Đạo hạnh Nho gia Tài danh thế kỷ
Một loạt các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Khổng Đức Thành
Bài‧Lee Shan-Wei Ảnh‧Lin, Min-hsuan Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 6 2019
末代衍聖公,首任奉祀官,前考試院院長孔德成,是孔子第77代嫡長孫,歷經時代風雨,堅守命脈道統,刻寫世紀傳奇。
Ông Khổng Đức Thành - Diễn Thánh Công thế hệ cuối (“Diễn Thánh Công” là tước hiệu phong cho hậu duệ đích phái của Đức Khổng Tử), quan tế lễ Phụng Tự Quan nhiệm kỳ đầu tiên, cựu Viện trưởng Viện Khảo thí Đài Loan, là cháu đích trưởng tôn đời thứ 77 của Khổng Tử, kinh qua sóng gió của các thời đại, kiên định gìn giữ truyền thống đạo nghĩa, đã viết nên huyền thoại thế kỷ.
Cuốn “Bộ tư liệu về Khổng Đức Thành” được xuất bản nhân dịp tổ chức chùm hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, trong đó đã thu thập được nhiều tuyển tập văn chương, nhật ký, pháp thư, vô cùng đáng quý, là tư liệu văn học sử quý hiếm. Ngoài ra bộ phim truyện ký “Phong vũ nhất bôi tửu” về cuộc đời Khổng Đức Thành với khoản kinh phí gần chục triệu Đài tệ và được tiến hành quay thực địa tại nhiều địa phương của Trung Quốc trong vòng 3 năm, cũng là căn cứ quan trọng về khảo chứng sự thật lịch sử.
"Cổng Vạn Nhân Cung Tường" nghênh đón hậu duệ Thánh Nhân
Ánh nắng ấm áp trong mùa đông giá lạnh, chiếu rọi trên con phố Tùng Nhân tại thành phố Đài Bắc. Tại Phòng hội nghị Quốc Quang của Công ty xăng dầu CPC Đài Loan tề tựu rất nhiều các vị quan chức: cựu Tổng thống Mã Anh Cửu, Phó Thị trưởng thành phố Đài Bắc Đặng Gia Cơ, Vụ trưởng Vụ Dân chính Bộ Nội chính Lâm Thanh Kỳ, Cục trưởng Cục Dân chính thành phố Đài Bắc Lam Thế Thông và đại biểu của các Hiệp hội Nho Giáo đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, ngoài ra còn có hàng trăm người gồm học trò, hậu duệ gia tộc họ Khổng ở trong và ngoài nước, để tưởng nhớ Nho gia Khổng Đức Thành, đã cùng nhau tề tựu tại đây trong bầu không khí trang trọng và ấm cúng.
Hành lang nghệ thuật Bác Ái tại Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn cùng lúc cũng tổ chức Triển lãm đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Khổng Đức Thành, với những văn kiện quan trọng như bức viết tay “Vạn thế sư biểu” bằng mực tàu của vua Khang Hy mà Khổng Phủ quyên tặng cho Viện bảo tàng Cố cung, và một loạt các bản thảo viết tay rất quý giá, ngoài ra còn có nhật ký thời kỳ chuyển đến Trùng Khánh của ông Khổng Đức Thành. Các vật dụng cá nhân khác như chứng chỉ, quan ấn, huân chương, rất nhiều những bức ảnh quý, pháp thư, cũng được sưu tầm và trưng bày tại đây.
Báu vật gia truyền áo thêu mãng bào 5 vuốt của Khổng Phủ lần đầu được ra mắt tại triển lãm này, được phỏng đoán là do Hoàng Đế Quang Tự thời nhà Thanh ban tặng. Phụ kiện kèm theo là chuỗi hạt Triều Châu được kết bằng hạt bồ đề, ngọc phỉ thúy, ngọc bích tỉ và gắn phù hiệu của quan văn nhất phẩm, qua đó cho thấy sự tôn sùng đối với Khổng Phủ và sự tôn vinh đối với công tước nhất phẩm Khổng Lệnh Di – cha của Khổng Đức Thành.
