Lời chào đến từ lớp học ngôn ngữ Amis
Lớp học ven sông Pinanaman và học đường TAMORAK
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 10 2022
Cho trẻ em học tiếng mẹ đẻ ngay trong cuộc sống thường nhật, hiểu rõ văn hóa cội nguồn mới có thể tự tin hướng tới tương lai.
曾經,這座島嶼有來自各地的族群,說著不同語言;漸漸地,不管來自哪裡,學同樣的課本,講一樣的話,卻少了色彩。所幸,有人發現語言消逝,伴隨的是文化斷層。透過學習母語,認識自己從何而來,就有自信立足於世界。
Từ xa xưa, trên hòn đảo này từng có các tộc người đến từ nhiều nơi, nói nhiều thứ tiếng khác nhau và lâu dần thì bất kể là gốc gác đến từ đâu, tới nay mọi người đều học cùng một cuốn sách giáo khoa, nói cùng một thứ tiếng nhưng lại thiếu đi bản sắc riêng. Thật may là có người phát hiện ngôn ngữ bị biến mất kèm theo sự đứt đoạn về văn hóa, thông qua học tập tiếng mẹ đẻ, hiểu rõ về gốc gác cội nguồn sẽ tạo sự tự tin giúp chúng ta tìm được chỗ đứng của mình trên thế giới.
ati wawa kayaten ko kamay
(Nào các con hãy lại đây, tay nắm tay nhau)
kimolmol kita kayaten ko kamay
(Hãy nối lại thành vòng tròn, tay nắm tay nhau)
taliyok sakero kita mapolong
(Hãy xếp thành vòng tròn, cùng nhau nhảy múa)
Tiếng hát rộn ràng vang lên, các em nhỏ người thì ló đầu ra từ lùm cây, người thì nhảy từ xích đu xuống, vừa nhảy nhót vừa chạy tới bên cạnh giáo viên, rồi nắm lấy tay nhau rất tự nhiên, hát vang những bài ca của tộc người Amis, khiến người nghe cảm nhận được bốn mùa và bầu không khí vui vẻ hài hòa tràn ngập trong tiếng hát. Đây là học đường TAMORAK tại bộ lạc Makotaay thuộc xã Phong Tân (Fengbin), huyện Hoa Liên.
Bà Nakaw (người thứ hai từ phải qua) đã kèm 3 người con tự học hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ Amis, tạo ra một sự tưởng tượng mới về giáo dục của bộ lạc.
Tiếng mẹ đẻ không phải là bài học mà là lẽ sống
Đến với TAMORAK, chế độ ngôn ngữ sẽ chuyển đổi chỉ trong giây lát. Ngôn ngữ chính tại đây là tiếng Amis, những người ghé thăm nơi đây sẽ được nhắc nhở hãy cố gắng đừng nói tiếng Hán.
Tiếng mẹ đẻ là một phần gắn liền với cuộc sống nơi đây. Giáo viên trường mẫu giáo dùng tiếng mẹ đẻ dạy các em nhỏ làm đồ thủ công bằng nỉ len, vẽ tranh màu nước, giáo viên nhà trường vừa hát bài ca trồng rau tự sáng tác, vừa hướng dẫn các em nhổ cỏ, xới đất, gieo hạt và tưới hoa.
Các em nhỏ trong lúc ăn cơm, vui chơi, thậm chí cãi nhau cũng đều dùng tiếng mẹ đẻ, cả ngày đều đắm chìm trong môi trường ngôn ngữ Amis. “Sau khi vào học mẫu giáo, nhanh thì 2 tháng, chậm thì 4 tháng là có thể nghe, nói và hát bằng tiếng mẹ đẻ”, bà Lâm Thục Chiếu - người sáng lập trường mẫu giáo cho biết.
Từ sáng sớm, các em nhỏ tại TAMORAK đã dùng tiếng mẹ đẻ để ca hát, chơi trò chơi, bắt đầu một ngày học tập với những tiếng cười.
