Bức tranh Đài Loan qua nét chấm phá của các nhà văn
Bài‧Chang Chiung-fang Ảnh‧Chen Mei-ling Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 6 2016
近年,各地聘請「駐縣作家」書寫地方蔚為風潮。作家生花妙筆下的「新地方誌」,有如一塊塊拼圖,慢慢完整了台灣的新樣貌。
馬祖東莒,豎立有「國之北疆」的小島,經苦苓的描繪,已然成為許多人夢想與期待的「島嶼情人」;雪隧開通後人潮日多的宜蘭,還能不能繼續保有舒國治眼中「最寶貝的鄉下」特質?
Trong những năm gần đây, khắp nơi tại Đài Loan đều rộ lên phong trào mời “các nhà văn thường trú” viết về địa phương. Và những cuốn “Tân địa phương chí” dưới ngòi bút của các nhà văn giống như từng mảnh ghép, dần dần ghép thành một bức tranh Đài Loan hoàn chỉnh mang một diện mạo mới.
Đông Cử (Dong-Ju), một hòn đảo nhỏ ít người biết, qua ngòi bút phác họa của nhà văn Khổ Linh (Ku-Ling), đã trở thành “Người tình đảo xa” - là niềm mơ ước mong mỏi của biết bao người; với những dòng người nườm nượp đổ về sau khi đường hầm Tuyết Sơn được khai thông, Nghi Lan liệu có còn giữ được nét đặc sắc của “vùng quê đáng quý nhất” như trong mắt của nhà văn Thư Quốc Trị (Shu Guo Zhi) hay không?
Gửi trọn tình yêu chốn đảo xa
“Đài Loan là đảo ngoài khơi của đại lục châu Á, Mã Tổ (Ma Zu) là đảo ngoài khơi của Đài Loan, còn Đông Cử lại là đảo ngoài khơi của Mã Tổ”. Năm 2013, nhà văn Khổ Linh đã dừng chân, sinh sống và viết lách tại Đông Cử - đảo của đảo ngoài khơi trong lòng ông.
Đi đi về về trong quãng thời gian từ tháng 4 dịp đầu Xuân cho tới tháng 9 giữa mùa Hạ , số ngày Khổ Linh ở tại Đông Cử cộng lại cũng hơn 2 tháng.
Tại sao lại phải bỏ phố đông ra đảo sống đơn độc? Đối với Khổ Linh mà nói, đó giống như thời kỳ quá độ từ núi rừng trở về chốn nhân gian.
“Những người trên đảo chẳng có can hệ gì với tôi hết, đến đây tôi bắt đầu kết bạn lại từ đầu, mang ý nghĩa làm người lại từ đầu vậy đó!”
Khổ Linh lập kế hoạch tìm một hòn đảo nhỏ không có cửa hàng tiện lợi 7-eleven, không có cà phê Starbucks, không có thức ăn nhanh Mc Donald, một hòn đảo thật nhỏ, thật xa để sinh sống; thật ngẫu nhiên, Phòng văn hóa huyện Liên Giang (Lian Chiang) mời ông ra đảo Mã Tổ diễn giảng, cũng đã tác thành kế hoạch ra đảo sống của ông một năm sau đó.
Sau khi ra đảo Đông Cử, Khổ Linh phát hiện mặc dù chỉ là một hòn đảo nhỏ rộng 2,6 Kilômét vuông, nhưng có cảnh bờ biển rất đẹp, những mỏm đá tuyệt vời, những dải sinh thái phong phú, cũng đậm nét văn hóa chùa chiền và những lễ hội truyền thống cổ xưa.
Ngỏ lời yêu với Đông Cử
“Phải ở lâu mới có thể bày tỏ tình yêu với Đông Cử”, Nhà văn Khổ Linh chia sẻ : “Du lịch cũng giống như hẹn xem mặt đối tượng được mai mối, nhưng con người không thể suốt đời cứ xem mặt mãi, mà sau cùng phải chọn được đối tượng mình thích, bắt đầu tìm hiểu nhau, thì mới có cơ hội nói chuyện yêu đương, mới có khả năng đem lòng yêu đối tượng đó. Khi đem lòng yêu rồi, mới có thể mô tả về đối tượng đó. Nếu không chẳng khác nào chuồn chuồn chấm nước, cũng chỉ như đuổi hình bắt bóng mà thôi.”
