Đi khắp Đài Loan lan truyền năng lượng tích cực
Rifat Karlova đến từ Thổ Nhĩ Kỳ
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Rifat Karlova Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 12 2019
吳鳳來自土耳其 ,本名吳承鳳,曾獲金鐘獎最佳行腳節目主持人。從外國留學生、臨時演員、外景主持、台灣女婿,如今是領有身分證的台灣人。透過吳鳳的詮釋,讓台灣人更了解台灣,共同挖掘這塊土地的美好。
Anh Rifat Karlova đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, tên tiếng Trung của anh là Ngô Thừa Phụng, nghệ danh Ngô Phụng, từng đoạt giải Người dẫn chương trình ngoại cảnh xuất sắc nhất của giải Kim Chung. Từ một du học sinh, diễn viên tạm thời, người dẫn chương trình ngoại cảnh, con rể Đài Loan cho đến nay anh đã có quốc tịch Đài Loan. Qua sự diễn giải của Rifat Karlova đã làm cho người Đài Loan càng hiểu biết rõ hơn về Đài Loan, cùng nhau khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này.
Vừa kết thúc một cuộc phòng vấn, anh Rifat Karlova đứng lên chào hỏi một cách lễ phép: “Xin lỗi vì để mọi người đợi lâu. Hiếm khi rảnh nên tôi sắp xếp hai cuộc phỏng vấn, một công đôi việc mà!” Câu thành ngữ được thốt ra từ miệng của người có khuôn mặt nước ngoài một cách thành thục.
Tích cực tìm tòi, đến Đài Loan dệt mộng
Năm 2002, anh Rifat Karlova theo học tại khoa Hán học trường đại học Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Đại học năm nhất anh đã hạ quyết tâm phải lấy được học bổng của Bộ Giáo dục Đài Loan để sang Đài Loan du học. Để tìm hiểu về Đài Loan nhiều hơn, anh Rifat Karlova chủ động đến Văn phòng đại diện Đài Loan tại thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý muốn quen biết người Đài Loan. Trong bữa cơm, anh Rifat Karlova làm quen với mấy người bạn đến từ Đài Loan, ngoài việc trao đổi về ngôn ngữ, họ còn cùng nhau đi chơi. Năm mới đến, anh Rifat Karlova với tư cách là chủ nhà đã mời những người bạn Đài Loan đến nhà anh đón Tết, xoa dịu nỗi nhớ quê của những người con xa xứ.
Tháng 8/2006, anh Rifat Karlova thuận lợi xin được học bổng, đáp chuyến bay đầu tiên trong đời đến Đài Loan. Nóng! Là ấn tượng đầu tiên khi anh Rifat Karlova bước xuống máy bay, Đài Loan “nhiệt tình” lại là điều mà anh không cảm nhận được trong sách vở.
Đến Đài Loan anh Rifat Karlova theo học tiếng Trung 1 năm, sau đó anh đăng ký khóa thạc sĩ nghiên cứu chính trị của trường đại học Sư Phạm Đài Loan. Luận văn của anh Rifat Karlova với đề tài “Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh phong trào tự cường và sự ảnh hưởng của Lý Hồng Chương” khiến người ta hiếu kỳ. Anh nói: “Phải biết rõ lịch sử thời cuối triều nhà Thanh mới có thể hiểu biết tình hình Đài Loan hiện nay.” Anh Rifat Karlova mang những điều học được trong 2 năm học thạc sĩ, tự mình mày mò thêm 2 năm, đọc hàng trăm cuốn sách, tài liệu, không ngừng nhờ các giáo sư hướng dẫn, anh đã mang nội dung luận văn của mình viết thành sách với tựa đề “Lịch sử hiện đại hóa của Trung Quốc” bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và cuốn sách này đã xuất bản tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Kiên trì dũng cảm bước vào giới nghệ thuật
Trong thời gian học thạc sĩ, ngoài việc hiểu biết sâu hơn về lịch sử và văn hóa của Đài Loan qua bài học, anh Rifat Karlova còn biết thêm về ẩm thực đặc sắc của Đài Loan, môi trường sống tốt và an ninh tốt. Càng hiểu biết về Đài Loan, anh Rifat Karlova càng yêu mảnh đất này, thỉnh thoảng anh được mời đến Đài truyền hình Công Cộng (PTS) đóng vai khách mời. Lần đầu trải nghiệm diễn xuất, anh nhận ra người nước ngoài có tiềm năng phát triển trong làng giải trí Đài Loan. Thế là anh tự giới thiệu mình cho các công ty giải trí nhưng do bất đồng về văn hóa và ngôn ngữ nên khi phỏng vấn anh luôn bị cho là không thích hợp với thị trường châu Á, trong 2 năm liền, anh liên tiếp bị người ta từ chối.
