Lắng nghe âm thanh cuộc sống
Đường phố Đài Loan và những bảng hiệu
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧ Khiết Nhi
Tháng 12 2023
Những tấm bảng hiệu bằng chữ Hán thể hiện cá tính và khí thế qua thể chữ, là trọng tâm ngắm nhìn khi đi trên đường phố.
1930年,郭雪湖畫筆下的〈南街殷賑〉,「繪聲繪影」呈現了大稻埕街景的熱鬧與活力,讓人像置身在那摩肩接踵的人群裡。2017年,日本雜誌《Brutus》推出的台灣特集,台南的國華街景當上了封面,形形色色的招牌,透露隨適的生活感,讓許多日本朋友一眼就識得,「啊,那就是台灣!」
Năm 1930, tác phẩm “Lễ hội ở phố Nam” (Festival on South Street) của họa sĩ Quách Tuyết Hồ đã tái hiện lại cảnh sắc đường phố Đại Đạo Trình một cách sống động, náo nhiệt và đầy sức sống, khiến người xem cảm giác như đang đứng giữa dòng người qua lại xô bồ. Năm 2017, tạp chí Brutus của Nhật Bản giới thiệu chuyên san Đài Loan, lúc bấy giờ cảnh phố Guohua của Đài Nam đã được chọn làm trang bìa, với những tấm bảng hiệu đủ các màu sắc, hình dạng, trông rất đời thường, khiến nhiều người bạn Nhật Bản mới nhìn ảnh đã nhận ra ngay: “Ôi, đây chính là Đài Loan!”
Cảnh sắc đường phố Đài Loan không gọn gàng ngay ngắn theo trật tự cố định, sắc màu cũng không đồng nhất nhưng mang đậm nét đặc sắc, bình dị dễ gần. Những tấm bảng hiệu bằng chữ Hán mọc lên như nấm như thể đang tranh nhau mời gọi “Hãy chọn tôi, chọn tôi”, vô cùng thuyết phục và tràn đầy sức sống. Đây cũng chính là ấn tượng khó phai của những người bạn nước ngoài về Đài Loan.
Quang cảnh đường phố Đài Loan rất đặc sắc, thiết kế của những tấm bảng hiệu này đều là tâm huyết của những người thợ.
Quang cảnh chồng chất ở phố thị
Ông Lý Minh Thông (Lee Ming-tsung) - CEO của Searchlight Culture, một nhà xã hội học thích đi khám phá và nghiên cứu, đã dùng từ “Palimpsest” để giải thích cách nhìn của ông đối với những tấm bảng hiệu trên đường phố Đài Loan. Palimpsest có thể dịch là bản viết trên da cừu hoặc bản viết chồng lên, là một chất liệu dùng để viết rất độc đáo của thời Trung cổ phương Tây. Người xưa thường viết trên da cừu, khi cần viết tiếp thì sẽ cạo đi phần chữ đã viết trước đó thì mới có thể tiếp tục sử dụng, nhưng những dấu tích cũ trên da cừu sẽ không thể hoàn toàn bị xóa đi, vẫn sẽ lưu lại chút gì đó.
Ông đã dùng hình ảnh này để ví von sự đổi thay quang cảnh trên đường phố Đài Loan. Lịch sử hiện đại hóa Đài Loan chưa phải quá dài, cũng chính vì thế mới có thể nhìn thấy được những sự vật của thời kỳ trước đang không ngừng bị xóa bỏ nhưng lại không hoàn toàn biến mất. Những sự vật mới xuất hiện chồng chất lên, nhưng lại không thể hoàn toàn thay thế cái cũ. “Những biểu hiện nhỏ bé và cụ thể nhất của hiện tượng này có thể nhìn thấy trên đường phố, có lẽ chính là bảng hiệu”.
Những tấm bảng hiệu trên đường phố Đài Loan như đã dung nạp diện mạo của nhiều nền văn hóa. Ông nói: “Đầu tiên phải nói đến là văn hóa Hán tự của tiếng Hoa, tiếp đó là văn hóa thực dân của Nhật Bản, sau cùng là do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, đặc biệt là sự ảnh hưởng từ Mỹ, gần hơn nữa, bạn thậm chí sẽ phát hiện có văn hóa của người dân tộc nguyên trú bản địa và các quốc gia Đông Nam Á láng giềng”. Có thể nói, “bảng hiệu chính là một phiên bản thu nhỏ về nền văn hóa”.
Bảng hiệu của các quầy hàng rong chủ yếu là phải bắt mắt, là sự pha trộn của nhiều phong cách và sự sáng tạo khác nhau.
