Ngôn ngữ tình yêu
Đài Loan quảng bá sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ của 7 nước Đông Nam Á
Bài‧Sharleen Su Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧ Tố Kim
Tháng 6 2023
台灣孩子語言學習資源豐富,不只小學引入東南亞語言選修課程,教育部更費時五年研編三大套共30本的「新住民家庭母語教材」,為新住民孩子的母語基礎扎根,在愛與接納中學習。
Trẻ em Đài Loan có môi trường học ngôn ngữ vô cùng phong phú, ngôn ngữ Đông Nam Á không chỉ là môn ngoại ngữ tự chọn được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường tiểu học, mà Bộ Giáo dục cũng đã dành 5 năm nghiên cứu và biên soạn 3 bộ “Sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ của di dân mới” gồm 30 cuốn, làm nền tảng vững chắc cho tiếng mẹ đẻ của con em di dân mới, giúp các em học hỏi với tình yêu thương và sự tiếp nhận văn hóa đến từ quê mẹ.
Ở Đài Loan, mỗi học sinh tiểu học đều có thể chọn học 1 trong 7 ngôn ngữ Đông Nam Á của di dân mới, bao gồm tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái Lan, tiếng Myanmar, tiếng Campuchia, tiếng Malaysia hoặc tiếng Philippines. Đài Loan cũng là nước đầu tiên trên thế giới có chương trình học đa ngôn ngữ phong phú như vậy. Tuy nhiên, sách tranh dành cho trẻ nhỏ rất hiếm, khó tìm thấy trên thị trường.
“Lúc đầu, tôi tự mang sách giáo khoa từ Việt Nam sang đây”, cô Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên dạy tiếng Việt lâu năm tại Đại học Quốc gia Đài Loan nói. Cô Liên Hương sinh sống tại Đài Loan đã 22 năm, có một con trai và hai con gái, vì muốn dạy con học tiếng mẹ đẻ, cô đã tìm tài liệu dạy tiếng mẹ đẻ dành cho trẻ nhỏ khắp Đài Loan nhưng không có nên đành phải tự mình tìm cách.
Sách tranh dạy tiếng mẹ đẻ bằng 7 thứ tiếng được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và hoàn cảnh cuộc sống của di dân mới, là văn học thiếu nhi và cũng là tài liệu dạy ngôn ngữ cuộc sống hàng ngày.
Sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ hoàn chỉnh với 7 loại ngôn ngữ
Tình trạng thiếu sách dạy tiếng mẹ đẻ của di dân mới cho trẻ nhỏ vẫn không được cải thiện cho đến khi Bộ Giáo dục ủy quyền cho Đại học Quốc lập Gia Nghĩa (National Chiayi University) nghiên cứu và biên soạn “Sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ của gia đình di dân mới”, xuất bản 3 bộ, tổng cộng 30 cuốn với 7 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Philippines, tiếng Malaysia, tiếng Myanmar, tiếng Campuchia và tiếng Thái Lan, từ đó các bà mẹ có thêm sự lựa chọn mới.
“Trước kia, mặc dù đã có những tài liệu giảng dạy đa văn hóa được biên soạn chính thức, nhưng chúng giống sách giáo khoa hơn”. Người chủ trì dự án biên soạn sách, giáo sư Yeh Yu-ching của Khoa Giáo dục Mầm non, Đại học quốc lập Gia Nghĩa, đã triệu tập một nhóm biên tập hùng hậu để hoàn thành bộ tài liệu giảng dạy tiếng mẹ đẻ này. Mục tiêu ban đầu là dành cho trẻ em từ 0 đến 8 tuổi nên tài liệu giảng dạy thiết kế theo cách đối chiếu song ngữ, có sách giấy, sách điện tử. Sách điện tử có phát âm chuẩn của người thật và trò chơi đố vui trực tuyến với nội dung bao quát toàn diện, ý tưởng tinh tế.
