Dùng âm nhạc hát lên nhịp đập trái tim của mảnh đất thân thương
Ban nhạc Shengxiang
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Kent Chuang Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 4 2021
林生祥是台灣樂壇特出的一道聲線。長期關注農工、環境議題,音樂以台灣傳統樂音為基底,融合西方搖滾,消化傳統與現代,成一家之音。
除了是金曲獎、金音獎的得獎專門戶,林生祥從2001年走向國際,巡迴歐、亞、美洲等十幾個國家,2005年,他獨樹一格的台灣農村搖滾震撼德國最大的民謠音樂節(TFF-Rudolstadt)群眾的耳膜,廣播人馬世芳稱:「林生祥是我心目中,當代台灣最重要的創作歌手。」
Lâm Sinh Tường (Lin Sheng-xiang) là một giọng ca khá đặc biệt trong làng âm nhạc Đài Loan, lâu nay anh vốn là người quan tâm đến vấn đề môi trường cũng như các ngành công, nông nghiệp. Phong cách âm nhạc của anh dựa trên nền nhạc truyền thống Đài Loan kết hợp với phong cách rock phương Tây, nét truyền thống và hiện đại được anh xử lý vô cùng hài hòa để rồi chúng quyện lại với nhau thành một dòng âm nhạc riêng thuộc về anh.
Phong cách âm nhạc của anh Lâm Sinh Tường dựa trên nền tảng nhạc truyền thống Đài Loan, kết hợp chất rock phương Tây, hòa quyện thành một.
Ca sỹ Lâm Sinh Tường không chỉ là ca sỹ thường xuyên giành các giải thưởng âm nhạc lớn như Golden Melody, Golden Indie Music, năm 2001, anh còn bước ra sân khấu quốc tế, tổ chức live show ở mười mấy nước khu vực châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Năm 2005, anh mang giai điệu rock đồng quê Đài Loan đến với Lễ hội âm nhạc đồng quê TFF-Rudolstadt lớn nhất nước Đức, bài hát của anh đốt cháy cả sân khấu, gây bất ngờ cho toàn thể khán giả. Phát thanh viên Mã Thế Phương (Ma Shihfang) khen ngợi anh rằng: “Trong lòng tôi, Lâm Sinh Tường là ca sỹ quan trọng nhất của làng sáng tác nhạc đương đại Đài Loan”.
Năm 2014, ban nhạc tổ chức buổi trình diễn âm nhạc kỷ niệm 15 năm ngày phát hành album “Let Us Sing Mountain Song”, tiếp đến năm 2017 tổ chức Lễ hội âm nhạc kỷ niệm 15 năm ca khúc “The Night March of the Chrysanthemums”, năm 2018, chương trình “Live show phía Nam kỷ niệm 20 năm sự nghiệp ca hát của ca sỹ Lâm Sinh Tường” đã đặc biệt mời nhiều bạn bè ca sỹ cùng tham dự, đây cũng là lễ hội âm nhạc với dàn ca sỹ có quy mô đông đảo nhất. Ngoài ra, Lễ hội âm nhạc kỷ niệm 15 năm phát hành album “Getting Dark” cũng đang trong thời gian chuẩn bị, còn album mới mang tên “Water Snowflake Goes to Market” thì lại xuất hiện hầu hết các món ngon của người Khách Gia, khiến người ta vừa nghe nhạc vừa thấy đói bụng.
Có thể nói trong làng ca sỹ Đài Loan hiếm ai đạt được những thành tích kỷ lục như ca sỹ Lâm Sinh Tường, mỗi album được phát hành là một tác phẩm đặc biệt, mỗi bài nhạc của anh dường như đều được “đùa vui” hết mình, phong cách âm nhạc đặc biệt này luôn bỏ xa các nhà sáng tác cùng thời với anh.
Không chỉ nổi bật về âm nhạc, thiết kế bìa album của ban nhạc Shengxiang cũng rất đặc sắc, khéo léo.
