Bảo tàng quốc gia Đài Loan dang rộng vòng tay đón chào tân di dân – Hướng dẫn tham quan . Lắng nghe . Kể chuyện Đài Loan
Bài‧Deng Hui Chun Ảnh‧Chen Mei Ling Biên dịch‧Lệ Phương
Tháng 10 2016
台北市二二八和平公園周末假日是許多新住民聚會的場所,但是館方觀察他們鮮少會走進位在公園內的臺博館。2014年,臺博館策劃的「伊斯蘭:文化與生活特展」,在伊斯蘭的圈子裡還引發了一些漣漪,頗獲好評。館方也藉機招募培訓東南亞新住民為服務大使,提供母語導覽服務。
“Lấy máy điện thoại di động ra, chọn chức năng selfie (chụp ảnh tự sướng), sau đó để máy di động trên tấm gạch đá hoa thứ 6 ở lầu thang này là có thể chụp được luôn cả kính màu trên mái vòm của Bảo tàng quốc gia Đài Loan, mọi người xếp thành hình tròn và xích lại gần nhau để chụp ảnh với mái vòm”. Trần Tú Bình mặc chiếc áo dài màu đỏ, cô vừa chỉ cách chụp ảnh tự sướng vừa thuyết minh bằng tiếng Việt cho khách tham quan. Một nhóm người đến từ Việt Nam làm theo cách hướng dẫn của cô, chụp ảnh tự sướng với kính màu trên mái vòm một cách thú vị.
Đây là Bảo tàng quốc gia Đài Loan. Năm 2015, Bảo tàng quốc gia Đài Loan thành lập đội ngũ Đại sứ phục vụ tân di dân, đào tạo tân di dân đến từ các nước Đông Nam Á trở thành đại sứ phục vụ, làm hướng dẫn viên bảo tàng, cung cấp phục vụ hướng dẫn tham quan và thuyết minh bằng tiếng mẹ đẻ.
Từ thụ động trở thành chủ động
4-5 đại sứ phục vụ tân di dân đồng thanh nói rằng : “Đến Đài Loan hơn 10 năm rồi, khi nhìn thấy thông tin tuyển dụng đại sứ phục vụ tân di dân của Bảo tàng quốc gia Đài Loan, mới lần đầu tiên đặt chân vào đây”.
Có rất nhiều tân di dân thường tụ tập ở Công viên Hòa Bình 228, thành phố Đài Bắc, vào dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Ban quản lý Bảo tàng quốc gia Đài Loan cho biết, tuy Bảo tàng quốc gia Đài Loan nằm trong Công viên 228, nhưng họ rất ít khi vào tham quan. Qua sự thăm dò sơ bộ của nhân viên Bảo tàng quốc gia Đài Loan cho thấy, tòa kiến trúc tráng lệ của Bảo tàng quốc gia Đài Loan đã tạo nên một khoảng cách trong lòng người tân di dân, họ tưởng rằng Bảo tàng quốc gia Đài Loan chỉ phục vụ người dân Đài Loan, không phải là nơi ra vào của tân di dân hay lao động nước ngoài.
Tân di dân và lao động nước ngoài hiện là cộng đồng lớn thứ 4 ở Đài Loan, làm thế nào để cho họ chịu bước vào Bảo tàng quốc gia Đài Loan, vấn đề này đã trở thành trách nhiệm của cựu giám đốc Bảo tàng quốc gia Đài Loan ông Chen Ji Men (Trần Tế Dân).
Năm 2014, cuộc triển lãm văn hóa và đời sống của Hồi giáo (Islam) do Bảo tàng quốc gia Đài Loan tổ chức, đã giành được sự đánh giá cao của cộng đồng Hồi giáo.
Bảo tàng quốc gia Đài Loan cũng nhân cơ hội này tuyển tình nguyện viên có ý muốn trở thành đại sứ phục vụ tân di dân, tân di dân người Indonesia Shi Lu Yin là một trong những đại sứ phục vụ lúc đó.
Cánh cửa làm quen Đài Loan
Bảo tàng quốc gia Đài Loan được thành lập vào năm 1908, là nơi mở mang kiến thức hiện đại của Đài Loan, tính đa dạng sinh học và tính đa dạng nhân văn là giá trị cốt lõi của Bảo tàng quốc gia Đài Loan.
Cựu Giám đốc Chen Ji Men (Trần Tế Dân) định vị Bảo tàng quốc gia Đài Loan là bảo tàng để cho người Đài Loan làm quen với bản thân mình và để cho bạn bè quốc tế làm quen Đài Loan. Đối với bạn bè Đông Nam Á có dân số gần 1 triệu người, Chen Ji Mennói rằng :“Bảo tàng quốc gia Đài Loan là cánh cửa để cho tân di dân và lao động nước ngoài làm quen với Đài Loan”.