Mẹ chính là người thầy xuất sắc nhất
Sáng lập học đường đầu tiên ở Đài Loan hoàn toàn nói tiếng Amis nhưng bà Lâm Thục Chiếu (Lin Shuzhao) thực ra là người Hán, cũng là nhà làm phim tài liệu. Năm 1998, bà tới bộ lạc Makotaay theo lời mời của một người bạn để quay phim tài liệu về vị tù trưởng cao niên 90 tuổi. Vốn một chữ Amis bẻ đôi cũng không biết nói, nhưng bà vẫn đi theo vị tù trưởng lên rừng xuống biển. Bà Lâm Thục Chiếu đã dùng ký hiệu chú âm để ghi lại lời nói của tù trưởng, những chỗ không hiểu thì sẽ hỏi lại bạn bè, vì vậy vị tù trưởng chính là người thầy đầu tiên dạy tiếng Amis cho bà.
Bà Lâm Thục Chiếu rất háo hức muốn hiểu nhiều hơn về mảnh đất này, vì vậy bà đã ở lại đây và lấy tên tiếng Amis là “Nakaw”. Thấm thoắt hơn 20 năm trôi qua, bà đã gặp chồng mình là người dân tộc Amis, trở thành nàng dâu Amis, cũng trở thành một bà mẹ trong bộ lạc.
Sau khi sinh cô con gái lớn, bà đã ý thức được việc cần nói chuyện với con bằng tiếng Amis. Tuy nói không giỏi, nhưng với sự quyết tâm của người mẹ, bà đã cùng con đọc truyện tranh, bắt đầu học từ những từ đơn giản như màu sắc, động vật, v.v... Mẹ chồng và chồng bà thường quen nói chuyện với bà bằng tiếng Hán cũng bị cảm động theo nên đã cùng tạo môi trường nói tiếng mẹ đẻ cho con trẻ.
Bà Nakaw dạy học tại trường tiểu học Makotaay, hầu hết các học sinh trong trường đều là người dân tộc nguyên trú. Trong hệ thống giáo dục lấy văn hóa Hán làm trọng tâm, việc học tiếng mẹ đẻ chỉ gói gọn trong vài tiết học ngắn ngủi, trẻ em của các tộc người nguyên trú dần dần thiếu đi bản sắc văn hóa cội nguồn, thậm chí còn có cảm giác tự ti. “Các em không hiểu rõ về gốc gác của chính mình làm sao có thể yêu bản thân, rồi từ đó yêu thế giới này được cơ chứ?”, bà Nakaw thốt lên như vậy.
Thông qua việc nhận biết các loài thực vật, bện chổi, các em nhỏ học được trí tuệ của bộ lạc từ cuộc sống thường nhật.
Học đường bên bờ biển TAMOKAK
Sự hồ nghi và bất lực đối với giáo dục của bà Nakaw đã được giải tỏa sau khi bà tiếp xúc với phương pháp giáo dục Waldorf dựa theo lý thuyết nuôi dạy trẻ của triết gia người Áo Rudolf Steiner. Theo phương pháp này, lên lớp không cần sách giáo khoa, “sẽ dạy những gì đúng như văn hóa cuộc sống đời thường”, bà Nakaw nói. Bà đã đến Trường thực nghiệm Waldorf ở Nghi Lan (Yilan) để học bồi dưỡng nâng cao, sau đó bắt đầu kèm 3 người con của mình tự học tại nhà và dần dần tạo ảnh hưởng cho những phụ huynh khác. Có vài người mẹ đã cùng áp dụng phương pháp dạy con chỉ sử dụng ngôn ngữ Amis, qua đó giúp con trẻ tìm hiểu, khám phá thế giới, vì vậy học đường TAMORAK đã ra đời.
Lấy đề tài học tập từ chính cuộc sống đời thường, những người chú, người dì trong bộ lạc đều trở thành những người thầy của các em nhỏ. Thông qua bài học cuộc sống, dẫn dắt các em thu hái thực vật địa phương để làm chổi. Môn canh tác nông nghiệp thì tìm những người giỏi trồng trọt trong bộ lạc, giáo viên dùng tiếng mẹ đẻ để hướng dẫn các em cách trồng mướp. Trong lúc học, bất chợt một con cóc nhảy ra, giáo viên liền dạy các em kiến thức để phân biệt giữa ếch với cóc, nhắc nhở cho các em biết rằng nếu có cóc xuất hiện thường là sẽ có rắn quanh quẩn đâu đây, cũng sẽ có diều hoa Miến Điện sà xuống bắt rắn, nhân tiện dạy các em về khái niệm chuỗi thức ăn.
