Tọa đàm văn hóa hướng Nam mới
Giao lưu hai chiều lấy con người làm trọng tâm
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 10 2020
台灣光華雜誌與臺灣亞洲交流基金會共同在思劇場進行「移動中的東南亞──從新住民看新南向」座談,與會人士不約而同提到,新住民在台灣,不只豐富了台灣文化的多元,也展現了無窮的生命力!
Tạp chí Taiwan Panorama phối hợp với Quỹ Giao lưu Đài Loan - châu Á, tổ chức buổi tọa đàm tại Sân khấu nghệ thuật Thinkers (Thinkers’ Theatre) với chủ đề “Một Đông Nam Á đang dịch chuyển – Chính sách hướng Nam mới theo góc nhìn của di dân mới”. Những người tham gia tọa đàm đều đề cập rằng, Di dân mới sinh sống tại Đài Loan không chỉ làm phong phú thêm sự đa dạng văn hóa cho đảo ngọc, mà còn thể hiện sức sống bất tận!
Sau đây là trích đăng bài phát biểu của các vị khách mời để độc giả cùng tìm hiểu về thực trạng giao lưu văn hóa trong chính sách hướng Nam mới của Đài Loan.
Chính sách hướng Nam mới lấy con người làm trọng tâm
Ông Tiêu Tân Hoàng (Michael Hsiao) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Giao lưu Đài Loan - châu Á cho biết:
“Chính sách hướng Nam mới” là mục tiêu chiến lược quan trọng về kinh tế của Chính phủ, được triển khai từ năm 1994 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Lý Đăng Huy, có thể nói đó là chính sách hướng Nam phiên bản 1.0, đưa nguồn vốn của Chính phủ và của doanh nghiệp quốc doanh Đài Loan vào các nước Đông Nam Á. Chính sách hướng Nam vào năm 2003 của Tổng thống Trần Thủy Biển được coi là phiên bản 2.0 nhưng không có khối tư nhân tham dự nên hiệu quả còn hạn chế.
Vậy trong “Chính sách hướng Nam mới” được đưa ra năm 2016 có gì “mới”? Thứ nhất là lấy con người làm trọng tâm; thứ hai là làm phong phú, đa dạng hóa chính sách và có thêm sự tham dự của khối tư nhân.
Tôi tin rằng, khi tạo dựng được sự giao tiếp tốt giữa con người với con người, dòng tiền sẽ tự nhiên đổ vào, nhất là tại Đài Loan có thể triển khai chính sách hướng Nam mới. Đối với những di dân quốc tế đến Đài Loan theo các diện khác nhau gồm làm việc, du học và kết hôn, đặc biệt là những người nhập cư mới đã bám trụ lại trên mảnh đất này, đều là người chung một nhà, cần được quan tâm chăm sóc.
Ông Hoàng Chí Dương (Volkan Huang) - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết:
Di dân mới sinh sống tại Đài Loan không chỉ tạo sự giao lưu và hòa quyện về văn hóa, mà còn làm cho nền văn hóa Đài Loan thêm phần phong phú, thể hiện nguồn sống bất tận, quý vị có mặt tại đây đều là những người có đóng góp.
Sự phát triển và thành quả chính sách
Ông Hoàng Trung Triệu - Trợ lý Đại diện đàm phán của Văn phòng Đàm phán Kinh tế Thương mại Viện Hành chính cho biết:
Xét về tình hình dịch bệnh Covid-19, y tế là yếu tố vô cùng quan trọng trong chính sách hướng Nam mới. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi, ngay cả trong mùa dịch, sản phẩm y tế của Đài Loan xuất khẩu sang Đông Nam Á trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay tăng trưởng hơn 10%, số liệu vượt cả khu vực châu Âu và Mỹ.
Về lĩnh vực đầu tư và thương mại, do tác động của dịch Covid-19, hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Đài Loan tại khu vực Đông Nam Á là Nhật Bản và Hàn Quốc bị sụt giảm ở mức hai chữ số. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ, cho thấy chính sách hướng Nam mới là đường lối đúng đắn.
Về giáo dục, nhờ sự thúc đẩy của chính sách hướng Nam mới, bắt đầu từ năm ngoái, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam du học Đài Loan đã cán mốc 20 nghìn người, vượt qua Malaysia, số lượng học sinh Đài Loan du học tại Đông Nam Á cũng đang trên đà gia tăng.
Anh Trần Định Lương - Trợ lý nghiên cứu văn hóa của Quỹ Giao lưu Đài Loan - châu Á cho biết:
Tôi thường được người ta hỏi rằng: Đông Nam Á có văn học không? Khu vực Thái Bình Dương có nghệ thuật hay không? Thế nên, tôi muốn hỏi ngược lại rằng, cây thước để đo lường nghệ thuật và văn hóa Đông Nam Á trong lòng mỗi chúng ta, phải chăng là dựa theo tiêu chuẩn có tính thể chế hóa và phép tắc? Nếu loại bỏ tiêu chuẩn này, sẽ thấy văn hóa Đông Nam Á là vô cùng đa dạng, có sự giao thoa lẫn nhau và rất phát triển. Đây là giá trị văn hóa mà tôi đặt niềm tin, đồng thời nó cũng được đưa vào thực tiễn giao lưu văn hóa của Quỹ Giao lưu Đài Loan – châu Á trong Chính sách hướng Nam mới.
