Dòng chảy của cuộc sống
Ngôi nhà sách Việt
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Đào Thị Quế Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 10 2023
Ảnh: Jimmy Lin
五年多來,位於花蓮的越南故事書屋,每周六開辦免費的越語課程,老師們念繪本故事,帶著孩童一起玩遊戲、製作越南美食。
創立書屋的起心動念,是越南籍的新住民陶氏桂,為了回報在台灣受九年教育的恩情。
Ở Hoa Liên, nơi có một ngôi nhà sách Việt, trong hơn 5 năm qua cứ vào thứ Bảy hàng tuần đều mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí, trong lớp thầy cô giáo đọc truyện tranh cho học sinh, cùng chơi trò chơi và làm món ăn Việt Nam với các bé.
Người đưa ra ý tưởng thành lập nhà sách này là chị Đào Thị Quế, di dân mới gốc Việt, với tâm nguyện đền đáp công lao “9 năm dạy dỗ” của Đài Loan dành cho chị.
Một buổi chiều cuối tuần đầu tiên của tháng 3, nắng chan hòa gió xuân ấm áp, một biển cờ đỏ sao vàng Việt Nam đang tung bay trên sân khấu quảng trường tự do của thành phố Hoa Liên.
Một nhóm chị em diện áo bà ba đang chơi trò bịt mắt bắt lợn, tay cầm dép lê chơi trò tạt lon, tiếng nô đùa náo nhiệt xen lẫn những tràng cười giòn giã, các bé thì đang ra sức kéo co trên bãi cỏ, có bé thì nhảy bao bố, hồi hộp hô to “cố lên’. Đây là hoạt động Tết thiếu nhi Việt Nam được nhà sách Việt tổ chức nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3.
Tối thứ Bảy hàng tuần, nhà sách đều có lớp dạy tiếng Việt miễn phí, ảnh bác Hồ được treo trên tường lớp học, phía dưới là dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Giáo viên phụ trách lớp học này dùng tiếng Anh để dạy tiếng Việt, họ là Huỳnh Quốc Tuấn và Huỳnh Lê Anh Huy, hiện là nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, đang theo học chương trình tiến sĩ về Nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Đông Hoa.
Chị Đào Thị Quế cảm ơn ân tình được đi học miễn phí ở Đài Loan, sáng lập ngôi nhà sách Việt để đền đáp lại cho xã hội. (Ảnh: Jimmy Lin)
Gả đến nơi đất khách
Người sáng lập nhà sách Việt là chị Đào Thị Quế, gia đình bên chồng của chị Quế kinh doanh homestay ở gần ga xe lửa Hoa Liên, mười mấy năm trước làm ăn đắt khách, ngày nào cũng chật kín phòng. Mẹ chồng của chị là bà Tô Ngọc Quế, làm việc trong Cục Cảnh sát, sau khi về hưu, do bị viêm khớp vai, việc dọn dẹp phòng trở nên rất khó khăn nên bà mong cho con trai mau lấy vợ. Anh Lưu Chí Trung vốn là người ít nói lại theo chủ nghĩa độc thân nhưng không muốn mẹ cực quá, bèn nhờ bạn bè mai mối, thế là cưới chị Quế về nhà.
Chị Đào Thị Quế gả sang Đài Loan khi mới tròn 20 tuổi, một chữ tiếng Hoa bẻ đôi cũng không biết. Chị nhớ rất rõ: “Ngày 9 tháng 9 mình sang Đài Loan, ngày thứ hai là ngày 10 tháng 9, mẹ chồng liền đưa tôi đến lớp bổ túc trường tiểu học Minh Nghĩa, Hoa Liên để học tiếng Hoa”. Đến lớp học, chị làm quen được rất nhiều chị em người Việt, chị chia sẻ: “Trong lớp mọi người đều rất quan tâm mình, giáo viên cũng tận tâm giảng dạy khiến cho mình cảm thấy ấm áp, có được cảm giác an toàn nên đỡ nhớ nhà hơn”.
Sau khi gả sang Đài Loan, trở thành bà chủ homestay nhưng chị lại không hiểu khách đang nói gì, cần gì, chỉ nghe khách xí xa xí xồ, trong lòng rất hoảng loạn. Thế là chị ép bản thân phải học thuộc lòng 40 đến 50 từ vựng mỗi ngày. Sau 3 tháng, chị đã có thể nghe hiểu tiếng Hoa và trao đổi, giao tiếp với khách.
Bố mẹ chồng thấy chị thích nghi với cuộc sống khá nhanh nên khuyến khích chị tham gia Trung tâm phục vụ gia đình Di dân mới thuộc Hiệp hội nữ thanh niên Cơ đốc giáo YWCA, làm tình nguyện viên trực điện thoại, tư vấn thông tin cho chị em di dân mới có nhu cầu thi bằng lái xe hoặc những vấn đề thích nghi cuộc sống, v.v...
