Thủ công mỹ nghệ tre trúc
Thiết kế đương đại được lột xác từ thủ công mỹ nghệ truyền thống
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 12 2024
“Ngôi nhà kiểu nơm bắt cá” được đan bằng tre do nghệ sĩ Phạm Thừa Tông thiết kế, lấy cảm hứng từ cách làm nơm bắt cá truyền thống của dân tộc Thao. (Ảnh: Phạm Thừa Tông cung cấp)
Trong xã hội thương mại giàu có về vật chất, luôn có vô số sản phẩm thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn lại những vật dụng thường ngày trong thời kỳ xã hội nông nghiệp, vẫn toát lên những nét đẹp mộc mạc và sâu lắng.
Vào ngày hè oi bức, nhóm phóng viên đến thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thủ công Mỹ nghệ (sau đây gọi tắt là Trung tâm Thủ công Mỹ nghệ) tọa lạc tại thị trấn Thảo Đồn, huyện Nam Đầu (Caotun - Nantou). Ngồi trên chiếc ghế tre có tên gọi là “Ghế 43”, được làm từ 43 cây tre Mạnh Tông (tre moso) có nguồn gốc từ Đài Loan, được uốn thành nhiều độ cong khác nhau, rồi kết hợp lối thiết kế ghế chân quỳ không tay vịn hiếm có với những đường cong mượt mà, rất phù hợp với tư thế của người ngồi, phá vỡ những hạn chế của vật liệu làm bằng thép không gỉ hoặc bằng nhựa thường được sử dụng trước đây. Khi ngồi lên, cảm giác như nằm trên chiếc chiếu trúc mát rượi, tạo ra một cảm giác rất đỗi thân thuộc với người Đài Loan.
Ông Trần Điện Lễ, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan nhấn mạnh, ngành thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, phù hợp với tinh thần ESG.
Khám phá dấu tích của cây tre
Ông Trần Điện Lễ (Chen Tien-li), Chủ nhiệm Trung tâm Thủ công Mỹ nghệ chia sẻ rằng, nghề thủ công mỹ nghệ là nhịp cầu kết nối giữa xã hội nông nghiệp với xã hội thương mại, cũng là tiền thân của sản phẩm công nghiệp. Ở thời kỳ không có thiết bị máy móc để sản xuất hàng loạt, thông thường phải sử dụng nguyên vật liệu ngay tại địa phương để làm ra những vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, mọi phương diện bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại, giáo dục và giải trí đều không thể tách rời ngành thủ công mỹ nghệ. Ngoảnh nhìn lại, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tự sản, tự tiêu, tự sử dụng, tỷ lệ phát thải carbon thấp, bảo vệ môi trường và có tính bền vững, tất cả đều phù hợp với tinh thần ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững gồm 3 yếu tố: môi trường, xã hội và quản trị).
Trong số đó, có thể nói tre trúc là mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính tiêu biểu nhất ở Đài Loan. “Trúc Khiếm” là tên gọi thời xưa của Tân Trúc, được đặt tên theo tre gai; địa danh “Trúc Sơn” ở huyện Nam Đầu có tên gọi như vậy vì đây là vùng trồng tre trúc, qua đó có thể thấy được tre trúc đã có sự gắn kết sâu xa với người Đài Loan trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là nguyên nhân vì sao năm nay Đài Loan được chọn làm nơi tổ chức Triển lãm Tre và Diễn đàn Tre Thế giới (2024 Bamboo Expo and World Bamboo Forum).
Ông Hứa Phong Kỳ (Hsu Fong-chi), tổ trưởng Tổ Thiết kế của Trung tâm Thủ công Mỹ nghệ, hướng dẫn chúng tôi tham quan Triển lãm đặc biệt về “Dấu tích tre+” tại Trung tâm Thủ công Mỹ nghệ. Khu triển lãm tầng 1 được mở đầu bằng chiếc ghế tre do nghệ nhân Nhan Thủy Long (Yen Shui-long 1903-1997) thiết kế. Ông Nhan Thủy Long đã đơn giản hóa chiếc ghế tre truyền thống và vẽ bản thiết kế “ghế tre phòng khách” nổi tiếng với mặt ghế hơi nghiêng nghiêng, có đường nét đơn giản, gọn gàng và các mắt tre được xếp theo thứ tự logic, để thấy được sự thử nghiệm bước đầu kết hợp giữa thủ công mỹ nghệ truyền thống và thiết kế hiện đại.