Bảng hiệu khắc gỗ: Bảo tàng mỹ thuật trên đường phố
Văn hóa bảng hiệu của Đài Loan bắt nguồn từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, bảng hiệu cũng phát triển cùng với sự hình thành của xã hội công nghiệp và thương mại. Thời kỳ đầu, ngoài làm bằng sắt, đa số bảng hiệu được chạm khắc từ gỗ.
Cửa hiệu điêu khắc gỗ lâu năm Chen’s Wood ở Đài Trung đã từng nhận khắc rất nhiều bảng hiệu. Trần Văn Tài - ông chủ đời thứ hai của cửa hiệu này kể về một thời cực thịnh trước đây, Đài Loan vào những năm 1970, kinh tế phát triển vượt trội, các loại hình hội nhóm được thành lập, nhà máy mới xây dựng, đơn vị quốc doanh, tư nhân thường xuyên tặng quà cho nhau, nhu cầu về bảng hiệu, bức hoành phi tăng lên từng ngày.
“Trước đây còn có người chuyên viết chữ thuê, người ta gọi là ‘người bán chữ’, bốn thể chữ Lệ, Triện, Hành, Thảo đều có thể viết nhưng bảng hiệu của các cửa hàng chủ yếu dùng chữ ‘Chính Khải’ là chính, trông sẽ ngay ngắn hơn”. Bảng hiệu là bộ mặt của cửa hàng, ngay cả vận chuyển cũng phải thật cẩn thận, “sau khi khắc xong, phải dùng vải đỏ để trang trí, rồi còn phải cắm thêm hai cái kim huê, phối hợp với đội nhạc lễ bát âm, đánh trống thổi kèn trong suốt chặng đường đi giao bảng hiệu”.
“Những cửa tiệm đặt bảng hiệu khắc gỗ có đủ mọi ngành nghề nhưng nhiều nhất là cửa hiệu bán thuốc Bắc, bệnh viện, tiệm bán nhang…”. Truyền nhân đời thứ ba Trần Hi Ngạn vừa lật từng tấm ảnh lưu lại những tấm bảng hiệu mà Chen’s Wood đã từng làm ra, vừa giải thích: “Những ngành nghề này rất xem trọng danh tiếng, thông qua chất liệu, thư pháp, tay nghề điêu khắc của tấm biển là có thể biết được uy tín và cách làm việc chính thống của tiệm”.
Những tấm bảng hiệu bằng gỗ được khắc chữ chính là tác phẩm tập hợp của loại hình nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật điêu khắc gỗ, gọi đây là một tác phẩm nghệ thuật cũng không ngoa. Đường phố Đài Loan đa phần là kiến trúc kiểu Mân Nam, trên đường có nhiều nhà xây theo kiểu kiến trúc có lối đi dạng mái vòm, với những tấm bảng hiệu xưa treo trước cửa. Ông Trần Văn Tài mô tả, đi qua từng nhà mà cảm giác đang đi xem triển lãm ngoài trời của viện bảo tàng mỹ thuật, có thể đứng ngắm nhìn từng cửa tiệm, “có nhiều cửa tiệm, nét chữ trên bảng hiệu rất đẹp, càng xem càng thấy thích”.
Những tấm bảng hiệu viết tay trước đây có nét chữ tự do, cảm tính, mang sức hấp dẫn của riêng mình.
Quốc gia sử dụng chữ Hán: Thỏa sức sáng tạo
Nhà thiết kế kiểu chữ người Nhật, ông Kentaro Fujimoto từng xuất bản cuốn sách: “タイポさんぽ
台湾をゆく: 路上の文字観察” (tạm dịch Đi tản bộ tại Đài Loan: Quan sát chữ viết trên đường). Đài Loan và Nhật Bản cùng là quốc gia có sử dụng chữ Hán tự nhưng con mắt ông Kentaro Fujimoto lại thấy được những điều thú vị mà rất nhiều người Đài Loan đã quá quen thuộc, tưởng chừng như là bình thường. Ví dụ chữ viết trên bảng hiệu của tiệm quần áo thời trang thường sẽ rất bắt mắt, có phong cách Gothic hoa lệ, cũng có tiệm do chịu ảnh hưởng của phong cách Thiệu Hòa Nhật Bản, thiết kế theo phong cách thời thượng hiện đại. Ông cũng lấy ví dụ về những chiếc lồng đèn thường thấy trong đền chùa, thể chữ trong các tấm hoành phi đã được xử lý thành thể chữ 2D bằng phẳng, khiến ông vừa nhìn thấy là không thể rời mắt. Trong sách ông cũng từng nhắc đến, nhiều tấm bảng hiệu ở Đài Loan được viết tay rất sáng tạo, chữ viết được lược bớt nét chữ một cách tự do ngoài sức tưởng tượng, khác hoàn toàn với Nhật.