Người con Khách Gia hát bài ca của chính mình
Lâm Sinh Tường sinh ra ở Mỹ Nông, Cao Hùng (Meinong, Kaohsiung), là con của một gia đình làm nông điển hình. Cuối năm 1998, anh trở về quê Mỹ Nông tham gia phong trào phản đối xây hồ chứa nước Mỹ Nông. Anh cùng với các thành viên ban nhạc Labor Exchange đã chọn địa điểm di tích Yên Lầu (xưởng thuốc lá truyền thống) thực hiện album“Let Us Sing Mountain Song” và “The Night March of the Chrysanthemums” trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hai album này cũng đã trở thành tác phẩm kinh điển trong phong trào xã hội và lịch sử âm nhạc Đài Loan.
Ban nhạc hợp tác với anh Lâm Sinh Tường có sự thay đổi khá nhiều lần, từ ban nhạc “Kuan-tsu Music Pit” cho đến "Labor Exchange" và "Water 3". Đến nay, ban nhạc “Shengxiang” gồm 7 thành viên, anh Lâm Sinh Tường là người hát chính kiêm chơi đàn nguyệt cầm, anh Chung Vĩnh Phong (Chung Yung-feng) là người sáng tác ra vô số lời bài hát đầy cảm xúc, anh Ken Ohtake—tay guitar hợp tác lâu năm, anh Toru Hayakawa—người có nền tảng nhạc jazz thâm hậu thì chơi bass điện, còn người chơi bộ gõ là anh Ngô Chính Quân (Alex Wu) thì gia nhập ban nhạc khi thực hiện album“I-Village”. Đến năm 2016, khi thực hiện album “Village Besieged” thì tay trống Noriaki Fukushima và anh Hoàng Bác Dụ (Huang Po-yu) thổi kèn souna mới gia nhập. Những thành viên kể trên là linh hồn của ban nhạc, cũng chính là những người ghép nên bức tranh âm nhạc hoàn chỉnh cho anh Lâm Sinh Tường.
Năm 1993, anh Lâm Sinh Tường bị lôi cuốn và ảnh hưởng bởi một số các bài tiếng Đài (tiếng Mân Nam) của nhạc sỹ Trần Minh Chương (Chen Ming-chang). Từ đó, anh bắt đầu đưa tiếng Khách Gia (tiếng Hakka) vào trong những sáng tác của mình. “Tôi biết rất rõ giá trị nghệ thuật khi tôi hát bằng tiếng mẹ đẻ chắc chắn sẽ cao hơn so với các bài hát tiếng Hoa phổ thông, sáng tác là phải dựa trên những điều tốt nhất chứ đâu có ai lấy điều tốt thứ hai. Vì vậy, không còn gì để hoài nghi, nhất định phải chọn con đường sáng tác bằng tiếng Khách Gia”, anh Lâm Sinh Tường chia sẻ.
Album“Let Us Sing Mountain Song” chính là album ghi chép lại những gì đã diễn ra trong phong trào phản đối xây hồ chứa nước ở Mỹ Nông, có lẽ dòng âm nhạc của phong trào xã hội cần sự liên kết tương tác với người dân, cùng cất tiếng hát hợp xướng với họ và điều quan trọng là phải đáp lại tâm tư của người dân. Chẳng hạn bài hát“Let Us Sing Mountain Song” đã cổ vũ tinh thần cho những người dân lên Viện Lập pháp biểu tình rằng đừng sợ “Nào! Chúng ta hãy cùng hát bài ca của Núi (Let Us Sing Mountain Song)”. Khi bài hát vang lên thì mọi người dưới sân khấu cùng hát theo, tiếng hát âm vang khiến lòng can đảm dâng trào. Hoặc ca khúc “The Night March of the Chrysanthemums” viết về câu chuyện của Thành, một thanh niên nông thôn lên thành phố làm ăn nào ngờ thất bại nên về quê trồng hoa Cúc. Bất giác, anh Lâm Sinh Tường biến mình trở thành người chỉ huy dàn hợp xướng, điểm danh từng đóa hoa Cúc đang xếp từng dãy từng hàng dưới sân khấu. Bài hát này mỗi khi được hát live trong bất cứ show diễn nào, chỉ cần nhạc dạo đầu nổi lên là khán giả dưới sân khấu rất phấn khởi xem mình là những đóa hoa Cúc trong bài hát, đứng nghiêm chờ được anh Lâm Sinh Tường điểm danh và hô to “Có!”. Cả hội trường sân khấu hòa quyện lại thành một, quang cảnh này trở thành một phần không thể thiếu của màn trình diễn. Đây chính là tiếng nói của người dân, họ đã ca vang bài ca của chính mình.
