Một cuộc hành trình không có hồi kết
Long Stay để học tiếng Đài Loan
Bài‧Cindy Li Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 6 2024
Ở Đài Loan, ngoài việc đến các lớp học, việc tham gia hoạt động đội nhóm, du lịch v.v..., đều là những cách hay để nâng cao năng lực tiếng Trung của bạn. (Ảnh: Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cung cấp)
Lukas, người Thụy Điển, đến Đài Loan học tiếng Trung cách đây không lâu, khi đến tiệm bán đồ uống để mua trà sữa, trong lúc xếp hàng chờ đợi, anh cứ thầm nói bằng tiếng Trung: “Một ly trà sữa trân châu, cảm ơn”. Không lâu sau, đến lượt anh, sau khi nói câu tiếng Trung mà anh đã luyện tập khá lâu một cách lưu loát, anh nghĩ mình đã gọi thức uống thành công thì nhân viên phục vụ mỉm cười hỏi anh: “Xin hỏi anh muốn độ ngọt và đá như thế nào ạ?”, khiến Lukas khựng lại không nói nên lời.
Đây không phải là câu chuyện duy nhất về việc người nước ngoài học tiếng Trung sợ hãi trước những từ ngữ riêng của Đài Loan, “làm nóng, tôi muốn lấy hàng, là những câu mà tôi học được sau khi đến Đài Loan”. Cô Ayun Kim, quê ở Hàn Quốc, kể về những khó khăn cô gặp phải khi mới đến Đài Loan vì không thành thạo tiếng Trung.
Phương pháp học đắm chìm trong tiếng Trung tại Đài Loan
Khi học đại học, cô tham gia các lớp học tiếng Trung ở trường vì cô thích các minh tinh và phim thần tượng. “Nhưng ngữ pháp và từ vựng mà chúng tôi học được vào thời điểm đó rất khó sử dụng trong cuộc sống hàng ngày”, Ayun Kim nói.
Vì vậy, khi mới đến Đài Loan bắt đầu cuộc sống mới, Ayun Kim đã phát hiện ra khả năng giao tiếp bị ảnh hưởng bởi không biết tiếng, khi đi siêu thị mua đồ, gặp những từ tiếng Trung không biết nói, cô phải dùng tiếng Anh và ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt, điều này đã khiến một số nhân viên bán hàng không thông thạo tiếng Anh muốn giúp đỡ cô nhưng không biết hỗ trợ như thế nào. “Sau khi tôi biết nói tiếng Trung, họ đã chủ động đến hỏi và giúp đỡ tôi”, Ayun Kim nói. Với những thay đổi rõ rệt như vậy, ngoài sự luyện tập tiếng Trung trong cuộc sống hàng ngày, những điều được học ở trung tâm ngoại ngữ cũng đã tạo nền tảng tốt cho cô.
Lật nhìn bộ sách giáo khoa tiếng Trung đương đại của Trung tâm Giảng dạy tiếng Trung thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, ngôi trường nơi cô theo học, có thể thấy những từ và mẫu câu mà người Đài Loan thường sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và những câu đối thoại được thiết kế theo tình huống có khả năng gặp phải ở Đài Loan dành cho người nước ngoài.
Tess Fang, tổ trưởng tổ học vụ của Trung tâm Giảng dạy tiếng Trung thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cho biết, sau khi nắm vững các kỹ năng đàm thoại cơ bản, giáo viên sẽ khuyến khích học viên đến những nơi mà họ có thể áp dụng thực tế, chẳng hạn như chợ đêm, chợ truyền thống, v.v... Thông qua thực hành như vậy, học viên mới có cơ hội ứng phó các tình huống mang đậm “chất Đài Loan”.
Mặc dù các khóa học trực tuyến đã trở thành hình thức giảng dạy và học tập thường thấy, tuy nhiên, “học tập đắm chìm” (là phương pháp học bằng cách đặt mình vào một môi trường giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên) vẫn là lựa chọn hàng đầu của hầu hết sinh viên nước ngoài khi học ngôn ngữ.
Theo thống kê của Trung tâm nguồn lực giáo dục Hoa ngữ Đài Loan, số lượng sinh viên nước ngoài theo học các trung tâm dạy tiếng Trung ở Đài Loan tăng lên hàng năm trong những năm gần đây. Ngoài các khóa học tiếng Trung chuyên nghiệp và các khóa học thi chứng chỉ, còn có xu hướng chọn những cách học tiếng Trung phi điển hình, chẳng hạn như trải nghiệm văn hóa và các chuyến tham quan ngoại khóa.
Nhờ du lịch để cải thiện trình độ tiếng Trung
“Tôi chọn Đài Loan vì nhiều người ở Thái Lan khuyên nên đến đây để học tập và du lịch”, cô Supitcha, đến từ Thái Lan nói. Cô Supitcha đến Đài Loan với ý định nâng cao tay nghề môn vật lý trị liệu, nhận thấy không thể nói tiếng Trung lưu loát nên cô đến trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Trung.
