Giao thoa vũ điệu thế giới
Đa dạng nghệ thuật múa tại Đài Loan
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 12 2023
Lưu Tuyên Trân, người đã đi Ấn Độ học múa nhiều năm.
文化多樣性已是台灣表演藝術生態的珍貴文化資產,不只大型表演團體從本土邁向國際,還有與異國交融的小型、年輕舞團,展現台灣社會接受跨文化的可塑性,讓個人的獨特性可以發展,孕育身分認同。
Sự đa dạng văn hóa là tài sản văn hóa quý giá của hệ sinh thái nghệ thuật biểu diễn Đài Loan. Nơi đây không chỉ có những đoàn nghệ thuật lớn trong nước vươn ra sân khấu quốc tế, mà còn có những đoàn múa trẻ với quy mô nhỏ, hòa nhập với phong cách vũ đạo của nước ngoài, cho thấy sự linh hoạt trong việc tiếp nạp những văn hóa khác nhau của xã hội Đài Loan, để nét độc đáo của mỗi cá nhân đều có thể phát triển, nuôi dưỡng bản sắc của riêng mình.
Trong sự kiện “Lễ hội mùa Hè” do chính quyền huyện Bình Đông tổ chức kéo dài 37 ngày, đoàn múa dân tộc Trung Đông TW-EGY đã có 13 buổi biểu diễn, trong đó trưởng đoàn Mohamed Mamdouh đã trình diễn điệu múa Ai Cập Tanoura, chiếc trống vải trong tay người nghệ sĩ điệu nghệ như một màn ảo thuật thần kỳ, từ một cái biến thành hai cái, cuối cùng là biến thành sáu cái. Chiếc váy xòe nhiều màu cũng từ một chiếc biến thành hai chiếc, khi xoay người với tốc độ nhanh, tà váy bay lên trông như một con quay với màu sắc sặc sỡ. Đột nhiên Mamdouh giơ một tay lên cao, xoay tà váy đang đổ dồn về phía tay phải của anh, trông giống như đang điều khiển một chiếc đĩa bay lơ lửng giữa không trung, nhận được tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt từ khán giả.
Và tại “Triển lãm nhiếp ảnh Ấn Độ trong mắt Đài Loan” do Thư viện Quốc gia và Hiệp hội Ấn Độ - Đài Bắc tổ chức, vũ công Lưu Tuyên Trân (Hsuan Chen Liu) đã biểu diễn điệu múa truyền thống Mohiniyattam của Ấn Độ với tác phẩm mang tên Sacred Ganesha. Với đôi tay uyển chuyển, bước chân vững vàng, biểu cảm trang nghiêm, tôn kính, nữ vũ công đã truyền đạt phước lành về tài phú, trí tuệ và thuận lợi mà thần Ganesha ban cho.
Mohamed Mamhoud và Triệu Tâm Oánh hy vọng có thể lấy Đài Loan làm cơ sở để quảng bá nghệ thuật múa dân tộc của Ai Cập và Đài Loan ra khắp thế giới.
Rạo rực ngọn lửa dung hòa văn hóa
Nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Trì Duy (Chen Szu Wei), người đã từng mở các khóa học như “Văn hóa âm nhạc thế giới” tại Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University) cho biết, xuyên biên giới và đa dạng đang là xu thế của biểu diễn nghệ thuật trên toàn cầu, tại Đài Loan cũng vậy. Đài Loan là một xã hội nhập cư, trong lịch sử đã có nhiều sắc tộc khác nhau từng đến mảnh đất này, mang theo âm thanh và nghệ thuật của quê hương mình, sự tương tác qua lại giữa những nền văn hóa khác nhau cũng đã tạo ra những xúc tác tuyệt vời.
Cuối năm 1990, cùng với sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số, tại Đài Loan cũng có thể lắng nghe nhiều âm thanh hơn của những nền văn hóa khác nhau.
