Sự biến đổi tuyệt vời của những vật liệu phế thải
Made Sukariawan- nghệ nhân điêu khắc gỗ đến từ đảo Bali
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Kent Chuang Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 8 2021
老屋梁柱、廢棄的洗衣板、工廠下腳料……,這些別人眼中無用的廢棄材料,在藝術家Made Sukariawan眼中,各個是寶貝。他拿起雕刻刀讓廢料化身為天使、象神等美麗的藝術創作。木頭的紋理就是象鼻的皺褶、乾枯的樹皮成了月老的鬍鬚,Made把缺陷變完美,施展了化腐朽為神奇的魔法。
Cột nhà cũ, ván giặt bị vứt đi, phế liệu trong nhà máy…, những vật liệu vô dụng, bị bỏ đi trong mắt người khác lại là những báu vật vô giá trong con mắt nghệ nhân Made Sukariawan. Ông dùng con dao điêu khắc của mình biến những vật liệu bị bỏ đi thành các tác phẩm nghệ thuật như tượng thiên sứ, tượng thần Ganesha. Những nét vân gỗ chính là các nếp nhăn trên mũi thần Voi, vỏ cây sần sùi khô héo biến thành bộ râu của Nguyệt Lão, Made đã biến các điểm khiếm khuyết trở thành hoàn mỹ, như hóa phép để thồi luồng sinh khí cho những thứ tưởng chừng bị vứt đi.
Đến gần trưa, trên con phố Ngũ Phi (Wufei) ở Đài Nam, tiếng búa gõ chạm vào thân gỗ kêu “lốc cốc” vang vọng, đến gần mới thấy, hóa ra là một người đàn ông có thân hình lực lưỡng, làn da ngăm đen đang điêu khắc trên khúc gỗ với hình dạng không theo quy tắc chuẩn mực nào. Vớ lấy một mớ gỗ vụn dưới đất đưa lên gần mũi, lập tức phảng phất mùi thơm từ gỗ cây long não, nhìn quanh sẽ phát hiện, trong nhà có rất nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo như sư tử ngậm kiếm của Đài Nam, hạc trắng Kim Sơn, thần Ganesha Ấn Độ, cá rồng châu Á…, trông như phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ. Nơi mang lại nhiều trải nghiệm giác quan phong phú cho mọi người này chính là Xưởng điêu khắc gỗ Made do nghệ nhân Made đến từ đảo Bali và vợ ông – cô Chakra cùng quản lý.
Ông Made sáng tác không cần phải phác thảo trước, ông sẽ dựa vào nguồn cảm hứng từ chính khúc gỗ, từ từ chạm trổ các đường nét tỉ mỉ.
Gỗ là người bạn thân thời thơ ấu
Nói về cơ duyên với nghề chạm khắc gỗ, ông Made cho biết: “Từ lúc 8 tuổi tôi đã bắt đầu học điêu khắc gỗ, gỗ như là một phần trong cuộc sống của tôi”. Vì cha ông là thợ mộc, từ nhỏ ông Made đã nhìn thấy những khúc gỗ ở khắp nơi trong nhà. Từng đường vân gỗ, chất liệu dày dặn của gỗ có một sức hấp dẫn khó tả với ông từ khi còn nhỏ nên Made đã thẳng thắn thổ lộ quyết tâm muốn học điêu khắc gỗ với cha. Không cưỡng lại được yêu cầu của con, cha ông đã dẫn ông đến xưởng mộc gần nhà để “tầm sư học đạo”, và cũng từ đó ông Made đã kết duyên cùng nghề điêu khắc gỗ.
Mỗi ngày ông Made đến xưởng không phải mài dao thì là dọn dẹp khu vực xung quanh cho thầy, phải mất một tháng ông mới được dùng gỗ bị vứt đi để tập chạm khắc. Ông Made nói, lúc đó, gỗ có thể dùng để luyện tập chỉ có gỗ mun rất cứng, với những người mới còn chưa biết cách kiểm soát lực, thường làm gãy dao và thế là bị mắng. Phải luyện đi luyện lại hơn hai tuần, sau khi được thầy đồng ý thì mới được học kỹ thuật khó hơn. Trong khi những người khác bỏ cuộc vì chán thì ông Made càng học càng hăng say, ngay cả ngày thứ bảy, chủ nhật, sau khi làm xong mọi việc trong nhà, ông liền đi đến xưởng mộc để tiếp tục rèn luyện kỹ năng cơ bản.
Đến xưởng mộc học việc hơn một năm, cuối cùng ông cũng đã hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình, đó là tượng Rama và Sin ta (vị thần tình yêu trong Ấn Độ giáo) bằng gỗ mun. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, thầy đã cho ông 400 Rupiah (IDR), dù tính ra không đến 1 Đài tệ nhưng ông vẫn hồ hởi chạy thẳng về nhà chia sẻ niềm vui này với cha mẹ mình, vì đó là sự khẳng định của việc học thành nghề, niềm vui đó không tiền bạc nào có thể sánh bằng.
