Nhiệm vụ “Phi” thường
Lan tỏa hơi ấm Đài Loan
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 10 2024
Nhiệm vụ “Phi” thường, tình bạn đối tác, Taiwan Can Help
Nông trường kiểu mẫu của Đoàn kỹ thuật Đài Loan tại Philippines khai trương năm 2023 đã giúp cải thiện cuộc sống cho nông dân địa phương. Trung tâm Hỗ trợ Gia đình Philippines hỗ trợ người dân xây dựng “cộng đồng bền bỉ”, còn chi hội Philippines của Hội Công đức Từ Tế đã có mặt ở đây gần 30 năm, chữa lành thể chất và tinh thần cho vô số người dân Philippines.
Dưới sự hướng dẫn của Đoàn kỹ thuật Đài Loan, nông dân đã luân canh 3 vụ cây trồng, thu được lợi nhuận tiền mặt trong thời gian ngắn khiến họ rất hài lòng.
Đoàn kỹ thuật Đài Loan tại Philippines
Đoàn kỹ thuật đã xây dựng trạm thời tiết, thu thập các số liệu thực địa. Anh Bành Nguyên Khánh (đội mũ xanh) sẽ tổ chức các cuộc họp kiểm thảo để giải thích và phân tích cho nông dân, dùng dữ liệu làm căn cứ.
Chia sẻ kinh nghiệm của Đài Loan
Nông trường kiểu mẫu của Đoàn kỹ thuật Đài Loan tại thành phố Tarlac chính thức khai trương vào tháng 12 năm 2023. Đây là kế hoạch hợp tác giữa Quỹ Phát triển Hợp tác Quốc tế và Bộ Nông nghiệp Philippines, dự kiến sẽ hỗ trợ cải thiện thu nhập cho nông dân địa phương. Thị trưởng thành phố Tarlac Susan Yap ví đây là “món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất dành tặng cho người dân Tarlac”.
Nông trường kiểu mẫu của Đoàn kỹ thuật Đài Loan có nông trại ngoài trời và hai nhà kính thông minh. Đội trưởng là ông Lý Thái Xương (Doninick Lee) trong lúc dẫn chúng tôi đi tham quan, vừa đi vừa chia sẻ về những khó khăn trong ngành nông nghiệp Philippines. Với đặc điểm khí hậu mùa hè quanh năm, chỉ có mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), ngoài ra mỗi năm trung bình có khoảng 20 cơn bão càn quét vào đất liền, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Đoàn kỹ thuật Đài Loan cùng lúc gánh trên vai nhiều trọng trách. Ông Lý Thái Xương suy luận ra ba điều, thứ nhất là cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng, thứ hai nên thay đổi thói quen canh tác của nông dân địa phương và thứ ba là vấn đề tiếp thị nông sản đến tay người tiêu dùng.
Thực ra, những vấn đề mà đa số nông dân gặp phải không có gì khác ngoài việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng phân bón và vấn đề quản lý ruộng đồng. Đoàn kỹ thuật Đài Loan hy vọng thông qua việc trao đổi quan niệm và thị phạm canh tác có thể thay đổi thói quen của các nhà nông, chẳng hạn như sử dụng phân bón hợp lý và tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn nhưng chỉ cần nỗ lực theo hướng canh tác hữu cơ thì đất đai sẽ đền đáp lại cho bạn”.
Đoàn kỹ thuật cũng đã thí nghiệm và thị phạm canh tác đối với cây khổ qua, mướp, ớt chuông và các loại cây trồng khác. Ông Lý Thái Xương giải thích: “Chúng tôi thử tìm ra một số giống cây trồng có khả năng chịu đựng tốt hơn với điều kiện khí hậu địa phương, để nông dân có thêm nhiều lựa chọn và cung cấp cho nông dân mô hình quản lý canh tác cây trồng tân tiến hơn để ứng phó với các vấn đề như ngập lụt, hạn hán cũng như sâu bệnh”.
