Câu chuyện về người di cư
Khoảng thời gian rực rỡ của chúng ta
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Thu Trang
Tháng 4 2025

Từ thập niên 1990, chính phủ Đài Loan đưa ra chính sách “hướng Nam” và “hướng Nam mới”, 10 quốc gia ASEAN đã trở thành những vùng đất mới để người Đài Loan thực hiện giấc mơ khởi nghiệp. Cùng lúc đó, Đài Loan mở cửa thị trường lao động cho lao động di trú từ Đông Nam Á vào làm việc và ngày càng nhiều người Đông Nam Á đến Đài Loan thông qua hôn nhân. Trong số những tân di dân với số lượng đang tăng nhanh, tân di dân đến từ Việt Nam là một nhóm đáng chú ý.
Hướng Nam của bạn
Với độ tuổi mới ngoài 30, dù học vấn và gia thế không có gì ấn tượng nhưng lại đảm nhiệm vị trí quản lý cho một công ty sản xuất sợi được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, ngoài việc quản lý hơn chục nhân viên, cô còn là người Đài Loan duy nhất trong số gần 1.000 nhân viên làm việc tại đây, đó chính là Chloe Hsu (Hứa Nguyên Du). Rốt cuộc, cô gái Đài Loan đặc biệt này đã tạo dựng vị trí riêng cho mình như thế nào?
Chiến lược “Đại dương xanh”
Trong một căn hộ tại Đào Viên với không gian đơn giản nhưng lại được trang trí bởi vô số những bản thánh chỉ, hịch văn của Việt Nam. Ngồi bên chiếc bàn lớn là Hứa Nguyên Du và cha cô, ông Eddy Hsu (Hứa Xán Hoàng). Ông chính là người khởi xướng ý tưởng cho con gái sang Việt Nam làm việc.
Là một ví dụ tiêu biểu cho chính sách “hướng Nam cũ”, ông Hứa Xán Hoàng đã đến Việt Nam vào năm 1992 để khởi nghiệp và ở lại đó suốt 10 năm. Sau đó, vì muốn dành thời gian để cùng con lớn khôn, ông kiên quyết từ bỏ công việc kinh doanh đã có chút thành tựu để quay về Đài Loan. Với lối tư duy độc đáo, ông cho rằng: “Tôi không cần phải làm những điều mà người khác đang làm”. Ông khuyến khích con cái đi theo con đường của riêng mình. Vì thế, khi Hứa Nguyên Du theo học tại trường Đại học Nguyên Trí, ông đã gợi ý con gái mình học tiếng Việt - một ngôn ngữ không mấy phổ biến, để làm ngoại ngữ thứ 2. Và trong mỗi kỳ nghỉ hè, ông đều sắp xếp cho con gái mình tới ở nhà của một người bạn tại Việt Nam trong một thời gian dài.
Phương châm giáo dục như vậy đã ảnh hưởng tới con gái ông một cách rất tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp, Hứa Nguyên Du đã ưu tiên lựa chọn thị trường làm việc tại Đông Nam Á và Việt Nam chính là lựa chọn đầu tiên của cô.
Sau một thời gian dài làm việc chung với người Việt Nam, Hứa Nguyên Du đã đúc kết ra một bộ nguyên tắc quản lý riêng, “Người Việt Nam có lòng tự trọng cao, khi bạn nói lý lẽ thì cũng phải cân nhắc đến vấn đề sĩ diện”. Là một nhà quản lý, nếu bạn không đủ năng lực và công khai làm khó cấp dưới thì rất khó để nhân viên tin phục và sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý, “nhưng ngược lại, người Việt Nam sẵn sàng tôn trọng và ngưỡng mộ những người có năng lực hơn mình”.

Bộ sưu tập của ông Hứa Xán Hoàng bao gồm bản khắc gỗ khắc một chiếc thuyền với tám mái chèo và “Lạc Long Quân” – nhân vật thần thoại Việt Nam (bên trái), mũ quan triều đại nhà Nguyễn (bên phải, phía trên) và chiếc ấn triện
(bên phải, phía dưới).

Những bức tranh của chị Đào thường kết hợp với kinh nghiệm
làm việc của chị trong ngành y tế, vì vậy nguồn cảm hứng cũng đến rất dễ dàng.
