“Mối duyên lạ” với Philippines
Chuyến đi tái kết nối Đài Loan và Philippines
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 8 2024
Nhà thờ, dinh Thống đốc và Tòa thị chính, sự kết hợp ba trong một này chính là nét đặc trưng cho các thành phố thuộc địa của Tây Ban Nha. Hình ảnh là Nhà thờ Manila và quảng trường La Mã ở phía trước.
Sự hiểu biết của thế giới đối với Đài Loan có liên quan rất chặt chẽ với Philippines. Vào năm 1571, Tây Ban Nha chiếm đóng quần đảo Philippines và đặt cơ sở kinh doanh thương mại tại Manila, mở ra tuyến hàng hải thương mại đi ngang qua Đài Loan, từ đó địa danh Đài Loan bắt đầu xuất hiện trên bản đồ hàng hải thế giới.
Philippines có hơn 7.000 hòn đảo, diện tích đất liền khoảng 320.000 km, lớn gấp 8,3 lần diện tích Đài Loan. Tiếng Anh và tiếng Tagalog là ngôn ngữ chính thức của Philippines, hơn 80% người dân theo đạo Thiên Chúa, với dân số khoảng 110 triệu người, lợi tức dân số chính là ưu thế của Philippines. Đây cũng là quốc gia cung ứng lao động nhập cư quan trọng trên thế giới. Nếu nhìn vào những gì vừa mô tả thì có vẻ chẳng có điểm tương đồng với Đài Loan nhưng thực ra Philippines và Đài Loan lại có mối giao kết khá sâu sắc từ rất lâu.
Nước láng giềng gần đến mức có thể vẫy tay chào hỏi nhau
Tháng 6 năm 2023, ông Chu Dân Cam (Wallace Chow), người mới nhậm chức đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Philippines kể với chúng tôi rằng ông từng đến thăm tỉnh Cagayan ở cực Bắc của đảo Luzon. Tỉnh trưởng địa phương nói với ông rằng ở cực Bắc, người dân sống ở vùng ven biển bắt được sóng radio chương trình âm nhạc phát đi từ đài phát thanh khu vực miền Nam Đài Loan nên nhiều người dân địa phương biết hát những bài hát thịnh hành của Đài Loan.
Sự gần gũi về mặt địa lý cũng khiến cho mối quan hệ giữa Đài Loan và Philippines giống như “anh em hoạn nạn có nhau”. Các chuyên gia khí tượng sẽ cho bạn biết hàng năm các cơn bão đổ bộ vào Đài Loan hầu hết đều xuất phát từ Philippines, các cơn bão sẽ check-in ở Philippines trước rồi sau đó mới đến Đài Loan. Các nhà địa chất học sẽ nói cho bạn biết rằng, Đài Loan và Philippines đều nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương nên hai nước có mối liên quan chặt chẽ đến các vấn đề như môi trường địa lý, cấu tạo địa chất, môi trường khí quyển và hoạt động địa chấn, những chủ đề có thể hợp tác nghiên cứu giữa hai nước nhiều đến mức bao quát cả “từ lên núi đến xuống biển”.
Quần đảo châu Mỹ vô tình sót lại ở châu Á
Do ảnh hưởng bởi nền văn hóa thuộc địa châu Âu và Mỹ, kiến trúc thành phố Manila được dung hòa bởi nét đặc sắc của Trung Hoa và phương Tây, vì vậy còn được gọi là “thành phố mang phong cách châu Âu nhất châu Á”. Khu trung tâm thương mại và tài chính Makati cũng tương tự như khu Xinyi của Đài Bắc, có rất nhiều tòa nhà thương mại và dòng người xe cộ nhộn nhịp, nhưng trên đường phố khu Makati có những người bảo vệ trang bị súng ống vũ trang đứng canh gác, khi vào các tòa nhà thương mại, trung tâm mua sắm hoặc ngay cả tàu điện ngầm đều phải thông qua chốt kiểm tra an ninh, điều này rõ ràng khác biệt với bầu không khí thoải mái nhẹ nhàng trên đường phố Đài Bắc.
