Cuộc sống không rác thải
Tận hưởng niềm hạnh phúc giản đơn
Bài‧Chen Chun-fan Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 12 2021
零廢棄達人的居所,與一般人無異,卻多了整齊舒適的居家空間,其自信富足的人生觀讓我們看見美好生活的樣貌。
Chỗ ở của người tôn sùng lối sống không rác thải không có gì khác biệt so với người bình thường nhưng sẽ mang lại một không gian sống ngăn nắp, thoải mái, thông qua triết lý nhân sinh quan đầy tự tin của họ sẽ giúp chúng ta thấy được diện mạo tươi đẹp của cuộc sống.
Vào một buổi sáng thứ Sáu, chúng tôi đến với khách sạn mèo Greenfoot do cô Lữ Gia Linh (Lü Chia Ling) và anh Tiêu Tuấn Ngạn (Hsiao Chun Yen) kinh doanh. Lúc tắm rửa cho mèo, họ sử dụng bàn chải đánh răng điện với bột baking soda, đi vệ sinh thì dùng vòi xịt nước và khăn vải màn. Trong bữa ăn sáng, có món sữa chua uống kèm với hồng trà tự pha. Tiếp đó, toàn bộ các nguyên liệu thức ăn được mua ngoài phố đều bị “lột bỏ bao bì” rồi đựng vào đồ chứa tự chuẩn bị. Bữa trưa thì sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường để chế biến các món ăn.
Khách sạn mèo mở cửa phục vụ, các loại thức ăn cho mèo được bán trong tiệm đều không đóng gói, cát vệ sinh cho mèo dùng loại thùng có thể sử dụng nhiều lần. Đến chập tối thì mang chai lọ thủy tinh đến nông trường để đong đầy sữa tươi, đợi cư dân mạng đến lấy sau giờ tan ca. Tiếp đó, hai vợ chồng cùng vào bếp nấu ăn, hưởng thụ bữa cơm tối bên nhau, sau đó tắm gội bằng dầu tắm hương chanh tự chế, xua tan mệt mỏi sau một ngày dài. Trong suốt một ngày như vậy không tạo ra bất kỳ loại rác thải nào cả!
Những sản phẩm được bán trong khách sạn mèo Greenfoot đều là những đồ đựng có thể tái sử dụng.
Mạo hiểm rèn luyện lòng can đảm
Trước khi thực hành cuộc sống không rác thải, cô Lữ Gia Linh là người nghiện mua sắm. Trước khi đi du lịch nước ngoài, cô sẽ đặt mua hàng rồi gửi tới khách sạn, trong suốt chuyến du lịch còn mua quá nhiều đồ không thể để hết trong vali, cho nên phải mua thêm vali để đựng đồ.
Một cô gái như vậy lại có thể thay đổi 180 độ sau khi tiếp xúc với cuộc sống không rác thải. Cuối năm 2016, cô Lữ Gia Linh đọc được bài viết của người bạn trên Facebook chia sẻ về việc tự chuẩn bị đồ đựng khi mua đồ ăn sáng, đúng vào lúc cô cũng đang ăn sáng, nhìn lại thấy dụng cụ ăn uống dùng một lần được bày la liệt trên bàn, khiến cô rất sốc và bất giác tự hỏi: Những thứ rác thải này rồi sẽ đi về đâu? Do đó, cô Lữ Gia Linh đã đến Bành Hồ (Penghu) để thu dọn rác trên bờ biển, tận mắt chứng kiến cảnh rác nhặt không xuể ở bên bờ biển, khiến cô càng quyết tâm theo đuổi cuộc sống không rác thải.
Ban đầu, tuy hai vợ chồng có xảy ra cãi vã nhưng cách làm của cô Lữ Gia Linh là nếu chồng mình ngại tự chuẩn bị đồ đựng thì cô sẽ đi mua đồ ăn, cô cũng đi chợ với cha mẹ, giúp họ chuẩn bị sẵn đồ đựng và đựng thực phẩm vào đó, “bởi vì người muốn giảm lượng rác thải chính là cô, không thể bắt người khác làm việc mà mình muốn làm”.
