Cảm nhận sức sống của âm nhạc
Hiện trạng và suy ngẫm về nghệ thuật biểu diễn Đông Nam Á tại Đài Loan
Bài‧Rina Liu Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 10 2021
自「新南向政策」實施以來,來台的東南亞新移民們,在經濟與工作上獲得改善,然而生活品質和精神層面的提升卻並不顯著,「原因出在我們不夠、也不那麼願意去了解東南亞國家的民族文化。」台南藝術大學民族音樂學研究所教授蔡宗德認為,台灣是個對世界文化兼容並蓄的國家,台灣人民熱情而友善,但這份包容的背後,其實隱藏著還有待改善且值得深思的部分。
Kể từ khi thực hiện “Chính sách Hướng Nam mới”, anh chị em tân di dân Đông Nam Á đến Đài Loan đã phần nào cải thiện được đời sống kinh tế và công việc nhưng chất lượng cuộc sống cũng như phương diện tinh thần thì vẫn chưa được nâng cao đáng kể, “nguyên nhân là do chúng ta chưa hiểu rõ và cũng chưa thực sự muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc của các nước Đông Nam Á”, thầy Thái Tông Đức (Ted Tsai), giáo sư Viện Nghiên cứu âm nhạc dân tộc, Đại học Nghệ thuật Đài Nam nhận định. Đài Loan là một quốc gia đón nhận và dung hòa nhiều nền văn hóa thế giới, con người Đài Loan vừa nhiệt tình lại vừa thân thiện nhưng đằng sau sự bao dung đó thực ra còn tiềm ẩn nhiều điều phải cải thiện và có những điều đáng để suy ngẫm.
Vì văn hóa mẹ đẻ mà tụ họp bên nhau, kết bạn giao lưu bằng âm nhạc truyền thống. Nhóm thổi sáo Việt Nam mà anh Vũ Duy Tuấn tham gia có rất nhiều thành viên, nhưng dù cho mỗi lần chỉ có 3 đến 5 người rảnh rỗi thì họ vẫn duy trì tìm nơi tập luyện và giao lưu. (Ảnh do Vũ Duy Tuấn cung cấp)
Nghệ thuật là cuộc sống
“Địa vị kinh tế chính trị của Đài Loan tương tự như các nước Đông Bắc Á nhưng văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc thì lại gần giống với các nước khu vực Đông Nam Á”, giáo sư Thái Tông Đức dành cả cuộc đời để nghiên cứu nền âm nhạc các dân tộc trên thế giới, ông cũng là ủy viên Ủy ban tư vấn Đông Nam Á Đài Loan. Trong “Kế hoạch chuyên đề giao lưu hải ngoại hướng Nam mới” được phát triển bởi Vụ Giao lưu Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Đài Loan, ông đã đưa ra kết quả khảo sát thực địa sau nhiều năm rằng: “Đối với các dân tộc Đông Nam Á, cuộc sống của họ không thể tách rời với âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật. Đó chính là dưỡng chất tinh thần và cũng là chỗ dựa tâm linh của họ”. Lấy làm tiếc trước thực trạng hiện tại, giáo sư Thái Tông Đức nói: “Nhưng đối với tân di dân và lao động di trú ở Đài Loan, đa số đã bị thực tế và sự đối đãi bất công cướp đi điều này”.
“Anh chị em Tân di dân và lao động di trú mặc dù chưa từng được đào tạo chuyên môn khi ở quê nhà nhưng sau khi sang Đài Loan hầu như họ đều chọn những hình thức biểu diễn nghệ thuật như âm nhạc hoặc vũ đạo truyền thống để nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, hơn nữa nhờ vào tinh thần gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ ký ức, giúp họ hình thành nhận thức bản sắc cá nhân và xoa dịu phần nào cảm xúc khi sống nơi đất khách, cũng nhờ vậy đã tạo cơ hội giao lưu và gây dựng nên các mối quan hệ giữa mọi người”. Giáo sư Thái Tông Đức nói: “Nếu không có những điều này thì chất lượng cuộc sống của họ sẽ giảm sút, thậm chí có cảm giác mất sự kết nối với văn hóa quê hương”. Một khi không còn chỗ dựa tinh thần thì anh chị em tân di dân và lao động di trú rất dễ lầm đường lạc lối và nảy sinh sự bất mãn với cuộc sống. Điều đó khiến cho giáo sư Thái Tông Đức lưu ý đến những vấn đề thực sự cần phải quan tâm đằng sau đời sống biểu diễn nghệ thuật của nhóm người này.
Theo nghiên cứu của giáo sư Thái Tông Đức, nghệ thuật biểu diễn có ý nghĩa to lớn đối với tâm lý và trong đời sống của dân tộc các nước Đông Nam Á.
