Thoát khỏi khuôn khổ
Nét đặc sắc và nổi bật của phim truyền hình Khách Gia
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Hakka TV cung cấp Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 4 2021
自第43屆金鐘獎起,每年的戲劇節目獎都有客家電視台(以下簡稱客台)的作品入圍,至今已連續12年。客語連續劇的題材包羅萬象,台灣文學改編、探討生死、精神疾病、偏鄉廢校等。客台從選材、編劇、選角慢慢打磨,一齣齣深具質量的故事才得以上演。
邀請大家拋開對客族的想像及語言的限制,共下看戲。
Kể từ sau giải thưởng Kim Chung (the Golden Bell Awards) lần thứ 43, mỗi năm Đài truyền hình Khách Gia (Hakka TV) đều có tác phẩm lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Phim truyền hình xuất sắc nhất, đến nay đã liên tiếp 12 năm. Phạm vi đề tài của phim truyền hình tiếng Khách Gia rất rộng, ví dụ như cải biên từ tác phẩm văn học Đài Loan, bàn luận về sự sống và cái chết, các chứng bệnh tâm lý, đóng cửa trường học ở vùng sâu vùng xa, v.v... Hakka TV cẩn thận từng chút từ khâu chọn đề tài, biên kịch, cho đến chọn diễn viên, từ đó mới liên tiếp cho ra lò những bộ phim chất lượng cao trên sóng truyền hình.
Huỳnh Quế Tuệ kỳ vọng những bộ phim truyền hình mà đài Hakka TV dồn tâm huyết để sản xuất có thể có được một chỗ đứng trong văn hóa Khách Gia trên thế giới. (Ảnh do Lin Min-hsuan chụp)
Mời mọi người cùng xóa bỏ những khuôn khổ giới hạn trong tưởng tượng và ngôn ngữ về văn hóa Khách Gia để cùng chúng tôi thưởng thức những bộ phim hay của họ.
Tháng 10 năm 2019, Hakka TV ra mắt bộ phim truyền hình đầu tiên của Đài Loan nói về bệnh tâm lý - phim “Light of Cloudy Day” (tạm dịch “Ngày tốt trong tiết trời âm u”). Lấy bối cảnh là Trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần, cốt truyện xoay quanh sự tương tác giữa bệnh nhân, người nhà và y bác sĩ, đan xen với nhau và tạo nên một tác phẩm truyền hình ấm áp và mạnh mẽ.
Phim “JiongIen Sen” dựa trên lịch sử hãng nước tương Vạn Gia Hương (Wan Jia Shan), rồi thêm vào yếu tố hư cấu để viết nên câu chuyện lập nghiệp về nghề sản xuất nước tương bằng phương pháp thủ công.
Dùng phim truyền hình để lan tỏa sức mạnh
Sau mỗi tập được phát sóng, trên trang fanpage của “Light of Cloudy Day” liền xuất hiện những lời bình luận đầy cảm tính của cộng đồng mạng, bất kể là bị cốt truyện làm cho cảm động rơi nước mắt, hay là khơi gợi ký ức của bản thân, bộ phim đã thành công trong việc tạo tiếng nói chung trong khán giả. Nhà biên kịch Huỳnh Tịnh Điền (Huang Jingtian) từng là một nhân viên điều dưỡng, bản thân cũng từng mắc chứng rối loạn lưỡng cực nên cô hiểu rất rõ sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân mắc các bệnh về tâm lý/tâm thần, cô hy vọng người bệnh có thể hiểu được rằng, việc mắc bệnh không phải là do họ không tốt, hay là báo ứng cho việc làm sai trái, hãy xóa bỏ những cái tên mà họ bị gán cho, tìm được dũng khí để đối mặt với bệnh tật.