Ông Trần Trì Duy nêu ví dụ, bây giờ mọi người không chỉ nghe nhạc Bollywood của Ấn Độ, mà còn học nhảy múa phong cách Bollywood, học trống tay của Trung Đông và còn học thêm nhảy múa để nắm bắt thêm kỹ thuật đánh trống. 15 năm trước, cựu phóng viên chiến trường Mã Tuấn Nhân (Ma Jun Ren) từng đi đến khu vực Trung Đông để tìm thầy dạy trống tay, sau đó quay về Đài Loan dạy học và biểu diễn suốt nhiều năm, để thu hút thêm nhiều người cùng thưởng thức và học hỏi âm nhạc Trung Đông. Ngoài ra, dưới sự tài trợ của Quỹ House of Dream, nhiều trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa cũng được học cách chơi trống Samba của Brazil. Những điều này đã cho thấy rằng, Đài Loan là nơi tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, cũng như giá trị và tinh thần học tập đa văn hóa.
Lưu Tuyên Trân biểu diễn tác phẩm múa truyền thống Ấn Độ mang tên Yêu nữ hồi sinh. (Ảnh: Lưu Tuyên Trân cung cấp)
Mang theo vũ điệu của quê hương
Như lời ông Trần Trì Duy, âm nhạc và vũ đạo vốn có ranh giới quốc gia, âm nhạc truyền thống và đặc sắc của mỗi nước đều cần phải thông qua học tập và hướng dẫn thì mới có thể thấu hiểu, dung hòa, nếu không thì rất dễ hình thành ấn tượng rập khuôn hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa của nước khác.
Ví dụ như vũ đoàn tân di dân đầu tiên tại Đài Loan TW-EGY (Đoàn múa dân tộc truyền thống Trung Đông), lý do thành lập vũ đoàn xuất phát từ việc Giám đốc điều hành Triệu Tâm Oánh (Fatema Chao) tham gia một cuộc thi múa bụng tổ chức tại Malaysia vào năm 2013, bị giám khảo Mohamed Mamdouh – một vũ công thuộc đoàn múa quốc gia Ai Cập phê bình rằng: “Không hiểu cô ấy đang múa cái gì?”
Triệu Tâm Oánh học múa từ nhỏ, sau đó cô thỉnh giáo anh Mohamed Mamdouh mới biết rằng, thì ra bài múa của cô trong con mắt vũ công Ai Cập chính thống đã dung hòa rất nhiều những yếu tố vũ đạo của các nước khác chứ không phải là điệu múa bụng Trung Đông chính thống nữa. Không chịu thua, Triệu Tâm Oánh quyết định trực tiếp đến Ai Cập để học múa với Mohamed Mamdouh và đoàn múa quốc gia Elsharkiya, sau đó còn đưa vũ công Ai Cập Mohamed Mamdouh về Đài Loan.
Đoàn múa Elsharkiya được thành lập vào năm 1964, cha và chú của Mohamed Mamdouh đều từng là vũ công tại vũ đoàn này. Cho đến năm 1969, khi chiến tranh giữa Ai Cập và Israel vẫn tiếp diễn, hai người mới rời đoàn múa để ra chiến trường. Anh Mohamed Mamdouh nói, khi anh đi biểu diễn tại Jordan năm 2012, người tổ chức đã hỏi anh có kế hoạch thành lập vũ đoàn hay không? Kể từ đó, ý định thành lập một đoàn múa của riêng mình cũng bắt đầu nhen nhóm trong lòng anh.
Điệu múa Tanoura của Ai Cập có độ khó cao nhưng mang hàm ý chạm đến tâm linh và đón nhận ơn trên.