Anh Lâm Sinh Tường tham gia nhiều hoạt động dân sự, hát vì những người yếu thế. Đây là bức ảnh dân làng Mỹ Nông đến Viện Lập pháp trình bày ý kiến vào năm 1999. (Ảnh: Hiệp hội Meinung People's Association cung cấp)
Âm thanh quê hương vừa thân thuộc lại vừa mới mẻ
Trong thời kỳ hợp tác với ban nhạc Labor Exchange, anh Lâm Sinh Tường đưa các loại nhạc cụ truyền thống như kèn Souna, nguyệt cầm và trống La Cổ (Luogu) vào trong sáng tác. “Thời ban nhạc Labor Exchange tôi thấy rằng âm nhạc của mình cần phải kết nối với âm thanh truyền thống, hy vọng khi người dân thôn quê nghe nhạc của tôi, cho dù đó là những sáng tác rất hiện đại nhưng họ vẫn cảm nhận được sự liên kết với cuộc sống của họ”, anh Lâm Sinh Tường nói.
Sau đó, anh Lâm Sinh Tường học đàn nguyệt cầm, “còn âm thanh của kèn souna đối với nhiều người mà nói nó là thứ âm thanh gọi mời”, thứ âm sắc cao vút này thường xuất hiện trong đám tang, lễ cưới của cuộc sống làng Khách Gia, là những hình ảnh mang ý nghĩa quan trọng trong ký ức cuộc sống của mọi người.
Còn có một bài hát khác mà khi người Đài Loan vừa nghe thấy là lập tức vẫy tay, cười ngô nghê và lắc đầu liên tục, đó chính là ca khúc “Ah-Kim Runs for Mayor” trong album “I-Village”. Giai điệu guitar điện tươi trẻ thêm một chút nhịp điệu phong cách Grassroots, cộng với tiếng pháo giòn giã, cùng với phần tự thoại kể chuyện của anh Lâm Sinh Tường và Chung Vĩnh Phong, tiếng đàn keyboard lúc buồn bã, lúc cao trào dần dần xuất hiện giao thoa nhau. Đây chính là bài hát bầu cử mà người Đài Loan vừa nghe là nhận ra ngay và cũng là bài hát bầu cử hiếm có trên thế giới. Trong các buổi trình diễn trực tiếp, anh Lâm Sinh Tường còn khuấy động sân khấu, kêu gọi mọi người cùng bắt nhịp hô to “Đắc cử! Đắc cử!”, không khí trở nên náo nhiệt cháy hết mình.