Từ doanh nhân tới nhà sưu tập cổ vật
Hứa Nguyên Du có thể quản lý nhân sự tốt vì hiểu được bản sắc dân tộc của người Việt Nam, nhưng hiếm có một người như ông Hứa Xán Hoàng, người có thể hiểu được văn hóa Việt Nam từ nguồn gốc lịch sử. Chúng tôi theo chân ông đi lên gác, dọc hành lang treo đầy các bức thư pháp và tranh vẽ giống như một phòng triển lãm. Tới căn phòng nhỏ trên tầng cao nhất, bắt gặp dòng chữ gồm 5 từ “Văn khố Hứa Xán Hoàng” được treo trên tường.
Ông Hứa Xán Hoàng còn có một vai trò khác, đó là nhà sưu tập cổ vật Việt Nam. Sau gần 30 năm sưu tầm, ông sở hữu hơn 3.000 hiện vật như chiếu thư của hoàng đế, tấu triệp, thư tịch cổ, mũ và ấn triện của quan lại. Một bộ sưu tập cổ vật phong phú như vậy đã vượt xa nhiều đơn vị học thuật quốc tế.
Từ một doanh nhân trở thành một nhà sưu tập, ông đã dành cả cuộc đời để sưu tập các cổ vật văn hóa Việt, câu chuyện bắt đầu từ lúc ông đến Việt Nam để kinh doanh. Năm 1985, Việt Nam bắt đầu cải cách và mở cửa, khi đó, ông Hứa Xán Hoàng, người từng thất bại trong kinh doanh ở Đài Loan, đã đến Việt Nam với 2.000 đô la Mỹ để tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Khi công việc kinh doanh dần ổn định, vì xa quê nên ông Hứa Xán Hoàng muốn đọc những thứ có chữ tiếng Trung. “Năm 1995, tôi đã tới một hiệu sách cũ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở Sài Gòn (tên cũ của Thành phố Hồ Chí Minh) và dùng 20.000 đồng tiền Việt (khoảng 50 Đài tệ) để mua cuốn “Bí truyền Vạn pháp Quy tông” (Michuan Wanfa Guizong)”, ông Hứa Xán Hoàng chia sẻ.
Do Việt Nam ngày xưa sử dụng chữ Hán làm ngôn ngữ chính thức, đến thời kỳ thực dân Pháp mới chuyển sang sử dụng hệ thống chữ viết La Mã nên sự trùng hợp này đã giúp người dân Đài Loan có khả năng đọc được chữ viết cổ của Việt Nam.
Thấy ông ngày càng say mê với văn hoá và lịch sử, chủ nhà ông thuê lúc bấy giờ là ông Nguyễn Phúc Huy Quang đã cho ông mượn hai cuốn sách gồm “Truyện Kiều”- một tác phẩm văn học kinh điển thuộc cấp độ bảo vật quốc gia, cùng cuốn “Việt Nam sử lược” ghi chép lại các sự kiện lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Lật giở từng trang sách của cuốn “Việt Nam sử lược”, ông Nguyễn Phúc Huy Quang chia sẻ về gia thế của mình. Hoá ra, người bạn tốt mỗi ngày cùng đánh bida với ông Hứa Xán Hoàng và ăn bò phá lấu trong sân vườn lại là hậu duệ của Nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Cường Để, ông cố của ông Nguyễn Phúc Huy Quang là một nhà hoạt động cách mạng đã từng đến Đài Loan trong thời gian ngắn. Biết được sự trùng hợp này, ông Hứa Xán Hoàng vô cùng ngạc nhiên và cảm thấy dường như số phận đã kéo ông bước vào cánh cửa lịch sử Việt Nam.
Linh hồn Việt trong cổ vật
Ông Hứa Xán Hoàng đã đi khắp các hiệu sách cũ, chợ trời, rồi đến nhà dân ở nông thôn Việt Nam để tìm cổ vật. Ông đã từng cứu được một tấm bản khắc gỗ được dùng để in tiền giấy từ tay một người phụ nữ nông thôn tại một ngôi làng gần Đà Nẵng, nhờ ông mà bản khắc này đã thoát khỏi số phận trở thành cái thớt. Cổ vật này được ông phỏng đoán có niên đại hơn 400 năm, trên đó có khắc hình “Lạc Long Quân”, nhân vật được coi là tổ tiên của người Việt Nam với đầu phượng thân rồng.