Mọi người thường cho rằng bệnh tâm lý là do tâm lý xuất hiện vấn đề, thế nhưng, ngoại trừ những yếu tố như áp lực và sang chấn tâm lý, bệnh tâm lý thật ra cũng có liên quan đến sự bất thường trong mô não, ví dụ như bệnh trầm cảm là do sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ gây nên, không phải cứ nói bệnh nhân nghĩ thoáng hơn là có thể giải quyết được. Cho nên bệnh tâm lý cũng giống như những chứng bệnh khác, có thể trị liệu bằng thuốc hoặc cách khác nếu như tìm ra nguyên nhân, giúp bệnh nhân khống chế bệnh tình của mình.
Trưởng Ban triệu tập đội ngũ phim truyền hình của đài Hakka TV Huỳnh Quế Tuệ (Huang Kuei-hui) hy vọng bộ phim này có thể giúp khán giả tăng cường nhận thức về bệnh, mỗi người đều sẽ có vấn đề về mặt cảm xúc, cần phải được giải tỏa đúng lúc. Nếu như thật sự bị bệnh thì phải đi khám bác sĩ, đừng mặc kệ hay nghe theo những bài thuốc gia truyền nào đó. Để thu hẹp khoảng cách giữa xã hội đại chúng với bệnh tâm lý, trang fanpage “Light of Cloudy Day” đã đăng tải những bài viết giới thiệu về bệnh lý, những câu nói ấm áp, giống như trong lời giới thiệu của bộ phim: “Chúng ta không thể biến bản thân mình thành hình dạng phù hợp với thế giới, chỉ cần tiến về phía trước, cho dù trời âm u nhưng vẫn có thể là một ngày tốt”. Cuộc sống vốn có nhiều thăng trầm, không cần phải biến ngày âm u thành ngày trong xanh, mà chỉ hy vọng thông qua bộ phim, người xem được tiếp thêm sức mạnh để tiến về phía trước.
Phim “Survival” đã tái hiện lại cuộc sống của người dân Đài Loan dưới ngòi bút của nhà thơ Lại Hòa, kết nối sự đồng cảm dù đã trải qua trăm năm.
Phim truyền hình tiếng Khách Gia dành cho mọi người
Cùng với sự phục hưng của điện ảnh Đài Loan trong những năm gần đây, kinh phí và thù lao quay phim điện ảnh đều tăng cao, đài truyền hình buộc phải đưa ra mức giá cao hơn để thu hút các diễn viên giỏi, kinh phí sản xuất phim cũng theo đó mà tăng lên. Huỳnh Quế Tuệ bày tỏ, khi cô vừa gia nhập nhóm phim truyền hình, kinh phí sản xuất một tập phim khi đó là khoảng 800 nghìn Đài tệ, chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, bây giờ mỗi tập phim đã tăng lên đến khoảng 2 triệu Đài tệ. Trong điều kiện ngân sách không thay đổi, việc sản xuất phim truyền hình từ mỗi năm 2 bộ, 2 năm 3 bộ của trước đây, đến nay chỉ còn khoảng 1 năm 1 bộ.
Cô Huỳnh Quế Tuệ cho biết, phim trên đài Hakka TV trước đây chủ yếu đi theo xu hướng “Người Khách Gia, chuyện Khách Gia”, giới thiệu những câu chuyện vươn lên của người Khách Gia tại Đài Loan. Điển hình như phim “The Story of Hsu Pang-hsing” sản xuất năm 2007, diễn viên Ôn Thăng Hào (James Wen) đã vào vai bác sĩ người Khách Gia Từ Bàng Hưng, người được mệnh danh là “bác sĩ khoa ngoại tốt nhất Đài Loan”, đồng thời là người xúc tiến bộ môn bóng chày tại Đài Loan và là người sáng lập trường Trung học phổ thông Mỹ Hòa (Meiho Senior High School).