Bài hát “Planting Trees” được phối nhạc cho phong trào xã hội với giai điệu nhẹ nhàng trong album “Let Us Sing Mountain Songs”, ca khúc “Water Snowflake Goes to Market” viết về ẩm thực Khách Gia, vẻ nghiêm túc nhưng giọng điệu hài hước trong ca khúc chủ đề của bộ phim “The Great Buddha+” và ca khúc viết về biển “Whale Island”. Âm nhạc của anh Lâm Sinh Tường khó miêu tả được bằng lời nóỉ, mà phải lắng nghe để trải nghiệm. (Ảnh: Công ty sản xuất âm nhạc Foothills Folk LLC cung cấp)
Ghi lại những điều nhỏ bé của cuộc sống
Từ thời ban nhạc Labor exchange, anh Chung Vĩnh Phong đã phụ trách viết lời, còn anh Lâm Sinh Tường thì viết nhạc, cặp bài trùng ăn ý này đã hoàn thành nhiều sáng tác khiến bao người tán thưởng. Ngòi bút của anh Chung Vĩnh Phong đôi lúc như một chiếc ống kính rộng đưa chúng ta đi xem sự toàn cầu hóa, sự thống trị của bộ máy nhà nước, có lúc thì lại tập trung miêu tả sự bất lực của những con người nhỏ bé đang sống trong một chế độ mang tính rập khuôn. Chẳng hạn như bài hát “My Old 125-cc Motorcycle” kể câu chuyện một kẻ tha hương về quê trong tâm trạng xấu hổ, với lời ca “ông thổ địa ơi, thổ địa ơi, con cúi đầu lạy ông, ông làm ơn tắt hết đèn đường dùm con, đừng hỏi tại sao con lại trở về đây”. Hình ảnh nhân vật chính phóng như bay trên chiếc xe máy cũ rích trên đường huyện lộ, kết hợp giọng ca nghẹn ngào của anh Lâm Sinh Tường, cho dù bạn không hiểu tiếng Khách Gia nhưng tin chắc rằng bạn vẫn sẽ cảm động rơi nước mắt.
Anh Lâm Sinh Tường nói: “Có một yêu cầu cơ bản khi tôi sáng tác nhạc, đó là nếu như trong âm nhạc không mang hình ảnh, không có bối cảnh thì đó là một tác phẩm thất bại”. Ví dụ ca khúc “Planting Trees” với lời ca như sau: “Trồng cây là để sâu tìm nơi lánh nạn, trồng cây là để chim có nơi trú đêm, trồng cây là để mặt trời mọc bóng cùng nhảy múa”. Câu chuyện kể về một người nhà quê cứ sau mùa bão là tự đi trồng lại những cây xanh bị bão quật siêu vẹo ngả nghiêng, rồi còn cố gắng trồng cây cho ngôi làng. Ca từ mang đậm chất thơ đã khơi gợi lên sự liên tưởng phong phú cho mọi người.
Khi chúng tôi đến Mỹ Nông gặp gỡ anh Lâm Sinh Tường, trước khi đi, anh gửi cho chúng tôi một tin nhắn nói rằng nhà của anh không thể tìm kiếm trên bản đồ Google Maps nên anh hướng dẫn chúng tôi cách dùng kính phản quang, lấy vườn đu đủ làm ký hiệu, thế là chúng tôi lần theo dấu vết “vụn bánh mì” của anh Lâm Sinh Tường để tìm đến nơi anh ở, lúc đó mới phát hiện cách chỉ dẫn đường của anh rất giống trong lời bài hát “I-Village”: “Phía đông có vườn cây ăn trái, phía tây có sườn núi nhỏ, gió mát từ núi thổi sang hướng bắc, đất đai ruộng đồng màu mỡ ở phía nam”. Anh đã dùng cách định vị đông, tây, nam, bắc để định hình phạm vi ngôi làng, miêu tả cảm giác cuộc sống của 4 mùa xuân hạ thu đông. Có thể nói âm nhạc của anh Lâm Sinh Tường dường như là một khúc nhạc ghi chép lại cuộc sống xung quanh.
Anh Lâm Sinh Tường dùng giai điệu âm nhạc hát lên nhịp đập trái tim của mảnh đất thân thương.