Hiện nay Quỹ Giao lưu Đài Loan – châu Á đang tiến hành những chương trình giao lưu văn hóa với 4 phương hướng chủ yếu, trong đó bao gồm chương trình tọa đàm văn hóa di dân mới hợp tác với Tạp chí “Taiwan Panorama”. Ngoài ra, còn có chương trình hợp tác giữa Quỹ Giao lưu Đài Loan – châu Á với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Phát triển Du lịch - Văn hóa Mêkông. Thông qua sự tương tác giữa các nghệ sĩ và người hoạch định chương trình để tạo cơ chế giao lưu có tính hệ thống.
Sáng tác nghệ thuật và tự bồi dưỡng năng lực
Cô Tôn Bình - Người chủ trì chương trình giao lưu quốc tế của Quỹ Đài Loan Văn hóa cho biết:
Bắt đầu từ năm 2019, Quỹ Đài Loan Văn hóa đã tập trung vào phát triển kế hoạch có tính khu vực, không chỉ bao gồm việc học tập và giao lưu lẫn nhau giữa các nghệ sĩ hai bên, mà còn tìm cách khám phá, phát hiện nét văn hóa và tố chất Đông Nam Á tiềm tàng tại Đài Loan bên cạnh các chính sách của Bộ Văn hóa và Quỹ Văn hóa Ngệ thuật Quốc gia.
Đặc biệt là các hoạt động quảng bá do chúng tôi quy hoạch, thông qua chị em di dân mới, những chủ đề được khai thác để triển khai hoạt động trưng bày và biểu diễn, thể hiện năng lượng và sự phát triển văn hóa của di dân mới tại Đài Loan. Ví dụ vào năm 2019, Trung tâm nghệ thuật “Open Contemporary” hợp tác với nghệ nhân nặn tò he Pindy Windy, nhóm nghệ thuật Lifepatch của Indonesia dàn dựng khung cảnh văn hóa Indonesia, xâu chuỗi các hiện vật lịch sử và ký ức cuộc sống lại với nhau. Đó chính là khai thác phát triển những hoạt động sáng tạo chung.
Cô Lý Bội Hương - Hội trưởng Hội chị em Nam Dương tại Đài Loan cho biết:
Sự ra đời của Hội chị em Nam Dương tại Đài Loan (TransAsia Sisters Association, Taiwan) bắt nguồn sớm nhất là vào năm 1995, do các chị em người Indonesia sang lấy chồng ở khu vực Mỹ Nông khởi xướng lớp học tiếng Hoa. Năm 2002, khi sang Đài Loan lập gia đình, chồng tôi cũng giúp tôi đăng ký theo học lớp tiếng Hoa của Hội chị em Nam Dương tại khu Trung Hòa, thành phố Tân Bắc.
Hiện nay trong Hội chị em Nam Dương có tới 2/3 số ủy viên giám sát, ủy viên điều hành đều do chị em di dân mới đảm nhận. Thật không dễ dàng chút nào khi nhiều người không cùng chung một ngôn ngữ mẹ đẻ cùng dự cuộc họp. Có lẽ mọi người đều cho rằng, họp 1 tiếng đồng hồ thì chẳng có hiệu quả mấy, nhưng mỗi lần chúng tôi họp là phải mất từ 3 tới 4 tiếng. Đối với mọi người mà nói thì đều phải trải qua sự rèn luyện; nhưng điều này cũng chứng tỏ các chị em đã thoát khỏi sự cô lập, trở thành người tích cực tham gia vào các vấn đề xã hội.
Cho đến nay, Hội chị em Nam Dương đã triển khai được rất nhiều công việc quảng bá, xúc tiến văn hóa. Ví dụ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực, giới thiệu câu chuyện về những món ăn, tìm hiểu quê hương và câu chuyện cuộc đời của chúng tôi. Sau khi tham gia hoạt động, người Đài Loan mới chợt hiểu rằng, thì ra những tin đồn trước đây từng nghe thấy rằng “chị em di dân mới tụ tập sẽ bị nhiễm thói xấu của nhau” là không đúng. Để người Đài Loan có thể lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, thấu hiểu cảnh ngộ của chúng tôi, cũng như thực sự hiểu được chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã cho xuất bản cuốn “Hương vị quê nhà trên bàn ăn”.
Năm 2009, chúng tôi thành lập Đoàn kịch chị em Nam Dương, quay phim phóng sự “Let’s Not Be Afraid!” và phát hành bộ trò chơi board game “Chợ nổi: Việt Nam trong sóng lớn” (Floating Market - Vietnam in Waves) để quảng bá văn hóa Việt Nam; ngoài ra, còn có album nhạc “Tôi không muốn phiêu bạt” (Drifting No More), đều nói lên những cảm nhận chân thật của các chị em.
