Bài học bền vững từ biển cả
Bảo vệ đa dạng sinh học biển Đài Loan
Bài‧ Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 2 2023
Vùng biển Đài Loan có khá nhiều họ cá bướm, cá bướm gai, không hổ danh là “Vương quốc cá bướm”.
海天一色共存的美麗島嶼,不分時代與族群,是我們對台灣的第一印象。雖然受限於科技,過去的人類並不曉得,除了地上走獸、空中飛禽,台灣的海底世界又是何其珍貴的美麗。
Đảo ngọc với biển trời xanh thắm, không phân biệt thời đại và sắc tộc, chính là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Đài Loan. Tuy nhiên, trước đây do khoa học kỹ thuật còn hạn chế, con người không biết rằng, ngoài những con thú ở trên cạn, chim bay trên trời ra, thế giới dưới đáy biển của Đài Loan cũng xinh đẹp và quý giá biết bao.
Biển Đài Loan có điểm gì đặc biệt mà thu hút nhiều người đến vậy? Chúng tôi đã đến Viện Hàn lâm khoa học Trung Ương (SINICA) để nhờ ông Thiệu Quảng Chiêu (Shao Kwang-tsao) – học giả nổi tiếng về các loài cá tại Đài Loan, nguyên Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Đa dạng sinh học, giúp giải đáp thắc mắc này.
Thế giới dưới đáy biển của Đài Loan thật quý giá và xinh đẹp biết bao. (Ảnh: Kyo Liu)
Đài Loan là hòn đảo đa dạng sinh học biển
Vùng biển Đài Loan vừa hay có rất nhiều giống loài quý hiếm được phân bố ở vùng biên thùy, ông Thiệu Quảng Chiêu giải thích, chủ yếu là vì Đài Loan nằm tại đỉnh phía Bắc của “Tam giác san hô” (hay còn gọi là “Khu vực quần đảo Đông Ấn Độ”), nơi có tính đa dạng sinh học biển cao nhất toàn cầu; đồng thời, cũng nằm tại vùng ven của mảng kiến tạo và thềm lục địa Á – Âu, cùng lúc sở hữu đặc điểm của vùng biển sâu và thềm lục địa. Ngoài ra, do nằm tại khu vực có ba dòng hải lưu gồm dòng hải lưu ở biển Hoa Đông, dòng hải lưu ở biển Nam Hải (biển Đông) và dòng hải lưu Kuroshio chảy qua, hình thành nên một “vùng đệm” (ecotone) nên sinh thái khá phong phú.
Hơn nữa hải vực Đài Loan đầy biến động và phức tạp, sở hữu cùng lúc nhiều hệ sinh thái khác nhau như rạn san hô, rừng ngập mặn, rạn đá ngầm, bùn cát dưới đáy biển, thảm cỏ biển, mạch nước nóng dưới đáy biển, đầm phá, biển sâu…, với hải lưu, địa chất, độ sâu của nước, nhiệt độ nước khác nhau, những sinh cảnh khác nhau sẽ nuôi dưỡng ra những giống loài khác nhau. Do vậy, tuy đường bờ biển chỉ có 1.600 km ngắn ngủi, nhưng lại có vô vàn các loài cá, chiếm 10% tổng số loài cá biển trên toàn thế giới.
Vấn đề bảo tồn và phục hồi đại dương mang tính toàn cầu
3/4 diện tích Trái đất là đại dương, biển cả giúp điều tiết khí hậu, sinh vật biển, cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng của con người. Tuy nhiên, các nhân tố như cách mạng công nghiệp, sự tăng trưởng của dân số trên Trái đất, các phương pháp đánh bắt cá ngày càng tiên tiến và biến đổi khí hậu…, chẳng mấy chốc đã đẩy sinh vật biển đến với những nguy cơ cấp bách hơn cả sinh vật trên cạn.
Vào năm 1995, nhà hải dương học người Pháp Daniel Pauly đã đưa ra khái niệm “The Ocean’s Shifting Baseline” (Ranh giới cột mốc chuyển dịch của đại dương), trong đó nêu rằng, tuy nghiên cứu phát hiện tổng số lượng sinh vật biển không ngừng gia tăng nhưng thực chất số lượng của nhiều giống loài lại giảm. So sánh số liệu ngắn hạn trong vòng 10 năm có thể không rõ rệt, nhưng nếu so sánh với số liệu của 20-30 năm trước, thậm chí là nửa thế kỷ trước, sẽ phát hiện giảm nhiều và nhanh. Nhân loại vẫn dửng dưng trước sự thay đổi này mà hoàn toàn không phát hiện rằng tai họa lớn sẽ ập đến.