Mặc dù trong 1 tháng chỉ nhận được có 1 đến 2 lần làm khách mời chương trình truyền hình nhưng anh Rifat Karlova vẫn kiên trì không bỏ cuộc. “Lúc đó chỉ cần nghe được cuộc điện thoại thông báo mời tham gia chương trình truyền hình là vui khôn tả, cũng có khi đi quay ngoại cảnh 2 ngày mà chỉ được trả 500 Đài tệ”. Ở Đài Loan không tìm được sân khấu để phát huy tài năng nên bạn bè ai cũng khuyên anh trở về Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi biết về Thổ Nhĩ Kỳ làm hướng dẫn viên du lịch kiếm trăm mấy ngàn là chuyện không khó, nhưng như vậy thì quá dễ, tôi muốn thử xem ở Đài Loan mình có thể phát triển đến đâu”. Thế là anh mang số tiền dành dụm phân chia sử dụng sao cho thích hợp, mướn phòng được cơi nới trên sân thượng để ở. Anh tự nhủ tuyệt đối không dễ dàng bỏ cuộc cho đến khi dùng hết đồng tiền cuối cùng trong túi.
Người dẫn chương trình ngoại cảnh địa phương xuất sắc nhất của giải Kim Chung
Cuối cùng vào tháng 9 năm 2011, anh Rifat Karlova đã có cơ hội đảm nhiệm vai người dẫn chương trình trong tiết mục du lịch ngoại cảnh “iWalker”, ký hợp đồng 5 năm với công ty giải trí. Anh Rifat Karlova trở thành người nước ngoài đầu tiên trong lịch sử truyền hình Đài Loan dẫn chương trình trong giờ vàng lúc 10 tối. Trước kia anh Rifat Karlova từng có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, lại hiểu biết nhiều về lịch sử, văn hóa Đài Loan nên anh biết nêu câu hỏi vào lúc nào cho thích hợp, khán giả không những biết được ở Đài Loan nơi nào có món ngon, chỗ nào có thể vui chơi mà còn biết được văn hóa ẩm thực và lịch sử địa phương. Anh Rifat Karlova nói tiếng Trung mang chất giọng người nước ngoài, thỉnh thoảng chen vào vài câu tiếng Đài, dẫn chương trình rất tự nhiên và được mọi người yêu thích. Năm 2012, tài năng của anh được khẳng định khi anh đoạt giải Người dẫn chương trình ngoại cảnh xuất sắc nhất giải Kim Chung.
Trong con mắt người ngoài cuộc thì tiết mục quay ngoại cảnh rất nhẹ nhàng thoải mái, vừa vui chơi lại vừa được kiếm tiền, nhưng cái khổ của nó thì chỉ có người dẫn chương trình mới biết rõ. Mấy năm trước, bộ phim “Seediq Bale” đang hồi ăn khách nhất, nhân dịp này anh Rifat Karlova và đội ngũ sản xuất tiết mục iWalker đã đến khu núi Vụ Xã (Wushe)-Nam Đầu (Nantou), khám phá chiến trường cuối cùng - hang động Ma-hebo khi Mona Rudao’s rút lui. Đoạn đường núi này gập ghềnh khó đi, ven đường có sườn dốc đứng, đất đá sạt lở, rừng đầy sương mù, nếu như không có người dân tộc thiểu số quen đường dẫn lối thì chỉ một thoáng thôi là mọi người bị lạc trong khu rừng núi này. Lúc đó anh Rifat Karlova nghe một tiếng vang rầm kỳ quái trong hang núi, hỏi ra mới biết gần đó xảy ra sạt lở đất, anh Rifat Karlova nói: “Không phải nói đùa, chỉ còn cách 300 m, thiếu chút luôn cả xương cốt cũng tìm không ra”.
Chia sẻ với Thế giới vẻ đẹp của Đài Loan
Anh Rifat Karlova đã xem hết các phong cảnh tự nhiên và nhân văn của Đài Loan. Anh thích nhất là hội đền Đài Loan. Anh đích thân tham gia Lễ hội Pháo hoa tổ ong Diêm Thủy, Lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu, cảm nhận tín ngưỡng mang lại sức mạnh cho dân chúng. Trong Lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu có hơn ngàn tín đồ tập trung, nơi nơi đốt pháo, bắn pháo hoa, còn có Bát gia tướng dàn trận đi tuần thật náo nhiệt, anh hình dung y như là Lễ hội festival.