Đối thoại với đương đại
Trong phong trào “Chống luật dẫn độ” của Hồng Kông năm 2019, vào tháng 12 năm đó, ban nhạc Shengxiang đã sang Hồng Kông biểu diễn. Anh Lâm Sinh Tường nói: “Khi biết được Hồng Kông phải sống trong tình trạng hỗn loạn trong nửa năm qua, tôi nghĩ đây là lúc chúng tôi phải sang đó hát cho người Hồng Kông nghe”. Năm 2002, ban nhạc Labor exchange giành được giải thưởng Golden Melody lần thứ 13 hạng mục “Ban nhạc xuất sắc nhất”, anh Lâm Sinh Tường lên sân khấu nhận giải và nói: “Nếu như ban nhạc Labor exchange là một chiếc microphone, chúng tôi hy vọng sẽ đưa chiếc microphone này cho anh chị em nông dân và công nhân, để họ nói với xã hội những sự việc mà chúng ta đã chứng kiến và những câu chuyện đã từng nghe”.
Năm 2013, anh Lâm Sinh Tường hát ca khúc “I- Village”, hát lên hiện trạng thực tế của nông thôn thời hậu hiện đại. Đến năm 2016, album chủ đề “Village Besieged” được ra đời với phong cách rock mang khái niệm phản đối ô nhiễm không khí, chủ đề này có mối tương quan với tất cả mọi người đang sống trên hòn đảo này. Người ta nói vùng Mỹ Nông non nước hữu tình nhưng thực tế không phải như vậy, anh Lâm Sinh Tường tay lướt App trên điện thoại, quan ngại về chỉ số PM2.5 và PM10 trong không khí. Anh nói: “Nếu nồng độ PM2.5 cao thì vùng Mỹ Nông sẽ không nhìn thấy dãy núi Trung ương, hơn nữa, vào lúc chiều tối, không khí khu vực duyên hải sẽ thổi về hướng núi, không khí ô nhiễm tới mức không thể nào đi ra ngoài tập thể dục, ca khúc Village Besieged chính là viết về thực trạng này”.
Kiên trì trên con đường âm nhạc
Có lần trong lúc biểu diễn đột nhiên ngón tay của anh Lâm Sinh Tường cứng đờ làm rớt nhịp đàn, “Ngày hôm đó tôi rất buồn, đó là lần đầu tôi có cảm giác thất bại trên sự nghiệp âm nhạc của mình, là cảm giác lo sợ lẽ nào sự nghiệp âm nhạc của mình đã đến hồi sụp đổ rồi chăng”, anh Lâm Sinh Tường nói, nếu nghĩ xa chút nữa liệu bản thân có đủ điều kiện để về hưu chưa? Khi nói tới điều này cảm tưởng như có một đám mây đen đang kéo đến nhưng cũng khiến anh chuyển sang đề tài khác và bật mí anh đã có ý tưởng mới muốn đưa vào album sắp phát hành. Trong lúc phỏng vấn anh, rồi khi hỏi về chuyện xưa, anh Lâm Sinh Tường chỉ kể với giọng điệu nhẹ nhàng nhưng lúc nhắc lại quãng thời gian vượt qua những hoang mang, khó khăn để tiếp tục phấn đấu thì biểu cảm của anh đột nhiên rất phong phú, giọng nói trở nên cao hơn, gương mặt anh biểu hiện niềm phấn khởi hệt như một đứa trẻ. “Nếu một ngày nào đó tôi không thể đứng trên sân khấu nữa thì tôi sẽ lui về hậu trường, gọi cho hội bạn chơi nhạc đến thu âm, như thế thôi cũng đủ vui rồi, nhưng khi nhìn lại thấy thần tượng của tôi ở tuổi bảy mươi mà vẫn đứng trên sân khấu thì tôi mới nghĩ mình phải tiếp tục phấn đấu để theo kịp bước chân của họ”, anh Lâm Sinh Tường nói.
“Tôi thấy mình tự do tự tại nhất là khi được biểu diễn trong thế giới âm nhạc, hy vọng lúc già đi thì vẫn còn có người muốn nghe tôi hát, tôi hy vọng như vậy đó!”, anh Lâm Sinh Tường vừa nói vừa cười một cách mãn nguyện.