“Tôi nhận thấy có rất nhiều tiến bộ chỉ sau một tháng học”. Cô cho biết, so với khóa học kéo dài một năm rưỡi ở Thái Lan, cô cảm nhận rõ rệt khả năng tiếng Trung của cô đã cải thiện đáng kể trong thời gian ngắn ở Đài Loan.
Ngoài sự giúp đỡ của khóa học, việc đi du lịch đến nhiều vùng khác nhau của Đài Loan trong thời gian rảnh rỗi cũng giúp Supitcha thông thạo tiếng Trung hơn. Cô thậm chí còn cho biết học tiếng Trung rất hữu ích cho việc đi du lịch: “Vì tôi thích đến những nơi không được giới thiệu trên sách báo nên sau khi học tiếng Trung, tôi có thể đi vào hang cùng ngỏ hẻm và nhìn thấy những điều mà nhiều người Thái Lan khác chưa từng thấy. Thậm chí trong quá trình trò chuyện với người Đài Loan, tôi còn biết thêm nhiều điều mà trước đây tôi chưa biết”.
Dù đã đến thăm rất nhiều thành phố và danh lam thắng cảnh nhưng kế hoạch du lịch Đài Loan của Supitcha vẫn chưa kết thúc. Cô tiết lộ trong tương lai muốn học lái xe máy và đi đến nhiều nơi mà cô chưa từng đến khi đi du lịch bằng xe lửa.
Ayun Kim (trái) và Supitcha (phải) ngoài học tiếng Trung tại Trung tâm ngôn ngữ ra, họ còn học đàn tranh.
Tại các trung tâm giảng dạy tiếng Trung của nhiều trường cao đẳng và đại học ở Đài Loan, ngoài nội dung giảng dạy tại lớp học còn có nhiều hoạt động khác nhau để trải nghiệm. (Ảnh: Trung tâm giảng dạy tiếng Trung- Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cung cấp)
Long stay giúp ngôn ngữ tiến bộ một cách tự nhiên
Về phần Lukas, người bị “cú sốc giáo dục” trước những các mục lựa chọn ở cửa hàng đồ uống, việc học tiếng Trung đã giúp anh trở thành YouTuber giới thiệu về Đài Loan.
Năm 2018, anh mở kênh YouTube với tên thật của mình, dưới góc nhìn của một người nước ngoài, anh giới thiệu chi tiết cách sử dụng phương tiện công cộng để tham quan núi Voi, Sandiaoling, Pingxi cũng như những tuyến đường mà mọi người có thể khám phá tại những thắng cảnh này. Chuỗi video này được nhiều người yêu thích vì nó cung cấp giải pháp cho các vấn đề thực tế mà khách du lịch gặp phải.
Tuy nhiên, anh Lukas tiết lộ mục đích ban đầu quay những video này là để mang về làm kỷ niệm trước khi rời Đài Loan.
Hơn mười năm trước, anh Lukas đến Đài Loan với tư cách là một sinh viên trao đổi nhưng không chăm chỉ học tiếng Trung, sau khi kỳ học kết thúc anh trở về Thụy Điển. Năm sau anh trở lại Đài Loan và đến Trung tâm giảng dạy tiếng Trung của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan để học tiếng Trung, lý do thật đơn giản là vì lúc đó anh có quen một cô bạn gái Đài Loan.
Nhớ lại lý do tại sao chọn khóa học, nơi đi chơi hoặc học tiếng Trung vào thời điểm đó, anh Lukas cho biết: “Về cơ bản, tôi chỉ đi theo bạn bè và họ giới thiệu gì thì tôi làm theo đó”. Ngay cả chuyến đi học tiếng Trung dự kiến ban đầu là 1 năm cũng liên tục bị kéo dài vì những lý do khác. Tuy nhiên, điều này không chỉ giúp anh nói thông thạo tiếng Trung mang đậm chất giọng Đài Loan mà còn theo bước chân của bạn bè, trải nghiệm những phong tục văn hóa đa dạng của vùng đất này.
Cho đến một ngày cách đây 5 năm, khi Lukas quyết định trở về Thụy Điển, anh đã mua một chiếc xe máy GoPro với hy vọng ghi lại những địa điểm yêu thích của mình ở Đài Loan qua việc quay video. Đồng thời, cũng để làm tài liệu tham khảo cho những người bạn của anh trong Đội Thuyền rồng của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan. “Vì tôi ở Đài Loan hơn 5 năm nên mọi người thường nhờ tôi giới thiệu địa điểm vui chơi hoặc món ăn gì ngon”. Với chiếc máy ảnh trên tay, anh quay lại những địa điểm mà anh đã cùng bạn bè đi qua và dần dần anh nhận ra mình yêu thích Đài Loan đến nhường nào.