Khó xử trước nhu cầu kinh tế và văn hóa
Giáo sư Thái Tông Đức cho rằng, vấn đề chủ yếu của chị em tân di dân là đặt trọng tâm cuộc sống vào gia đình, không thể độc lập về kinh tế, đa số gia đình nhà chồng hy vọng họ nhanh chóng hòa nhập văn hóa Đài Loan nên không thiết tìm hiểu văn hóa quê hương của nàng dâu. “Một khi không thể độc lập về công việc hoặc kinh tế thì thời gian chăm sóc gia đình sẽ chiếm gần hết quỹ thời gian cuộc sống, dù cho có chính sách tân di dân khá tốt đi chăng nữa nhưng mảng nghệ thuật biểu diễn vẫn là thứ xa xỉ đối với họ”.
Còn đối với lao động di trú thì càng nghiêm trọng hơn. Đều là nhận visa lao động nhập cảnh Đài Loan nhưng so với các nước khác, người Đài Loan lại có ấn tượng và quan niệm hoàn toàn khác đối với lao động di trú. Vì đa số tính chất công việc của lao động di trú không cần kiến thức chuyên môn cao, mà phần lớn là cần thể lực để làm các công việc chân tay nặng nhọc, lao động di trú đến Đài Loan làm việc đều là thanh niên trai tráng có thể lực tốt nhất. “Họ có nguồn cảm xúc phong phú, lòng nhiệt huyết vô hạn với cuộc sống nhưng họ không có thời gian, cũng không có tiền, phải chịu nhiều hạn chế và định kiến, bao gồm cả tôn giáo”. Giáo sư Thái Tông Đức cho rằng các chính sách hiện nay vẫn chưa đủ để chăm lo cho hơn 710.000 lao động di trú tại Đài Loan.
Anh Vũ Duy Tuấn, người thổi sáo đến từ Việt Nam, đã sang Đài Loan khoảng 5 năm, tiếng Trung chưa sành sõi cho lắm, anh làm việc trong ngành chế tạo truyền thống. Anh nói: “Khi có ngày nghỉ, chúng tôi sẽ đi gặp bạn bè”. Vị hôn thê của anh là chị Đỗ Thị Kim Viên, công việc của hai người khác nhau nhưng họ đã có duyên gặp nhau trong một dịp họp mặt người Việt.
Đỗ Thị Kim Viên đến Đài Loan đã lâu, chị làm hai ca trong ngành dịch vụ nhà hàng. Đối với chị, mỗi khi được tụ họp bạn bè người Việt Nam với nhau là điều rất đỗi quý giá: “Mọi người đều làm việc ở các thành phố khác nhau, do vấn đề giao thông và tiền bạc nên chúng tôi đa số đều tụ họp ở khu vực công cộng gần ga xe lửa nhưng mỗi khi nghe thấy chúng tôi ca hát nhảy múa, trò chuyện thì mọi người đến đuổi chúng tôi đi”.
Bị xua đuổi nhiều lần nên các cuộc gặp gỡ cũng ít dần, anh Vũ Duy Tuấn không tránh khỏi nỗi nhớ nhà, thế là anh bắt đầu nghe nhạc Việt và cũng từ đó tiếp xúc với môn sáo mèo, một loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. “Hồi ở Việt Nam tôi chưa từng học thổi sáo mèo, cũng không hiểu cách xem nhạc phổ, một hôm xem trên Youtube có một thầy người Việt dạy cách thổi sáo khiến tôi rất cảm động”. Anh Vũ Duy Tuấn làm quen lại với văn hóa của chính đất nước mình và nỗ lực luyện tập. Giờ đây, ban nhạc thổi sáo Việt Nam đã có gần 20 thành viên, anh nói tiếp: “Nhưng bình thường có thể tụ họp cùng lúc 5 đến 6 người là điều hiếm hoi lắm rồi”.
Chị Koming Somawati là một vũ công quốc tế của đảo Bali, ngoài việc giảng dạy trong trường đại học, chị còn mở phòng dạy múa, học sinh có cả tân di dân và con em họ. (Ảnh do Koming Somawati cung cấp)
Những câu chuyện mà mọi người đã bỏ sót
“Hai năm trước rộ lên phong trào nghệ thuật biểu diễn Đông Nam Á, nhiều tân di dân và lao động di trú rất hào hứng khi được chính phủ mời đi biểu diễn”. Giáo sư Thái Tông Đức nói: “Họ nỗ lực luyện tập môn nghệ thuật truyền thống của nước nhà, hy vọng có thể gần gũi hơn với Đài Loan nhưng không có tiền cát sê, lại không có thời gian để họ tập luyện, không có tiền thuê địa điểm, chưa kể đến việc không có bất cứ điều khoản nào để bảo vệ quyền lợi cho họ”. Từ đó cho thấy nghệ thuật biểu diễn Đông Nam Á đang bị những khó khăn của cuộc sống thực tế bóp nghẹt. Giáo sư Thái Tông Đức chia sẻ trong tiếc nuối: “Vì thế nhiều nhóm biểu diễn đã giải tán, số còn lại cũng sắp tan rã, có muốn thành lập nhóm đi chăng nữa cũng không thành. Do sự thiếu sót của chính sách khiến nhiều mảng nghệ thuật biểu diễn và văn hóa dân tộc không thể phát huy, từ đó cơ hội hợp tác giữa Đài Loan và họ cũng ngày càng bị thu hẹp”.