Khu Intramuros nổi tiếng có nhiều di tích thuộc địa Tây Ban Nha. Phía Tây Bắc của khu vực là pháo đài Santiago nổi tiếng, là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất. Cách Pháo đài Santiago không xa là Nhà thờ Manila, mặt phía Nam là tòa Palacio del Gobernador (tòa nhà Thống đốc Manila) và mặt phía Đông là Cung điện Casas Consistoriales (Tòa thị chính), bao quanh Quảng trường La Mã. Sự kết hợp này là đặc trưng của các thành phố thuộc địa Tây Ban Nha.
Chữ duyên trong lịch sử, như đã biết nhau từ lâu
Đến Viện Lịch sử thuộc Đại học Thanh Hoa gặp gỡ Phó Giáo sư Lý Dục Trung (Fabio Lee), là tác giả cuốn “Lược sử Philippines”. Vừa ngồi xuống, ông từ tốn kể lại: “Đài Loan dần được biết đến trong quá trình giao lưu giữa người Mân Nam và người Tây Ban Nha”.
Trong Thời đại khám phá, người châu Âu di chuyển đến phía Đông để tham gia hoạt động thương mại hàng hải. Năm 1571, người Tây Ban Nha thành lập cơ sở ở Manila. Vào thời điểm đó, nhà Minh của Trung Quốc đã trải qua một trăm năm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, nền kinh tế công nghiệp đang trên đà bùng nổ, đồng xu lưu hành thời bấy giờ không đủ cho các giao dịch quy mô lớn. Vào thời điểm này, những người Tây Ban Nha vùng châu Mỹ La tinh mang theo bạc trắng khi đi chinh phục về hướng Tây đã trở thành kênh giao dịch phù hợp. Từ đó, người Tây Ban Nha đến từ Bán đảo Iberia và người Mân Nam từ Phúc Kiến cùng đạt được nhu cầu mà họ mong muốn và bắt đầu tiến hành giao dịch ở Manila, quá trình này mới khiến cho tên tuổi của Đài Loan xuất hiện trên vũ đài lịch sử, ông Lý Dục Trung kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Việc người Hoa ra biển làm ăn bắt đầu thay đổi lộ trình hàng hải, họ đi từ Phúc Kiến đến Manila. Từ tháng 12 đến tháng 1 hàng năm sẽ có một lượng lớn tàu Trung Quốc khởi hành từ Phúc Kiến, đi qua eo biển Đài Loan, qua Bành Hồ để đến bờ biển phía Nam Đài Loan, rồi đi xuống hướng Nam qua eo biển Bashi đến đảo Luzon. Mặt khác, người Tây Ban Nha xuất phát từ Manila, đi lên phía Bắc đến mũi Bắc của đảo Luzon, vượt qua eo biển Bashi, rồi nhờ dòng hải lưu Kuroshio dọc theo phía Đông Đài Loan để đi lên hướng Bắc, vượt Thái Bình Dương đến thuộc địa của họ ở Nam Mỹ. Phó Giáo sư Lý Dục Trung còn nhắc nhở, trong thời đại trước khi tàu chạy bằng động cơ được phát minh, phải đúng mùa và thuận theo dòng hải lưu nên các tàu buôn phải tính toán thời gian kỹ càng trước khi khởi hành, Đài Loan chính là trạm tiếp tế quan trọng trên đường đi.
Anh Trương Triết Gia, chủ tịch Hiệp hội thương gia Đài Loan tại Vịnh Subic cho biết, do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã đến Philippines để thăm dò, tìm hiểu.
Khu Intramuros nổi tiếng ở Manila, trong tiếng Tây Ban Nha gọi là “Intramuros”, có nghĩa là “thành phố bên trong những bức tường”, khắp nơi đều lưu lại dấu vết của văn hóa thuộc địa Tây Ban Nha.
