Hội trưởng Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam Tạ Minh Huy Tạo chỗ đứng tại Việt Nam, hướng ra Đông Nam Á
Bài‧Chang Chiung-fang Ảnh‧Tạ Minh Huy cung cấp Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 10 2016
2016年10月,謝明輝投資越南剛好屆滿20年,53歲的他意氣風發、事業版圖再創顛峰。年初,走馬上任第17屆越南台灣商會聯合總會總會長,立即展開服務台商的重責大任;七月下旬,他的「今立塑膠工業」第3座廠破土動工,完工後將成為全越南首座綠能工廠。投資越南,謝明輝有其獨到的觀察和體會。
Ông Tạ Minh Huy (Henry Hsien) tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam đến tháng 10 năm 2016 vừa tròn 20 năm, là một thương gia Đài Loan ở tuổi 53, ông đang hừng hực khí thế, đưa sự nghiệp kinh doanh một lần nữa vươn lên đỉnh cao nhất. Đầu năm 2016, ngay khi nhậm chức Hội trưởng Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam lần thứ 17, ông Tạ Minh Huy đã gánh vác ngay trọng trách triển khai công việc phục vụ doanh nghiệp Đài Loan; cuối tháng 7, “Công ty TNHH nhựa Chinli” của ông chính thức khởi công động thổ xây cất nhà máy sản xuất thứ 3, sau khi Nhà máy Chinli Mỹ Phước được hoàn công sẽ trở thành nhà máy “xanh” đầu tiên ra mắt tại Việt Nam. Ông Tạ Minh Huy có những quan sát, hiểu biết và cảm nhận độc đáo riêng về sự nghiệp đầu tư phát triển tại Việt Nam.
“Tôi có lối tư duy khác với mọi người”, trong 20 năm đầu tư tại Việt Nam, đến nay vẫn không ngừng tăng vốn đầu tư, ông Tạ Minh Huy chia sẻ rằng: “Trong việc kinh doanh nhà máy, không tiến ắt sẽ lùi, nên rất cần thiết thành lập nhà xưởng hiện đại, đổi mới máy móc, tăng cường năng lực cạnh tranh.”
Nhìn lại con đường đã đi qua
Việt Nam là đất nước từng trải qua thời kỳ chiến tranh, thời kỳ đóng cửa, năm 1996 ban hành “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng năm đó, ông Tạ Minh Huy đến khảo sát thị trường Việt Nam, chính thức quyết định cày sâu cuốc bẫm trên miền đất này.
Trải qua 20 năm nỗ lực phấn đấu, sự nghiệp kinh doanh của ông Tạ Minh Huy không ngừng được phát triển mở rộng, trong đó gồm có hai nhà máy trực thuộc “Công ty TNHH nhựa Chinli” đặt tại Bình Dương, Long An, cộng thêm Công ty TNHH ô tô Phúc Lập, có tổng số nhân viên lên tới 2.200 người.
Nhìn lại con đường đã đi qua, ông Tạ Minh Huy cho biết vào những năm đó trên đường “Tiến vào Việt Nam”, thực tế là sự tình cờ, ngẫu nhiên.
“Công ty TNHH nhựa Chinli” (Chinli Plastic Industrial Co., LTD) được sáng lập vào năm 1990 tại Changhua (Chương Hóa), chuyên sản xuất các nguyên vật liệu nhựa như gia công tấm xốp EVA, xốp trải sàn, miếng lót giày, đế giày v.v... Do sự thiếu hụt lao động ngày một trầm trọng, ban đầu ông dự định chuyển nhà máy sản xuất đến Trung Quốc, nhưng không may là vào năm 1993 và năm 1994 lần lượt bị khách hàng hạ nguồn xù nợ, “Họ đã trốn sang Trung Quốc đại lục, để lại khoản nợ xấu cho Đài Loan, khiến tôi không còn vốn liếng đầu tư ở Trung Quốc.” – Ông Tạ Minh Huy vừa thở dài vừa nói.
Năm 1995, Tập đoàn “Pouchen” – Doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giày dép đến Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất, trong khi ông Tạ Minh Huy là doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng cho tập đoàn, vì vậy ông cũng đi khảo sát Việt Nam vào năm sau, quyết định đi theo tập đoàn chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.
