Đài Loan– Cường quốc nghiên cứu văn hóa Khách Gia
Bài‧Lee Shan Wei Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 4 2021
硬頸春秋史,斑斑血淚痕。
客家,一個沒有固定屬地的族群。台灣30年前一場「還我母語運動」,喚醒客家人的自覺,在民主洪流裡,爭取對多元族群的尊重。2003年客家研究走進學術殿堂,15年來,研究面向百花齊放,不僅以在地化的視角,建置族群研究領域;更放眼全球,相互交流,採擷綿延永續的客家軌跡,創新客家學術邊界。
Trang sử xanh bất khuất, đầy vết tích xương máu.
Dân làng Khách Gia tại Nam Trang vẫn đang tiếp nối cách sống truyền thống của cha ông. (Ảnh: Jimmy Lin)
Khách Gia là một cộng đồng không có quê hương cố định. 30 năm trước, tại Đài Loan đã diễn ra phong trào “Đòi lại tiếng mẹ đẻ”, thức tỉnh tính tự giác của người Khách Gia. Trong làn sóng dân chủ, họ muốn đòi lại sự tôn trọng dành cho một cộng đồng đa văn hóa. Năm 2003, nghiên cứu về người Khách Gia bắt đầu được giới học thuật quan tâm. Trong 15 năm qua, với phương hướng nghiên cứu nhiều vô số kể, không những xây dựng được lĩnh vực nghiên cứu cộng đồng từ góc nhìn bản địa, mà còn mở rộng tầm nhìn ra thế giới, cùng nhau giao lưu tương tác, đi sâu tìm hiểu về văn hóa Khách Gia, mở ra một tầm cao mới trong nghiên cứu học thuật về văn hóa Khách Gia.
Trong kho dữ liệu sách của Trung tâm phát triển văn hóa Khách Gia có cuốn từ điển A Chinese-English Dictionary, Hakka-Dialect ( Đại từ điển Khách Gia – Anh) do nhà truyền giáo Donald MacIver hoàn thành phiên bản đầu tiên vào năm 1905.
Người Khách Gia là ai?
“Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Vì sao lại gọi tôi là người Khách Gia?”, một loạt câu hỏi đang đợi chờ được giải đáp đã làm dấy lên công cuộc nghiên cứu về nguồn gốc của cộng đồng này. Vào thế kỷ thứ 19, sau khi xảy ra sự kiện “Khách Gia không phải người Hán” tại khu vực phía Đông của tỉnh Quảng Đông, nhà sử học La Hương Lâm ở cuối đời Thanh, thời kỳ đầu Dân Quốc, vì muốn làm rõ các nghi vấn khác nhau về nguồn gốc người Khách Gia, đã tìm hiểu về nguồn gốc và xuất xứ của người Khách Gia từ những manh mối khác nhau trong lịch sử, khơi nguồn cho các nghiên cứu học thuật sau này.
“Người Khách Gia tìm kiếm bản sắc từ trong kiến tạo văn hóa”, ông Từ Chính Quang (Hsu, Cheng-kuang) – nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân tộc học của Viện nghiên cứu Trung Ương (the Institute of Ethnology at the Academia Sinica) nói. Ông Trương Duy An (Chang, Wei-an) - nguyên Viện trưởng Học viện Văn hóa Khách Gia, trường Đại học Giao Thông (the College of Hakka Studies at National ChiaoTung University), người từng đoạt giải thưởng cống hiến Khách Gia (Hakka Contributions Award) lần thứ 7 đã nói: “Cách nghĩ sẽ quyết định kết luận” và kể lại ngọn ngành công tác nghiên cứu học thuật về cộng đồng người Khách Gia tại Đài Loan.
“Cách nhìn của ông La Hương Lâm về cộng đồng Khách Gia có liên quan đến thời điểm và bối cảnh của ông ấy”. Tiến sĩ Sử học Lâm Chính Tuệ (Lin Cheng-hui) của trường Đại học Quốc gia Đài Loan, hiện đang làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia (the Academia Historica) cho rằng, nghiên cứu về cộng đồng Khách Gia của ông La Hương Lâm bắt nguồn từ sự tự giác về sắc tộc sau khi dân tộc mình bị làm ô danh nên ông hi vọng có thể thông qua luận điểm học thuật để tôn vinh các truyền thống và tính ưu việt của dân tộc mình.
“Khách Gia thật ra là một cách gọi mang tính tương đối”. Điều này đã được nghiệm chứng trong Nhân chủng học và Xã hội học. Cái gọi là “khách” hay “bản địa” với ý nói người Khách Gia là những người di cư từ nơi khác đến, cách xưng hô của người đến trước dành cho người đến sau, là một quá trình “qua cách nhìn của người khác” mà khơi gợi sự “tự giác” của bản thân. “Tôi lớn lên từ một bản làng người Khách Gia, khi tôi chưa được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tôi không biết ý nghĩa về người Khách Gia là gì”. Ông Trương Duy An không biết nói tiếng Mân Nam, bạn học ông cũng không hiểu được tiếng Khách Gia. “Chỉ khi tiếp xúc, tương tác với người của dân tộc khác mới phát hiện được sự khác biệt của nhau”. Do đó, từ “người Khách Gia tự nhiên” đã trở thành “người Khách Gia tự nhận thức” mang đậm ý thức Khách Gia.