Chị Koming Somawati là vũ công quốc tế đảo Bali Indonesia, xuất thân trong một gia đình làm nghệ thuật qua nhiều thế hệ, chị tập múa từ bé, trước khi sang Đài Loan chị đã cùng chồng, anh Made Mantle Hood người quốc tịch Mỹ, đi khắp các nước để nghiên cứu âm nhạc thế giới. Chồng chị nhận lời mời sang Đài Loan làm giáo sư kiêm giám đốc Viện nghiên cứu âm nhạc dân tộc thuộc Đại học quốc lập Nghệ thuật Đài Nam, thế là chị Koming Somawati, chỉ biết tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ, đã cùng chồng sang Đài Loan. Chị Koming Somawati có kỹ năng vũ đạo và kinh nghiệm học thuật đáng tự hào, vì thế đã mở lớp dạy múa trong trường đại học, thành lập phòng làm việc, giới thiệu khá nhiều vở vũ kịch Bali, tích cực phát triển môn biểu diễn nghệ thuật múa Bali. Chị Koming Somawati tự khen mình có một khuôn mặt “rất Indonesia”, mặc dù chị nói tiếng Anh rất lưu loát nhưng nhìn là biết ngay chị đến từ Đông Nam Á nên thường xuyên bị người Đài Loan nhận nhầm là lao động nước ngoài, những ấn tượng rập khuôn như thế xảy ra ở khắp mọi nơi.
Tân di dân Ngo Jian Nam là người thành lập ban nhạc trống lắc tay Malaysia đầu tiên tại Đài Loan, hiện anh là phát thanh viên đài phát thanh Giáo dục Quốc lập. Từ khi đạt được chứng chỉ tiến sỹ triết học trường Đại học Chính trị cho đến khi tham gia biểu diễn nghệ thuật, suốt quá trình đó anh đều nhận được khá nhiều ưu đãi từ chính sách hướng Nam mới. Tuy nhiên anh cho rằng trong mảng nghệ thuật biểu diễn thực sự còn rất nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm, “hình thức âm nhạc Đông Nam Á thường hình thành theo nhóm nhưng do công việc và thân phận khác nhau nên quần thể đã bị tách rời”.
Hãy để nền văn hóa đa dạng được tỏa sáng trên đảo ngọc
Vì nghiên cứu âm nhạc cho nên cũng cần phải hiểu rõ về những thứ không thuộc về lĩnh vực âm nhạc, “Đài Loan chưa sẵn sàng tiếp nhận nhóm người đến từ các nước phía Nam, chúng ta đã chuẩn bị cho họ không gian sống chưa? Cuộc sống giải trí của họ đã được chuẩn bị chu đáo chưa? Thậm chí là tôn giáo của họ, chúng ta đã đủ tôn trọng, đã thử đi tìm hiểu chưa?”. Giáo sư Thái Tông Đức ví von rằng, biểu diễn nghệ thuật tựa như một góc khuất không nhận được ánh đèn sân khấu trong chính sách Hướng Nam mới, nhưng lại mang đến ảnh hưởng sâu rộng, bất kể là sự nhận định bản sắc của bản thân người tân di dân, sự tiếp nhận văn hóa quê cha hoặc mẹ là người Đông Nam Á của thế hệ thứ hai tân di dân, cũng như nhu cầu giải trí cần thiết trong cuộc sống của lao động di trú.
“Phải phá vỡ vòng tuần hoàn không thân thiện này, chính sách cần được cải thiện để có thể chăm sóc cho nhiều người với những nhu cầu khác nhau. Khi chúng ta đối mặt với cộng đồng tân di dân và lao động di trú đông đảo như thế, chúng ta phải suy nghĩ từ yếu tố kinh tế cho đến yếu tố cuộc sống”. Giáo sư Thái Tông Đức đề xuất điểm đột phá “chỉ khi làm nên sự thay đổi về ấn tượng và tuyên truyền giáo dục tương ứng thì mới xóa bỏ được định kiến, từ đó đạt được sự dung hòa và hòa nhập trong xã hội, như thế mới thực sự trở thành đảo ngọc tiếp nhận nhiều nền văn hóa đa dạng phong phú”.