Do nhiều lần đi mua món gà rang muối đã tự mang theo nồi đựng nên anh Tiêu Tuấn Ngạn nhận được lời khen của người bán, lại còn được tặng thêm vài thứ nữa. Vì có thêm những lợi ích như vậy, làm tăng thêm nguyện vọng gia nhập cuộc sống không rác của anh. Cô Lữ Gia Linh thì lo chuẩn bị thịt tươi cho những chú mèo cưng trong nhà, giảm bớt bao bì đóng gói thức ăn, cũng khiến mèo được ăn uống lành mạnh hơn; chất thải của mèo thì tìm được loại cát vệ sinh dạng mùn cưa có thể phân hủy, đồng thời cũng gom chung cát vệ sinh cho mèo đã được sử dụng, đem trộn với thức ăn thừa dạng tươi sống để làm thành phân bón, đem những thứ thuộc về thiên nhiên trả về lòng đất, không để chúng biến thành rác thải phải xử lý bằng lò đốt. Cô Lữ Gia Linh từng tính toán lượng rác thải của gia đình, bao gồm hai vợ chồng cộng thêm 7 chú mèo, lượng rác thải ra mỗi tháng chỉ có 104 gram, nhẹ hơn cả trọng lượng của một gói giấy vệ sinh.
Cô Lữ Gia Linh và anh Tiêu Tuấn Ngạn nỗ lực thực hiện cuộc sống không rác thải, ngay cả lúc chú mèo bị bệnh phải đưa đi khám, cũng tự chuẩn bị đồ đựng để lĩnh thuốc. Ngoài ra, hai người còn dành khoảng không gian phía ngoài cửa hàng cho cư dân mạng đặt đồ dùng không sử dụng đến để trao đổi đồ dùng, phát huy giá trị của chúng.
Một người đi sẽ nhanh hơn, nhưng một tập thể sẽ đi được xa hơn
Cuộc sống không rác thải đã giúp cô Lữ Gia Linh uốn nắn lại thói quen, cô thích đi chợ truyền thống, mua sắm tại cửa hàng bán các loại lương thực ngũ cốc, không những mua được hàng hóa nông sản địa phương loại không dùng bao bì, mà còn được giảm lượng khí phát thải carbon trong vận tải. Gian hàng chuyên bán rau quả “Zhuo-shi” áp dụng phương pháp canh tác tự nhiên đã được truyền cảm hứng bởi hành động của cô Lữ Gia Linh nên đã không chủ động cung cấp túi nilon, mặc dù khó tránh khỏi bị khách hàng kêu ca phàn nàn nhưng những người tán thành quan niệm này thì vẫn ghé thăm.
Để giúp càng nhiều người hiểu hơn về lối sống bảo vệ môi trường không rác thải, cô Lữ Gia Linh lập ra “Giáo hội không rác thải” trên Internet. Không rác thải không có nghĩa coi túi nilon là nguồn gốc của mọi sự xấu xa, mà có thể tái sử dụng mới là cách giải quyết tận gốc. Cô Lữ Gia Linh cho rằng, “còn sử dụng được thì là tài nguyên, nếu không còn dùng được, cho dù có cao quý nhường nào cũng vẫn chỉ là rác thải”. Vì vậy, cô khuyến khích các bạn đồng hành trao đổi với nhau những đồ vật không dùng đến trong nhà, tặng cho người khác những đồ vật không dùng đến, lên mạng tìm kiếm khi có nhu cầu.
Không chỉ dùng hành động, cô Lữ Gia Linh còn dùng ngòi bút viết về “Cuộc sống tươi đẹp không rác thải”, ghi chép lại quá trình không tạo ra rác, tự nhận thức lại bản thân, lấy lại quyền tự chủ cuộc sống. Cô Lữ Gia Linh vừa cười vừa nói rằng, trước đây cô thường suy nghĩ làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn nhưng từ khi bắt đầu cuộc sống không rác, cô còn hướng dẫn khách hàng phân biệt mua cái mà mình cần chứ không phải mua cái mà mình muốn, thu nhập của cô có thể không được nhiều như trước nhưng lối sống không rác thải có thể cắt giảm được các khoản chi tiêu không cần thiết, giúp cô có thêm nhiều thời gian để học những điều mình thích, ngược lại cuộc sống lại trở nên thong thả, nhẹ nhàng hơn.
Cô Lữ Gia Linh ghi lại lượng tồn kho nguyên liệu thực phẩm lên trên gạch men, đợi ăn hết rồi mới đi mua, biến những loại nông sản phẩm thân thiện với môi trường thành những món ngon mà không bị bỏ quên.
