Hòa quyện Đông-Tây‧Sáng tạo bền vững
Giải thưởng Tang Prize lần thứ 3, lan tỏa tầm ảnh hưởng
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 6 2019
「唐宋社會變遷的最終結果,就是擴大庶民的力量。」第3屆唐獎漢學獎得主斯波義信接受《台灣光華雜誌》專訪時指出,這個庶民的力量不僅支撐唐宋對抗蠻夷,營造唐宋文明發展,並且帶動福建一代華人往海外移動,造就今日華僑的貢獻。
“Kết quả cuối cùng của sự thay đổi xã hội thời nhà Đường, nhà Tống là sức mạnh to lớn của thường dân”. Ông Shiba Yoshinobu, người đoạt Giải Nghiên cứu Hán học của Giải thưởng Nhà Đường (Tang Prize) lần thứ 3 cho biết khi được tạp chí Taiwan Panorama phỏng vấn, sức mạnh của dân thường không chỉ giúp nhà Đường, nhà Tống chống lại người Man di, xây dựng phát triển nền văn minh Đường Tống, đồng thời tạo nên xu thế người Hoa ở Phúc Kiến di dời ra hải ngoại mà có được sự cống hiến của Hoa kiều ngày nay.
Giải Tang Prize còn được gọi là Giải Nobel Đông phương, vào tháng 9, 8 vị đoạt Giải Tang Prize lần thứ 3 đến Đài Loan tham dự lễ trao giải, diễn thuyết, những người đoạt giải dùng hành động và nghiên cứu khoa học để chống lại sự biến đổi khí hậu; dùng thuốc nhắm đích chống ung thư; truyền đạt các thành tựu kinh tế và văn học thời Đường Tống; nêu bật tầm quan trọng của pháp luật và đối thoại dân chủ, tự do, đồng thời truyền đạt cho toàn Thế giới về quan điểm và giá trị trọng yếu của thế kỷ XXI.
Giải thưởng Tang Prize là một giải thưởng Quốc tế, ông Chern Jenn-chuan (Trần Chấn Xuyên) hiện giữ chức vụ CEO của Quỹ Giải thưởng Tang Prize, người từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Công trình Công cộng thuộc Viện Hành chính cho biết, năm 2012 ông Doãn Diễn Lương, doanh nhân Đài Loan đã đầu tư sáng lập giải thưởng Tang Prize. Khác với giải thưởng Nobel khích lệ cống hiến cho nghiên cứu khoa học cơ bản, văn học và hòa bình, giải thưởng Tang Prize này là để đáp ứng với sự phát triển và thử thách của thế giới hiện nay, lập Giải thưởng phát triển bền vững, công nghệ sinh học y dược và qui tắc pháp lý, đồng thời thiết lập giải Nghiên cứu Hán học để thể hiện sự khác biệt và giá trị của văn hóa phương Đông và phương Tây.
Giáo sư Shiba Yoshinobu: Sức mạnh to lớn của dân
Giáo sư Shiba Yoshinobu là một trong 2 học giả đoạt Giải Nghiên cứu Hán học của Giải thưởng Nhà Đường (Tang Prize) lần này. Ông sinh ra tại Tokyo, Nhật Bản, là chuyên gia nổi tiếng về lịch sử kinh tế Trung Quốc, ông cũng là nhân vật đại biểu của “Phái học thuật văn hiến Tokyo” (phái học thuật gồm các học giả nghiên cứu lịch sử Trung Quốc tại trường Đại học Tokyo). Hiện nay ông 88 tuổi và ông đã nghiên cứu lịch sử kinh tế Nhà Tống, lịch sử thương nghiệp và Hoa kiều đã hơn 60 năm.
Giáo sư Shiba Yoshinobu thổ lộ khi được tạp chí Taiwan Panorama phỏng vấn tại khách sạn Viên Sơn, Đài Bắc, ông lao vào nghiên cứu Hán học chủ yếu là do ảnh hưởng bởi cha mẹ ông. “Tôi vốn muốn nghiên cứu lịch sử kinh tế nước Đức, nhưng cha tôi cho rằng chữ Hán là ngoại ngữ mà nước Nhật luôn sử dụng, nghiên cứu chữ Hán nhất định sẽ hay hơn là nghiên cứu tiếng Đức; hơn nữa họ hàng của mẹ tôi theo ngành nghiên cứu xã hội Trung Quốc, ở nhà thường kể những điều thú vị khi sang Trung Quốc khảo sát khiến tôi sanh lòng muốn theo ngành này.”