Lịch sử nơi đất khách
Trong kết cấu dân số Philippines, cộng đồng người Hoa chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đây là dấu chân di dân của những người Hoa rời quê hương sống nơi đất khách và cũng là vận mệnh lịch sử của họ. Bảo tàng lịch sử người Hoa tại Phililppines (Bảo tàng Bahay Tsinoy, Museum of Chinese in Philippine Life) ở khu Intramuros thành phố Manila là nơi kể lại lịch sử của cuộc di cư này với khách tham quan.
Sau khi Tây Ban Nha chiếm đóng quần đảo Philippines, một số lượng lớn người Hoa bắt đầu di cư đến Philippines, hầu hết họ đến từ Chương Châu và Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến, vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc. Triển lãm giới thiệu kỹ nghệ chạm khắc thủ công của người Hoa trên các tòa nhà ở Manila. Nhìn vào tòa kiến trúc cổ nhất của Philippines, trên cánh cửa gỗ của Tu viện Thánh Agustin trang trí những đám mây cách điệu trông giống như hình rồng cuộn và còn có tượng sư tử đá ngồi chễm chệ ở cổng vào tu viện. Những chi tiết này thể hiện rõ nét những ảnh hưởng văn hóa của người Hoa tại đây.
Philippines ở Đài Loan
Mối lương duyên trong lịch sử giúp cho hoạt động giao lưu, trao đổi kinh tế giữa Đài Loan và Philippines càng trở nên gắn bó mật thiết.
Ông Chu Dân Cam cho biết: “Ở Đài Loan có 150.000 lao động di trú Philippines, ngoài phục vụ chăm sóc gia đình, đa số làm việc tại các nhà máy điện tử và công nghệ cao”. Khu vực đoạn 3 đường Trung Sơn Bắc (Zhongshanbei) được mệnh danh là “Manila thu nhỏ”, là địa điểm tụ họp vui chơi giải trí của lao động Philippines vào ngày cuối tuần. Nhà thờ St. Christopher’s Church cử hành thánh lễ bằng tiếng Anh và tiếng Tagalog, nơi đây là trung tâm tín ngưỡng của người Philippines ở Đài Loan. Ngoài ra cũng phải nhắc đến “Trung tâm thương mại King Wan Shop”, nơi mang lại cho người Philippines cảm giác như được trở về “nhà”, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm sinh hoạt thường ngày của lao động di trú.
Tân Trúc (Hsinchu) cũng là địa điểm quan trọng của lao động Philippines. “Tạp chí Taiwan Panorama” từng đăng bài viết về Mario Subeldia, người lao động di trú đầu tiên có được giấy phép nghệ sĩ đường phố, từ đó mở ra phong trào lao động Philippines tổ chức các cuộc thi sắc đẹp ở Đài Loan. Giám đốc điều hành trang Migrant's Park (trang web truyền thông độc lập), anh Lý Nhạc Hiên Asuka Lee chia sẻ, các cuộc thi sắc đẹp là hoạt động quốc dân của Philippines, do vị trí địa lý nên Tân Trúc đã trở thành thánh địa cho cộng đồng lao động Philippines tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp với các chủ đề khác nhau.
Khu công nghiệp Vịnh Subic từng là căn cứ hải quân của quân đội Mỹ, là cảng nước sâu và có lợi thế về vận tải biển.
Thương gia Đài Loan đầu tư các nước hướng Nam mới
Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Đài Loan và Philippines ngày càng trở nên chặt chẽ. Ông Chu Dân Cam chỉ ra rằng Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Philippines, cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 và là nguồn nhập khẩu lớn thứ 8 của Philippines.
Vào những năm 1990, một nhóm thương gia Đài Loan đi đầu hưởng ứng chính sách hướng Nam của chính phủ, đến Philippines mở rộng khai thác. Giám đốc điều hành của Công ty Hudson là ông Thái Thăng Lâm (Tsai Sheng-Lin), doanh nghiệp mà ông hiện đang phục vụ cũng là công ty Đài Loan.