Lúc ban đầu, Khổ Linh sống ở làng Phúc Chính là nơi khá đông người ở, về sau quyết định tới sống ở thôn Đại Phố không một bóng người. Lúc đó mọi người đều xì xào, có người nói rằng, người làm nghệ thuật, nhà văn đều rất khác người; cũng có người nghi ngờ rằng có phải ông gặp cú sốc gì đó rất lớn.
Nhà văn Khổ Linh vừa cười vừa nói: “Thôn Đại Phố thực ra đẹp hơn thôn Phúc Chính”, Đại Phố vốn là một làng cá từng phát triển một thời, có Phòng hút thuốc phiện, có nhà chứa, có quán rượu…. đây chính là nơi quay cảnh của bộ phim “Hoa Dạng” ( Ripples of Desire).
Sống ở Đại Phố, Khổ Linh rất biết cách tìm niềm vui cho chính mình, ông thích đi dạo trên con đường cổ Ngư Lộ, ông còn đặt cho chòi nghỉ mà ông thường hay đi qua một cái tên rất văn vẻ là: “Chòi ngồi cùng gió”. Chỉ khi có hướng dẫn viên du lịch dẫn khách từ chỗ nghỉ đi ngang qua đây, thì mới nghe thấy tiếng âm thanh phát ra từ loa : “Bây giờ thôn Đại Phố không có người ở, chỉ có nhà văn Khổ Linh sống ở đây, nếu lúc này có thời gian rảnh rỗi thì ông sẽ vẫy tay chào chúng ta từ bên cánh cửa sổ.”
Nghe thấy lời kêu gọi, nhà văn Khổ Linh sẽ chạy như bay đến bên cửa sổ để vẫy tay chào mọi người. “Cảm giác mình cứ như là Đức giáo hoàng vậy!”
Ban ngày đi lang thang một cách vô thức trên đảo, đến tối nhàn rỗi không có việc gì làm thì ghi chép lại mọi thứ đã nhìn thấy nghe thấy lại, khi rời khỏi Đông Cử tôi hầu như đã viết xong cuốn sách của mình.
Rời khỏi Đông Cử, vô địch thiên hạ
Bởi vì “ngâm mình” ở đó rất lâu, cho nên con người, biển, gió, cây cỏ, chòi nghỉ,…mọi thứ ở Đông Cử đều lưu lại vết tích của nhà văn Khổ Linh trong thời gian ông sống ở đó. Sự mô tả hết sức sống động và chân thực, đã tạo sự lôi cuốn khiến rất nhiều người mang theo sách ra thăm đảo Đông Cử để khám phá những điều thú vị được viết trong cuốn sách.
Hóa ra địa chỉ số 43 thôn Phúc Chính nơi mà nhà văn Khổ Linh từng ở nhờ không hề có biển số nhà, rất nhiều khách du lịch kiếm mãi không ra phải hỏi thăm khắp nơi, vì vậy mà Công sở hành chính xã đã đặc biệt làm một biển số nhà mới, để khách du lịch có thể chụp hình lưu niệm ở ngay cửa.
Lượng khách du lịch đến đảo Đông Cử gia tăng khiến người dân trên đảo Đông Dẫn (Dong Yin) - một hòn đảo khác đâm ra chạnh lòng nói rằng : “Khổ Linh thiên vị, viết về Đông Cử, mà không viết về Đông Dẫn, bây giờ người đổ hết sang Đông Cử rồi!”, vì vậy đảo Đông Dẫn, Tiểu Kim Môn đều thi nhau mời ông, hy vọng nếu có thời gian nhà văn Khổ Linh có thể đến “long stay” trên đảo của họ.
Sau khi trở về từ Đông Cử, năm nào Khổ Linh cũng đưa những bạn bè khác nhau ra thăm hòn đảo này. Người dân Đông Cử mỗi khi nhìn thấy Khổ Linh đều hỏi thăm rất thân mật : “Anh về rồi đấy à!”, trong mắt của họ, Khổ Linh đã là một phần tử của Đông Cử.
“Nếu không có thời gian đi khắp các đảo của Mã Tổ, vậy thì đi ra Đông Cử cũng là đủ rồi!”. Nham Thạch, Nhạn biển của Đông Dẫn, ở Đông Cử cũng có; Nam Can (Nan Gan) có đường băng, địa đạo, Đông Cử cũng có; kiến trúc kiểu Mân Đông ở cụm dân cư Cần Bích (Min Dong – Qin Bi) ở Bắc Can (Bei Gan), Đông Cử cũng có. “Đông Cử là đảo Mã Tổ thu nhỏ”, nhà văn Khổ Linh lại không kìm được, bắt đầu quảng cáo giúp cho Đông Cử.