Hội chị em Nam Dương cũng thúc đẩy những đề xướng về pháp lệnh, chính sách, khiến việc cung cấp chứng minh tài chính, hay nhận định mức độ phạm tội nhẹ thuộc các đạo luật của Đài Loan như Luật Di dân, Luật Quốc tịch đều đưa ra những quy định thân thiện hơn đối với lao động nước ngoài và di dân mới. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tổ chức thêm nhiều lễ hội nghệ thuật, liên hoan phim, không chỉ giúp người Đài Loan tìm hiểu văn hóa Đông Nam Á, mà còn giúp di dân mới nhận thức sâu sắc hơn về đất nước mình.
Ông Trần Lượng Quân (Ivan Chen) - Tổng biên tập Tạp chí Taiwan Panorama cho biết:
Tạp chí “Taiwan Panorama” đưa tin về vấn đề Đông Nam Á đã hơn 40 năm nay, nhờ vậy đã thấy được quá trình biển đổi của xã hội Đài Loan. Các bài viết ở thập niên 1980 đều đặt trọng tâm vào việc quảng bá, tuyên truyền về thành tựu xuất khẩu kỹ thuật của Đài Loan sang Đông Nam Á và còn có sự tác động ảnh hưởng của Đài Loan đối với văn học Hoa ngữ của Malaysia. Đến thập niên 1990 bắt đầu xuất hiện những bài viết miêu tả về cách hòa nhập và thích nghi các sắc thái văn hóa khác nhau của Đông Nam Á. Từ năm 2000 trở đi bắt đầu có những bài viết về con em di dân mới và vấn đề di dân mới làm thế nào để hòa nhập vào xã hội Đài Loan. Những bài viết từ sau năm 2015 được thể hiện bằng thủ pháp kể chuyện với sự chuyển biến dần dần từ quan sát nền văn hóa nước ngoài bằng góc nhìn từ bên ngoài sang góc nhìn hướng nội, coi di dân mới là một phần trong văn hóa đa dạng của Đài Loan, cho thấy xã hội Đài Loan đang trải qua các giai đoạn từ xa lạ, xung đột, chuyển sang cùng tồn tại và hòa nhập với nhau.
Chính sách hướng Nam mới theo góc nhìn của di dân mới
Cô Trần Ngọc Thủy - Giảng viên tiếng Việt tại Trường Đại học Cộng đồng Trung Sơn cho biết:
Trước kia, cụm từ “cô dâu nước ngoài” thường được gắn với những sự liên tưởng tiêu cực như kết hôn vì tiền, kết hôn giả, v.v... Trải qua nhiều năm khiến tôi mới dần dần hiểu ra rằng, do xã hội Đài Loan “thiếu cơ hội để tìm hiểu, không phải cố tình kỳ thị” trong khi di dân mới mong muốn được đối xử bình đẳng.
Hiện nay, trong đề cương chương trình giáo dục năm 2019 có giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ, cũng chính là ngôn ngữ Đông Nam Á. Đối với con em di dân mới, mỗi tuần chỉ học một tiếng đồng hồ là không đủ, hy vọng chính phủ có thể cung cấp thêm nhiều giáo trình và tạo cơ hội học tập đa dạng hơn nữa cho con em di dân mới.
Cô Lưu Thiên Bình - Ủy viên thường vụ Hội chị em Nam Dương tại Đài Loan cho biết:
Tôi là di dân mới thế hệ hai, là đứa con mang hai dòng máu Đài-Việt. Tôi nhận thấy trong lớp thế hệ con em di dân mới tại Đài Loan có sự phân chia giai cấp. Tại sao những đứa trẻ là con của người Đài Loan và người phương Tây thì được gọi là con lai, còn chúng tôi thì được gọi là di dân mới thế hệ hai? Tại sao học tiếng Nhật được coi là ngoại ngữ hai, còn học 7 loại ngôn ngữ Đông Nam Á thì được gọi là học tiếng mẹ đẻ? Tôi xem thông tin trong hộ tịch của mình, tính theo bên nhà nội thì tôi là đời thứ tám, tính theo mẹ thì tôi là thế hệ thứ hai. Vậy thì mọi người phải gọi tôi là di dân mới thế hệ hai hay là cư dân cũ đời thứ tám đây? Đài Loan giống như ngôi trường phép thuật mà Harry Potter theo học, cũng có một chiếc mũ phân loại tàng hình. Chiếc mũ phân loại của người Đài Loan thì quá đỗi cứng nhắc, để quảng bá, xúc tiến văn hóa cần phải thách thức chiếc mũ phân loại tàng hình này, phá bỏ sự phân biệt giai cấp.
Cô Lý Mi Quân - Du học sinh Hoa kiều, ủy viên trù bị Hội cựu sinh viên tại Đài Loan cho biết:
Tôi đến Đài Loan đã 33 năm, là di dân mới sinh sống lâu nhất ở Đài Loan. Người Đài Loan rất thân thiện với người nước ngoài, tuy nhiên thường vì không hiểu rõ nên hay vô tình hỏi những câu hỏi làm phật lòng người khác, nhưng đó không phải là cố ý, hy vọng Chính phủ hoặc các tổ chức NGO có thể tạo thêm nhiều cách thức và cơ hội tìm hiểu di dân mới.