Kế tiếp là khu trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, bao gồm tác phẩm của các nghệ nhân cấp quốc gia như Hoàng Đồ Sơn (Huang Tu-shan 1926-2020), Lý Vinh Liệt (Li Jung-lieh, sinh năm 1936) và Trương Hiến Bình (Chang Hsien-ping, sinh năm 1943). Bước lên tầng 2, tại đây trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật từ tre mang phong cách thiết kế đương đại, bao gồm thương hiệu “Yii” do Trung tâm Thủ công Mỹ nghệ giới thiệu. Ngoài chiếc “Ghế 43” rất hút mắt, còn có tác phẩm “Bubble Sofa” do nhà thiết kế Châu Dục Nhuận (Chou Yu-jui) dùng tre đan thành hình cầu, làm thành chiếc ghế sô-pha bằng rất nhiều quả cầu tre, tác phẩm này từng được đăng trên trang bìa tạp chí của Ý; chiếc ghế đẩu tre “Bambool” do Châu Dục Nhuận và Tô Tố Nhiệm (Su Su-jen) hợp tác thiết kế; tác phẩm giá treo quần áo “Lát Tre” do nhà thiết kế Chu Chí Khang (Chu Chih-kang) và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Diệp Cơ Tường (Yeh Chi-hsiang) cùng thiết kế; hoặc các vật dụng xinh xắn như lọ đựng tiêu, lọ đựng đồ được làm từ vật liệu tre ép thành nhiều lớp do nhà thiết kế người Philippines Rachelle Dagnalan và ông Lưu Văn Hoàng (Larry Liu), chủ xưởng “Bamboola” hợp tác thiết kế. Mỗi tác phẩm đều giúp người xem khám phá những ứng dụng mới mẻ của cây tre.
Tác phẩm nghệ thuật “Ghế 43” làm từ 43 thanh tre Đài Loan được uốn cong, là chiếc ghế chân quỳ không tay vịn độc nhất vô nhị trên thế giới.
Đúc rút trí tuệ dân gian qua bao thế hệ
Từ truyền thống chuyển sang hiện đại, nghệ sĩ Phạm Thừa Tông (Feng Cheng-tsung) nói rằng: “Bạn biết không, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng thủ công mỹ nghệ truyền thống là một nghề rất ‘cực nhọc’, nhưng thực ra là rất ‘tài tình’”. Câu nói của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người.
Tác phẩm thủ công mang tên “Flow” (Dòng chảy) được trưng bày tại triển lãm “Dấu tích tre+” chính là tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Thừa Tông. Ở phần gầm ghế dùng tre đan thành những quả cầu tre, tạo thành ba trục để chống đỡ, bề mặt ghế là những thanh trúc sau khi hơ nóng tạo thành những đường cong lượn sóng, kết hợp lại tạo thành một chiếc ghế trúc có kiểu dáng rất thanh thoát.
Anh Phạm Thừa Tông theo học chuyên ngành thiết kế công nghiệp, sau đó khởi nghiệp bằng nghề thủ công mỹ nghệ. Hầu hết các tác phẩm hiện nay của anh thuộc thể loại nghệ thuật sắp đặt và điêu khắc. Tre trúc là yếu tố then chốt giúp nghệ nhân Phạm Thừa Tông, người vừa đa năng, vừa có năng lực sản xuất dồi dào khởi đầu sự nghiệp sáng tạo của mình.
Nói đến ngành thủ công mỹ nghệ anh Phạm Thừa Tông khẳng định, thủ công mỹ nghệ khác với những gì mà mọi người thường nghĩ. Nếu đi sâu vào quá trình sản xuất của từng vật dụng, sẽ phát hiện thấy quá trình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ thường khá tinh gọn. Người thợ lành nghề sẽ cố gắng sử dụng ít công cụ nhất, dùng loại vật liệu đơn giản nhất và phương pháp sản xuất dễ dàng nhất. Anh Phạm Thừa Tông chia sẻ rằng: “Đó là sự kết tinh trí tuệ đúc kết được qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm, nhiều thế hệ nghệ nhân đã truyền nghề bằng hình thức thợ học nghề, cho tới khi không thể nào làm nâng cấp và cải tiến tốt hơn được nữa”.