Bộ lạc Makotaay nằm ở khu vực ven biển, cư dân địa phương sẽ tới vùng gian triều để tìm kiếm thức ăn, TAMORAK sẽ bố trí đưa các em nhỏ tới tìm hiểu vùng gian triều và hái rau dại. Suốt dọc đường đi các em sẽ được nghe thấy, nhìn thấy và được nếm thử những thứ đều là tinh hoa văn hóa địa phương.
Thầy Mayaw Biho được mọi người gọi là hiệu trưởng, đã hỗ trợ giáo viên đưa các em lên núi để vượt sông, còn điều hành trường học là sự nỗ lực mà ông làm để công nhận gốc gác của người dân tộc nguyên trú.
Con sông Tú Cô Loan (Xiu gu luan) tạo ra lớp học ven sông
Cũng là địa điểm học tập hoàn toàn sử dụng tiếng Amis, “Pinanaman” - lớp học ven sông nằm gần con sông Tú Cô Loan lại mang một màu sắc riêng.
Bên bờ sông, giáo viên và các phụ huynh dẫn theo các em nhỏ, đứng trước bụi cỏ dùng rượu kê dâng lên linh hồn của dòng sông và linh hồn tổ tiên, sau đó vừa phát cỏ vừa mở lối đi, dẫn các em nhỏ vượt sông suối. Cả người lớn và trẻ em tay nắm tay nhau đứng ở lòng sông hát vang những bài ca bằng tiếng Amis. Những em nhỏ không muốn gia nhập vòng tròn này có thể nghịch bùn ở bên cạnh. Nếu em nào không chịu xuống nước thì cũng không bắt buộc, sẽ có những em khác chủ động đến nắm lấy tay và chơi cùng những bạn đang khóc nhè. Người lớn rất ít khi can thiệp, bởi vì Pinanaman tôn trọng mọi trạng thái của con trẻ.
Không khí học tập của Pinanaman rất vui tươi và cũng tràn đầy hứng khởi, các em nhỏ hát hò, nhảy múa, trồng rau, làm bánh. Trong lúc chơi nhiều trò chơi khác nhau, các em cũng học được cách đi qua những tảng đá trơn trượt, biết cách điều chỉnh cơ thể ra sao để không bị trượt ngã. Bốn mùa trong năm các em nhỏ đều được ra bờ sông, cảm nhận sự biến hóa của con sông nằm trong lòng núi, làm quen với động thực vật ở các mùa khác nhau, trong thiên nhiên có vô vàn chất liệu để phục vụ học tập.
Giáo viên hướng dẫn các em hái rau dại ở ven sông, tìm hiểu về các loài thực vật; còn các bà mẹ của bộ lạc thì nổi lửa ở bên cạnh, chẳng bao lâu sau các em đã được thưởng thức món canh rau dại ngon tuyệt. Hái thêm vài nhành hoa ven sông bày lên tấm thảm picnic, những nguyên liệu tươi ngon của địa phương càng thêm phần ngon miệng, bữa trưa của các em trở thành bữa tiệc mang đậm nét đẹp cuộc sống. Thầy Mayaw Biho, được các em gọi là hiệu trưởng Mayaw Biho, vừa cười vừa nói, thày thường được người khác hỏi rằng học tiếng mẹ đẻ như thế nào? Một tuần học bao nhiêu tiết? Thầy thường cười một cách tinh nghịch và đáp lại rằng: “Chúng tôi không có tiết học tiếng mẹ đẻ, mà chúng tôi dùng tiếng mẹ đẻ để học tập tất cả mọi thứ”.
Cô giáo Bannai của lớp học ven sông Pinanaman đưa các em nhỏ tới ven suối để hái rau dại, tìm hiểu về các loài thực vật.
Cùng tưởng tượng về tương lai của con trẻ
Thầy Mayaw Biho thường xuyên đi thuyết giảng tại trường học các cấp trên khắp Đài Loan, chia sẻ với con trẻ về vấn đề khôi phục tên gọi tiếng mẹ đẻ và vấn đề vẽ bản đồ cho các bộ lạc người nguyên trú. Trẻ em các tộc người nguyên trú vẫn luôn gặp phải tình trạng bị kỳ thị và bị chế nhạo, các em lớn lên với những sự tổn thương trong lòng. Chỉ khi hiểu rõ về gốc gác của mình mới có thể vun đắp sự tự tin, những bài diễn giảng của thầy Mayaw Biho chứa đựng rất nhiều tâm tư, hy vọng giúp con trẻ suy ngẫm về việc mình là ai. Còn điều hành trường học là một sự nỗ lực khác mà ông đã thực hiện trong lúc hăng hái tham gia phong trào vì cộng đồng các dân tộc nguyên trú trong suốt một thời gian dài.