Nhà nghiên cứu văn tự Đài Loan, ông Kha Chí Kiệt cũng từng giới thiệu về chữ viết của Đài Loan rằng, nếu muốn giải thích bối cảnh lịch sử của ngôn ngữ trên mảnh đất này thì thật sự không dễ dàng, tính đa dạng về ngôn ngữ cũng đã được thể hiện trên những tấm bảng hiệu, như chữ “の” của tiếng Nhật, “ê” trong phiên âm La Mã, “ㄟ” trong ký hiệu chú âm, “Bentō” trong tiếng Nhật…, tại Đài Loan đã được sử dụng giao thoa, vừa phức tạp lại vừa sinh động.
Ông nói, thiết kế Hán tự của Đài Loan khá xem trọng cá tính của mỗi chữ Hán và khí thế tạo hình của từng nét bút, là thiết kế thiên về cảm tính.
Ông Lý Minh Thông còn nhắc đến những khu phố vừa là khu dân cư vừa là khu thương mại. Những tấm biển ở đây lại càng phức tạp hơn, cộng thêm sự phát triển rầm rộ của khu vực kinh tế phi chính thức (quầy hàng), việc buôn bán cạnh tranh quyết liệt. Làm thế nào để thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, bảng hiệu đã trở thành trọng tâm phát huy sáng tạo của chủ tiệm. “Sự giao thoa, hòa quyện của các phong cách khác nhau như cách dùng đồng âm, kết hợp nhiều ngôn ngữ, kuso (chơi khăm), thậm chí là culture jamming (gây nhiễu văn hóa), để 1+1 không chỉ là 2, thậm chí là lớn hơn 2, rất thú vị”. Đây cũng là nơi mà chúng tôi muốn chia sẻ với những người bạn nước ngoài, những điều hài hước thú vị đầy sáng tạo về tiếng Hoa đằng sau mỗi tấm bảng hiệu. Khi các bạn đến thăm Đài Loan, nhất định phải tìm một hướng dẫn viên giỏi để giúp bạn hiểu được những chữ nghĩa này.
Ông Trần Văn Tài đã có một không gian mới tại Trung tâm nghệ thuật đương đại để phát huy tài năng của mình.
Những năm 1980 thỏa sức sáng tạo
Đến những năm 1990, xã hội bắt đầu có tiếng nói khác khi thảo luận về bộ mặt đường phố Đài Loan, những tấm bảng hiệu này cũng trở thành tiêu điểm chỉ trích của người dân, với chủ trương tăng cường quản lý, yêu cầu phải chỉnh trang lại bộ mặt đường phố, sử dụng những tấm bảng có kích thước lớn nhỏ hoặc hình thức giống nhau, nhưng những thử nghiệm này tại Đài Loan vẫn chưa từng thành công.
“Chúng ta không nên vội vã nhận định rằng chúng xấu xí, cần phải bỏ đi ngay, mà phải tìm hiểu về chúng, để biết rằng vì sao chúng trông như thế này?”. Ông Lý Minh Thông nhắc nhở chúng ta, đừng chỉ nhìn nhận sự việc bằng vẻ bề ngoài của chúng, mà phải đi tìm hiểu nguyên nhân hình thành sự việc. “Sau một thời gian dài bị kiềm hãm, những năm 1980, xã hội Đài Loan bắt đầu dỡ bỏ giới nghiêm. Đó chính là thời kỳ theo đuổi tự do và giải phóng”. Trong đó còn có yếu tố công nghệ vật liệu, nhựa Acylic trở thành chất liệu quan trọng để làm bảng hiệu, có thể được sao chép đại trà. Lúc ấy, điều mà các doanh nghiệp muốn theo đuổi là được nhìn thấy, nên đương nhiên là bảng hiệu càng khoa trương sẽ càng tốt chứ không nghĩ đến việc phải hài hòa với môi trường.
Ông Lý Minh Thông nói, từ những tấm bảng hiệu trên đường phố Đài Loan, có thể nhìn thấy dấu vết của các thời đại khác nhau, là phiên bản thu nhỏ của nền văn hóa đa dạng.
Tìm thấy diện mạo của bản thân
Có người cho rằng, cần phải ra sức chỉnh đốn lại những tấm bảng hiệu trên đường phố Đài Loan, hoặc nhờ chính phủ tuyên truyền hướng dẫn nhưng ông lại cho rằng, những gì không phải tự nhiên sinh ra từ chính môi trường bản địa thì đều nguy hiểm. “Đây vốn phải thay đổi từ giáo dục mỹ học, kinh nghiệm thẩm mỹ, cảm nhận của người dân về cái đẹp, phải mất rất nhiều thời gian”.