Chiếc “ghế tre phòng khách” do nghệ sĩ Nhan Thủy Long thiết kế là thử nghiệm bước đầu kết hợp giữa thủ công mỹ nghệ truyền thống và thiết kế hiện đại.
Thiết kế đương đại hội ngộ thủ công mỹ nghệ truyền thống
Đối với vật liệu tre, trong tục ngữ Đài Loan có câu ”Giữ ba, thu hoạch bốn, bỏ bảy” (nghĩa là giữ lại loại tre non phát triển dưới 3 năm, thu hoạch những cây tre đã mọc từ 4 năm trở lên để sử dụng và đốn bỏ tre già mọc từ 7 năm trở lên), tre mọc 4 năm là có thể thu hoạch làm nguyên liệu. So với gia công kim loại và gốm sứ, cây tre là vật liệu dễ kiếm, có chi phí giá thành thấp, công cụ sản xuất cũng khá tinh gọn. Đối với anh Phạm Thừa Tông, trong giai đoạn đầu sáng tạo, vật liệu tre giống như giấy vẽ, rất bình dị, gần gũi, giúp anh có thể mạnh dạn và thoải mái thử nghiệm. “Nếu không vì sự tự do mà tre mang lại thì khi đó cũng khó có thể bắt đầu được”, anh Phạm Thừa Tông nói, giọng đầy cảm xúc. Khởi đầu từ tre nên anh đã thành lập xưởng Studio Kao Gong Ji. Trong số những tác phẩm cho ra mắt, anh vẫn duy trì tỷ lệ vật liệu bằng tre lên tới 40%. Lấy chiếc gương khung tre “Circle” do anh tạo ra vào thời kỳ đầu làm ví dụ, sản phẩm kết hợp hai phương pháp thủ công truyền thống, bao gồm kỹ thuật “ống bọc” được ứng dụng cho đồ nội thất và “khung viền” dùng trong lồng hấp.
Anh cũng học từ những bậc cao niên người dân tộc Thao sinh sống bên hồ Nhật Nguyệt về cách làm chiếc nơm bắt cá (một công cụ đánh bắt cá cổ truyền, thường được làm bằng tre) gần như đã thất truyền, đồng thời chuyển đổi kỹ thuật này thành nghệ thuật sắp đặt quy mô lớn có độ thoáng và đẹp mắt. Chiếc nơm bắt cá này có tác dụng khiến cho cá “vào thì dễ mà thoát ra thì khó”, và một điều khiến cho người ta khó mà tưởng tượng được là biến chiếc nơm bắt cá thành những tác phẩm cỡ lớn đặt tại các không gian công cộng như bảo tàng, nhà hát, khu vực ngoài trời và các cửa hàng sang trọng v.v...., vẻ đẹp uyển chuyển nhẹ nhàng, cũng giống chiếc nơm cá đã hút mọi ánh nhìn, níu chân người xem, thật khó mà rời đi.
Tác phẩm thủ công mỹ nghệ tre trúc cấp quốc bảo được trưng bày tại Triển lãm “Dấu tích tre+”.
Tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo của Đài Loan
Những năm gần đây, vật liệu tre đang dần trở thành chủ đề nổi bật trong ngành thiết kế, thế nhưng nhìn lại 20 năm trước, ông Vương Văn Chí (Wang Wen-chih), nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật môi trường đã bắt đầu thử dùng tre để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cỡ lớn, đây là trường hợp hiếm thấy.