Lấy cảm hứng từ TAMORAK, vào 2 năm trước, thầy Mayaw Biho đã triệu tập một nhóm các bạn trẻ để cùng thảo luận sự tưởng tượng về giáo dục, về tương lai của bộ lạc. “Bạn hy vọng bộ lạc sẽ như thế nào sau 20 năm nữa?”, “Bạn của 10 năm sau sẽ như thế nào?”, “Bạn hy vọng các con mình sẽ như thế nào sau 10 năm nữa?”. Ông đặt ra 3 câu hỏi như trên để dẫn dắt mọi người vẽ ra bức tranh tương lai, suy ngẫm về phương hướng cần nỗ lực.
Hàng loạt ý kiến thảo luận đã mở ra sự tưởng tượng về lớp học ven sông “Pinanaman”, có người hy vọng các em nhỏ hiểu rõ về sông suối, có người hy vọng các em có thể nhận biết được 50 loài thực vật. Giáo trình cho các em sẽ do giáo viên và phụ huynh cùng thảo luận, giáo viên nỗ lực để nâng cao các kỹ năng, cùng tạo ra sự tưởng tượng rộng mở hơn về tương lai cho các em. Từ khi bắt đầu hoạt động tới nay, mặc dù kêu gọi kinh phí khá vất vả, nhưng Pinanaman vẫn kiên quyết không thu học phí, phụ huynh chỉ cần thay phiên nhau chuẩn bị đồ ăn cho các em và cũng không được dùng tiền để thay thế, “để cha mẹ có thể quan sát các con khi mang đồ ăn tới, gia tăng sự tương tác với giáo viên”, thầy Mayaw Biho giải thích.
Ngắt hoa cỏ ở xung quanh để tô điểm các món ăn, bữa trưa của các em trở thành bữa tiệc mang đậm nét đẹp cuộc sống.
Tự tin đón nhận thế giới
Pinanaman không chỉ thu hút những phụ huynh người dân tộc nguyên trú có chung tiếng nói, mà còn có học sinh cha mẹ đều là người Hán đặc biệt đến từ Đài Đông, phụ huynh của em nhỏ này đã theo đuổi phương pháp giáo dục thực nghiệm hơn 10 năm. Để tìm được trường mẫu giáo có thể giúp con tự do phát triển, vị phụ huynh này đã đi tham quan từng trường mẫu giáo ở dọc tuyến đường núi và tuyến ven biển, sau cùng đã chọn Pinanaman, “Bởi vì người dân tộc nguyên trú rất gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, giúp con trẻ có thể gắn kết với thiên nhiên, tôi hy vọng có thể gìn giữ được bản tính tự nhiên của con”, vị phụ huynh này cho biết.
Khi có người già trong bộ lạc qua đời, các em nhỏ của lớp học Pinanaman sẽ đến hát động viên an ủi trong đám tang, hàng ngày cũng thường quét dọn đường đi ở phía ngoài lớp học, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong khu dân cư. Nếu có bạn mấy ngày không thấy đến lớp, các em sẽ chủ động làm bánh mang đến thăm bạn đó. Những chi tiết nhỏ trong cuộc sống đã phản ánh những giá trị tinh thần của dân tộc Amis được đề cao tại Pinanaman như “Hỗ trợ lẫn nhau, chăm sóc và chia sẻ”.
Tương lai theo sự tưởng tượng của thầy Mayaw Biho chính là một tương lai mà ở đó trẻ em các dân tộc nguyên trú đều có thể trả lời được câu hỏi “mình là ai”? Nguồn gốc lịch sử và tương lai cộng đồng dân tộc của mình sẽ đi về đâu.
Pinanaman cho trẻ em học tiếng mẹ đẻ ngay trong cuộc sống thường nhật, phải hiểu rõ văn hóa cội nguồn mới có thể tự tin hướng tới tương lai.
Tiếng mẹ đẻ chính là lẽ sống, các em nhỏ tại TAMORAK dùng tiếng Amis để ghi chép lại thông tin về trồng trọt.