Mỗi lần tiếp nhận những vụ tố cáo bạo lực gia đình, trong lòng chị Quế luôn thấy biết ơn và trân trọng những gì đang có. Chị chia sẻ trong niềm viên mãn hạnh phúc: “Bố mẹ chồng không xem mình là con dâu, họ xem mình như con gái ruột”.
“Bố chồng mình nói, học tiếng Hoa ở trường là giáo dục trong trường học, làm tình nguyện viên là giáo dục xã hội và còn giáo dục gia đình nữa”. Chị chia sẻ, bố mẹ chồng hoàn toàn tôn trọng cách thức truyền thống của chị, vì thế mỗi lần trước bữa cơm, người nhỏ tuổi trong nhà nhất định phải nói: “Mời ông bà dùng bữa” rồi mới được phép ăn cơm, văn hóa trọng lễ nghĩa của Việt Nam đã được chị đưa vào trong giáo dục gia đình.
Lớp học chia sẻ đa văn hóa giúp các bé tìm hiểu về trang phục truyền thống của Việt Nam.
Lớp học chia sẻ đa văn hóa giúp các bé làm quen với ẩm thực Việt Nam.
Cuộc đánh cược bay xa nghìn dặm
Chỉ mới quen nhau 2 tiếng đồng hồ đã quyết định kết hôn, chị Đào Thị Quế chia sẻ: “Anh xã cho rằng đó là duyên số, còn đối với mình thì đây lại là một ván cược cuộc đời”. Hoàn cảnh gia đình chị Quế ở Việt Nam rất khó khăn, bố chồng từng ví nhà của chị ở Việt Nam giống như của Đài Loan 40 năm về trước, căn nhà lợp bằng lá, nhà vệ sinh là dạng hố xí thô sơ, ăn cơm thì ngồi dưới đất. Chị muốn đánh cược, nếu gả vào nhà chồng tốt thì có thể giúp gia đình mình cải thiện kinh tế.
“Ngày thứ hai mình đến Đài Loan là đã học được cách bọc nệm cho 7 loại phòng và biết bổ sung vật dụng”. Chị Quế dậy từ sớm tinh mơ để chuẩn bị bữa sáng cho khách, anh xã thì dọn dẹp nhà vệ sinh, đến giờ cơm, bữa ăn của cả nhà đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bố mẹ chồng thấy con dâu toàn tâm chăm lo cho nhà họ Lưu nên cũng rất chu đáo, đưa cho con dâu tiền tiêu vặt hàng tháng, để cho con dâu gửi tất cả số tiền đó về Việt Nam. Mười năm sau, khi vợ chồng chị Quế trả hết khoản vay ngân hàng mua homestay ở Hoa Liên, bố mẹ chồng đã cho chị một khoản tiền khá lớn để gửi về xây nhà cho gia đình ở Việt Nam. Nhờ sự nỗ lực không ngại cực khổ của chị Quế mà cuộc sống của gia đình của chị ở Việt Nam đã bước sang trang mới.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, nhà sách Việt tổ chức các hoạt động văn hóa Việt Nam.
Thành lập ngôi nhà sách Việt
Khi còn ở Việt Nam, chị Quế chỉ mới tốt nghiệp cấp 2. Sau khi sang Đài Loan, chị đã học bổ túc từ tiểu học, trung học lên đến khoa Quản trị kinh doanh trường trung cấp Thương nghiệp Hoa Liên. Chị Quế chia sẻ trong niềm tự hào: “Mình học lớp bổ túc ban đêm trong suốt 9 năm, vì trường bổ túc nên không cần đóng tiền học phí và các khoản chi phí khác, thành tích học tập của mình thường xuyên lọt top 3 của lớp, còn được lãnh học bổng nữa chứ”.
Đài Loan cũng có chương trình hỗ trợ vay ngân hàng đóng học phí, giúp cho việc học tập của con em không trở thành gánh nặng quá lớn cho phụ huynh. Chị Quế nói: “Mình đã nhận được biết bao sự hỗ trợ của xã hội, mình muốn đền đáp lại nhưng bản thân chỉ thông thạo tiếng Việt”. Năm 2018, chị đã nộp đơn tham gia Kế hoạch tăng tốc khởi nghiệp dành cho phụ nữ thời đại mới được tài trợ bởi Quỹ Thúc đẩy Phát triển quyền lợi phụ nữ và thành công xin được khoản trợ cấp 150.000 Đài tệ. Thế là hành trình mua sách bắt đầu với tổng cộng trên 1.000 cuốn truyện tranh tiếng Việt nặng hơn trăm ký được gửi hàng không sang Đài Loan, bao gồm sách giáo khoa bậc tiểu học, truyện tranh sự tích về quả vú sữa, bảy chú lùn, v.v..., “Ngôi nhà sách Việt” cũng đã ra đời từ đó.