Nếu sinh thái đại dương suy tàn thì ngành ngư nghiệp cũng không thể tồn tại. (Ảnh Jimmy Lin)
“Khu bảo tồn đại dương” đơn giản, kinh tế và hiệu quả nhất
Phương pháp để bảo tồn và phục hồi đại dương rất nhiều, trong đó bao gồm chính sách hạn chế đánh bắt, hướng dẫn “hải sản bền vững”, sáng kiến Satoumi và các công tác phục hồi như đặt rạn đá cho cá, thả giống... Nhưng trải qua hơn chục năm thử nghiệm và tìm tòi, nhiều nước đều phát hiện, xây dựng “Khu bảo tồn biển” (Marine Protected Area, viết tắt là MPA) cấm đánh bắt hoàn toàn, mới là cách thúc đẩy bảo tồn và phục hồi biển đơn giản, kinh tế và hiệu quả nhất. Từ một người chỉ đơn thuần nghiên cứu về các loài cá trở thành người đi đầu trong công tác bảo tồn và phục hồi đại dương, ông Thiệu Quảng Chiêu đã có hơn 30 năm trong việc khởi xướng các hoạt động bảo tồn và phục hồi biển. Ông giải thích: Thành lập khu bảo tồn biển thật ra chính là “bảo tồn nơi nương thân” của các loài cá, “khu bảo tồn cũng giống như tiền tiết kiệm trong ngân hàng”, một khi số lượng các loài cá trong khu bảo tồn tăng lên, thì tự nhiên chúng sẽ tràn ra bên ngoài để ngư dân có thể có thể đánh bắt, phù hợp với nguyên tắc sử dụng bền vững.
Căn cứ “Mục tiêu Aichi” (Aichi Target) trong “Công ước về Đa dạng sinh học” năm 2010, “Mục tiêu 11” yêu cầu đến cuối năm 2020, trên toàn thế giới phải có 10% bờ biển và khu vực đại dương được bảo tồn. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ này phải tăng lên đến 30%, nếu không thì sẽ quá trễ. Còn với Đài Loan, hy vọng đến trước cuối năm 2022 sẽ thông qua “Luật Bảo tồn và phục hồi biển” để trở thành căn cứ pháp lý cho việc thiết lập và quản lý khu bảo tồn biển ở Đài Loan.
Ông Lin, Ching-hai – Phó giám đốc Viện bảo tàng Khoa học và Công nghệ biển Quốc gia, người con của Cơ Long, là người có công lớn trong việc xúc tiến thành lập Khu bảo tồn và phục hồi Chaojing.
Tấm gương tiên phong: Khu bảo tồn và phục hồi Wanghaixiang
Nhưng để xây dựng khu bảo tồn và phục hồi, cấm đánh bắt là việc không hề dễ dàng. Việc này không những cần có chính sách do chính phủ ban hành, số liệu do giới học thuật cung cấp để dẫn chứng, quan trọng hơn nữa còn là sinh kế của ngư dân, phải làm sao để thuyết phục ngư dân bằng lòng hợp tác, đây đều là những nhân tố quyết định thành bại.
Năm 2016, “Khu thí điểm giáo dục đại dương Vịnh Wanghaixiang” hoàn toàn cấm đánh bắt cá tại Cơ Long chính thức được thành lập, là một bước tiến khá quan trọng cho hành động bảo tồn và phục hồi đại dương của Đài Loan. Vì sao lại chọn Vịnh Wanghaixiang? Nghiên cứu của ông Thiệu Quảng Chiêu đã chỉ ra rằng, đặc tính sinh thái của khu vực biển Đài Loan có thể chia làm hai khu vực chủ yếu phân cách bởi đường chéo nối từ Tô Áo ở phía Đông Bắc của Đài Loan đến 4 đảo phía Nam của Bành Hồ ở hướng Tây Nam. Badouzi của Cơ Long là khu vực giao thoa của dòng hải lưu Kuroshio và dòng hải lưu lạnh ven bờ Trung Quốc, sinh vật đới gian triều tập hợp đặc tính của cả hai bên nên khá phong phú. Theo những ghi chép lời tường thuật của ngư dân và thợ lặn, loài sên biển Thecacera pacifica (hay còn được gọi là sên biển “Pikachu”), cá ngựa lùn màu hồng mộng mơ, hai loài từng thu hút hàng nghìn người đến vùng Okinawa (Nhật Bản) lặn biển để được chiêm ngưỡng, cũng từng xuất hiện tại đây, đồng thời, Vịnh Wanghaixiang còn là địa điểm quan trọng để loại mực lá đến đẻ trứng.
“Một khu vực biển chỉ cần có một trong ba đặc điểm gồm đa dạng sinh học, có tính đặc thù và là nơi đẻ trứng của sinh vật, là đủ điều kiện cần thiết để thành lập khu bảo tồn đại dương, Vịnh Wanghaixiang tập hợp đủ cả 3 điều trên”, bà Trần Lệ Thục (Chen, Li-shu) - Chủ nhiệm Nhóm giao lưu học thuật - ngành nghề của Viện Bảo tàng Khoa học và Công nghệ biển Quốc gia giải thích với chúng tôi.
Viện bảo tàng Khoa học và Công nghệ biển cạnh Khu bảo tồn Chaojing. Thông qua máy ảnh dưới nước, người dân có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của đại dương ngay lập tức.