Phó giám đốc Bảo tàng quốc gia Đài Loan Lin Hua Qing (Lâm Hoa Khánh) giải thích, sau thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng, Đài Loan đã xảy ra nhiều cuộc di cư với quy mô lớn, bao gồm năm 1949, chính phủ Quốc Dân Đảng dời đến Đài Loan, và cuộc di cư của tân di dân và lao động nước ngoài trong gần 20 năm qua.”Chúng ta đều trải qua giai đoạn lịch sử này. Bảo tàng quốc gia Đài Loan là một bảo tàng rất quan tâm đến tính đa dạng văn hóa, và sự tác động của nền văn hóa tân di dân đối với nền văn hóa Đài Loan, càng khiến cho chúng ta phải quan tâm nhiều hơn”.
Vì vậy, Bảo tàng quốc gia Đài Loan đã thông qua nhiều phương thức để tuyển mộ thuyết minh viên tân di dân. Đợt tuyển mộ đầu tiên được bắt đầu vào cuối năm 2014, sau thời gian đào tạo 2-3 tháng, tổng cộng có 10 đại sứ phục vụ tân di dân của 4 nước Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Philippines chính thức trở thành thuyết minh viên, cung cấp phục vụ hướng dẫn tham quan và thuyết minh kể từ tháng 6-2015.
Xây dựng mối liên kết
với các nước Đông Nam Á
Người phụ trách chương trình đào tạo hướng dẫn tham quan và thuyết minh dành cho tân di dân của Bảo tàng quốc gia Đài Loan Yuan Xu Wen (Viên Tự Văn) cho biết : “Vì trong quá trình đào tạo và tài liệu tham khảo đều sử dụng tiếng Hoa, cho nên phải có mức độ hiểu biết cao, đọc hiểu các bài viết, đây là điều kiện căn bản nhất”.
Trong thời gian tham gia đào tạo, đại sứ phục vụ tân di dân phải lắng nghe hướng dẫn viên lâu năm của Bảo tàng quốc gia Đài Loan kể về lịch sử, đặc sắc của kiến trúc và nội dung được trưng bày thường xuyên của Bảo tàng này.
Họ cũng cần phải tập sự, học hỏi cách hướng dẫn tham quan của các tình nguyện viên khác, trong thời gian tập sự, phải lắng nghe nhiều lần để tăng cường trí nhớ và ấn tượng của mình. Cách diễn tả bằng động tác, cử chỉ, điệu bộ và đạo cụ tranh ảnh lúc hướng dẫn tham quan cũng là trọng điểm để họ học hỏi.
Điều mà Bảo tảng quốc gia Đài Loan chú trọng nhất đó là tính chuẩn xác của nội dung thuyết minh, nếu gặp phải danh từ riêng thì phải tra từ tiếng Anh, sau đó tìm ra từ ngữ tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa tương tự.
Kế tiếp là tập làm hướng dẫn viên bảo tàng (thuyết minh viên), trước hết, các chị em tân di dân cần phải tập giới thiệu bằng tiếng Hoa, luyện tập khoảng 2, 3 lần, sau đó tập thuyết minh bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Bảo tàng quốc gia Đài Loan cũng thường sắp xếp cho các chị em tân di dân tập sự, học hỏi cách thuyết minh của các tình nguyện viên tiếng Hoa. Yuan Xu Wen cho hay : “Các chị em tân di dân rất chăm chỉ, sau khi kết thúc buổi hướng dẫn tham quan, họ vẫn tiếp tục hỏi các tình nguyện viên, đôi lúc các tình nguyện viên này cũng phải đầu hàng.”
Chương trình đào tạo đại sứ phục vụ tân di dân lần hai của Bảo tàng quốc gia Đài Loan đã được khởi động. Trước khi lên lớp, Yuan Xu Wen nói với nhóm đại sứ phục vụ tân di dân rằng : “Hy vọng các bạn có thể tìm ra mối liên quan giữa văn hóa Đài Loan với Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines, chẳng hạn như lúc xây cất Bảo tàng quốc gia Đài Loan, quê nhà của các bạn đang xảy ra chuyện gì, sự kết nối giữa Đài Loan với quê nhà của các bạn là rất quan trọng, bởi vì nền văn hóa của đất nước các bạn cũng quan trọng không kém”.
Vì vậy trong lúc hướng dẫn tham quan, các chị em Việt Nam đã dùng tấm ảnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh để so sánh với bề ngoài kiến trúc của Bảo tàng quốc gia Đài Loan, các chị em tân di dân người Indonesia thì cho biết, sàn nhà họa tiết ô bàn cờ đen trắng lúc ban đầu ở lầu 1, đại sảnh của Bảo tàng quốc gia Đài Loan rất giống đền thờ ở đảo Baili.
Ngoài ra, Bảo tàng quốc gia Đài Loan cũng lần đầu tiên in tờ gấp giới thiệu Bảo tàng bằng tiếng Indonesia và tiếng Việt, đây đều là sự đóng góp chuyên môn, hỗ trợ phiên dịch của các đại sứ phục vụ.