Thế nhưng, trải qua thời gian dài, những bộ phim chủ yếu lấy đề tài tuyên dương thành tựu của người Khách Gia chỉ càng làm cho khán giả lầm tưởng là phim trên đài Hakka TV chỉ dành cho người Khách Gia. Để phá vỡ ấn tượng rập khuôn này, đài truyền hình đã chuyển sang cách chọn đề tài mang tính thời sự xã hội để cho những bộ phim dài tập bằng tiếng Khách Gia có thể thu hút thêm nhiều khán giả không thuộc cộng đồng Khách Gia. Ví dụ như phim lấy đề tài trường học “The Kite Soaring” của năm 2010 kể về câu chuyện của nhóm học sinh thất học gặp phải giáo viên có phong cách dạy đặc biệt, bộ phim hy vọng có thể giúp đặt viên gạch đầu tiên đưa mọi người đến gần với Hakka TV hơn.
Đối với những khán giả chưa từng tiếp xúc phim truyền hình tiếng Khách Gia, cô Huỳnh Quế Tuệ cũng giới thiệu người xem có thể nhập môn bằng phim “Long Day’s Journey into Light”. Bộ phim này lấy bối cảnh là công ty tang lễ, thảo luận về sự sống và cái chết. Mỗi một con người đều sẽ phải đối mặt với cảnh người thân, bạn bè qua đời, các diễn viên trong phim đã lột tả một cách hoàn hảo những phản ứng hay hành động có thể xảy ra của một con người khi trải qua sinh ly tử biệt, “Để khán giả có thể tìm thấy sự đồng cảm từ kinh nghiệm của bản thân, từ đó cảm nhận được sự an ủi, đây là một tác phẩm xoa dịu lòng người”, cô Huỳnh Quế Tuệ bày tỏ. Phim truyền hình của Hakka TV khi vừa mới chiếu lần đầu có lẽ không được chú ý nhiều, nhưng đề tài hay và dàn diễn viên mạnh sẽ giúp cho tác phẩm được đón nhận, dù đã phát sóng vài năm nhưng vẫn thu hút được khán giả. Chẳng hạn như phim “Long Day’s Journey into Light”, theo số liệu phân tích của nền tảng video trực tuyến, từ khi ra mắt vào năm 2015 đến nay, đây vẫn là tác phẩm phim truyền hình được khán giả yêu thích nhất trên đài Hakka TV, vẫn không ngừng có thêm khán giả mới.
Nhiều tác phẩm văn học của nhà thơ Lại Hòa đã được đọc lên trong những cảnh phim “Survival”, làm tăng thêm chất thơ cho bộ phim. (Trong ảnh là cảnh phim tái hiện lại việc nhà thơ Lại Hòa ngồi sáng tác tại phòng khám riêng của mình)
Phá vỡ rào cản ngôn ngữ
Khi chọn diễn viên cho phim, Hakka TV luôn đặt việc sản xuất phim hay lên làm ưu tiên hàng đầu nên sẽ tuyển chọn những diễn viên phù hợp với tính cách nhân vật dù cho người đó không am hiểu tiếng Khách Gia. Chỉ cần dám chấp nhận thử thách, Hakka TV sẽ mời giáo viên ngôn ngữ đến dạy cho diễn viên cách phát âm trong tiếng Khách Gia. Ngoài ra, các giáo viên cũng sẽ dịch từng câu lời thoại nhân vật thành tiếng Khách Gia rồi ghi âm lại, đọc 1 lần bằng tốc độ chậm, 1 lần bằng tốc độ bình thường, để diễn viên có thể học thuộc lời thoại trước khi quay. Sau khi bắt đầu quay, giáo viên ngôn ngữ cũng sẽ điều chỉnh ngữ điệu lời thoại sao cho phù hợp với tính cách của nhân vật, đồng thời sẽ có mặt tại trường quay để theo dõi xem diễn viên phát âm có chuẩn hay không? Diễn viên vừa phải diễn xuất vừa phải chú ý phát âm thật sự không dễ dàng, bởi thế, nếu đóng phim Hoa ngữ thì mỗi ngày chỉ cần 10 tiếng đồng hồ, nhưng khi đóng phim tiếng Khách Gia thì mỗi ngày cần đến 16 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đủ để cho đạo diễn và diễn viên quen thuộc với nhau hơn. Còn nếu khán giả e ngại rằng không hiểu tiếng Khách Gia thì sẽ không hiểu các bộ phim tiếng Khách Gia, cô Huỳnh Quế Tuệ bày tỏ, những năm gần đây số lượng phim Hàn Quốc du nhập vào Đài Loan ngày một tăng đã làm giảm đi những rào cản về ngôn ngữ, cho dù không biết tiếng Hàn Quốc nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc hiểu nội dung phim. Cô khích lệ mọi người nên có thái độ cởi mở tương tự để thưởng thức phim truyền hình tiếng Khách Gia.