Tác phẩm “Swing the Virus Away” của Made lấy cảm hứng từ chiếc xích đu do em trai mình làm, cảnh đứa trẻ hạnh phúc vui đùa trong thân hình của người cha được làm bằng khung cửa sổ gỗ mang đến niềm hy vọng trong mùa dịch.
Lãng mạn cùng nhau đi khắp thế gian
Sau khi lớn lên, ông Made đã chọn lựa đến làm việc tại một tập đoàn Resort quốc tế. Do có năng khiếu nghệ thuật nên ông được giao trách nhiệm hướng dẫn du khách vẽ trên vải và cũng từng làm huấn luyện viên thể thao, trải qua bao sự rèn giũa từ các vị trí công việc khác nhau trong Resort, cuối cùng ông đã vào làm việc trong bộ phận nhà hàng và trở thành một đầu bếp.
Tuy công việc tại Resort đã khiến ông phải rời xa công việc điêu khắc gỗ, nhưng cũng trong thời gian này, ông đã gặp được một nửa của đời mình, Chakra - cô gái đến từ Đài Loan và cũng làm việc trong Resort này. Hai người yêu nhau và quyết định sống trọn đời bên nhau.
Cô Chakra bày tỏ, hàng năm công ty sẽ sắp xếp lại và cử nhân viên đến các địa điểm làm việc mới. May mắn thay, từ sau khi hai người yêu nhau, họ đều được điều đến cùng một Resort làm việc, họ đã cùng đi đến đảo Bali, đảo Bintan ở Indonesia, vịnh Cherating ở Malaysia, đảo Ishigaki Nhật Bản…, thậm chí lúc làm việc tại đảo Phuket, Thái Lan, họ còn cùng chứng kiến cơn sóng thần Stunami, “nhìn thấy rất nhiều người toàn thân dính đầy bùn và máu, chạy về phía bàn tiếp tân, đâu đâu cũng toàn tiếng la hét, lúc đó trông như cảnh chiến tranh đang xuất hiện trước mắt”, cô Chakra nói.
Trải qua tai ương nghiêm trọng này, quan điểm sống của hai người cũng đã có nhiều thay đổi, cô Chakra nói, “tất cả đều tùy duyên, không cưỡng cầu, cái gì của mình sẽ là của mình”. Sau đó, họ lại lần lượt được điều đến làm việc tại đảo Ishigaki và Maldives. Sau mười năm bôn ba nước ngoài, cô Chakra rất muốn về nhà, vừa hay có người bạn giới thiệu cho cô một công việc ở Đài Loan nên ông Made cũng quyết định đi theo tiếng gọi của tình yêu, cùng về Đài Loan với cô để bắt đầu một cuộc sống mới.
Quay lại ước mơ xưa, cầm lại con dao điêu khắc
Sau khi trở về Đài Loan, cô Chakra thường đưa ông Made đi tham quan chùa chiền và viện bảo tàng. Mỗi khi gặp được các nghệ nhân điêu khắc, ông Made đều không cầm lòng được chạy đến bắt chuyện, họ nói về kỹ thuật điêu khắc của Đài Loan, về thực trạng nghề. Qua những lần trò chuyện với các nghệ nhân điêu khắc, ông biết được giới trẻ Đài Loan không mặn mà trong việc kế thừa nghề điêu khắc gỗ truyền thống, chính điều này đã khơi dậy lại niềm đam mê điêu khắc gỗ trong ông.
Những ký ức về nghệ thuật điêu khắc gỗ lại bắt đầu nhen nhóm trong lòng Made, tuy nhiên, điều khiến ông thật sự cầm lại con dao chạm khắc là một lần nọ, mẹ vợ ông đi lên miền Bắc thăm vợ chồng ông, bà rất thích thú với tượng gỗ điêu khắc đầu rồng trong đền Chỉ Nam (Zhinangong). Bà đã chụp hình lại và nhờ Made chạm khắc cho bà, thậm chí, cẩn thận hơn, bà còn tìm sẵn gỗ gửi lên Đài Bắc. Để không phụ lòng mẹ vợ, Made đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để điêu khắc, tỉ mỉ mày mò, phải mất ba tuần ông mới hoàn thành được bức tượng điêu khắc đầu rồng và cũng từ đó, ông lại đi sâu vào thế giới điêu khắc gỗ, để rồi không còn dứt ra được. Ông dành toàn bộ thời gian ngoài giờ làm việc của mình để sáng tác điêu khắc, về sau do liên tục nhận được đơn hàng và lời mời đi dạy, ông Made đã dần dần hướng tới về ước mơ ngày bé, từng bước thành lập Xưởng điêu khắc gỗ Made.