Mỗi văn vật, tư liệu lịch sử đều ghi lại và lưu giữ những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng để lại những tiếc nuối không thể xóa nhòa trong lịch sử.
Kết quả là ông Hứa Xán Hoàng không muốn bán bất kỳ cổ vật nào, như một sự phó thác đã được định sẵn, “Những thứ này chứa đựng linh hồn của Việt Nam” .
Phương Bắc của cô ấy
Cô Liêu Vân Chương (Liao Yun-chang) là một người làm truyền thông luôn quan tâm đến các vấn đề của Đông Nam Á. Cô thường mặc “Áo dài” màu xanh nhạt trong những dịp tham gia triển lãm tranh nghệ thuật của lao động di trú hoặc lễ trao Giải thưởng Văn học dành cho lao động di trú và di dân mới, v.v... Đó là chiếc áo dài với họa tiết hình nhân viên y tế được thiết kế bởi một họa sĩ người Việt, chị Trần Thị Đào.
Khi người Đài Loan xuôi về phía Nam để tìm kiếm nơi khởi nghiệp mới, cũng có những người từ Việt Nam đi theo phương Bắc để tới Đài Loan, chị Trần Thị Đào đến từ Đắk Lắk cũng là một trong số đó. 12 năm sinh sống ở Đài Loan đã thay đổi cuộc đời của chị.

Cuộc hội ngộ kỳ diệu giữa hai cha con ông Hứa Xán Hoàng và Hứa Nguyên Du khi cả hai đều đi theo chính sách hướng Nam và hướng Nam mới, viết nên trang sử tươi sáng trong việc giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam.

Đài Loan có thể mềm mại hơn, bao dung hơn nhờ có tân di dân
thế hệ thứ hai (Ảnh: Foodeast cung cấp)
Từ khán hộ công trở thành họa sĩ
Trước khi đến Đài Loan, gia đình chị Đào đã từng kinh doanh buôn bán cà phê rất thành công ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc kinh doanh phá sản do thiếu vốn lưu động, gia đình chị phải gánh một khoản nợ lớn. Lúc đường cùng, chị biết đến cơ hội làm việc ở Đài Loan khi xem tin tức trên tivi.
Để trả nợ, năm 2002, chị đến Đài Loan làm việc và trở thành một khán hộ công do trước đây từng có chuyên môn về y tế. Công việc chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi chị phải túc trực bên cạnh họ cả ngày lẫn đêm. Thêm vào đó, những người cao tuổi ở đây chủ yếu nói tiếng Đài nên việc giao tiếp trở nên khó khăn, chính vì điều này chị càng cảm thấy nhớ nhà.
Vào lúc đó, một người bạn đã tặng cho chị tờ “Báo Bốn Phương” phiên bản tiếng Việt, nội dung đăng tải tin tức hàng tháng dành cho lao động di trú ở Đài Loan. Tờ báo này không những giúp chị phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà, mà chị còn phát hiện thông tin mời bạn đọc gửi bài viết và tranh, ảnh cho toà soạn. Với niềm đam mê hội họa từ nhỏ, chị Trần Thị Đào đã gửi đến “Báo Bốn Phương” một tác phẩm mang những tâm tư tình cảm của mình được trải trong từng nét vẽ. Thật bất ngờ, tác phẩm đã được xuất bản, mang lại sự khích lệ rất lớn cho chị.
Dang rộng vòng tay ấm áp với người xa quê
Chị tiếp tục sáng tạo và thường xuyên đoạt giải trong các cuộc thi hội họa lớn. Với nhiều tác phẩm được đem đi triển lãm và giành giải thưởng, danh tiếng về một “hoạ sĩ lao động di trú” được lan truyền nhanh chóng. Vào thời điểm đó, cựu Tổng thống Thái Anh Văn còn đang tranh cử tổng thống, thậm chí đã ngỏ ý muốn gặp mặt chị Trần Thị Đào.
