Triển khai chính sách hướng Nam trên vùng đất mới
Giao lưu Đài Loan - Việt Nam: Từ kinh tế đến y tế
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 6 2024
Thành phố Hồ Chí Minh lúc nào cũng đông nghịt xe qua lại, trên sông Sài Gòn luôn có bóng dáng tàu thuyền di chuyển thoăn thoắt, hình ảnh giao thông bận rộn, tấp nập cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bừng lên sức sống.
Giã từ những năm tháng khói lửa chiến tranh, năm 1986, chính phủ Việt Nam chính thức đẩy mạnh công cuộc mở cửa đổi mới, ngay lập tức Việt Nam trở thành thiên đường mới thu hút vốn nước ngoài đua nhau đổ bộ vào đầu tư và khởi nghiệp.
30 năm sau, cùng với sự cất cánh và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, đã tạo được quy mô phát triển khả quan với 80.000 thương nhân Đài Loan và 4.000 doanh nghiệp Đài Loan, với tổng kim ngạch đầu tư đạt 400 tỷ Đài tệ, khiến Đài Loan trở thành nước đầu tư lớn ở Việt Nam.
Ông Viên Tế Phàm, người sáng lập Tập đoàn Eternal Prowess do có tầm nhìn xa về đầu tư, nên đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân.
Đón đầu thời cơ, dừng chân tại Việt Nam
Khi đoàn phóng viên của tạp chí Panorama đến thăm Khách sạn Lệ Đình trực thuộc Tập đoàn Eternal Prowess, tọa lạc tại ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, ông Viên Tế Phàm (David Yuan), Chủ tịch Tập đoàn Eternal Prowess mặc dù bận trăm công ngàn việc vẫn sắp xếp thời gian để trả lời phỏng vấn, ông mở đầu câu chuyện phấn đấu sự nghiệp ở xứ người rằng: “Lúc con trai tôi còn chưa ra đời, tôi đã làm nghề đóng giày rồi”.
Ông Viên Tế Phàm cho biết: “Việc ở lại đây vốn không nằm trong kế hoạch”. Khởi nghiệp tại Đài Nam từ năm 1975, sản phẩm chủ yếu là đế giữa và đế ngoài bằng cao su của giày, khách hàng là những thương hiệu giày thể thao quốc tế bao gồm Puma, Adidas. Để giành được lợi nhuận cao hơn, ông đã nảy sinh ý tưởng ra nước ngoài phát triển.
Đó là thời kỳ mà phong trào “Tây tiến” phát triển rất sôi động. Ông Viên Tế Phàm lần lượt đi khảo sát các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, v.v... Ông cho biết, Việt Nam khi đó không phải là sự lựa chọn hàng đầu của khu vực ASEAN nhưng với dân số khá đáng kể lên tới 100 triệu người, có độ tuổi trung bình ngoài 30, hơn nữa đất đai rộng lớn và nhân công giá rẻ, văn hóa cũng khá giống với Đài Loan, kết hợp nhiều yếu tố nêu trên, đã khiến ông quyết định dừng chân tại Việt Nam.
Cư trú dài hạn tại Việt Nam là sự tình cờ tuyệt diệu trong cuộc đời của nhiều thương nhân Đài Loan. Đến Việt Nam vào năm 2007, ông Giản Trí Minh (Chien Chih Ming), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng Ho-Team kiêm Tổng hội trưởng Liên đoàn Thương mại Đài Loan tại Việt Nam chia sẻ: “Lúc bấy giờ thực sự không nghĩ rằng sẽ ở lại lâu đến thế”. Thay vì nói rằng vì cân nhắc tiềm năng phát triển trong tương lai của Việt Nam, thì đúng hơn là phải nói, nhờ vào trực giác nhạy bén đối với thị trường đã giúp họ tìm được mảnh đất dụng võ tại đây.