Tất cả mọi người cùng chung tay để đấu tranh vì biển cả
Tổng diện tích của Vịnh Wanghaixiang là 250 ha, với tư cách là khu vực tiên phong, chính quyền thành phố Cơ Long đã vạch ra 15 ha để làm khu thí điểm, nếu thành công sẽ tiếp tục từng bước mở rộng. Tuy nhiên, để có được 15 ha này cũng không phải là chuyện đơn giản.
Ông Lâm Thanh Hải (Lin, Ching-hai) - Phó giám đốc Bảo tàng Khoa học và Công nghệ biển Quốc gia xuất thân trong một gia đình ngư dân ở Cơ Long. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Phát triển ngành nghề thành phố Cơ Long, từ nhỏ đã được tận mắt nhìn thấy cảnh hàng nghìn chiếc thuyền cá nối đuôi nhau trong cảng cá Zhengbin, nhìn lại cảnh đìu hiu suy tàn của nghề cá ngày nay, ông càng hiểu rõ về tính cấp bách trong việc bảo tồn và phục hồi biển.
Trải qua sáu năm không ngừng tổ chức các cuộc họp trao đổi, thương thảo với ngư dân, khơi dậy tình cảm của người dân địa phương với biển cả và lòng tự hào của người dân bản địa, không ít ngư dân thậm chí còn đồng ý hợp tác với đội tuần tra biển cùng tổ chức “đội tàu bảo vệ môi trường”, tuần tra những chiếc thuyền đánh bắt cá trái phép. Các đơn vị nghiên cứu khoa học tại địa phương như Đại học Hải dương Đài Loan, Viện bảo tàng Khoa học và Công nghệ biển… đã phụ trách cung cấp số liệu khoa học và hỗ trợ thả cá giống ra biển; thông qua các hoạt động “làm sạch biển cả”, huy động hàng nghìn tình nguyện viên, ngư dân cùng bắt tay dọn dẹp rác thải biển, qua đó khơi dậy ý thức bảo tồn và tham gia bảo vệ môi trường của người dân.
Ngoài ra, chính quyền thành phố Cơ Long cũng tỏ rõ thiện ý, bên cạnh việc cấm sử dụng lưới rê đánh bắt trong phạm vi 500 mét ven bờ, còn lập dự toán ngân sách riêng để hỗ trợ thu hồi lưới rê, từ đó khuyến khích ngư dân chuyển đổi mô hình đánh bắt. May mắn hơn nữa là các biện pháp này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều dân biểu, cũng như được truyền thông địa phương đưa tin thường xuyên, phát huy hiệu quả tổng hợp bằng nhiều hình thức khác nhau.
Vì vậy có thể nói, quy hoạch Khu bảo tồn và phục hồi Chaojing là thành quả tốt đẹp từ những nỗ lực chung của chính quyền thành phố Cơ Long, Đại học Hải dương Cơ Long, ngư dân, tình nguyện viên, thậm chí là người dân địa phương, dân biểu và truyền thông…
Cá chình Morey
Gìn giữ đại dương xinh đẹp cho thế hệ mai sau
Năm 2021, sau vài năm biển tạm nghỉ ngơi và các hoạt động du lịch quốc tế tạm ngưng, khu bảo tồn Chaojing đã phục hồi với nhiều thành quả đáng kể, trong năm đã đón tiếp hơn 90.000 lượt khách tham quan, đồng thời cũng đã giúp đánh bóng tên tuổi của “Chaojing”, thậm chí, để tránh việc dòng người quá đông tạo thành gánh nặng cho môi trường, đơn vị quản lý đã phải bắt đầu xem xét đến việc kiểm soát dòng người ra vào, nhưng hiện tượng này cũng đã kiểm chứng kinh nghiệm của nhiều nước rằng: Chỉ cần quy hoạch tốt khu bảo tồn, không những có thể giúp bảo tồn và phục hồi sinh vật, mà còn có thể thúc đẩy các ngành nghề xung quanh, phát triển kinh tế và sinh thái không phải lúc nào cũng là đối lập nhau.
Bảo tồn đại dương kỳ thực là một việc khá cấp bách nhưng may mắn là hiện tại vẫn còn khá nhiều loài sinh vật biển sống lay lắt có lẽ vẫn còn kịp cứu vãn. Hơn nữa, cùng với công cuộc giáo dục về môi trường cho người dân, ý thức bảo vệ, bảo tồn đại dương của thế hệ trẻ ngày càng được nâng cao, nếu tất cả mọi người có thể cùng hành động, “thế hệ trước nhặt vỏ ốc, thế hệ sau nhặt rác”, sẽ có thể giúp nhân loại cùng vượt qua thời khắc nguy cấp này và rút ra bài học tích cực từ sai lầm trước đây, để sóng biển dạt dào, để đảo ngọc xinh đẹp có thể phát triển bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hải sâm táo
Cá ngựa lùn
Sên biển Thecacera pacifica
Nhà ngư học Thiệu Quảng Chiêu là người đi đầu trong công tác khởi xướng bảo tồn và phục hồi biển ở Đài Loan.