Cô Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên tiếng Việt tại Đại học quốc gia Đài Loan (NTU) nỗ lực giới thiệu “Sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ của di dân mới”, vì cô cho rằng, các bà mẹ nên sớm dạy tiếng mẹ đẻ cho các em, tận hưởng trọn vẹn thời gian quý giá bên con trẻ.
Là sách dạy ngôn ngữ và cũng là sách tranh dành cho trẻ em
Trong trí tưởng tượng của giáo sư Yeh Yu-ching, tài liệu dạy tiếng mẹ đẻ nên được thiết kế như là truyện tranh, để cha mẹ có thể dạy con bằng tiếng mẹ đẻ tại nhà, “Cái gọi là tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ mà bạn học được một cách tự nhiên ở nhà”. Nó không phải là một cuốn sách giáo khoa với nội dung cứng nhắc, mà là một phương tiện truyền đạt vui nhộn với hình ảnh minh họa đáng yêu, nội dung câu chuyện sống động, “Các bà mẹ có thể đọc cùng con, cùng nhau chia sẻ niềm vui đọc sách, từ đó có thể đối thoại với trẻ những điều xảy ra trong sinh hoạt thường ngày”.
Để hoàn thiện bộ sách giáo khoa này, giáo sư Yeh Yu-ching đã mời đội ngũ giáo viên gồm Ho Hsiang-ju, khoa Giáo dục Mầm non, Đại học quốc gia Gia Nghĩa và Shen Mei-yi, khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam Đài Loan (Southern Taiwan University of Science and Technology) tham gia với vai trò biên tập viên. Ngoài việc mời các chuyên gia ngành giáo dục mầm non biên soạn sách, ban biên tập còn mời Sở Di dân và Đài Phát thanh Trung ương (Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan) giới thiệu các chuyên gia tiếng mẹ đẻ, thành lập một nhóm ủy ban cố vấn trung ương gồm 7 quốc gia để kiểm tra tính chính xác của nội dung. Những hình ảnh minh họa tinh tế trong sách như chú thỏ con dễ thương, sư tử và nhiều loài động vật khác nhau được tạo ra bởi các họa sĩ sách ảnh Bernie Lin và Mig Jou khiến trẻ em nhìn thấy là thích liền.
Phụ huynh gia đình di dân mới tích cực tham gia nhóm kể chuyện để hiểu nội dung giáo trình và phương pháp giảng dạy. (Ảnh: Giáo sư Yeh Yu-ching cung cấp)
Tài liệu giảng dạy từ cơ bản đến nâng cao, học mà chơi, chơi mà học
Nội dung của bộ sách dạy tiếng mẹ đẻ số 1 được thiết kế từ cơ bản đến nâng cao, căn cứ lý luận phát triển ngôn ngữ và đặc điểm của trẻ. Chủ đề của bộ sách số 1 mô tả tên gọi các bộ phận cơ thể người, chữ số, sinh hoạt gia đình và tương tác với thiên nhiên, cách chào hỏi ông bà cha mẹ, bữa sáng ở nhà, mẹ chiên trứng trong bếp, đi công viên chơi v.v....
Bộ sách số 2 giúp trẻ gia tăng độ dài của câu, phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ với các cấu trúc câu, trạng ngữ lặp đi lặp lại. Bộ sách số 3 phù hợp với trẻ từ 5 tuổi đến lớp 2, không chỉ tăng độ khó của từ vựng ngôn ngữ, mà còn tổng hợp nhiều tình huống và nhận thức văn hóa hơn, chẳng hạn như nói về bánh làm từ lá dứa của Indonesia, các trò chơi địa phương ở Đông Nam Á...
Tài liệu giảng dạy được thiết kế rất tinh tế và khéo léo, có nhiều trò chơi đơn giản, phụ huynh có thể cùng con đóng vai, giả làm thỏ, gà trống, chim và bướm, cũng có thể tận dụng các vật dụng có sẵn trong nhà như giỏ đựng quần áo, khăn tắm để chơi trò chơi với con trẻ.