Hakka TV hy vọng phim “Light of Cloudy Day” có thể giúp mọi người hiểu hơn về bệnh nhân mắc bệnh tâm lý/ tâm thần.
Phim truyền hình Khách Gia hướng ra thế giới
Là một đài truyền hình thuộc Tập đoàn Phát thanh Truyền hình công cộng Đài Loan (Taiwan Broadcasting System), Hakka TV không cân nhắc nhiều về doanh thu như những đài truyền hình thương mại khác, mà thay vào đó là quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội và sứ mệnh kế thừa văn hóa, từ đó cũng ảnh hưởng đến độ sâu rộng khi chọn đề tài làm phim. Ví dụ như phim “Somewhere over the Sky” đã cho thấy những vấn đề xã hội như đóng cửa trường học ở vùng sâu vùng xa, tân di dân thế hệ thứ hai, những đứa trẻ được nuôi dạy bởi ông bà, v.v...; những vấn đề quyền lợi lao động thường thấy trên tin tức trong những năm gần đây như chế độ nghỉ ngơi của nhân viên bảo vệ, cách nhận định về lao động quá độ, cơ chế kiểm tra lao động…, cũng đã được Hakka TV dựng thành phim “Karoshi” với nhịp độ khá nhẹ nhàng, hy vọng qua đó có thể thu hút sự hiếu kỳ và quan tâm của khán giả đối với các vấn đề xã hội.
Ra mắt vào năm 2019, “Survival” lại là một bộ phim được dựng từ tác phẩm văn học Đài Loan do Trần Nam Hoành (Chen Nanhong) – một nghiên cứu sinh tốt nghiệp khoa Văn học Đài Loan của trường Đại học Thành Công và chuyên nghiên cứu về nhà thơ Lại Hòa (Loa Ho) – đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất. Anh đã chọn lọc những tác phẩm của cố thi sĩ để viết lại thành kịch bản phim lịch sử. Bộ phim tái hiện lại cuộc sống của người dân thường trong thời kỳ quân Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan khi họ phải đối mặt với những vấn đề như khủng hoảng bản sắc, các công ty lũng loạn thị trường, kiểm soát giá thu mua… Dù đã trải qua hơn một trăm năm nhưng những khó khăn chồng chất mà người dân Đài Loan phải gánh chịu được miêu tả dưới ngòi bút của nhà thơ Lại Hòa đều phù hợp với tâm trạng sầu não của con người hiện đại khi phải đối mặt với sự chênh lệch giàu nghèo, tương lai mịt mờ không xác định trong xã hội ngày nay, thu hẹp khoảng cách giữa văn học và công chúng.
“Chúng tôi dám nói rằng cả thế giới không có ai khác đang làm chương trình tiếng Khách Gia”. Cô Huỳnh Quế Tuệ tự tin kỳ vọng rằng, “Chúng tôi muốn làm cộng đồng Khách Gia của thế giới, hy vọng sau này bất kể là ở đâu, khi nhắc đến Khách Gia, mọi người sẽ nghĩ đến Đài Loan có một đài truyền hình mang tên Hakka TV”. Thông qua sức mạnh của Internet, giúp cho phim truyền hình Khách Gia chiếm một chỗ đứng trong văn hóa Khách Gia của thế giới.