Trở thành người mà mình mong muốn
Bối cảnh được chuyển sang một căn hộ có diện tích khoảng 30 m2, vừa bước vào cửa sẽ nhìn ngay thấy bên trong có nhà bếp, phòng khách và phòng ngủ, căn hộ nhỏ gọn, sáng sủa không có vách ngăn với cây cỏ được chăm sóc chu đáo cùng những tấm ảnh treo trên tường ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống. Đây là căn hộ chung cư không rác do cặp vợ chồng bác sĩ Thượng Khiết (Shang Chieh) và Dương Hàn Tuyển (Yang Han Hsuan) tạo dựng.
Trước khi tiếp xúc với cuộc sống không rác, cô Thượng Khiết là một bác sĩ thực tập bình thường, chứng kiến quy luật sinh lão bệnh tử trong phòng bệnh và một chuỗi báo cáo y học đọc mãi không hết trong cuộc sống hiện thực, những tháng ngày bận rộn vẫn không thể lấp đầy sự trống trải trong lòng. Đến khi cô phát hiện Bea Johnson, tác giả của cuốn “Zero Waste Home – Nhà không rác” đang có cuộc sống không rác thải, cuốn sách này đã giúp cô tìm thấy ý nghĩa tiềm ẩn của cuộc sống không rác, làm thay đổi sự cầu kỳ về vật chất trước đây của cô chuyển thành sự trải nghiệm, “sẽ tạo niềm vui vững bền hơn so với việc theo đuổi vật chất trước kia”, cô Thượng Khiết giải thích. Ban đầu cứ nghĩ rằng, sống không rác chỉ vì bảo vệ môi trường, không ngờ lại tạo cơ hội khiến mình trở thành một người tốt hơn và vui vẻ hơn. Cô Thượng Khiết như được bật nút công tắc khởi động, chủ động gửi thư cho tác giả để hỏi vấn đề bản quyền, đồng thời tự giới thiệu bản thân với các nhà xuất bản. Đối với một cô gái không có kinh nghiệm phiên dịch, việc hoàn thành bản dịch tiếng Hoa cho tác phẩm “Nhà không rác” đã mở ra cho cô hành trình luyện tập lối sống không rác thải.
Cô Thượng Khiết vừa phiên dịch vừa trải nghiệm cuộc sống không rác như trong cuốn sách. Bắt đầu từ việc tự chuẩn bị đồ đựng, túi mua hàng, cho tới đồ dùng vệ sinh nữ giới có thể tái sử dụng, từng bước điều chỉnh dần thói quen sinh hoạt vốn có. “Cách làm của chúng tôi là chọn ra vài thói quen hiện tại có khả năng thực hiện được, ví dụ tôi vốn có thói quen uống cà phê, chỉ thay đổi bằng cách tự mang theo chiếc ly mà còn giảm bớt được phiền phức của việc phải vứt rác”. Anh Dương Hàn Tuyển cho biết, đã theo con đường bảo vệ môi trường, nếu cứ cố đòi hỏi mọi việc ăn ở đi lại đều phải thật đầy đủ như ý, thì ngược lại sẽ gây áp lực lớn cho mình.
Cô Lữ Gia Linh ghi lại lượng tồn kho nguyên liệu thực phẩm lên trên gạch men, đợi ăn hết rồi mới đi mua, biến những loại nông sản phẩm thân thiện với môi trường thành những món ngon mà không bị bỏ quên.
Hãy để mọi thứ quay về với bản chất của nhu cầu
Bắt đầu cuộc sống không rác thải từ năm 2016, cùng nhau trải qua nhiều sự thay đổi quan trọng như kết hôn, chuyển nhà, người thân qua đời, mang thai, sinh con, nuôi dạy con v.v..., cô Thượng Khiết và anh Dương Hàn Tuyển luôn đặt ra thử thách không tạo rác thải. Ví dụ trong suốt buổi hôn lễ, cô Thượng Khiết chỉ mặc duy nhất một bộ áo cưới màu trắng, còn anh Dương Hàn Tuyển thì mặc bộ vest cũ chỉ tốn có 250 Đài tệ để sửa lại. Họ kêu gọi khách được mời dự lễ cưới tự mang theo dụng cụ ăn uống, nếu ăn không hết cứ gói mang về, ngay cả túi lưới đựng loại trái cây địa phương để tặng cho khách mời cũng do họ tự làm từ dây thừng. Hai người cùng đưa ra nhiều suy nghĩ sáng tạo để hoàn thành một lễ cưới không rác thải.