Ông Vương Văn Chí chia sẻ cơ duyên gắn liền với cây tre. Là sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, sau khi tốt nghiệp đại học ông đã du học tại Pháp nhiều năm, nhưng trong thâm tâm, ông luôn có một rào cản với nghệ thuật phương tây, rất khó hòa hợp. “Tôi luôn tìm kiếm sự độc đáo về điêu khắc, nghề thủ công đan bện của Đài Loan rốt cuộc là gì?”, ông Vương Văn Chí hồi tưởng lại. Năm 1993, sau khi từ châu Âu trở về Đài Loan, ông đã quyết định trở về quê hương tại Gia Nghĩa để đi tìm đáp án.
Hoàn toàn khác với nhiều nghệ sĩ thường sống tách biệt, luôn nhấn mạnh sự khám phá thế giới nội tâm, còn ông lại thích đắm chìm trong tác phẩm của chính mình, trải nghiệm tác phẩm nghệ thuật bằng năm giác quan. Ngoài ra, ông cũng thích giao lưu với mọi người, hy vọng tác phẩm của mình giống như công trình kiến trúc, có thể tạo sự tương tác về không gian với người xem.
Điều khó khăn là đối với những tác phẩm cỡ lớn rất khó có thể tự hoàn thành một mình. Việc này khiến ông nhớ lại thuở nhỏ sinh sống ở vùng núi Mai Sơn (Meishan, thuộc huyện Gia Nghĩa) có độ cao 1.000 mét so với mực nước biển. Lúc bấy giờ, ông thường xuyên đi với người anh trai làm trưởng kíp và nhóm công nhân cùng lên núi đốn gỗ. Kinh nghiệm lao động tập thể đã giúp ông phát triển mô hình sáng tạo độc đáo của mình. Trước tiên, ông tìm vật liệu tre thường gặp tại Đài Loan, rồi triệu tập nhóm cộng tác viên tham gia sáng tạo với hình thức làm việc theo nhóm.
Năm 1999, ông đến Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Thảo Đồn, huyện Nam Đầu nằm dưới chân núi Cửu Cửu (Jiujiu) để trưng bày tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cỡ lớn đầu tiên “Cửu Cửu Liên Hoàn” được đan bện bằng tre. Ông mời những người thợ đan bện có tay nghề giỏi cùng tham gia sáng tạo. Ngoài ra còn kết hợp đưa kỹ thuật đan gùi tre truyền thống của dân tộc nguyên trú vào tác phẩm, từ đó đã giúp ông xác định được phương hướng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật môi trường cỡ lớn được đan bằng tre sau này.
Sự nghiệp của nghệ nhân Phạm Thừa Tông gắn liền với ngành thiết kế công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật. Trong ảnh là chiếc gương khung tre “Circle”, kết hợp kỹ xảo thủ công đan tre của ghế tre và kỹ thuật dùng trong lồng hấp.
Vật liệu tự nhiên giúp kết nối mọi người, ra khỏi biên giới quốc gia
Giờ đây, ông Vương Văn Chí đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước về sáng tạo những tác phẩm đan bện cỡ lớn.
Ông đã nhiều năm góp mặt tại Lễ hội Nghệ thuật Quốc tế Setouchi Trienale tại Nhật Bản với những sáng tác trên đảo Shodoshima như: “Ngôi nhà Shodoshima” (House of Shodoshima), “Ánh sáng Shodoshima” (Light of Shodoshima) và “Ước mơ của Ô liu” (Dream of Olive). Ngoài ra còn có các tác phẩm thực hiện tại “Lễ hội Nghệ thuật Woodford” ở Australia bao gồm: “Dệt bầu trời” (Woven Sky), “Phù vân” (Woven Cloud) và “Giấc mơ nhà trên cây” (Quangdong Dream).
Hầu hết ông sử dụng tre Mạnh Tông có đường kính to và rất cứng cáp để làm kết cấu chính, sau đó kết hợp dùng tre Makino (Phyllostachys makinoi), áp dụng “phương pháp đan bện bất quy tắc” hoặc phương pháp đan bện chặt chẽ theo thứ tự, “có quy tắc” để tạo ra tác phẩm.