Cô Trương Khải Lợi nhận thấy rằng, cộng đồng dân cư Philippines phải gánh chịu rất nhiều thảm họa, cô suy nghĩ đến việc việc đưa Trung tâm hỗ trợ gia đình đi theo hướng địa phương hóa, phát triển khái niệm “cộng đồng bền bỉ”. (Ảnh: Quỹ Hỗ trợ Gia đình)
Nông trường thông minh Smart Farming
Xe di chuyển đến Hợp tác xã nông dân Tabon San Jose ở tỉnh Pampanga. Anh Bành Nguyên Khánh (Tom -Peng) – kỹ thuật viên của Đoàn kỹ thuật Đài Loan và các nông dân của hợp tác xã đã chờ sẵn từ sớm để đón chúng tôi.
Anh Bành Nguyên Khánh giải thích rằng, bắp cải thảo và khổ qua là nông sản chính của hợp tác xã. Đoàn kỹ thuật đã hướng dẫn cách tăng sản lượng cho nông dân. Chúng tôi nhìn thấy từng luống bờ ruộng, phía trên có giăng lưới leo, sát mặt đất mọc đầy bắp cải thảo xanh mướt, ở giữa những bụi bắp cải là hàng cây dây leo khổ qua hướng thẳng lên trời. Anh Bành Nguyên Khánh giải thích: “Làm theo mô hình quản lý luân canh cây trồng trên ruộng như thế là vì diện tích ruộng của các hộ tiểu nông đều không đủ rộng, nên chúng tôi nhờ vào đó để tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích và tối đa hóa việc sử dụng đất”.
Đoàn kỹ thuật cũng giúp nông dân địa phương xây dựng “lịch canh tác”, luân phiên thay đổi chủng loại cây trồng. Ưu điểm của biện pháp này là khi cây trồng gặp nhiều loại sâu bệnh khác nhau sẽ giúp giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu. Anh Bành Nguyên Khánh nhấn mạnh, nông nghiệp thực chất là một nghề cần có chuyên môn tính toán kỹ, biết tránh rủi ro, ngoài yếu tố về khí hậu còn phải cân nhắc đến vấn đề giá cả.
Trung tâm Hỗ trợ Gia đình không chỉ cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt cho người dân , mà còn quan tâm đến sức khỏe tâm lý của các gia đình nhận hỗ trợ. (Ảnh: Quỹ Hỗ trợ Gia đình)
Trung tâm Hỗ trợ Gia đình Philippines
Trung tâm Hỗ trợ Gia đình đã khuyến khích đơn vị phụ trách giảm thiểu thiệt hại thiên tai của Phòng quản lý khu vực phân bổ nguồn lực và cùng thảo luận về việc vẽ bản đồ khu dân cư, để người dân biết cách ứng phó trong trường hợp hỏa hoạn. (Ảnh: Quỹ Hỗ trợ Gia đình)
Xây dựng cộng đồng bền bỉ
Trung tâm hỗ trợ gia đình Philippines chính thức thành lập vào tháng 11 năm 2019, Đại diện Trung tâm là cô Trương Khải Lợi (Kelly Chang), cũng đã đến Philippines vào tháng 12 để tìm kiếm những gia đình đang cần sự hỗ trợ, nhưng không ngờ một năm sau đó trung tâm phải đối mặt với hàng loạt vấn đề không kịp trở tay.
Tháng 1 năm 2020, núi lửa Tagaytay ở phía nam Manila phun trào, đến tháng 2 thì dịch Covid-19 bùng phát.
Khu cộng đồng Mandaluyong Addition Hills là điểm đến phục vụ chính của Trung tâm Hỗ trợ Gia đình tại Manila. Đây là khu dân cư nghèo với dân số 410.000 người. Cô Trương Khải Lợi nhớ lại lúc bùng phát dịch với tốc độ cực nhanh, ngày 12 tháng 3 chính phủ Philippines tuyên bố sẽ thực thi cách ly cộng đồng vào ngày 15. Chỉ trong hai ngày, Trương Khải Lợi và các đồng nghiệp đã khẩn trương điều động vật tư phòng dịch để kịp phân phát cho người dân vào ngày 14.