Hơn nữa, “Đài Loan cũng không cần đi đường tắt”, một khi trong xã hội có nhiều người thảo luận về vấn đề này thì sẽ có thêm nhiều hướng dẫn viên giới thiệu về đường phố Đài Loan, đưa mọi người cùng đi “xem”, “thảo luận”, từ từ thay đổi để tìm ra diện mạo của riêng mình.
Thực ra, trong những năm gần đây, thiết kế bảng hiệu của nhiều cửa tiệm đã âm thầm thay đổi diện mạo của đường phố, không còn chỉ vì mục tiêu muốn “chơi nổi”, mà đã suy ngẫm sâu hơn về hình tượng mà mình hướng tới.
Cửa tiệm làm bảng hiệu Chen’s Wood đã gần trăm tuổi, đối mặt với suy thoái ngành nghề, ông Trần Văn Tài có tay nghề nhưng lại không có đất dụng võ nên đã từng nghĩ sẽ nghỉ hưu, đóng cửa tiệm. Cho đến khi được sự giới thiệu của đội ngũ Beautiful Touch, Chen’s Wood bắt đầu hợp tác với các nhà thiết kế chuyên nghiệp, khắc bảng hiệu cho nhiều phòng làm việc của các nhà thiết kế và thương hiệu mới thành lập như Joe Fang Studio, Light House, Bleu & Book, Fufu Grocery Store, kết hợp thiết kế với thủ công để những tấm bảng hiệu điêu khắc gỗ này trở thành khung cảnh khác lạ trên đường phố.
Mỗi tấm biển hiệu đều có câu chuyện của riêng mình, như bảng hiệu “Tiệm bánh Hỷ Duyệt” của Lộc Cảng, chữ viết trên tấm biển này là do người cha tự tay viết, muốn khắc tâm nguyện truyền từ đời này sang đời khác của gia đình vào tấm bảng hiệu. Hay tiệm “Bánh gạo Vô Danh” ở Đài Nam đã đến Chen’s Wood để nhờ làm lại tấm bảng hiệu bằng sắt kiểu cũ, yêu cầu phải giữ lại thể chữ, bố cục và đặc điểm trước đây để giữ lại phong cách của cửa tiệm cũ. Quán cà phê 1035 Collab mới khai trương ở Đài Trung năm ngoái là một ngôi nhà cổ từ thập niên 1910. Thương hiệu này lấy cảm hứng từ số điện thoại thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, lần này, ông Tài đã khắc ký hiệu tay của số 1035 làm thành bảng hiệu của cửa tiệm, trông rất bắt mắt.
Đến bảng hiệu của Hello Tatto Studio thì ông Tài mới một lần nữa cầm bút, dùng thể chữ nổi để làm nên tấm bảng hiệu mang đậm phong cách xưa. Tiệm bánh Hàu chiên Yuanhuan trong chợ đêm Ninh Hạ (Ningxia), Đài Bắc là quán ăn hè phố Đài Loan từng được cẩm nang Michelin giới thiệu. Chủ quán ăn lâu đời này đã ủy quyền cho nhà thiết kế thiết kế bảng hiệu và nhờ Chen’s Wood làm thủ công, dùng kỹ thuật chạm nổi, làm bay màu sơn để trông bảng hiệu có dấu vết của thời gian, cộng thêm hình ảnh những con hàu trông thật tươi ngon trên bảng hiệu, tạo thành nét đẹp được kết hợp bởi món ăn vặt Đài Loan với thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Từ quy hoạch đô thị đến tay nghề người thợ, những điều có thể nói về bảng hiệu vừa sâu sắc lại vừa rộng lớn, không thể chỉ dùng vài nghìn chữ là có thể nói hết, nhưng tóm lại, như ông Lý Minh Thông đã nói: “Không có sự đa dạng về văn hóa, thì sẽ không có được những tấm bảng hiệu thú vị”.
Bảng hiệu trên đường phố Đài Loan đã dần tìm được bộ mặt của riêng mình. Trong hình là mặt tiền của quán cà phê “1035 Collab” được sửa lại từ ngôi nhà cổ.
Những tấm bảng hiệu điêu khắc thủ công của Chen’s Wood đã kết hợp thiết kế và thủ công, trở thành nét đẹp trên đường phố Đài Loan. (Ảnh: Chen’s Wood cung cấp)
Ông Trần Văn Tài đã có một không gian mới tại Trung tâm nghệ thuật đương đại để phát huy tài năng của mình.