Chia sẻ về quá trình ra đời của mỗi một tác phẩm, ví dụ khi tham gia Lễ hội Nghệ thuật Setouchi Trienale, ông Vương Văn Chí đặc biệt thương lượng với cư dân bản địa về việc cung cấp vật liệu tre địa phương, đồng thời dẫn theo bà con đã hợp tác lâu năm tại Gia Nghĩa và các tình nguyện viên từ khắp thế giới như Brazil, Australia v.v..., kết hợp với cư dân sinh sống trên đảo Nhật Bản, cùng lập nhóm sáng tác tập thể.
Ông cho biết, việc sáng tạo theo nhóm đã giúp hóa giải sự căng thẳng, hiếm khi qua lại bởi khúc mắc với nhau của hai ngôi làng trên đảo. Dưới vòm trời, mọi người cùng nhau thưởng thức trà núi cao và bánh dứa mà ông mang từ Đài Loan sang. Bên cạnh đó, sự hiện diện của tác phẩm khiến du khách sẵn sàng nghỉ lại một đêm tại đảo Shodoshima, để thưởng thức thêm một vẻ đẹp khác của tác phẩm được thắp sáng vào đêm.
Ngay cả những tác phẩm được làm từ vật liệu tre tự nhiên, thời gian lưu giữ lâu nhất chỉ được hai tới ba năm. Cho dù đến nay tác phẩm đã không còn nữa nhưng những kỷ niệm đẹp vẫn lưu lại mãi trong mỗi người. “Ngôn ngữ quốc tế” của vật liệu tre đã vượt mọi rào cản văn hóa, tại đây mọi người có thể nắm tay nhau để cùng bước tới con đường trở về với thiên nhiên.
Tác phẩm nghệ thuật tre đan được thắp sáng vào ban đêm mang nét độc đáo riêng, thu hút du khách ở lại đảo. Trong ảnh là tác phẩm “Trở về con số 0” của nghệ nhân Vương Văn Chí, đã tham dự Lễ hội Nghệ thuật Quốc tế Setouchi Trienale năm 2022. (Ảnh: YYLArt Studio cung cấp)
Nghệ nhân Phạm Thừa Tông hợp tác với đạo diễn sân khấu kịch Trần Dục Điển trong vở kịch “Lột xác”, thông qua việc sắp xếp và đan những ống tre có đốt lại với nhau để mô phỏng các loài sinh vật biển như tôm hùm. (Ảnh: Phạm Thừa Tông cung cấp, ảnh được chụp bởi Qin Dabei)
Tác phẩm nghệ thuật “Mời ngồi” của nghệ nhân Phạm Thừa Tông được trưng bày tại Lễ hội nghệ thuật đường sắt Fugang ở Đào Viên, với một khối hình cầu rất lớn mô phỏng quả cầu tre, bên trong khối hình cầu này đặt những chiếc ghế tre, thu hút người xem dừng chân tại đây. (Ảnh: Phạm Thừa Tông cung cấp)
Nghệ nhân Vương Văn Chí tham gia Lễ hội Nghệ thuật Woodford ở Australia với tác phẩm nghệ thuật “Giấc mơ nhà trên cây”, lấy vật liệu từ thiên nhiên, kết hợp phong cảnh tự nhiên để sáng tạo khiến du khách cảm thấy vô cùng thư giãn khi đi dạo tại đây. (Ảnh do YYLArt Studio cung cấp)
Nghệ nhân Vương Văn Chí đã nhiều năm góp mặt tại Lễ hội Nghệ thuật Quốc tế Setouchi Trienale. Trong ảnh là tác phẩm “Ánh sáng đảo Shodoshima” được sáng tác vào năm 2013. Ông sử dụng 5.000 cây tre để đan thành một gian nhà mái vòm khổng lồ. (Ảnh: YYLArt Studio cung cấp) .
Nghệ nhân Vương Văn Chí đặc biệt yêu thích trải nghiệm không gian kiến trúc.
Tác phẩm nghệ thuật “Mời ngồi” của nghệ nhân Phạm Thừa Tông được trưng bày tại Lễ hội nghệ thuật đường sắt Fugang ở Đào Viên, với một khối hình cầu rất lớn mô phỏng quả cầu tre, bên trong khối hình cầu này đặt những chiếc ghế tre, thu hút người xem dừng chân tại đây. (Ảnh: Phạm Thừa Tông cung cấp)