Theo quan niệm Xã hội học, sự khác biệt giữa các dân tộc chủ yếu là từ sự nhận thức về lịch sử và văn hóa. Mà ngày nay, người Khách Gia ở Đài Loan cho rằng, không nên bị giới hạn trong điều kiện “huyết thống”. “Luật Khách Gia cơ bản (The Hakka Basic Law)” thì lại áp dụng định nghĩa thực tế, chỉ cần là người có “huyết thống Khách Gia” hoặc “nguồn gốc Khách Gia” và “tự nhận thức” mình là người Khách Gia thì sẽ được xem là người Khách Gia.
Ông Lý Kiều (Li Qiao), người đoạt giải Văn học tại Giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia lần thứ 10, chính là nhà văn gốc Khách Gia. Ông sinh ra tại vùng núi Phiên Tử Lâm ở xã Đại Hồ, huyện Miêu Lật, Đài Loan.
Tiếng Khách Gia chính là biểu tượng nhận biết sắc tộc
Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải văn hóa, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong nghiên cứu dân tộc, truyền tải lại lịch sử và vận mệnh của dân tộc đó.
Theo ông Từ Chính Quang, “tiếng Khách Gia tại Đài Loan bao gồm các giọng khác nhau là “Tứ, Hải, Vĩnh, Lạc, Đại, Bình, An”. Ông Từ Chính Quang lớn lên ở khu Lục Đối (Cao Hùng), ông nói; “Mãi đến khi lên miền Bắc học đại học, tôi mới biết là có rất nhiều giọng vùng miền khác nhau trong tiếng Khách Gia”. Ông Trương Duy An cũng chia sẻ một câu chuyện thú vị, “Tiếng Khách Gia Đài Loan trong giai đoạn người Nhật cai trị từng bị ngộ nhận là tiếng Quảng Đông”. Lúc bấy giờ, người Nhật đã cử người Khách Gia đến Quảng Đông để làm thông dịch viên, đến lúc đó mới phát hiện ngôn ngữ của hai bên là hoàn toàn khác nhau.
Việc bảo tồn tiếng Khách Gia trước giờ vẫn luôn là trọng điểm được nhắc nhiều trong phong trào Khách Gia, đó cũng là linh hồn quan trọng trong vấn đề bảo tồn và phát triển dân tộc. Ông Trương Duy An, người rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát triển tiếng Khách Gia chỉ ra, “Cuốn tự điển tiếng Khách Gia đầu tiên là do nhà truyền giáo người nước ngoài viết”. Ông đã phát hiện và chụp lại bảng phát âm tiếng Khách Gia tại Trụ sở chính của Hội truyền giáo Cơ đốc Basel Mission tại Thụy Sĩ (the Basel headquarters in Basel, Switzerland). Nghe nói Hội truyền giáo Basel Mission tại Basel (Thụy Sĩ) chính là giáo hội đầu tiên đến khu vực sinh sống của người Khách Gia tại Quảng Đông để truyền giáo, đồng thời đã có sự đóng góp trong việc bảo tồn và phục hưng văn hóa Khách Gia. Điều này cũng cho thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa Cơ Đốc giáo và văn hóa Khách Gia.
Trong điều lệ sửa đổi của “Luật Khách Gia cơ bản” được công bố thực thi vào ngày 31/1/2018 có quy định rõ, tiếng Khách Gia là ngôn ngữ quốc gia. Các kênh phát thanh như Hakka Radio, Formosa Hakka, New Hakka… và trang Hakka E-learning Center của Ủy ban Khách Gia chính là những trợ thủ đắc lực, chủ đạo trong việc truyền bá và phổ cập tiếng Khách Gia, có đóng góp quan trọng trong việc tăng cường nhận thức đối với cộng đồng Hakka, khơi dậy ý thức dân tộc tiềm ẩn của những người Khách Gia.
Ông Trương Duy An – Nguyên Giám đốc Học viện Khách Gia thuộc Đại học Giao Thông thường xuyên bôn ba khắp nơi tại Đài Loan và thế giới để nghiên cứu và kế thừa văn hóa Khách Gia.
Bản đồ di cư Khách Gia
“Khách Gia là một dân tộc vừa phân tán lại vừa gắn kết”. Trong nghiên cứu về người Khách Gia, đặc tính di cư từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng chính là một dấu tích quan trọng của dân tộc này. “Người Khách Gia như những chú chim, là một dân tộc đi khắp nơi để tìm miếng ăn”. Khi các điều kiện sinh sống cơ bản bị lung lay, họ lại bắt đầu di cư. Họ là dân tộc có truyền thống quả cảm, dám thử thách với môi trường mới, vì thế mà hình thành nên việc phân bố dân số rải rác khắp nơi như ngày nay. “Theo thống kê sơ bộ, toàn thế giới có hơn 60 triệu người Khách Gia. Ngoài khu vực Đông Nam Á, ngay cả Papua New Guinea cũng có dấu chân của người Khách Gia”, ông Trương Duy An nói.