“Sách giáo khoa tiếng mẹ đẻ của di dân mới” thiết kế giống như sách tranh dành cho trẻ em, mỗi một câu chuyện nhỏ đều khiến trẻ thích thú khi nghe.
Không ngừng chỉnh sửa trong quá trình biên soạn
Để biên soạn một bộ sách gồm 30 cuốn, lại có tới 7 thứ tiếng, giáo sư Yeh Yu-ching thừa nhận quá trình biên soạn gặp rất nhiều khó khăn. Ngôn ngữ Đông Nam Á được sử dụng bộ chữ cái La-tinh, đối với giáo viên Đài Loan trông giống như một cuốn Thiên thư. Trong mắt giáo viên Đài Loan, việc sắp chữ, xuống hàng là rất bình thường, nhưng lại khiến giáo viên dạy tiếng mẹ đẻ tỏ ra lo lắng, một cái dấu đặt không đúng chỗ liền bị giáo viên dạy tiếng mẹ đẻ chỉnh sửa ngay: “Đây không phải là nét phẩy, mà là một đường cong cong giống con sâu”.
Cô Nguyễn Thị Liên Hương, ủy viên phụ trách công tác biên soạn, thẩm duyệt, hiệu đính và ghi âm tài liệu dạy tiếng Việt, cũng không khỏi thốt lên thật gian khổ vì không ngừng họp hành trong suốt quá trình biên soạn sách, “Chỉ phần ghi âm thôi đã phải sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần, vô cùng vất vả”. Do sự khác biệt lớn về ngôn ngữ, cấu trúc ngữ pháp và văn hóa của các quốc gia khác nhau, thường phải sửa đổi liên tục từ bản thảo đầu tiên, rồi bản dịch, hình ảnh minh họa và thậm chí đến khâu ghi âm, lại phải nhờ các chuyên gia ngôn ngữ bản địa xem xét và chỉnh sửa, ai cũng bận và mệt rã rời. Chẳng hạn cụm từ “Giáo viên” trong tiếng Trung thuộc từ trung tính nhưng trong tiếng Việt lại phải phân chia cách gọi theo giới tính. Ngoài ra, tiếng Việt chú trọng lễ nghi vai vế, không có những đại từ nhân xưng như “bạn, tôi, anh ấy”. Đại từ nhân xưng “tôi” của tiếng Trung, sang tiếng Việt sẽ phải đổi thành “con” v.v..., còn “cha”,
“thầy” thì không được gọi thay là “ông ấy”, như vậy là không lễ phép, tất cả các chi tiết liên quan đến văn hóa ngôn ngữ đều phải được cân nhắc chu toàn.
Chỉ một điều thay đổi nho nhỏ tạo mối gắn kết Đài Loan với Đông Nam Á
Đối với những bà mẹ di dân mới, việc sở hữu một bộ sách tiếng mẹ đẻ nơi xứ người mang ý nghĩa vô cùng to lớn, có khá nhiều bà mẹ đăng ký tham gia buổi chia sẻ, quảng bá tài liệu dạy học của đoàn thể phụ huynh. Li Yung-en, giáo viên trường tiểu học và mầm non Đông An ở khu Bình Trấn, thành phố Đào Viên, người chịu trách nhiệm tổ chức buổi chia sẻ, quảng bá tài liệu dạy tiếng mẹ đẻ của đoàn thể phụ huynh Đào Viên cho biết, cô thấy người cha chạy xe chở vợ con mình là di dân mới đến tham gia buổi chia sẻ, cũng có một số bà mẹ nóng lòng muốn đọc cho con mình nghe ngay khi nhận được sách. “Các bà mẹ thật nhiệt tình, lúc đó toàn bộ sách giáo khoa tiếng Indonesia mà chúng tôi có đều bị lấy sạch!”, cô Li Yung-en nhớ lại.