“Vợ tôi đã phản đối ngay từ đầu”, ông Tạ Minh Huy nói, khi đó con cái vẫn còn nhỏ, tuy nhiên vì ông là “người nói thành thạo tiếng Anh nhất trong nhà”, nên chỉ còn cách bấm bụng làm tiếp đến Việt Nam bàn việc xin cấp giấy chứng nhận cho các thương hiệu Nike, Adidas, PUMA v.v..., xây dựng một quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn. Ông Huy cho biết, trong năm 1998 ông phải làm việc tất bật, bận rộn chỉ được về thăm Đài Loan có 3 lần thôi, ông bị sụt cân xuống còn 63 kg, “Gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương.”
Đúng là ông trời không phụ người có lòng quyết tâm, năm 1999, nhà máy của ông Tạ Minh Huy bắt đầu làm ăn có lãi, lúc này chợt nảy ra ý định thừa thắng xông lên khuếch trương nhà xưởng, nhưng đối với người anh có tính cách bảo thủ đã chọn con đường về Đài Loan kinh doanh nhà máy tại Changhua, kể từ đó giữa hai anh em mỗi người đi một ngả, ông Tạ Minh Huy một mình ở lại Việt Nam mở rộng phát triển sự nghiệp.
Nhà máy sản xuất đầu tiên của “Công ty TNHH nhựa Chinli” được thành lập tại Khu Công nghiệp Việt Hương - Bình Dương, hiện nay trong khu công nghiệp lên tới trên 90% là doanh nghiệp Đài Loan (khoảng 30 doanh nghiệp). Trong mắt của ông Tạ Minh Huy, tỉnh Bình Dương nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 50 phút đi xe và 40 phút đến sân bay (20km), là địa điểm đầu tư lý tưởng nhất. Hơn nữa có hai điểm lợi, thứ nhất là chính quyền địa phương thân thiện với doanh nghiệp Đài Loan, thứ hai là giao thông tiện lợi. Hiện nay ông Tạ Minh Huy trung bình mỗi tháng về thăm Đài Loan hai lần, từ nhà máy Bình Dương - Việt Nam về tới nhà ở Đài Trung chỉ cần 5 tiếng rưỡi.
Đa dạng hóa kinh doanh
Ngoại trừ thành lập nhà máy ép phun nhựa EVA, đế giầy và cao su ra, ông Tạ Minh Huy còn gia nhập lĩnh vực mua bán xe ô tô.
“Năm 2000, tôi mới 38 tuổi, sau khi kiếm được nhiều tiền thì muốn tìm thêm nghề phụ để làm.” – Ông Tạ Minh Huy nói, năm 2005 ông nhập khẩu xe ô tô từ Mỹ sang Việt Nam để tự sử dụng, phát hiện có mức giá chênh lệch tới 40%, vì vậy khiến ông nảy ra ý định mua bán xe nhập khẩu.
Thoạt đầu ông nhập khẩu xe ô tô từ Trung Quốc, nhưng xe ô tô Trung Quốc tại Việt Nam rất khó bán. “Việt Nam là một xã hội hình chữ M, người giàu có thì mua loại xe sang trọng, người không có nhiều tiền thì mua xe giá rẻ, tôi có nhập khẩu loại xe với giá cả phải chăng nhưng trái lại không có thị trường tiêu thụ.” Do đó, ông Huy thử nhập khẩu loại xe cũ của Mỹ, giá mua vào là 25.000 USD, giá bán ra là 55.000 USD, sau khi khấu trừ 25.000 tiền thuế, có thu nhập ròng là 5.000 USD.
Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, năm 2008 bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng tiền của Việt Nam bị sụt giá mạnh, một năm sau, Chính phủ Việt Nam đưa ra quy định doanh nghiệp nhập khẩu không được phép buôn bán ô tô nếu không có ủy quyền thương hiệu.
Năm 2010, ông Tạ Minh Huy chính thức thành lập “Công ty TNHH ô tô Phúc Lập”, ở hai miền Nam Bắc thành lập 4 cơ sở, chuyên đại lý cho thương hiệu LUXGEN của Đài Loan. “Năm 2011 còn kiếm được lời lãi, tới năm sau lại tăng thuế nhập khẩu, vì vậy, giữa dòng xe ô tô LUXGEN với hai sản phẩm xe BMW và Mercedes-Benz nhập khẩu từ Mỹ có giá chênh lệch không nhiều, nên bị mất đi ưu thế cạnh tranh, cuối cùng chỉ có thể đem loại xe LUXGEN bán cho thương gia Đài Loan.”
Năm ngoái, ông Tạ Minh Huy cho đóng cửa 3 cơ sở, để lại một cơ sở ở Bình Dương, ngoài tiếp tục phục vụ cho các khách hàng mua xe, ông còn sao chép lại kinh nghiệm này, chuẩn bị đổi hướng nhập khẩu xe Mercedes-Benz từ Mỹ.