Đối mặt với vấn đề, giáo sư Shiba Yoshinobu có thói quen lấy tay rờ rờ trán và suy nghĩ 1 chút rồi mới nói, kết quả cuối cùng của sự thay đổi xã hội thời nhà Đường, nhà Tống có thể dùng 1 câu để hình dung, đó là mang lại sức mạnh to lớn cho dân. Cách mạng thương mại ở châu Âu vào thế kỷ XI cho người dân sức mạnh, còn Nhật Bản thì phải đợi đến thời kỳ Mạc phủ Tokugawa mới bắt đầu, nhưng với Trung Quốc thì sớm hơn, qui mô lại lớn hơn, đây là nhân tố chủ yếu tạo nên nền văn minh Đường Tống thế kỷ VIII.
Ông nêu ví dụ, vào giữa thời Đường có hơn 1 triệu lính đánh thuê, tất cả lương thực mà quân đội cần dùng chính phủ đều giao quyền chủ đạo cho các thương nhân trong nước cùng doanh nghiệp vận chuyển đường thủy và đường bộ, điều này phát huy việc phòng chống ngăn chặn sự xâm lược của Khiết Đan và Nữ Chân một cách hiệu quả, nó cũng khiến cho địa vị thương nhân trong nước được nâng cao.
Từ nền văn minh của Đường Tống, giáo sư Shiba Yoshinobu chắt lọc ra sự kết tinh, mang tính phổ biến lại tinh tế của hệ thống̣ tri thức. Sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, giáo sư Shiba Yoshinobu nói đến tôn chỉ quan trọng nhất cuộc đời là “Không dao động vì tác động bên ngoài, kiên trì giữ vững cương vị” , nhất là vào năm 1970 khi ông làm công tác nghiên cứu Hán học, lúc đó Trung Quốc xảy ra cuộc cách mạng văn hóa và lúc đó chủ nghĩa Marx lại là trào lưu tư tưởng chủ yếu của Thế giới với hình thái ý thức chống chủ nghĩa tư bản, khiến ông gặp nhiều khó khăn khi thu thập tài liệu nghiên cứu thương nghiệp. Mặc dù nghiên cứu của ông xung đột với trào lưu chủ yếu nhưng ông vẫn giữ vững ý định ban đầu, luôn tiến về phía trước.
Diễn đàn bậc thầy Tỏa sáng trên trường quốc tế
Quỹ Giải thưởng Tang Prize hợp tác các tổ chức học thuật quan trọng cấp thế giới, tổ chức Diễn đàn Chuyên đề giải thưởng nhà Đường (Tang Prize Lecture) mang sức ảnh hưởng của giải thưởng này truyền ra thế giới, đồng thời giúp Đài Loan được Quốc tế biết đến nhiều hơn. Ví như vào năm 2016, Quỹ Giải thưởng Tang Prize cùng Liên đoàn Quốc tế về Hóa Sinh và Sinh học Phân tử (IUBMB) ký kết thỏa thuận hợp tác 9 năm, tài trợ hội nghị Quốc tế liên quan về lĩnh vực hoá sinh và sinh học phân tử, đồng thời cung cấp kinh phí cho học giả trẻ tuổi đi đến các nơi nghiên cứu và tham dự hội nghị quốc tế, đào tạo nhân tài chuyên môn về lĩnh vực sinh vật y học và sáng tạo.
Năm nay (2018), IUBMB tổ chức Đại hội Đại biểu khóa 24 tại Seoul, Hàn Quốc. Trước khi đại hội diễn ra sẽ tổ chức tọa đàm giải thưởng nhà Đường, mời chủ nhân giải Công nghệ sinh học y dược lần thứ 1, cũng là người vừa đoạt giải Nobel Y học –GS Tasuku Honjo phát biểu trong diễn đàn Chuyên đề giải thưởng nhà Đường, chia sẻ thành quả sử dụng liệu pháp miễn dịch chống một số bệnh ung thư với hơn 250 chuyên gia công nghệ sinh học và khoa học sự sống về dự đại hội.
Bậc thầy trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học viên trẻ
Không chỉ lên tiếng trên trường quốc tế, quỹ Giáo dục Giải thưởng nhà Đường còn sắp xếp cho người đoạt giải đến các trường đại học và trung học của Đài Loan. Quỹ cùng nhà trường chung tay quy hoạch một loạt “Diễn đàn bậc thầy” mang tính truyền đạt và mở mang kiến thức.
Hai chủ nhân của Giải Phát triển bền vững năm nay là giáo sư James Edward Hansen và giáo sư Veerabhadran Ramanathan đến trường đại học Trung Ương và trường đại học Trung Hưng, nghiên cứu nghị đề biến đổi khí hậu và cách giải quyết. Và chủ nhân của Giải Công nghệ sinh học y dược là tiến sĩ Tony Hunter, và tiến sĩ Brian J. Druker thì đến trường đại học Quốc gia Đài Loan và trường đại học Y dược Trung Quốc chia sẻ những khó khăn và cách đột phá trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Giáo sư Shiba Yoshinobu, chủ nhân Giải Nghiên cứu Hán học đến trường đại học Thành Công, Đài Nam, giảng thuật đề tài “ranh giới” của đền chùa phủ thành Đài Nam và các tổ chức xã hội người Hoa; Còn vị chủ nhân khác của Giải Nghiên cứu Hán học là giáo sư Stephen Owen thì đến trường đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan nói về những khó khăn trong việc nghiên cứu văn học thời nhà Hán đến thời Đường Tống. Giáo sư Joseph Raz – người đoạt Giải Quy tắc Pháp lý thì được mời đến trường đại học Chính Trị thảo luận về bản chất của luật pháp.