Ông Giản Trí Minh kể tỉ mỉ câu chuyện từ những ngày đầu. Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc tại trường Đại học Thành Công, với vai trò là một kiến trúc sư, khi ở Đài Loan ông từng hợp tác với Tập đoàn Formosa Plastics thực hiện nhiều công trình công cộng quy mô lớn, bao gồm Bệnh viện Chang Gung chi nhánh Cao Hùng, Bệnh viện Chang Gung chi nhánh Gia Nghĩa, Nhà máy lọc dầu Mailiao v.v..., khi đó ông đã đến Việt Nam theo kế hoạch mở rộng phát triển của Tập đoàn Formosa Plastics.
Vì nghề xây dựng là ngành nghề đặc biệt, nhưng ngược lại sẽ rất có tiềm năng ở những nơi chưa phát triển. Ông thành lập công ty tại miền nam Việt Nam, nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan và bắt kịp với trào lưu của Chính sách hướng Nam.
Năm nay là năm thứ 16 kể từ khi ông đến Việt Nam, công ty hiện tại cũng đã tích lũy được hơn 180 dự án công trình, đồng thời mở rộng quy mô phát triển lên tới 200 nhân viên và đội ngũ thi công có 3.000 công nhân. Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của khu vực miền Bắc trong những năm trở lại đây, ông đã thành lập chi nhánh công ty tại thành phố Hải Phòng. Không thể phủ nhận rằng, khi nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng thì cũng gia tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, “nhưng bây giờ, chúng tôi cũng đã vững vàng rồi, ông Giản Trí Minh nói với vẻ đầy tự tin.
Không ngừng cải thiện, Tập đoàn Eternal Prowess liên tục chuyển đổi, luôn lấy năng lượng xanh và thông minh hóa làm tiêu chuẩn để xây dựng nhà xưởng.
Thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Những năm gần đây, Việt Nam là điểm nóng đầu tư quan trọng của Chính sách hướng Nam. “Trước đây, khi gặp bạn bè là chủ doanh nghiệp tại sân bay, họ thường hỏi tôi rằng: ‘Sao ông lại đến Việt Nam?’. Bây giờ khi gặp họ, tôi hỏi ngược lại họ rằng: ‘Cuối cùng các ông cũng đến Việt Nam rồi à!’”, ông Viên Tế Phàm nói một cách hài hước.
Là vùng lãnh thổ đầu tư lớn thứ hai của Đài Loan ở nước ngoài, với Việt Nam mà nói, Đài Loan cũng là đối tác kinh tế quan trọng. Trên thực tế, nếu hạch toán kim ngạch đầu tư tại nước ngoài thì tổng kim ngạch đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam phải đạt trên 600 tỷ Đài tệ, đứng thứ hai và đang có triển vọng vươn lên đầu bảng, chỉ đứng sau Hàn Quốc. Doanh nghiệp của mỗi một quốc gia sẽ mạnh về các mảng ngành nghề khác nhau, như doanh nghiệp Hàn Quốc thì chuyên về xây dựng nhà cao tầng, doanh nghiệp Nhật Bản chuyên bao thầu các công trình công cộng lớn như đường tàu cao tốc, sân bay, v.v..., còn Đài Loan thì đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ thời kỳ đầu tiến quân vào ngành dệt may, đồ gỗ nội thất, giày da, ngành sản xuất xe đạp, cho tới những năm gầy đây thành lập nhà máy điện tử, ngành công nghệ, đã nuôi sống vô số nhân viên và gia đình. “Vì thế, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Đài Loan cũng rất nặng nề”, ông Viên Tế Phàm nắm giữ trong tay một doanh nghiệp có hàng chục ngàn nhân viên, đã nói về trọng trách lâu dài của mình như vậy.
Nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đối với Bệnh viện Shing Mark “Đáng lẽ định xây một khách sạn 5 sao, nhưng cuối cùng lại xây bệnh viện”, có thể nói là một tấm gương mẫu mực về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ông Giản Trí Minh đã cùng với chúng tôi đến thăm Bệnh viện Shing Mark do Công ty Ho-Team xây dựng, nằm tại khu vực ngoại ô của Đồng Nai. Bệnh viện nằm sát cạnh mặt đường lớn, tòa kiến trúc có hình vòng cung đồ sộ trông rất bề thế và đầy khí phách, bước vào bên trong là khu đại sảnh kiểu thông tầng rất thoáng đãng đủ để vừa thoạt nhìn đã thấy rõ các phòng khám và phòng bệnh, với bố cục bề thế và lối quy hoạch không gian theo kiểu trực giác, đã tạo cho mọi người cảm giác như đang bước vào khách sạn vậy.
Người tiếp đón đoàn phóng viên chúng tôi là ông Triệu Tông Lễ (Victor Chao), Chủ tịch Tập đoàn Shing Mark và công ty sản xuất đồ gỗ nội thất lớn nhất châu Á. Đi theo ông tham quan trong bệnh viện đồ sộ này, người được mọi người đánh giá là doanh nhân “có tầm nhìn độc đáo về đầu tư, có thể lực đáng kinh ngạc”, đang ngẩng đầu sải bước, tinh thần khỏe khoắn, hoàn toàn không có cảm giác là người đã ở độ tuổi ngoài bảy mươi.
“1/3 là bệnh viện, 1/3 là khách sạn và 1/3 là nhà máy”, ông Triệu Tông Lễ đưa ra lời giải thích về Bệnh viện Shing Mark như vậy. Với bố cục sang trọng cao cấp, sử dụng đồ nội thất gỗ do Shing Mark sản xuất, mang đậm sắc thái của khách sạn 5 sao. Thiết kế tuyến di chuyển có tầm nhìn rõ rệt, là theo nguyên lý hoạt động của nhà máy. Với sức chứa 2.200 giường bệnh, 50 phòng phẫu thuật, 42 chiếc thang máy, có đủ năng lực y tế của một bệnh viện hạng nhất. Với một bệnh viện có quy mô như vậy, phải nói là hiếm có tại Việt Nam, nhìn sang các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, v.v... cũng chỉ có hai bệnh viện là Bệnh viện công lập Đồng Nai và Bệnh viện Shing Mark.
Ông Triệu Tông Lễ, Chủ tịch Tập đoàn Shing Mark thành lập Bệnh viện Shing Mark, từ ngành sản xuất đồ gỗ nội thất lấn sân sang lĩnh vực y tế.
Mô hình y tế mới cho Chính sách hướng Nam
Ông Triệu Tông Lễ say sưa kể lại lý tưởng ban đầu khi mới xây dựng Bệnh viện Shing Mark, ông khởi nghiệp từ ngành sản xuất đồ gỗ nội thất, trong đó nhiều khách sạn nổi tiếng thế giới như InterContinental, Park Hyatt và Disney v.v..., đều là khách hàng hợp tác lâu năm. Vì vậy, ông vốn có ý định thừa cơ lấn sân sang ngành khách sạn, trong quá trình xin cấp giấy phép, lại được chính quyền địa phương gợi ý rằng: “Cần gì phải xây khách sạn để phục vụ người giàu, người dân địa phương càng cần bệnh viện hơn”.
Để được cấp phép xây bệnh viện tại Việt Nam là rất khó khăn, như Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, Bệnh viện Chang Gung đã từng có ý định này nhưng đều không thành công. Ông Triệu Tông Lễ đã đầu tư tại Việt Nam nhiều năm, vì tạo được uy tín với chính quyền địa phương nên mới được cấp giấy phép và đất đai. Điều đáng quý nhất là kinh phí xây dựng bệnh viện này rất cao, lên tới 300 triệu đô la Mỹ, nhưng đều là vốn đầu tư của cá nhân ông, không lấy lợi nhuận làm yếu tố ưu tiên hàng đầu. Ông nói: “Tôi lấy từ địa phương, cũng sẽ sử dụng cho địa phương”. Ngắm nghía vẻ bề ngoài rất bề thế của bệnh viện, ông cảm thấy tương đối hài lòng: “Cuối cùng, tôi cũng không làm họ thất vọng nhỉ”.