Vũ điệu từ thế giới của Pharaoh
Mohamed Mamdouh hiện đã định cư tại thị trấn Triều Châu, huyện Bình Đông. Anh cảm thấy cuộc sống ở đây rất mộc mạc, hơn nữa cũng sống dựa vào nông nghiệp, rất giống với quê hương Al-Sharkia của anh. Ai Cập là nước nông nghiệp, đại đa số người dân đều là nông dân, những khúc hát ca ngợi nông dân cũng được đưa vào trong văn học, điện ảnh và vũ đạo. Đất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở phía Bắc Ai Cập và vũ điệu đại diện cho quê hương của Mohamed Mamdouh là Fallahi, trong đó Fallahin trong tiếng Ả Rập có nghĩa là người nông dân.
Ngoài ra, còn có vũ điệu Nubia được múa trên nền nhạc trống Trung Đông, trên trang phục múa có hình răng cưa nổi bật. Sở hữu ngũ quan sắc nét, khi nói về những vũ điệu của Ai Cập, ánh mắt anh Mohamed Mamdouh sáng lên. Anh cho biết, hình răng cưa trong văn hóa Ai Cập mang ý nghĩa tượng trưng cho hàm răng cá sấu khi ngậm lại. Nubia là vùng đất thượng du sông Nile và cũng là thành phố cực Nam của Ai Cập, tại đây, cá sấu là biểu tượng của sự may mắn, người Ai Cập thường treo tiêu bản đầu cá sấu ở trước cửa để tượng trưng cho may mắn, tốt lành. Anh Mohamed Mamdouh từng chơi trống tay để hợp tấu điệu nhạc cổ của người dân tộc Paiwan. Anh cho biết hình răng cưa của Nubia cũng giống như hình tượng rắn lục mũi hếch trong văn hóa của người Paiwan, chúng xuất hiện trên trang phục của quý tộc, nhà cửa, những vật dụng thường nhật và điêu khắc. Văn hóa của hai nước cũng có nét tương đồng với nhau.
Điệu múa Tanoura thường xuyên được xếp vào tiết mục biểu diễn cuối cùng, mang ý nghĩa liên kết trời và đất. Trang phục múa đầy màu sắc tượng trưng cho sự dung hòa mọi thứ, vũ công thậm chí còn dán đuốc hoặc đèn LED lên trang phục của mình để màn trình diễn trở nên rực rỡ và sôi động hơn.
Ước mơ lưu diễn thế giới
Rất nhiều học sinh của Mohamed Mamdouh vốn đã là giáo viên dạy múa bụng, nhưng nay họ không chỉ dạy múa bụng nữa mà còn dạy thêm múa dân tộc Ai Cập, giúp vũ đạo Trung Đông phát triển mạnh mẽ hơn tại Đài Loan. Năm 2019, Mohamed Mamdouh bắt đầu dẫn theo 15 học viên của mình đi thực hiện ước mơ lưu diễn thế giới.
Tháng 12 năm 2019, anh dẫn các thành viên trong đoàn múa của mình đến Jordan biểu diễn theo hợp đồng nhưng ngay trước khi lên sân khấu, vốn dự kiến sẽ trình diễn điệu nhảy hoan nghênh khách quý của dân tộc Amis, do trang phục để lộ cánh tay không phù hợp với phong tục tại địa phương, sau khi trao đổi với phía ban tổ chức, đoàn đã khẩn cấp thay bằng tiết mục “Vũ điệu sa mạc” – một điệu múa trong văn hóa truyền thống của người Bedouin tại Trung Đông và Bắc Phi. Sau khi tiết mục kết thúc, tất cả khán giả Jordan đã đứng dậy vỗ tay, bởi đây là một tiết mục vũ đạo mà những người Bedouin tại hiện trường đều có thể hiểu được.