Và điều cuối cùng khiến anh quyết định ở lại Đài Loan là khi thông qua một người bạn cho anh biết clip “Núi Ấm Trà” trong loạt video “Người nước ngoài giới thiệu Đài Loan” do anh quay đã thu hút hơn 20.000 lượt xem trong vòng hai tuần kể từ khi ra mắt. Điều khiến anh ngạc nhiên hơn nữa là những bình luận của người Đài Loan, anh nói: “Nhiều người để lại bình luận ‘Hóa ra phong cảnh trên đó đẹp quá!’, còn tôi chỉ muốn nói: “Tại sao bạn chưa đến đó? Đây là nơi tôi yêu thích nhất”. Từ đó, anh quyết định trở thành YouTuber giới thiệu về Đài Loan, vậy là kế hoạch long stay của anh cũng được kéo dài vô tận.
Kênh YouTube “Người nước ngoài giới thiệu Đài Loan” của Lukas với logo là lá cờ Đài Loan được đóng khung hình trái tim.
Gia nhập Đội Thuyền rồng Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cách đây 10 năm, Lukas đã có rất nhiều bạn bè và
những kỷ niệm quý giá.
Sinh viên nước ngoài thành lập Đội Thuyền rồng để tham gia thi đấu, đây là một trong những hoạt động quan trọng thường niên của Trung tâm giảng dạy tiếng Trung, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cung cấp)
Núi Ấm Trà,Thụy Phương là điểm tham quan yêu thích của Lukas Đài Loan. (Ảnh: Lukas cung cấp)
Tận hưởng từng ngày tại trại hè
Trong loạt phim “Người nước ngoài giới thiệu về Đài Loan”, Lukas đưa khán giả đi thưởng ngoạn cảnh đẹp của Đài Loan. Gần đây, anh bắt đầu giới thiệu cho người nước ngoài những điều cần chuẩn bị trước khi đến Đài Loan, những điều cần biết về sự khác biệt văn hóa, v.v... và qua những cuộc trò chuyện với người nước ngoài ở Đài Loan, anh đã giới thiệu thêm nhiều khía cạnh khác nhau của Đài Loan.
Ngoài ra, anh còn hợp tác với Hiệp hội Liên minh châu Âu tại Đài Loan, mời chủ nhiệm văn phòng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Đài Loan đến giới thiệu văn hóa, phong tục của nước họ và chia sẻ ấn tượng của họ về Đài Loan.
Nếu bạn muốn nghe Lukas nói tiếng Trung lưu loát, bạn có thể xem loạt video anh ấy chia sẻ kinh nghiệm của mình ở Đài Loan. Rốt cuộc phải mất bao lâu để học nói được tiếng Trung như anh ấy? Lukas nói: “Thực ra, một năm là đủ để học tiếng Trung ở Đài Loan; một đến hai năm sẽ giúp bạn đối phó được với hầu hết các tình huống mà bạn gặp phải trong cuộc sống”.
Anh cũng chỉ ra, từ vựng và hội thoại học tại trung tâm ngôn ngữ Đài Loan không chỉ sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày mà còn giúp người nước ngoài trải nghiệm Đài Loan thực sự. “Đài Loan không chỉ có Đài Bắc, cũng không chỉ có những danh lam thắng cảnh trên các tuyến tàu điện ngầm metro”. Đặc biệt là sau khi vượt qua kỳ thi lấy bằng lái xe mô tô, anh đã đi đến nhiều địa điểm mà hầu hết mọi người đều chưa biết.
Lukas cho biết, anh chưa bao giờ gọi Đài Loan là “nhà”. “Tôi cảm thấy như đang ở trại hè 13 năm. Mỗi ngày ở đây đều rất thư giãn nên tôi muốn ở đây mãi mãi”, anh nói.
Về việc khi nào sẽ trở về Thụy Điển, anh Lukas không có câu trả lời chắc chắn, anh nói: “Năm nào tôi cũng sống như thể đó là năm cuối cùng của mình và nghĩ rằng "Nếu đây là năm cuối cùng của tôi ở Đài Loan, tôi sẽ làm gì?”, cố gắng tận hưởng cuộc sống tại Đài Loan”. Long stay ở Đài Loan, chưa kết thúc, vẫn còn tiếp tục.
Địa hình Đài Loan đa dạng và tuyệt đẹp, ta có thể đi từ thành phố về nông thôn, từ nông thôn lên núi rừng trong một ngày. Điều này khiến nhiều người nước ngoài phải thốt lên kinh ngạc.
(Chuang Kung-ju chụp)
Hàng chục nghìn lá cờ treo cao cao ở chợ đêm Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan cùng tỏa sáng với những gương mặt đến từ các quốc gia đang nhịp bước trên đường phố.