Giáo sư James Edward Hansen, người đoạt Giải Phát triển bền vững, cựu giám đốc của viện nghiên cứu không gian Goddard Institute for Space Studies ở New York, một cơ quan trực thuộc NASA, thì đối thoại với hơn 200 học sinh cấp 3 trường THPT trực thuộc đại học Sư phạm Đài Loan và trên cả nước về đề tài “Thế giới của thời đại mới: Sáng tạo tương lai của các bạn” (Young People's World: Making Your Future). Các học sinh trẻ đưa ra các vấn đề về ý thức hình thái, chính sách năng lượng và phát triển điện hạt nhân của Đài Loan, xin ý kiến của giáo sư.
Tiền thưởng Tang Prize phát huy hiệu ứng rộng lớn
Tiền thưởng cho mỗi giải trong Giải thưởng Tang Prize trị giá 50 triệu Đài tệ, trong đó 10 triệu được chỉ định dùng cho việc nghiên cứu, và trở thành giải thưởng trợ cấp khuyến khích nghiên cứu của giải thưởng Tang Prize, phát huy hiệu ứng rộng lớn, đồng thời cũng bù đắp cho các giải thưởng nổi tiếng thế giới là chỉ trao giải thưởng cho những người đã đạt thành tựu, mà lại quên khích lệ những học giả trẻ tuổi. Ví như năm 2014, giáo sư Dư Anh Thời (Yu Ying-shih), chủ nhân giải Nghiên cứu Hán học lần thứ 1 đã dùng tiền thưởng này thành lập “Giải Nghiên cứu nhân văn Yu Ying-shih” với thời gian 5 năm, dùng tiền thưởng trợ giúp cho các học giả trẻ tuổi nghiên cứu Hán học và nhân văn viết sách hoặc viết luận văn tiến sĩ.
Bà Gro Harlem Brundtland, Cựu Thủ tướng Na Uy, chủ nhân giải Phát triển bền vững khóa đầu tiên của giải Tang Prize thì mang phân nửa số tiền thưởng tức 5 triệu Đài tệ quyên tặng cho đoàn thể bảo vệ động vật Milgis Trus, Kenya để dùng trong công tác bảo tồn loài voi; một nửa tiền thưởng còn lại thì thành lập “Giải thưởng Gro Brundtland”, ủy thác trường đại học Thành Công liên tục trong 3 năm kể từ năm 2016, tổ chức hoạt động "Gro Brundtland Week of Women in Sustainable Development", bình chọn Nhà khoa học nữ của các quốc gia đang phát triển sang thăm Đài Loan và diễn thuyết khắp nơi trên toàn Đài Loan, để họ cảm nhận được năng lượng và kinh nghiệm của Đài Loan, tiến một bước kết nối quốc tế.
Giáo sư Shiba Yoshinobu hiện đảm nhiệm chức chủ nhiệm Thư viện Nghiên cứu châu Á, chuyên tháo gỡ những phức tạp trong lịch sử, ông thổ lộ, dự định vận dụng 5 triệu tiền thưởng nghiên cứu của giải thưởng Tang Prize quyên tặng một phần tiền thưởng cho Thư viện Nghiên cứu châu Á Nhật Bản thành lập học bổng , khích lệ lớp trẻ cùng tham gia nghiên cứu Hán học, phân tích chỉnh lý 24.000 tư liệu về sách cổ và mảnh tàn dư của khoa học xã hội mà Quỹ Morrison cung cấp; số tiền thưởng còn lại sẽ dùng để biên soạn từ điển điện tử về từ chuyên môn trong lĩnh vực xã hội kinh tế học.
Tang Prize lấy tên gọi giải “Nhà Đường”, cũng giống như giáo sư Shiba Yoshinobu nghiên cứu thời hưng thịnh Đường Tống, kỳ vọng có thể phát huy tinh thần Đường Tống, tìm chân lý qua sự biến đổi từ trước đến nay, mượn sức ảnh hưởng và cống hiến thực tế của người đoạt giải, xúc tiến giao lưu văn hóa và kỹ thuật giữa phương Đông và phương Tây, và khi đối mặt với diễn biến của sự phát triển xã hội thời nay, dùng hành động thực tế với tầm nhìn và tư duy mới để toàn thế giới cùng tồn tại hòa bình, phát triển bền vững.