Hồi tưởng lại buổi biểu diễn đó, cô Triệu Tâm Oánh vẫn không khỏi xúc động và nói rằng: “Vũ đạo thực sự là quyền lực mềm, vì khác biệt về văn hóa, phong tục, trải qua quá trình trao đổi gian nan, sau khi lên sân khấu biểu diễn đã nhận được tràng pháo tay nhiệt liệt”. Và sau khi lui về cánh gà, tất cả các thành viên tham gia nhảy múa đều quây quần bên thầy Mohamed Mamdouh òa khóc, bởi vì màn trình diễn của họ đã nhận được sự khẳng định của người dân địa phương. Cô Triệu Tâm Oánh nói: “Khán giả có lẽ sẽ không nhớ tên của vũ đoàn, nhưng họ nhớ đó là ‘Đài Loan’”.
Đoàn múa dân tộc truyền thống Trung Đông TW-EGY biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc Amis tại Ấn Độ. (Ảnh: TW-EGY cung cấp)
Văn hóa và nghệ thuật múa Nam Á
Văn hóa Ấn Độ không chỉ có Bollywood. Là một người có 10 năm học múa tại Ấn Độ, cô Lưu Tuyên Trân về Đài Loan tổ chức các workshop đào tạo cho các học viên về điệu múa truyền thống của Ấn Độ Mohiniyattam, một điệu múa xem trọng sự uyển chuyển, hài hòa, cũng như dạy học viên về ý nghĩa của thủ ấn (mudras), giúp họ hiểu sâu hơn về văn hóa Ấn Độ.
Cô Lưu Tuyên Trân nói, vũ công cổ điển giống như một người kể chuyện, kể lại những câu chuyện của thần linh, bài triết học thức tỉnh nhân thế cho khán giả, nhất là vũ điệu Mohiniyattam của Ấn Độ, phải trình diễn phối hợp với thủ ấn chính xác.
Lưu Tuyên Trân là một trong số ít vũ công Đài Loan lấn sân sang Bollywood, Mumbai. Cô từng tham gia ghi hình trong 6 bộ phim điện ảnh của Bollywood, bao gồm vai Dhaani Chunariya trong phim Super Nani, vai Lucky Tu Lucky Me trong phim Humpty Sharma Ki Dulhania.
Nhưng cô không muốn bị “chôn vùi” trong vô số vũ công, vì thế cô đã đến trường nghệ thuật múa Kerala Kalamandalam của Ấn Độ để học múa Mohiniyattam. Cô phát hiện ra rằng, khu vực Kerala có nhiều mối liên kết với người Hoa, ví dụ như tại đây có đua thuyền rắn, giống như đua thuyền rồng dịp Tết Đoan Ngọ tại Đài Loan. Ngoài ra còn có rất nhiều kiến trúc kiểu Trung Quốc, vì thế cô từng tổ chức “Ngày Điện ảnh Đài Loan” tại Kerala, qua đó hy vọng làm cơ sở để tổ chức lễ hội nghệ thuật Đài Loan trong tương lai.
Lưu Tuyên Trân còn cùng với những người làm nghệ thuật tại Kerala thành lập “Kala Taiwan” (Kala trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là nghệ thuật), hy vọng có thể kết hợp câu chuyện Truyền thuyết Bạch Xà của Đài Loan với điệu múa truyền thống của Ấn Độ, xây dựng nên một tác phẩm kịch múa để biểu diễn ở Đài Loan và Ấn Độ.
Trong ấn phẩm “Địa lý học sáng tạo” (The Geography of Creativity) đã đề cập, người làm nghệ thuật đều đang tìm kiếm một nơi để cho con người, các mối quan hệ, quan niệm và tài năng được va chạm với nhau, tạo cảm hứng cho nhau. Đối với Mohamed Mamdouh, người đến định cư tại Đài Loan và Lưu Tuyên Trân, người thường xuyên đi lại giữa Đài Loan và Ấn Độ suốt 10 năm, họ đã tìm được nơi để cống hiến tài năng của mình.
Điệu múa Ấn Độ sử dụng nét mặt và cử chỉ để thể hiện biểu cảm và cảm xúc như hạnh phúc, ghét bỏ...