Các doanh nghiệp đã chọn điểm dừng chân tại Khu công nghiệp Vịnh Subic. Ông Thái Thăng Lâm cho biết: “Khu công nghiệp Vịnh Subic trước đây là căn cứ hải quân của quân đội Mỹ và là cảng nước sâu, rất thuận tiện cho các doanh nghiệp trong việc nhập hàng hóa. Kế đến, toàn bộ khu vực là khu miễn thuế, phù hợp với mô hình cung ứng nguyên liệu để gia công của công ty chúng tôi, không cần phải làm thủ tục ngoại quan, điều này khá thuận tiện và là ưu thế của chúng tôi”.
Anh Trương Triết Gia (Zhang Zhejia) đã ở Philippines được 11 năm. Năm ngoái, anh đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội thương gia Đài Loan tại Vịnh Subic, mong muốn tạo thêm sự kết nối giữa Đài Loan với Philippines.
Tái kết nối, một giai đoạn lịch sử bị bỏ quên trong thư viện
Năm 2017, với sự hỗ trợ của Quỹ Chiang Ching-kuo, ông Lý Dục Trung đã tổ chức một nhóm trao đổi học thuật để thực hiện cuộc khảo sát về việc Tây Ban Nha bảo tồn tài liệu lịch sử Đài Loan và Trung Quốc. Một loạt các bản ghi chép bằng tay của người Hoa tại Philippines đã được phát hiện trong kho lưu trữ tài liệu của trường Đại học Santo Tomas ở Manila, trong danh mục được ghi chú “Giá trị không cao (Vale muy poco)”. Cụm từ này khiến ông tò mò, làm sao nhân viên của viện bảo tàng lại có thể đưa ra đánh giá về giá trị của một tài liệu như thế? Khi ông vừa lật ra xem, thật không thể tin được, bên trong là từ vựng đối chiếu giữa tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Mân Nam. Ông tìm ra trong từ mục “Keelung Tamsui”, nghĩa là “Trên đảo Hermosa, vùng đất người Tây Ban Nha đang ở” (Tierra de Isla. Hermosa ado estan los españoles), sử dụng thì hiện tại của tiếng Tây Ban Nha. Ông Lý Dục Trung đã dựa vào điều này đưa ra suy luận rằng, thời đại biên tập tài liệu lịch sử này là vào thời kỳ Tây Ban Nha chiếm đóng miền Bắc Đài Loan (1626-1642).
Kể từ đó, nhóm nghiên cứu đã mở ra hành trình điều tra, nghiên cứu, tổng hợp tư liệu và biên soạn trong nhiều năm, cuối cùng xuất bản thành loạt sách “Bộ tài liệu lịch sử Mân Nam - Tây Ban Nha”. Đây là văn bản sớm nhất còn tồn tại về việc giao lưu ngôn ngữ giữa Tây Ban Nha và người Mân Nam.
Giai đoạn lịch sử giao lưu giữa người Mân Nam và Tây Ban Nha này đã giúp cho nhóm nghiên cứu đa quốc gia của Phó Giáo sư Lý Dục Trung nhận được sự biểu dương của Hoàng gia Tây Ban Nha. Việc phát hiện ra tư liệu lịch sử này là một tài liệu vô cùng quan trọng liên quan đến mối giao lưu giữa người Tây Ban Nha và người Mân Nam, cũng như việc học ngôn ngữ qua lại giữa hai bên trong Thời đại khám phá hơn 400 năm trước đây. Viên nang thời gian đến từ Thời đại khám phá đã vén lên một góc của bức màn lịch sử vốn bị chôn vùi, nhưng có lẽ sẽ còn sót lại nhiều mạch nguồn liên kết giữa Đài Loan và Philippines chờ chúng ta tiếp nối giao lưu song phương, rồi những câu chuyện còn chưa kể hết sẽ từ từ xuất hiện.
Từ những manh mối lịch sử của thành phố, phảng phất đâu đó nét văn hóa rất quen thuộc.