Hai người không cố tìm cách không tạo ra rác thải, mà là muốn quay về với bản chất của nhu cầu, tìm ra phương pháp để giảm rác thải. Ví dụ lựa chọn cách sinh con tại nhà, sử dụng thật nhiều khăn tắm để thay thế cho những tấm lót dành cho sản phụ. Cân nhắc kỹ lưỡng về số lượng đáp ứng nhu cầu đồ dùng cần thiết cho em bé, chọn sản phẩm có thể tái sử dụng, đồng thời ưu tiên mua hàng second hand, hoặc phát huy tính sáng tạo tự làm, như thế sẽ giúp Trái đất tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên.
Cô Thượng Khiết và anh Dương Hàn Tuyển cân nhắc từng li từng tí những đồ vật trong căn hộ chung cư, bất kể là mua hay tự tay làm, mọi chỗ đều có thể cảm nhận được sự chăm chút của hai người. (Ảnh: Thượng Khiết cung cấp)
Hạnh phúc thực ra rất đơn giản
Cặp vợ chồng, một người là bác sĩ Tây y, còn một người là bác sĩ Đông y, không chọn nhà cao tầng có thang máy, trị giá hàng chục triệu Đài tệ để ở, mà dựa theo nhu cầu về không gian, giao thông thuận tiện để thuê một căn hộ. Để tìm được chiếc tủ quần áo phù hợp, hai vợ chồng đã bình tĩnh xem xét lại nhu cầu, rồi bỏ ra hai tháng để tìm kiếm, cuối cùng họ sử dụng một khung tủ nhiều tầng kết hợp với giàn treo quần áo để lắp thành một chiếc tủ quần áo dạng mở như mong muốn, từ những cành cây nhặt được ở ngoài đường, sau khi xử lý đã trở thành món đồ trang trí rất đẹp cho phòng khách, góp nhặt từng chút một để tạo thành một không gian thoải mái, hưởng thụ niềm vui và cảm giác thành công giành được trong quá trình đó.
Làm việc tại phòng khám Đông y, cô Thượng Khiết chọn cách không xếp kín lịch khám mà để dành cho mình khoảng thời gian rảnh rỗi để viết văn. Năm nay cô đã cho xuất bản cuốn “Cuộc sống chung cư không rác” (Dwelling in a Waste-Free Apartment), chia sẻ chặng đường rèn luyện không rác thải của hai người. Những thứ có thể tái sử dụng như khăn tay, dụng cụ ăn uống, ly cốc, đồ đựng, túi xách là những vật dụng tốt trong cuộc sống không rác mà cô Thượng Khiết muốn chia sẻ. Cô khuyến khích mọi người hãy đón nhận thách thức, sử dụng 5 loại đồ dùng này để bắt đầu cho cuộc sống mỗi ngày. Nếu không có những đồ dùng này trong tay thì cũng không cần phải vội vàng đi mua, hãy thử hỏi người thân bạn bè, có thể sẽ có được sự thu hoạch bất ngờ.
“Cuộc sống không rác có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào, làm dần từ những việc nhỏ, làm càng lâu thì bạn sẽ càng có thêm niềm tin và lòng can đảm”, cô Thượng Khiết chia sẻ. Cuộc sống không rác thải chưa hẳn là phải mang sứ mệnh bảo vệ môi trường, chỉ đơn giản là khiến mình trở nên tốt hơn, hưởng thụ niềm vui nhờ sự tối giản hóa cuộc sống, điều này rất đáng để trải nghiệm.
Cô Thượng Khiết và anh Dương Hàn Tuyển cùng thực hiện cuộc sống không rác, chọn cách lắng nghe tiếng nói của chính mình, buông bỏ lối sống theo đuổi vật chất, cùng nắm tay xây dựng một cuộc sống như mong ước.
Bữa ăn dã ngoại không xả rác với người nhà. Chỉ cần tự chuẩn bị đồ đựng và dụng cụ ăn uống là có thể thực hiện bước đầu tiên của cuộc sống không rác (Ảnh: Thượng Khiết cung cấp)