Phim tài liệu truyện ký “Phong vũ nhất bôi tửu” về cuộc đời của Khổng Đức Thành được khởi chiếu lần đầu tại buổi lễ kỷ niệm, cùng lúc cũng được trình chiếu tại triển lãm, kể lại câu chuyện của một thế kỷ trước, vào ngày 4 tháng 1 âm lịch năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9 (tức năm 1920), Khổng Phủ tại thị xã Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông trong ngoài đều được canh chừng cẩn mật, mọi người đều nín thở chờ đợi, cho tới khi “ Báu vật quốc gia” cất vang tiếng khóc, kế tục dòng dõi thánh nhân đã có lịch sử 2500 năm, sau nhiều năm thấp thỏm mong chờ, cuối cùng cũng đã có người kế tục.
Đây cũng là lần đầu sắc lệnh có hai màu vàng và đỏ của Đại Tổng thống Từ Thế Xương của chính phủ Bắc Dương được ra mắt (chính phủ Bắc Dương tức chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thời kỳ đầu được đặt tại Bắc Kinh do nhân sĩ phái Bắc Dương nắm quyền), đây là lệnh sắc phong ông Khổng Đức Thành kế thừa tước vị Diễn Thánh Công. Vị tiểu công tử vẫn còn nằm trong nôi này, mới ra đời được 100 ngày đã được thừa kế tước vị, gánh vác trọng trách kế thừa phát huy gia nghiệp của Khổng Phủ.
Đi qua khói lửa chiến tranh, ý chí bất khuất
Một tư liệu quan trọng nữa đó là chứng nhận đặc biệt do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cấp, theo đó năm 1935 bổ nhiệm ông Khổng Đức Thành làm “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng Tự Quan” đời thứ nhất. Năm đó ông Khổng Đức Thành mới 15 tuổi đã tuyên thệ nhậm chức tại Nam Kinh.
Một loại giấy tờ nữa được bảo quản còn rất tốt đó là Giấy đăng ký kết hôn của ông, qua đó thuật lại cuộc hôn nhân thế kỷ của ông Khổng Đức Thành, ông đã hoàn thành việc chung thân đại sự trong bốn bề khói lửa chiến tranh, trái tim cô đơn cuối cùng đã tìm được một tổ ấm.
Ngày 1-1-1938, ông Khổng Đức Thành khi đó 18 tuổi nhận được lệnh báo phải dời xuống miền Nam ngay lập tức, vợ ông, bà Tôn Kỳ Phương đang chuẩn bị lâm bồn, đi hay ở đúng là tiến thoái lưỡng nan. Nhưng để gạt bỏ sự lo lắng phải làm bù nhìn cho Nhật, ông không cho phép bản thân do dự dù chỉ một chút, nên đã dời đi ngay lập tức trong đêm đó. Sau đó 1 tiếng đồng hồ, quân Nhật tiến vào Khúc Phụ, sự quyết đoán mạnh mẽ như vậy đã tạo nên một dấu tích hoàn toàn khác biệt của sự chuyển giao thời đại.
Đoàn người gồm 8 người, trong đó có vợ chồng ông Khổng Đức Thành, thầy giáo Lữ Kim Sơn, thư ký Lý Bính Nam, họ đã hoảng hốt lo sợ suốt dọc đường đi, 3 ngày hôm sau mới tới được Hán Khẩu, sau hơn 5 ngày, khi khói lửa lan rộng khắp nơi, ông Khổng Đức Thành đón cô con gái đầu lòng Khổng Duy Ngạc ra đời. Sau khi chuyển tới Trùng Khánh-nới ở hai lần bị bắn phá, cho tới tận khi chuyển tới Ca Lạc Sơn, mới có được sự yên tĩnh trong chốc lát giữa thời buổi loạn lạc, năm 1939 người con trai trưởng Khổng Duy Ích của ông ra đời tại đây.
Một đời lưu lạc nhưng không bị thất học
Ông Khổng Đức Thành tự cười mình là cả đời chưa hề bước chân tới trường, sau khi sang Đài Loan, lần lượt được các trường gồm Trường đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc, Trường đại học Reitaku Nhật Bản và Trường đại học quốc gia Đài Loan trao tặng học vị tiến sĩ danh dự.