“Nơi sinh sống và thói quen sinh hoạt đều phản ánh văn hóa của người Khách Gia”, ông Từ Chính Quang nói. Người Khách Gia có thói quen thích chế biến những thực phẩm ướp muối, khi nông sản phẩm vào mùa vụ, họ sẽ chế biến để bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. Họ kính trời thờ đất, trân trọng không gian sinh sống của mình. Vì cuộc sống lưu lạc thật sự quá khổ sở, nên người Khách Gia rất xem trọng việc giáo dục con cái, hi vọng có thể thông qua sức mạnh của tri thức để thoát nghèo đổi đời. “Nhất đẳng nhân trung thần hiếu tử, lưỡng kiện sự canh độc truyền gia” (Để trở thành trung thần, làm người con hiếu thảo thì phải chăm chỉ làm nông, cố gắng học hành), đó chính là hai câu nói người Khách Gia thường dùng để dạy con cháu.
Đền Baozhong nằm ở thị trấn Tân Phố, huyện Tân Trúc, được xây dựng từ sau sự kiện Lâm Sảng Văn, hiện đã được xếp hạng di tích cấp huyện.
Nhìn ra thế giới, khám phá đa dạng
Độ cao của tầm nhìn sẽ quyết định độ sâu và rộng của nghiên cứu. “Năm 2003, bắt đầu từ trường Đại học Trung Ương (Central University), các cơ quan học thuật trên khắp Đài Loan lần lượt thành lập Học viện Khách Gia” theo chế độ mỗi học viện là một đơn vị nghiên cứu học thuật, dùng lý thuyết chuyên môn và phương pháp khoa học để tiến hành tìm hiểu văn hóa Khách Gia một cách toàn diện.
Ông Trương Duy An nói, sự đầu tư của các cơ quan Chính phủ đã tạo nguồn lực to lớn giúp cho công tác nghiên cứu về người Khách Gia trở thành vấn đề cốt lõi trên thế giới”. Ủy ban Khách Gia đã thành lập được 17 năm, định kỳ tổ chức các Hội nghị về văn hóa Khách Gia, Hội nghị tham vấn cho Người phụ trách các câu lạc bộ người Khách Gia tại nước ngoài, Hội đồng hương Khách Gia toàn cầu, nỗ lực gắn kết tình nghĩa đồng hương, đóng góp quan trọng trong việc cung cấp kho tư liệu nghiên cứu học thuật, kế thừa văn hóa Khách Gia.
Tạp chí “Global Hakka Studies” do ông Trương Duy An làm Tổng biên tập là kênh giao lưu nghiên cứu về cộng đồng người Khách Gia toàn cầu, vượt qua rào cản về địa lý, thời gian và không gian, thông qua giao lưu nghiên cứu học thuật và kinh nghiệm cộng đồng, tích lũy thêm những kiến thức về nghiên cứu cộng đồng Khách Gia. Các cơ quan học thuật còn thông qua những buổi hội thảo quốc tế, định kỳ tổng hợp các lý thuyết nghiên cứu liên quan. Từ ngày 13/11 - 15/11/2018, Học viện Văn hóa Khách Gia của trường Đại học Quốc gia Giao Thông đã tổ chức hội thảo quốc tế đa lĩnh vực với sự tham gia của học giả từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Indonesia, Malaysia, New Zealand… đến trao đổi về kinh nghiệm nghiên cứu. Trong Hội nghị tư vấn của Liên minh Nghiên cứu Khách Gia toàn cầu, từ đặc điểm trong nghiên cứu văn hóa Khách Gia tại Đài Loan, Liên minh Nghiên cứu Khách Gia toàn cầu đã mở rộng tìm hiểu thêm về lĩnh vực đa ngành và khai thác các lĩnh vực mới, thành quả nghiên cứu vô cùng phong phú, hình thành nên quy mô của một trung tâm nghiên cứu Khách Gia toàn cầu. Sự phong phú đa dạng của văn hóa Khách Gia cũng đã thu hút được thêm nhiều người quan tâm về đề tài Khách Gia, cùng chung tay tham gia nghiên cứu lĩnh vực này.
Hơn một trăm năm trước, Malaysia từng là điểm di cư chủ yếu của người dân Khách Gia. Ngày 15 tháng 9 năm 2018, Trung tâm Phát triển văn hóa Khách Gia thuộc Ủy ban Khách Gia đã tổ chức “Triển lãm mỏ thiếc Khách Gia Malaysia” tại Bảo tàng Văn hóa Khách Gia Đài Loan.