĩa thực chất của việc mời mọi người cùng tham gia công tác xã hội. Lấy thí dụ đoạn nhạc tại sân ga Trung Hòa-Tân Lư, mới đầu khi đưa vào sử dụng, nhiều người đã gọi điện thoại đến đường dây 1999 để phản đối, có nhiều lời chỉ trích xuất hiện trên website như điệu nhạc này nghe rất là quái dị, rất khó chịu, rất kỳ quặc, khiến nghe xong tâm trạng trở nên tệ đi, không phải ngày nào cũng là ngày lễ Halloween, tạo cảm giác rất áp lực…Do đó ngoài việc mời các nhà thiết kế điều chỉnh một chút về âm tiết ra, Ban tổ chức cũng chuẩn bị tâm lý sẽ thay đổi dòng nhạc khác. Thế nhưng “Đây là một điều tốt”, Lý Minh Thông cho biết, anh rất vui trước sự chỉ trích của mọi người, bởi vì nó cho thấy “Mọi người đã bắt đầu để ý đến, cuối cùng mọi người đã nghe thấy, cuối cùng đã thật sự chú ý lắng nghe, đây chính là điều mà tôi đang cần.”
Mở rộng đôi tai và “lắng nghe” thêm lần nữa
Hoang phí nhất là việc tái thiết kế âm thanh phong cảnh hệ thống xe điện metro Đài Bắc, do đó hy vọng mọi người tự mở rộng đôi tai và “lắng nghe” thêm lần nữa. Thế nhưng chúng ta sẽ đặt câu hỏi rằng: trước khi lắng nghe chẳng phải cần có sự yên lặng hay sao? Tại sao họ lại cộng thêm âm thanh vào một môi trường như vậy? “Điều mà tôi nghĩ đến, đó là trước tiên cần thông qua phép cộng trong một trình độ nhất định, để nhu cầu về phép trừ có thể xuất hiện trước mắt mọi người.” Vì nếu dùng cách thức giương bảng hiệu, giương biểu ngữ để tuyên truyền việc giảm thấp tiếng ồn thì hiệu quả không khả quan lắm, chi bằng hãy để mọi người một lần nữa mở rộng đôi tai để lắng nghe lại âm thanh phát ra từ môi trường xung quanh.
Cũng với lý do này, Lý Minh Thông lại nhấn mạnh một lần nữa, trọng tâm của âm nhạc ambient là môi trường, để âm nhạc hòa vào môi trường chứ không phải phối nhạc cho môi trường. Âm nhạc ambient không được gây trở ngại cho môi trường, nhưng phải mang đặc tính dễ phân biệt, âm nhạc ambient có thể thu gom lại những âm thanh khác trong không gian, khiến một không gian ồn ào trở nên yên tĩnh, từ đó tâm tư của con người cũng có sự thay đổi theo. Mối quan hệ giữa âm nhạc ambient và môi trường thuộc vào diện “Nhập hồ kỳ nội, xuất hồ kỳ ngoại” tức là muốn mọi người “nghe thấy mà như không nghe thấy”; và điều này cũng thử thách sự nhận thức của quan chức chính quyền thành phố đối với việc thực thi chính sách mang tính đột phá như vậy.
So với thị giác, thì việc thay đổi âm thanh là điều rất mờ nhạt và không dễ nhận ra, âm nhạc ambient lại là loại nhạc hòa vào môi trường xung quanh chứ không phải là giai điệu nổi bật , bởi vậy Lý Minh Thông nói một cách thẳng thắn : “Kế hoạch này quá tân tiến.” Với tiêu chí xem xét hiệu quả thành tích, chính quyền thành phố chỉ đồng ý trích kinh phí cho những kế hoạch nhìn thấy thành quả, và dễ nhận được lời khen của mọi người, “Thế nhưng nếu bây giờ không bắt tay vào làm, chúng tôi càng không có cơ hội “đến với những mục tiêu đó”.” Anh Lý Minh Thông cho biết.
Thế nhưng “mục tiêu đó’ là “ở đâu”?
Chính là việc nhà thiết kế đứng trên góc độ của người sử dụng, tỉ mỉ ngẫm nghĩ về sự khác biệt trong từng chi tiết nhỏ, truy tìm đến cùng để rồi đề xuất một vẻ đẹp nghệ thuật mang đến cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng thoải mái, một niềm vui vừa đủ, những cảm nhận này không thể dùng lời diễn tả được.
Nhà soạn nhạc R. Murray Schafer từng nói: “Đôi tai của chúng ta không có van đóng lại, sinh ra đôi tai là để nghe liên tục, thế nhưng điều này không có nghĩa là, đôi tai của chúng ta luôn mở cửa.”
Mở rộng đôi tai, học cách lắng nghe, hãy thức tỉnh cảm quan, bắt đầu từ một âm đơn, tin rằng chúng ta có thể cùng nhau thay đổi phong cảnh âm thanh Đài Bắc.