Thời kỳ học tại nhà khi còn ở tại Khổng Phủ ông được những người thầy như Vương Dục Hoa, Trang Cai Lan, Ngô Bác Tiêu, Chiêm Trừng Thu dìu dắt, sau khi sơ tán tới Ca Lạc Sơn, được các thầy giáo giỏi như Lữ Kim Sơn, Đinh Duy Phần kèm cặp, nên đã đặt nền tảng học thuật vững chắc trong các lĩnh vực gồm Kinh thư, văn tự, âm vận học, nghiên cứu đồ thờ bằng đồng xanh, thư pháp, tiếng Anh và cổ cầm. Năm 1948 ông sang Mỹ học, được tiếp nhận tư tưởng học tập của người phương Tây, khẳng định giá trị công dân của nền dân chủ. Trong thời gian này ông Khổng Đức Thành được nhà học thuật nổi tiếng của Đài Loan - Phó Tư Niên đích thân dạy dỗ, ông rất ngưỡng mộ sự uyên thâm, vô cùng kính trọng ông Phó Tư Niên và học tập nhân cách người thày của mình.
Trong sự nghiệp dạy học, ông Khổng Đức Thành còn là người đầu tiên tự bỏ tiền túi ra quay bộ phim đen trắng “Nghi Lễ Sĩ Hôn Lễ”, không chịu sự gò bó ràng buộc, tự đột phá. Những môn sinh đảm nhận làm diễn viên trong bộ phim này, vào ngày diễn ra triển lãm cũng đến dự để ôn lại hồi ức.
Ông Khổng Đức Thành giỏi cả 5 thể chữ Hán gồm Chân, Hành, Thảo, Triện, Kim; ông để lại rất nhiều bức pháp thư viết tay, tới nỗi nhiều không đếm xuể, đó cũng là những văn vật quan trọng tại Triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Khổng Đức Thành .
Là hậu duệ của bậc Thánh nhân, từ nhỏ ông Khổng Đức Thành đã rất kính cẩn lễ phép, tự rèn giũa bản thân, cả đời ông lấy “Chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia” làm nguyên tắc, và thể hiện một cách hoàn chỉnh trong tính cách con người ông. Bốn chữ “Trung Tín Đốc Kính” mà ông viết bằng mực Tàu, chính là gia huấn nhắc nhở và khích lệ con cháu.
Trong làn sóng của thời đại, ông Khổng Đức Thành tự nhủ phải luôn giữ cốt cách thuần túy của học giả, ngay cả khi được mời giữ các chức vụ quan trọng của quốc gia như đại biểu của Đại hội Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc, Viện trưởng Viện Khảo thí, cố vấn Phủ Tổng thống, đại biểu ngoại giao hậu duệ Đức Khổng Tử, v.v..., thì trước sau ông luôn giữ truyền thống đạo nghĩa, tiến thoái đều có nguyên tắc.
Thời kỳ mới khi mới cùng với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chuyển sang Đài Loan định cư, ông đã nhiều lần tới thăm và chủ trì lễ Tế Khổng Tử tại nhiều nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Âu Mỹ. Vào năm 1984 ông còn được gặp gỡ trò chuyện với Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, cuộc gặp gỡ giữa hai vĩ nhân phương Đông và phương Tây đã trở thành một giai thoại thế kỷ.
Năm 1949 văn vật của các bảo tàng Trung Quốc gồm Viện bảo tàng Cố Cung, Thư viện Trung ương Nam Kinh, Viện bảo tàng Trung ương Nam Kinh đã được chuyển tới Đài Loan cùng với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, năm 1955 được tập kết tại kho chứa xây mới tại thôn Bắc Câu, xã Vụ Phong, thành phố Đài Trung, những văn vật của Khổng Phủ ở Khúc Phụ cũng được lưu trữ tại đây. Về sau kho chứa văn vật này thay đổi cơ cấu đổi thành Ban quản lý liên hợp Viện bảo tàng Cố Cung quốc gia, một năm sau đó, ông Khổng Đức Thành trở thành Trưởng ban quản lý này.