Anh Rifat Karlova cũng đưa ê-kíp quay ngoại cảnh sang Thổ Nhĩ Kỳ giới thiệu quê hương của mình. Anh còn được mời lên chương trình tin tức của Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ cách làm thế nào gia nhập vào làng giải trí Đài Loan với diện mạo của người nước ngoài. Anh còn mang con rối vải làm quà tặng để cho người Thổ Nhĩ Kỳ biết được văn hóa Đài Loan.
Hai năm trước hợp đồng với công ty giải trí hết hạn, anh quyết định không ký thêm nữa mà hy vọng cùng vợ anh là cô Trần Cẩm Ngọc (Rynne Chen) có thể tự do lựa chọn tham gia các hoạt động cống hiến cho xã hội. Mặc dù người ta xem đó là những công việc không có thu nhập cao, nhưng đối với Rifat Karlova thì anh không đeo đuổi vinh quang hào nhoáng trước mắt mà coi trọng những ảnh hưởng lâu dài trong tương lai. Ví dụ như anh hợp tác với tạp chí Global Kids Monthly đăng từng kỳ chuyên mục “Cùng Ngô Phụng du lịch Đài Loan”, anh tạo những câu chuyện sinh động đầy thú vị để cho các trò nhỏ tìm hiểu Đài Loan. Anh Rifat Karlova cho biết, hiện anh đã cho ra chương thứ nhất “Nước mắt của Thiên Thần – Hồ Gia Minh”, sắp tới anh sẽ tiếp tục giới thiệu sinh thái, phong tục tập quán của Đài Loan, mong mọi người chờ đợi đón xem.
Yêu thương gia đình là lẽ đương nhiên
Là người làm việc trong làng giải trí, anh Rifat Karlova hy vọng mang lại niềm vui và năng lượng tích cực cho mọi người. Năm ngoái, anh Rifat Karlova bắt đầu thực hiện kênh You Tube của mình, dùng máy móc đơn giản ghi lại cuộc sống của mình và tự học cách cắt ghép phim ảnh. Cho dù công việc bận như thế nào đi nữa, anh Rifat Karlova cũng phải đăng ít nhất 3 video trong 1 tuần, chia sẻ tâm tư và ý nghĩ của anh với mọi người.
Ví dụ như anh Rifat Karlova đưa bà con bạn bè Thổ Nhĩ Kỳ ngồi xe điện metro đi sở thú Đài Bắc, bọn trẻ rất vui khi thấy gấu trúc. Hay buổi tối anh Rifat Karlova ngủ ở ga xe lửa Đài Bắc, dùng phương thức quay phim tài liệu để quan tâm những người lang thang cơ nhỡ, thậm chí anh còn xúc động rơi nước mắt trước ống kính. Hoặc là anh quay cảnh mình đến bệnh viện khám bệnh, giới thiệu về bảo hiểm y tế và nền y học tiến bộ của Đài Loan với mọi người. Video trên kênh You Tube còn có phụ đề bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trình chiếu qua mạng Internet để cho càng nhiều người biết đến Đài Loan.
Anh Rifat Karlova đã xuất bản hai quyển sách với tựa đề “Người nhà quê yêu Đài Loan”, “Thư mời đến từ Thổ Nhĩ Kỳ”, sắp tới anh sẽ viết sách dưới góc nhìn về gia đình, những món ăn của Thổ Nhĩ Kỳ mà anh học được ở người dì của mình, trình làng với mọi người những món trên bàn ăn của người Thổ Nhĩ Kỳ .
Một mình đến Đài Loan du học, nay anh Rifat Karlova đã lấy vợ, sinh con, lập nghiệp tại Đài Loan. Khi lên chức làm cha, anh Rifat Karlova cảm thấy Đài Loan càng giống như nhà của anh, anh yêu ngôi nhà của mình cho nên đối với anh, việc bao dung những ưu và khuyết điểm của ngôi nhà này là chuyện đương nhiên. Mỗi khi có người cám ơn anh đã yêu thích Đài Loan, trong lòng anh cảm thấy lấy làm lạ vì Đài Loan vốn có rất nhiều điều đáng để mọi người tự hào, chỉ có điều người Đài Loan không biết, do đó anh muốn dùng cách thức của mình để mọi người thấy được điều đáng quý của mảnh đất này.
Năm ngoái anh Rifat Karlova đã nhập quốc tịch Đài Loan, cuối cùng thì cha anh cũng đã yên tâm vì con ông ở Đài Loan không những có người chăm sóc mà cuộc sống cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, đầu năm nay ba anh mất vì bệnh, tin tưởng rằng ông sẽ phù hộ cho gia đình anh Rifat Karlova ở Đài Loan có một cuộc sống tốt đẹp.