Những biến đổi và bất biến của Việt Nam
Trong khi mở rộng phát triển sự nghiệp kinh doanh, thì đồng thời kinh nghiệm năng lực, mối quan hệ của ông Tạ Minh Huy trong cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam ngày càng thâm hậu hơn, từ tư cách của một đại biểu hội viên được thăng tiến lên một vị trí cao hơn, đầu năm nay, ông chính thức đảm nhận chức vụ Hội trưởng Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam, càng tích cực tham gia vào công tác phục vụ công cộng.
“Tôi nhận làm Hội trưởng không mong được đền đáp lại, chỉ mong muốn xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho doanh nghiệp Đài Loan.” Ông Tạ Minh Huy cho biết, Việt Nam có được tiến bộ phải cảm ơn 4 quốc gia : Đài Loan (ngành sản xuất), Nhật Bản (ngành công trình công cộng), Hàn Quốc (ngành xây dựng cao ốc), Singapore (ngành khai thác đất đai). Tuy nhiên, “Đóng góp lớn nhất thực ra là doanh nghiệp Đài Loan, vì đã tạo cơ hội việc làm và nâng cao mức thu nhập cho người dân địa phương.”
Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam có 14 chi nhánh bao gồm chi nhánh Hà Nội, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng v.v..., chi nhánh Bình Dương nơi ông Tạ Minh Huy đặt cơ sở có quy mô lớn nhất, với tổng số hội viên đạt gần 1.000 doanh nghiệp, và có trên 2.000 doanh nghiệp còn chưa đăng ký thành hội viên. Số nhân viên của các doanh nghiệp thuộc Tổng hội vượt hơn 70.000 tới 80.000 người, được xem là “Hiệp hội lớn nhất thế giới”.
Ông Tạ Minh Huy chỉ ra, có khoảng 5.400 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, chiếm 75% tập trung tại Nam bộ, trong đó lại có nửa số doanh nghiệp lập cơ sở tại Bình Dương. Trong các ngành nghề đầu tư có đầy đủ cả, về ngành sản xuất đứng đầu là ngành may mặc, tiếp theo là điện tử, ngành sản xuất giày dép, các loại đồ nội thất, xe đạp v.v...
Khi tới Việt Nam đầu tư, ngoài các cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Việt Nam, Văn phòng Đại diện Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, Văn phòng Đại diện của Hiệp hội Phát triển Ngoại thương tại thành phố Hồ Chí Minh ra, thì Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam cũng là một cơ sở cần thiết phải đến thăm. Ông Tạ Minh Huy chỉ ra, khi tới Việt Nam đầu tư, quan trọng nhất là cần có sẵn người thông thạo tiếng nói và pháp luật, “Tổng hội có thể cung cấp tư vấn về khía cạnh này” – ông Tạ Minh Huy nêu rằng, biên dịch về pháp luật là một trong những công việc trọng tâm của Tổng hội.
20 năm nay, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng cũng có những cái không thay đổi.
Mức lương cơ bản tăng vọt, đây chính là sự thay đổi lớn nhất. Ông Tạ Minh Huy chỉ ra, 20 năm trước khi mới tới đầu tư, mức lương tối thiểu là 480.000 đồng Việt Nam, hiện nay đã tăng lên tới 3,5 triệu đồng Việt Nam (khoảng 5.000 Đài tệ), cho thấy đã tăng lên gấp 7 lần.
Việc chính phủ Việt Nam hy vọng du nhập ngành nghề sản xuất từ nước ngoài vào cũng đã có những thay đổi, “Hoan nghênh ngành khoa học công nghệ, giáo dục, ngành dịch vụ đầu tư vào thị trường, không hoan nghênh ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm cao.” Ông Tạ Minh Huy cho biết, Chính phủ Việt Nam yêu cầu việc xử lý nước thải phải nâng tiêu chuẩn lên bậc A, nghĩa là phải đạt tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho tưới tiêu.
Lẽ đương nhiên, có một vài môi trường vẫn dừng lại trong thời điểm 20 năm trước đây không có gì thay đổi. Lấy thí dụ, về mặt xây dựng hệ thống giao thông đã bị trì hoãn rất lâu.
“Lúc tôi mới đến đầu tư đã nghe nói là cho xây cất sân bay, nhưng đến bây giờ đã 20 năm rồi, vẫn chưa được xây lên.” - Ông Tạ Minh Huy cười nói.