Một hôm sau đó, thành phố bị phong tỏa.
Hơn hai tháng cầm cự, đến cuối tháng 5 lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ. Vào ngày 2 tháng 6, là lần thứ hai mọi người ra ngoài phát đồ tiếp tế cho dân chúng, thấy rất nhiều người ra đường, lúc đó họ mới biết tối hôm trước trong khu vực đã xảy ra trận hỏa hoạn nghiêm trọng thiêu rụi gần 900 ngôi nhà, hơn 4.000 người mất nhà cửa không còn nơi nương thân.
Cô Trương Khải Lợi nhận thấy rằng, cộng đồng dân cư Philippines phải gánh chịu quá nhiều thảm họa nên suy nghĩ đến việc việc đưa Trung tâm hỗ trợ gia đình đi theo hướng địa phương hóa, phát triển khái niệm “cộng đồng bền bỉ”.
Mặc dù trọng tâm của Trung tâm là hỗ trợ kinh tế chăm lo cho trẻ nhỏ, nhưng ở Philippines ngay cả việc “sinh tồn” cũng trở thành một bài toán khó.
Trung tâm Hỗ trợ Gia đình quyết định trích ra một phần nguồn lực để sử dụng vào công tác cải thiện môi trường cộng đồng, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát cuộc sống cho các bậc cha mẹ trong khu dân cư, biến họ trở thành hạt giống tuyên truyền cho cộng đồng.
Thời kỳ đầu, các đơn vị nhà nước vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi, chưa sẵn sàng hợp tác. Cô Trương Khải Lợi đành phải tự liên hệ với đội phòng cháy chữa cháy để huấn luyện cho các bậc cha mẹ trong khu dân cư, xây dựng các khái niệm cơ bản về phòng chống thiên tai. Từng bước tham gia khiến các cơ quan nhà nước nhận ra rằng Trung tâm thực sự muốn giúp đỡ cộng đồng, từ đó đơn vị phụ trách giảm thiểu thiệt hại thiên tai của Phòng quản lý khu vực đồng ý góp sức hỗ trợ và cùng nghiên cứu về việc vẽ bản đồ khu dân cư để người dân biết cách ứng phó trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Bên cạnh đó, mời các cơ quan chính phủ cùng hợp tác cải tạo các tòa nhà nguy hiểm, thay thế vật liệu xây dựng gỗ dễ cháy bằng vật liệu xi măng bê tông, bắt đầu từ việc cải thiện cơ sở vật chất để mang lại sự an toàn cho môi trường sống của người dân.
Ngoài việc huấn luyện thành lập đội tuần tra cho khu dân cư, Trung tâm Hỗ trợ Gia đình còn trao tặng các thiết bị chữa cháy nhằm tạo môi trường sống an toàn hơn cho người dân. (Ảnh: Quỹ Hỗ trợ Gia đình)
Chi Hội Philippines của Hội Công đức Từ Tế
Trung tâm Nhãn khoa đã phục vụ khám mắt miễn phí trong 17 năm, cung cấp dịch vụ chăm sóc nhãn khoa chuyên nghiệp nhất, giúp những người nghèo có thể nhìn thấy lại ánh sáng.
Phòng khám miễn phí, tuyệt đối không từ bỏ bất cứ bệnh nhân nào
Sáng sớm, chúng tôi đã tới cơ sở của Hội Từ Tế ở Sta. Mesa. Phía ngoài Trung tâm nhãn khoa (Tzu Chi Eye Center) dòng người khá đông. Người phụ trách – anh Lý Vĩ Tung (Dr. Alfredo Li) nhiệt tình giải thích tình hình phòng khám miễn phí: “Có rất nhiều người đến xếp hàng từ lúc 5 giờ sáng, hôm nay có khoảng hơn 200 người tới khám”.