Trong nhiệm kỳ của mình ông đã làm rất tốt công việc được giao, phân loại và ghi chép kỹ lưỡng về lai lịch, quá trình chế tác các văn vật. Trong nhiệm kỳ làm việc, ông cũng từng đưa văn vật của viện bảo tàng tới triển lãm tại Mỹ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của công chúng Mỹ và cũng vì thế đã tác thành việc Mỹ tài trợ cho Đài Loan xây dựng Viện Bảo tàng Cố cung tại khu vực Ngoại Song Khê thuộc khu Sỹ Lâm, thành phố Đài Bắc.
Đạo hạnh Nho gia tựa mưa xuân ươm mầm nhân tài cho đất nước
Triển lãm kỷ niệm ông Khổng Đức Thành 100 tuổi do Hiệp hội Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử Trung Hoa, Cục Dân chính thành phố Đài Bắc, Khổng Miếu thành phố Đài Bắc và Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn đồng tổ chức, đã tái hiện cuộc đời của ông Khổng Đức Thành.
Ông Khổng Đức Thành từng giảng dạy tại nhiều trường đại học gồm Đại học quốc gia Đài Loan, Đại học Sư phạm Đài Loan, Đại học Trung Hưng, Đại học Phụ Nhân và Đại học Đông Ngô, các chương trình mà ông giảng dạy gồm “Nghiên cứu Tam Lễ”, “Nghiên cứu Kim Văn” và “Nghiên cứu đồ thờ bằng đồng xanh thời Ân Chu”, nhiều học trò của ông như tiến sĩ văn học Tăng Vĩnh Nghĩa, tiến sĩ văn học Chương Cảnh Minh, giáo sư Hoàng Khởi Phương, giáo sư Diệp Quốc Lương đều có cảm nghĩ chung rằng “ông là người thầy nghiêm khắc, người cha đôn hậu.”
Ông Khổng Đức Thành luôn rộng rãi với người khác nhưng lại rất nghiêm khắc với chính mình, sau giờ học ông thường xuyên mời những học trò nghèo ăn cơm, thết đãi họ ăn thật ngon và no nê. Nhưng bản thân ông lại rất tiết kiệm, đôi khi chỉ cần một chiếc bánh bao là đã giải quyết xong một bữa.
Sóng gió cuộc đời xé tâm can
Năm ông Khổng Đức Thành 69 tuổi thì người con trai trưởng của ông qua đời, nỗi đau đớn của người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, khiến ông nhớ tới thân thế cuộc đời long đong lận đận, nhớ tới cú sốc tổ tiên bị lăng nhục, vì vậy bao nỗi niềm dường như dâng trào, khiến ông suy sụp trước mặt người thân, nước mắt tràn trề.
Tại triển lãm cũng có một trang nhật ký viết đầy những dòng chữ nguệch ngoạc, và còn có dấu vết bị tẩy xóa, đó là những dòng ghi lại tâm trạng đau buồn không tả xiết của ông khi người chị cả qua đời. Và một cặp câu đối “Phong Vũ Nhất Bôi Tửu, Giang Sơn Vạn Lý Tâm” mà ông viết tặng cho người chị thứ hai khi gặp lại sau 42 năm cách biệt, nói lên sự bất lực trong tâm và cuộc đời lưu lạc bôn ba của ông Khổng Đức Thành.
Bậc thầy về “Tam Lễ” Khổng Đức Thành, dùng sinh mệnh viết nên những năm tháng cuộc đời, âm thầm thực hiện “Vì thiên địa lập tâm, vì an dân lập mệnh”.
Sau khi ông Khổng Đức Thành qua đời 3 năm, người cháu đích trưởng tôn đời thứ 79 của Đức Khổng Tử(tức cháu đích tôn của ông) - Phụng Tự Quan Khổng Thùy Trường đã giúp ông hoàn thành tâm nguyện mà ông cất giữ trong lòng bấy lâu, đó là bước chân lên con đường Thần Đạo dài 1300m ở trước Khổng Miếu mà ông Khổng Đức Thành từng đặt chân lần cuối cùng đã vào hơn 60 năm trước.