Dù trong nhà sách đã có sách nhưng đó cũng chỉ dừng lại ở lý tưởng, các chị em người Việt không có thời gian để đọc sách cho con vì còn phải bận lo gia đình, công việc, trong khi các con thì lại không biết đọc tiếng Việt. Chị Quế bèn nảy ra ý tưởng mở khóa học tiếng Việt miễn phí.
Hiện tại lớp tiếng Việt mở vào thứ 7 hàng tuần, các em sẽ được học từ vựng, luyện viết trong 1 tiết đầu tiên, đến tiết thứ hai sẽ kể chuyện, kết hợp trò chơi, múa hát, nấu ăn, có em theo học hai năm liền không gián đoạn. Sự tương tác và học tập trên lớp đã thể hiện nên một khung cảnh lớp học đa văn hóa.
Nhà sách Việt cũng từng mở lớp dạy tiếng Việt online miễn phí dành cho người lớn, lớp học có trên 30 học sinh báo danh, có người là thương gia Đài Loan, người thì có thành viên gia đình là di dân mới, họ đều có niềm hứng thú với văn hóa Việt Nam, giảng viên của lớp tiếng Việt online này là chị Nguyễn Thị Kim Phụng.
Nghiên cứu sinh theo học chương trình tiến sĩ Đại học Đông Hoa, anh Hoàng Quốc Tuấn cho rằng, khi dạy tiếng Việt cho mọi người, anh cảm nhận được sự tích cực học tiếng mẹ đẻ của thế hệ thứ hai di dân mới, một khi hiểu được văn hóa quê mẹ thì các em sẽ hình thành nên nhận thức về bản sắc dân tộc.
Ảnh chụp kỷ niệm trong ngày diễn ra hoạt động Tết Thiếu nhi Việt Nam.
Truyền bá văn hóa Việt Nam xuyên khu vực
Bắt đầu từ năm 2020, nhà sách Việt hầu như mỗi tháng đều chọn những không gian công cộng như công viên hoặc quảng trường trong khu dân cư để tổ chức các hoạt động mang chủ đề văn hóa Việt Nam. Hoạt động mở cửa chào đón tất cả mọi người thường sẽ chọn ngày cuối tuần để cho anh chị em lao động di trú có thể tham gia, làm vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương.
Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, không gian trong nhà sách Việt sẽ được trang trí bằng cây mai vàng, các chị em sẽ cùng nhau mặc quốc phục truyền thống màu đỏ, tạo nên không khí lễ tết. Chị em nào người Bắc sẽ làm bánh chưng nhân mặn và nhân chuối ngọt, còn chị em miền Nam thì chắc chắn sẽ chuẩn bị dưa hấu, ngoài ra còn chuẩn bị mâm ngũ quả gồm năm loại trái cây như vải, xoài tùy theo phong tục của hai miền Bắc Nam nhưng đều mang ý nghĩa tượng trưng cho một năm dư dả, ăn no mặc ấm.
Còn hoạt động Tết Trung Thu được tổ chức liên tục trong 5 năm qua, thực ra là Tết Thiếu nhi ở Việt Nam. Các tình nguyện viên của nhà sách dùng chai nhựa làm lồng đèn, dẫn các bé thiếu nhi đi dạo phố phường, cùng ăn kẹo và bưởi. Mỗi lần tổ chức hoạt động lễ hội, chị em di dân mới không chỉ thể hiện tính chủ thể văn hóa của mình mà còn đạt được mục đích kế thừa văn hóa.
Chị Quế chia sẻ, màn cá cược cuộc đời 16 năm trước khiến cho Đài Loan trở thành ngôi nhà của chị, chị cũng rất trân trọng sự tốt đẹp tiến bộ của nền y tế và an ninh trật tự ở Đài Loan. Chị muốn san sẻ ân tình và hạnh phúc mà Đài Loan đã dành cho chị bằng cách thông qua những hoạt động cộng đồng, hỗ trợ chị em di dân mới và thế hệ thứ hai của họ.
Nghị viên huyện Hoa Liên, bà Dương Hoa Mỹ (Yang Hua-mei) cho rằng chị em di dân mới, thành viên của ngôi nhà sách Việt đã thông qua lớp dạy ngôn ngữ, các hoạt động lễ tết để thể hiện tính chủ thể của dân tộc, giao lưu trao đổi với xã hội Đài Loan. Những trải nghiệm cuộc sống di chuyển xuyên biên giới của họ đã mang lại rất nhiều yếu tố văn hóa đa dạng cho Đài Loan.
Nhà sách Việt lấy ý tưởng “sách chuyền tay”, người dân ai cũng có thể vào mượn sách, truyện tranh. (Ảnh Jimmy Lin)