Các sư tỷ kể với chúng tôi về sự khởi đầu của Hội Từ Tế ở Philippines, khi đưa ra ý tưởng muốn triển khai mảng phục vụ y tế, Trưởng điều hành nhiệm kỳ đầu tiên, mẹ của bác sĩ Kha Hiền Trí là ủy viên Hội Từ Tế đã giơ tay nói rằng, con trai tôi là bác sĩ. Người đang ngồi nghỉ bên cạnh là bác sĩ Kha Hiền Trí (Dr. Josefino C. Qua) cũng chen vào một câu: “Mẹ tôi đã mang tôi đi quyên tặng cho Hội Từ Tế. Ông thong thả kể lại câu chuyện về phòng khám miễn phí, những ngày đầu mọi thứ đều rất khó khăn, phải mượn trường học làm nơi khám bệnh miễn phí, gian nan tới mức lấy bàn làm việc làm bàn mổ, tháo đèn tường xuống để làm nguồn sáng.
Phòng khám miễn phí của Hội Từ Tế ở Philippines được bắt đầu từ năm 1995 và hoạt động tốt đến mức khiến cho Giám đốc điều hành của Tập đoàn pháp nhân Tổ chức Y tế Phật giáo Từ Tế - ông Lâm Tuấn Long (Lin Junlong) cảm thấy rất hiếu kỳ nên bay hẳn sang Philippines để tham khảo, “vô cùng khó khăn, nhưng kết quả họ đạt được thì lại rất tuyệt”.
Tại các phòng khám miễn phí ở Philippines, chúng tôi thường thấy những trường hợp vượt sức tưởng tượng. Bác sĩ Kha Hiền Trí giải thích rằng, ở Philippines chỉ vì không có tiền đi khám bệnh nên thường nhiều trường hợp bệnh nhẹ sẽ chuyển thành bệnh nặng. Vì vậy, mỗi lần đi xuống các vùng xa, các bác sĩ của phòng khám miễn phí sẽ cố gắng có bao nhiêu bệnh nhân thì khám hết bấy nhiêu. Đây không phải là một cuộc đua, mà là các bác sĩ không muốn làm bệnh nhân thất vọng và cũng không muốn bệnh nhân mất đi cơ hội được điều trị.
Ngày 1 tháng 10 năm 2023, người sáng lập Hội Công đức Từ Tế - Pháp sư Chứng Nghiêm chúc phúc cho kế hoạch xây dựng bệnh viện mới của Trung tâm Từ Tế tại Philippines, toàn thể thành viên của hội vui mừng phấn khởi báo tin vui này cho chúng tôi.
Thực ra cách đây vài năm đã có kế hoạch xây dựng bệnh viện. Trên danh thiếp của bác sĩ Kha Hiền Trí, ngoài mục chức danh, còn có các dòng chữ như MD, MBA và MHM. Ông giải thích, MD là tiến sĩ y khoa, MBA là quản lý kinh doanh và MHM là quản lý y tế, không thể đoán trước được, bác sĩ đã chuẩn bị từ trước cho kế hoạch này. Ở tuổi “chỉ mới 70”, bác sĩ Kha muốn dẫn dắt đội ngũ tiếp tục nỗ lực, xây dựng một bệnh viện mới cho người dân Philippines.
Những câu chuyện được tích lũy trong 28 năm vẫn còn rất nhiều, chúng ta đành tạm bấm phím dừng tại đây, đợi đến khi bệnh viện mới được xây dựng xong chúng ta lại sang Philippines để tiếp tục lắng nghe nhé.
Các bác sĩ khám bệnh miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn. Đội ngũ y bác sĩ nỗ lực hết sức, họ không muốn bệnh nhân mất đi cơ hội được điều trị. (Ảnh: Bác sĩ Kha Hiền Trí)