Phụ nữ chăm chỉ, đam mê công việc là xinh đẹp nhất
Linda, đến từ Indonesia, trước đó cô đến Đài Loan học tiếng Hoa, sau đó đi Anh quốc du học và lấy được bằng thạc sĩ. Nhớ lại lần đầu tiên hướng dẫn tham quan, cô cảm nhận được tiếng nói của mình đang run rẩy, con gái của cô cũng thấy cô hình như sắp khóc. Cho đến bây giờ, trước khi hướng dẫn du khách tham quan, Linda vẫn xem lại các tài liệu liên quan, bởi vì cô sợ mình làm không tốt sẽ khiến cho du khách có ấn tượng không hay đối với Bảo tàng quốc gia Đài Loan.
Người bạn Việt Nam Lê Vu Phi tâm sự, buổi học nào cô cũng đến rất đúng giờ, cô còn dẫn cả con cô đến tham gia, bởi vì đây không chỉ là tự mình bồi dưỡng mà còn là dịp để cho con nhìn thấy được sự cố gắng học hỏi của mẹ, đây chính là cách làm gương cho con, và cứ thế, cô yêu thích công việc hướng dẫn tham quan và thuyết minh từ hồi nào mà chính cô cũng không hay.
Trần Tú Bình đến Đài Loan được 16 năm, hiện có 3 đứa con, ngoài những ngày đi làm, cô còn đi dạy tiếng Việt ở trường tiểu học Wang-xi (Võng Khê), khu Yonghe (Vĩnh Hòa), Xinbei Shi (thành phố Tân Đài Bắc), vào ngày cuối tuần, thỉnh thoảng cô còn bảo các em học sinh lớp học tiếng mẹ đẻ mời mẹ mình cùng tham gia buổi hướng dẫn tham quan bảo tàng của cô, ngoài thực tập tiếng Việt, còn giúp ích cho trẻ em trong việc tìm hiểu nền văn hóa Đài Loan, và cũng hy vọng để cho các bà mẹ tân di dân có cơ hội bước ra khỏi nhà, làm quen với Đài Loan.
Zhao You Xue là thành viên mới, cô vừa tham gia khóa đào tạo lần hai, là hướng dẫn viên tiếng Thái duy nhất hiện nay. Cách đây hơn 20 năm, cô theo chồng đến Đài Loan, không ngờ vì quá yêu thích Đài Loan, cho nên cô không về Thái Lan nữa. Cô cho biết, cô có đến tham quan Bảo tàng quốc gia Đài Loan một hai lần, nhưng đều là “cưỡi ngựa xem hoa”. Cô rất mong sau khi tham gia khóa đào tạo hướng dẫn tham quan lần này, cô sẽ có cơ hội để chia sẻ vẻ đẹp kiến trúc của Bảo tàng quốc gia Đài Loan đến với người thân và bạn bè Thái Lan của mình.
Trong nhóm đại sứ phục vụ tân di dân, các chị em đến từ Việt Nam là nhiều nhất, khi đến phiên thuyết minh bằng tiếng Việt, nếu hôm đó rảnh, các chị em này đều rủ nhau mặc áo dài và cùng hỗ trợ cho nhau, vì vậy, vào ngày nghỉ lễ, thỉnh thoảng sẽ nhìn thấy bóng dáng tà áo dài vờn bay trong đại sảnh Bảo tàng quốc gia Đài Loan. Nguyễn Thị Ngọc Mai chia sẻ, có một lần, cô và Trần Tú Bình đang tập thuyết minh thì có một cặp vợ chồng người Đài Loan cứ khăng khăng đòi hai cô thuyết minh bằng tiếng hoa, bởi vì họ rất thích nghe người Việt nói tiếng hoa.
Thời gian hướng dẫn tham quan bằng tiếng Indonesia là vào chủ nhật lúc 3 giờ chiều, Shi LuYin mặc chiếc áo trang phục truyền thống Indonesia màu xanh nước biển, đứng ở cổng Bảo tàng quốc gia Đài Loan giới thiệu với du khách về tòa nhà kiến trúc xinh đẹp được xây dựng cả một thế kỷ nay . Sự tự tin toát ra từ thần thái, cử chỉ và tiếng nói Indonesia trôi chảy, rõ ràng của cô. Nhìn đôi bông tai lắc lư theo lời giải thích sinh động của cô khiến cho người ta bỗng dâng cảm thấy cảm động.
Tòa nhà bảo tàng có trăm năm lịch sử này vì có sự gia nhập của tân di dân đã khiến cho lý tưởng về quyền bình đẳng văn hóa càng tiến về phía trước, và tại đây, nhóm người này sẽ tiếp tục kể về câu chuyện của toàn thể nhân dân Đài Loan.