Việt Nam là đất nước có địa hình kéo dài và thu hẹp ở giữa, cho đến nay vẫn chưa có một con đường xa lộ cao tốc tươm tất một chút. 5 năm trước, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu công trình xây dựng tuyến xe điện Metro, nhưng tốc độ rất chậm, “Ước tính còn phải chờ thêm hai năm mới có thể thông xe.”
Việt Nam vẫn là một xã hội theo truyền thống nhân trị, “Cần xây dựng tốt mối quan hệ với địa phương, có quan hệ tốt thì mọi việc đều ổn.” – ông Tạ Minh Huy nói, bất kể là công việc kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đẩy mạnh công việc của tổng hội, đều phải xây dựng tốt mối quan hệ với mọi người.
Bắc nhịp cầu kết nối Đài -Việt
Năm 2014, sau khi Việt Nam xảy ra vụ bạo động ngày 13 tháng 5, nhiều nhà xưởng của doanh nghiệp Đài Loan bị đập phá, hủy hoại, gây thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng tới ý muốn đầu tư của doanh nhân Đài Loan. Ông Tạ Minh Huy chỉ ra, sau vụ bạo loạn ngày 13 tháng 5, đối với 23 doanh nghiệp nhà xưởng bị phá hủy toàn bộ, chẳng những không một doanh nghiệp nào bỏ cuộc về Đài Loan, thậm chí còn ngày một trở nên nhiều hơn.
Nhân dịp giữa tháng 7, ông Tạ Minh Huy trở về Đài Loan tham gia Hội nghị “Tổng hội Liên hợp Thương gia Đài Loan châu Á”, ông đã đưa toàn bộ 18 nhân viên Việt Nam từng có công bảo vệ nhà xưởng lúc xảy ra bạo loạn đến Đài Loan du lịch một chuyến thoải mái từ Taipei 101, Danshui (Đạm Thủy), Hualien (Hoa Liên), Taitung (Đài Đông) cho đến tận Kaohsiung (Cao Hùng), để họ cảm nhận được vẻ đẹp của Đài Loan.
Ông Tạ Minh Huy cho biết, trước kia, các nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan phần nhiều thuê người Trung Quốc làm cán bộ, khiến tiếng nói của nhân viên Việt Nam bị cán bộ Trung Quốc đàn áp, lâu dần rồi sẽ đến lúc bùng nổ. Ngày nay, cùng với sự lớn lên của thế hệ thứ 2 con em di dân mới ở Đài Loan, đã tạo nên một nhóm cán bộ cơ sở trong thế hệ thứ 2 biết tiếng mẹ đẻ trở thành nhịp cầu trao đổi, giúp cho công việc quản lý các nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan ngày một thông suốt.
Những năm gần đây, ông Tạ Minh Huy bắt đầu tham gia chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và chuyên gia học giả, một mặt tạo điều kiện cho học sinh sinh viên Đài Loan đi thực tập tại Việt Nam, mặt khác, để mời sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo (Wenzao Ursuline University of Languages) đến Việt Nam dạy nhân viên học nói tiếng Hoa. Ông cũng tích cực hợp tác với Cục Giáo dục thành phố Tân Bắc thúc đẩy “Kế hoạch Nhịp cầu nối Quê ngoại”, tạo cơ hội cho thế hệ thứ 2 của di dân mới được dịp về Việt Nam thăm quê ngoại, cũng là nhắm tới mục đích nối nhịp cầu trao đổi với nhau.
“Dân số Việt Nam đạt 93 triệu người, với độ tuổi trung bình là 29 tuổi, có nguồn lực lượng lao động dồi dào.” – Ông Tạ Minh Huy phân tích rằng, “lợi tức dân số” của Việt Nam sẽ còn được kéo dài trong vòng 15 năm nữa, vì vậy hãy tận dụng tốt thời cơ này.
Đương nhiên, phân tán rủi ro cũng là nguyên tắc cần thiết phải thực hiện. Năm 2010, ông Tạ Minh Huy dẫn hai cán bộ ưu tú đến Indonesia thành lập nhà máy sản xuất. Ngoài ra, ông đã lần lượt thực hiện 5 lần khảo sát tại Myanmar, chuẩn bị vào năm 2018 đến Myanmar thành lập nhà xưởng.
Tạo chỗ đứng tại Việt Nam, hướng ra Đông Nam Á, kinh nghiệm đầu tư của ông Tạ Minh Huy là bài học rất đáng học hỏi và noi gương.