Cũng có phụ huynh nói với giáo sư Yeh Yu-ching rằng, sau khi mang sách về nhà, kể từ đó ngày nào con chị cũng đòi nghe kể chuyện, hai mẹ con trốn lên lầu đọc sách. Việc này khiến cho người cha lấy làm lạ, kể từ đó, “Thời gian đọc truyện cho con nghe” trở thành khoảng thời gian quý giá của cả gia đình. Có trẻ trò chuyện video với ông bà ngoại ở Việt Nam, cháu chào hỏi ông bà bằng tiếng Việt khiến ông bà vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Cha mẹ chồng người Đài Loan cũng khích lệ con dâu dạy tiếng mẹ đẻ cho cháu mình: “Cháu nó học nói u la u la, qua la qua la (tiếng Đông Nam Á trong mắt mẹ chồng là như vậy) cũng rất tốt, về sau nếu đi làm ăn sẽ kiếm nhiều tiền hơn người khác”. Điều này thể hiện sự bao dung đối với văn hóa đa ngôn ngữ của người dân Đài Loan.
Giáo sư Yeh Yu-ching khích lệ phụ huynh gia đình di dân mới cùng con đọc sách và tận dụng các tài liệu giảng dạy ngôn ngữ để tăng vốn từ vựng cho con trẻ.
Mở cánh cửa quốc tế cho trẻ em Đài Loan
“Gia đình là nguồn gốc của tiếng mẹ đẻ, cũng là chìa khóa ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em!” Sau 6 năm không ngừng nghiên cứu, khảo sát, giáo sư Yeh Yu-ching phát hiện, các bà mẹ di dân mới khi tiếp xúc, trao đổi với con, đã sử dụng quá ít từ vựng.
“Các bà mẹ trao đổi trò chuyện với con bằng tiếng Trung, thứ tiếng mà họ không quen thuộc, hầu hết thường dùng câu mệnh lệnh, câu nói ngắn gọn, ít thay đổi từ vựng khiến cho kết quả kiểm tra môn ngữ văn của trẻ học lớp 2 nhìn chung không đạt yêu cầu”. Điều đáng ngạc nhiên hơn là, việc người mẹ kích thích ngôn ngữ cho trẻ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, mà “Các lĩnh vực khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Do đó, giáo sư Yeh Yu-ching hy vọng các bà mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái, cung cấp cho trẻ nhiều từ vựng hơn.“Dành 5 phút mỗi ngày để cùng con đọc sách, việc này sẽ có tác động lâu dài đối với trẻ.”
Cô Nguyễn Thị Liên Hương khuyến khích phụ huynh nên đọc sách cùng con sớm hơn. “Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh đã học ngôn ngữ từ khi còn trong bụng mẹ, do đó khi mang thai cha mẹ có thể đọc bộ giáo trình này cho con nghe”. Cô Hương còn nhắc nhở, khi trẻ học tiếng mẹ đẻ, người mẹ nên dành nhiều lời khen ngợi trẻ để trẻ thực sự yêu thích ngôn ngữ này.
Chính phủ Đài Loan thúc đẩy việc học ngôn ngữ của di dân mới, thể hiện sự bao dung và sự tự tin vào tính đa văn hóa của xã hội Đài Loan. Trong tương lai, ngôn ngữ Đông Nam Á không chỉ là tiếng mẹ đẻ của “những người con xứ Đài thế hệ mới”, mà còn là sự lựa chọn ngoại ngữ thứ hai của tất cả trẻ em Đài Loan sau tiếng Anh, giúp trẻ mở ra cánh cửa quốc tế, hiểu và tôn trọng các nền văn hóa khác nhau để có thể cùng tồn tại và phát triển, đồng thời xây dựng một xã hội sẵn sàng tiếp nhận lẫn nhau.
Di dân mới đã trở thành thành viên quan trọng của xã hội Đài Loan. Trong ảnh là cảnh Hiệp hội Phát triển quyền lợi phụ nữ Hảo Hảo Bình Đông tổ chức phiên chợ di dân mới.