Điều kỳ diệu từ vật liệu phế thải
Là một tín đồ Ấn Độ giáo, mỗi buổi sáng, ông Made đều thành khẩn khấn vái thần Ganesha, “nói với Ngài rằng cảm ơn Ngài đã cho chúng tôi có được cuộc sống tốt đẹp”. Tiếp đó, ông lấy những khúc gỗ ở cạnh bên ra, những khúc gỗ còn nguyên hay đã chạm khắc một nửa, vỗ nhẹ lên chúng như nâng niu con mình, cảm nhận chất gỗ, ngắm nghía hình dạng và đường vân của chúng, xem hôm đó có cảm hứng với khúc gỗ nào thì sẽ dùng khúc gỗ đó để chạm trổ. Khi sáng tác, ông Made không cần phải phác thảo, cũng không vì đặc biệt phải sáng tác một tác phẩm nào đó mà cố ý đi cắt khúc các vật liệu gỗ của mình, ngược lại, ông sẽ nhìn hình dạng vốn có của vật liệu gỗ, ngẫm nghĩ về tác phẩm thích hợp với khúc gỗ đó nhất. Ông cười nói, chạm khắc nhanh lắm, chậm là ở chỗ ý tưởng, cần phải có thời gian để ngẫm nghĩ, nuôi dưỡng ý tưởng.
Khác với những nghệ nhân điêu khắc truyền thống của Đài Loan thường thích những khúc gỗ có hình dạng vuông vức, gỗ có chất lượng tốt, ông Made thích những vật liệu gỗ mà người ta bỏ đi. Ông lắp miếng ván giặt cũ vào hai bên của chiếc trụ gỗ bị bỏ đi, chạm khắc thành hai pho tượng thiên sứ, một pho tượng có khuôn mặt vuông vức, một pho tượng có khuôn mặt tròn, tượng trưng cho việc làm người thì phải đoan chính ngay thẳng, cư xử khéo léo tròn trịa. Vỏ cây cũ nát trong mắt người khác đã biến thành râu tóc trong mắt ông Made, sau khi chạm khắc thành hình trăng lưỡi liềm với mắt, mũi, miệng, đã được đặt tên thành “Nguyệt Lão”. Ông Made còn dùng khúc gỗ bị phong hóa, lỗ chỗ, chạm khắc thành tượng thần Voi Ganesha, vỏ cây biến thành vương miện, phần vân gỗ tự nhiên làm mũi thần Voi, vừa khớp trở thành nếp nhăn của da, các lỗ hở trên gỗ thì trở thành miệng và tai thần Voi, tác phẩm được đặt tên là “Unlimited Ganesha”.
Yêu thích những món đồ cũ
Ngoài việc sáng tạo nghệ thuật, Made còn rất yêu thích những món đồ cũ và thường sửa sang lại các đồ gia dụng cũ. Vợ chồng ông kiếm được chiếc tủ gỗ cũ kỹ, mài đi lớp sơn lem luốc bên ngoài, để lộ vân gỗ tự nhiên tuyệt đẹp, cánh cửa tủ đã hỏng cũng được đổi thành cửa kính, biến chiếc tủ bếp hơn 70 năm tuổi bỗng chốc trở thành chiếc tủ trưng bày mang đậm phong cách đồng quê. Ông Made nói: “Tôi rất thích đồ cũ, sau khi sửa sang lại những chỗ bị hỏng sẽ cảm thấy rất tự hào, như để cho chúng sống lại lần nữa, như vậy sẽ không lãng phí”.
Lúc vừa dọn về Đài Nam, tương lai vẫn còn mịt mù, hai vợ chồng ông đã thử tất cả mọi cơ hội có thể phát huy, từ dạy chạm khắc gỗ, tổ chức triển lãm cá nhân, mở quầy hàng ở chợ phiên… Sau một thời gian làm thử,cuối cùng cô Chakra phát hiện điểm đặc sắc của Made chính là sáng tác ngẫu hứng nên cô đã động viên ông hãy tự do chạm khắc thứ mình yêu thích, không cần phải sáng tác theo sở thích của người khác. Vì thế, cuối cùng Made đã chạm khắc các tượng thần Ganesha với hình dạng khác nhau, tượng voi có họa tiết luân xa (Chakra), ngay cả tượng Khôi Tinh là tác phẩm tham gia cuộc thi chạm khắc tượng phật, ông Made cũng hóm hỉnh cho thêm họa tiết vòng hoa của thần Ganesha vào, không ngờ sự kết hợp khéo léo này đã khiến tác phẩm của ông Made trở nên độc đáo, khác biệt và tràn đầy sức sống. Cô Chakra nói, chỉ cần nhìn thấy gỗ, ông Made sẽ khua tay múa chân, vui như một đứa trẻ nhìn thấy đồ chơi. Dù đã trên 50 tuổi, nhưng mỗi khi nói về chạm khắc gỗ, ông Made lại như chàng trai trẻ, miệng luôn nở nụ cười vui vẻ, không ngừng chia sẻ trí tưởng tượng trên trời dưới đất. Trong cuộc sống, nếu bạn có ước mơ thì hãy mạnh dạn theo đuổi nó.