Bệnh viện đóng vai trò là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam, khi mới bắt đầu vận hành thì lại gặp đúng lúc đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội. Đoàn phóng viên chúng tôi đặc biệt phỏng vấn ông Trương Võ Tu (Peter Chang), nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Shing Mark, đang làm việc tại bệnh viện vào đúng dịp diễn ra đại dịch, nên đã đích thân trải qua một thời kỳ u ám đầy hoang mang lo lắng.
Là học giả về chuyên ngành y tế công cộng, trong thời gian xuất hiện dịch SARS, ông Trương Võ Tu từng lên tiếng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách là cố vấn của Sở Y tế. Tháng 3 năm 2021, để thực hiện ước mơ hành nghề y ở nước ngoài, ông đã đến Việt Nam với tư cách là Phó giám đốc bệnh viện.
Vào tháng 5 năm 2021, Việt Nam bùng phát một làn sóng dịch bệnh, trong giai đoạn đầu của đợt dịch này tình hình khá hỗn loạn khiến mọi người cảm thấy vô cùng hoang mang lo lắng, bệnh nhân mắc Covid-19 luôn phải đối mặt với nguy cơ mạng sống trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, việc tiếp cận với thiết bị y tế, thuốc men và vắc-xin là vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp Đài Loan người có tiền góp tiền, người có sức góp sức cùng đoàn kết một lòng. Là điểm trọng yếu của y tế địa phương, Bệnh viện Shing Mark là một trong những cơ quan mua được thuốc kháng virus Molnupiravir và Remdesivir v,v..., cùng với vắc-xin của Morderna và Pfizer, đã cứu sống được rất nhiều người.
Ông Trương Võ Tu hiện đang làm Trưởng phòng quốc tế tại Bệnh viện Kỷ niệm Chang Bing Show Chwan, vẫn đi lại thường xuyên giữa Đài Loan và Việt Nam, luôn tích cực làm sợi dây gắn kết giữa Đài Loan với nước ngoài. Câu danh ngôn mà ông đúc kết được từ bề dày kinh nghiệm chuyên ngành là, Đài Loan có nhân tài y tế xuất sắc, vì vậy ngành y tế càng cần thoát khỏi bức rào chắn của thành trì “người anh hùng mặc áo blouse trắng”, chỉ có liên kết với thế giới thì năng lực cạnh tranh mới được nâng cao.
Thông qua sự giao lưu hợp tác xuyên quốc gia, đã giúp Việt Nam nâng cao trình độ y tế, đồng thời cũng tạo động lực thúc đẩy ngành y tế Đài Loan tiến lên phía trước. Nhờ việc thành lập Bệnh viện Shing Mark, đã xác lập một mô hình y tế mới cho Chính sách hướng Nam, “không chỉ là sự giao lưu đơn thuần về chuyên môn, mà còn là sự chuyển giao hệ thống y tế chuyên ngành một cách toàn diện và trọn vẹn”, ông Trương Võ Tu nêu ra nhận xét như trên.
Thực ra, sợi dây kết nối Đài Loan với Việt Nam mạnh mẽ nhất chính là mối quan hệ về kinh tế thương mại. Người Đài Loan tiến quân vào thị trường Việt Nam là nhờ chiến lược và sự mạnh dạn, ngoài ra với tính cách linh hoạt và kiên định nên đã cắm rễ và bám trụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng nhờ thực lực kinh tế vững mạnh của Đài Loan đã thúc đẩy sự giao lưu tương tác trong nhiều lĩnh vực khác. Mối giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam có thể quay trở lại với bản tính và tình người, xuất phát từ trái tim, trở nên có chiều sâu và sự ấm áp.
Nhiều điều dưỡng viên đang tham dự cuộc thi, tại hiện trường diễn ra bầu không khí vô cùng sinh động, thể hiện sức sống mạnh mẽ của Việt Nam.