“Lúc này, tôi mới quyết định cho con mình đi du học Đài Loan”, chị Đào chia sẻ. Chị vô cùng biết ơn lòng tốt của người dân Đài Loan. Mặc dù phải rời xa Đài Loan sau 12 năm làm việc theo Luật Dịch vụ Việc làm Đài Loan, chị Đào vẫn sắp xếp cho ba đứa con của mình đi du học ở Đài Loan, một lần nữa “nối lại mối duyên cũ” với Đài Loan. Sau khi trở về Việt Nam, chị tiếp tục sáng tác và trở thành hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được chính phủ Việt Nam công nhận với tư cách nghệ sĩ.
Cô con gái lớn của chị Trần Thị Đào đã thành lập công ty tư vấn du học và du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Đại học Đông Hải (Đài Loan). Nơi chúng tôi tiến hành phỏng vấn chị Trần Thị Đào chính là văn phòng công ty con gái chị. Phía sau phòng tiếp khách là một bức tranh lớn, vẽ phong cảnh Đài Loan mà chị vẫn hoài niệm và chủ đề về y tế từng liên quan tới công việc của chị.
Một tân di dân thế hệ hai “rất lạ” trở về từ Việt Nam
Lý Như Bảo (Lee Ju-Pao) hiện đang theo học tại Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan. Tiếng Trung là tiếng mẹ đẻ nhưng tiếng Việt của cô cũng lưu loát không kém. Lý Như Bảo chính là sự kết hợp điển hình khi có mẹ là người Việt Nam và cha là người Đài Loan. Cô sinh ra và lớn lên tại Việt Nam vì cha mẹ có công việc kinh doanh ở đó. Hàng ngày cô đi học tại trường Đài Bắc ở Phú Mỹ Hưng, thành phố Hồ Chí Minh, với những người bạn học đều đến từ Đài Loan.
“Tôi là con của một gia đình đa văn hoá”, cô chia sẻ. Thật sự bản thân không hiểu hết ý nghĩa về điều này, cho đến khi xảy ra sự kiện biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam vào năm 2014 khiến người Đài Loan cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, Lý Như Bảo vẫn còn là học sinh, cô phải sử dụng tiếng Việt để che dấu thân phận của mình. “Lúc đó tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc có thể nói ra thân phận của mình”.
Thắp sáng ngọn lửa cải cách xã hội thầm lặng
Thường xuyên đi đi về về giữa hai nơi, Lý Như Bảo phát hiện Đài Loan và Việt Nam có rất nhiều điểm chung. Vì vậy, khi còn là sinh viên, cô đã thành lập Foodeast, một công ty tổ chức sự kiện nhằm thúc đẩy giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam.
Ngoài lợi thế về ngôn ngữ, Lý Như Bảo cho biết, đặc điểm lớn nhất của tân di dân thế hệ thứ hai trong một gia đình đa văn hoá chính là sự đồng cảm. Để cống hiến cho việc bồi dưỡng tân di dân thế hệ thứ hai, cô đã thành lập “Hiệp hội phát triển thanh niên ASEAN và con em tân di dân” (the New Immigrant Youth and ASEAN Development Association) vào năm 2023.
Lý Như Bảo cho biết, khi nói đến các vấn đề của tân di dân thế hệ thứ hai thường bị phụ thuộc vào tân di dân, nhưng theo thời gian và khi trưởng thành hơn, họ sẽ có đủ thực lực và khả năng để tự cất lên tiếng nói của bản thân.
Khi việc giao lưu giữa Đài Loan và Đông Nam Á ngày càng chặt chẽ hơn, tân di dân thế hệ thứ hai, những người hiểu rõ nhất về vẻ đẹp của Đài Loan chính là những đại diện tiêu biểu nhất cho Đài Loan mang lời chào hữu nghị đến với các quốc gia khác. Lý Như Bảo tự nhận mình là “người xây cầu nối giữa hai nước”. Cô hy vọng Đài Loan có thể trở nên giàu mạnh hơn, bao dung hơn, rộng lượng hơn và đồng cảm hơn nhờ có sự tồn tại của tân di dân thế hệ thứ hai. Và những gì mà họ làm giống như việc thắp lên ngọn lửa của cuộc cải cách thầm lặng trong xã hội.

Lý Như Bảo cùng con em tân di dân tới trường học để tổ chức giao lưu văn hoá (Ảnh: Foodeast cung cấp)












