Bảo tồn núi trà
Phát triển sinh thái bền vững
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 8 2020
我們隨著茶山保育協會創會會長蔡奕哲,走訪阿里山太和村的茶園,從復育的生態茶園,發現與大自然共生共榮的美好;從坪林有機耕種的茶園,看見保護水源的理想,採自生態茶園的茶菁,經過發酵、烘焙做出來的茶,喝得到土地的滋味。
Chúng tôi theo bước ông Thái Dịch Triết (Tsai Yi-tze) – Hội trưởng, đồng thời là người sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Núi trà, đi tham quan vườn trà sinh thái ở thôn Thái Hòa trên núi A Lý (Alishan) và phát hiện vẻ đẹp của cuộc sống cộng sinh hài hòa với thiên nhiên tại đây. Tại vườn trà hữu cơ của Bình Lâm (Pinglin), nơi thực thi lý tưởng bảo vệ nguồn nước, những lá trà được hái từ trong vườn trà sinh thái này sau khi trải qua quá trình lên men và sấy khô, khi uống ta có thể cảm nhận được hương vị của đất đai.
Dọc theo Quốc lộ số 18, băng qua khu Phấn Khởi Hồ (Lake Fenqi), men theo những con đường núi quanh co, trong không khí tĩnh lặng đặc trưng của núi rừng A Lý, chúng tôi cảm giác như rừng cây sa mu thẳng tắp đang dần đổ dồn về xung quanh mình. Khi đến thôn Thái Hòa, nơi có độ cao 1.445 mét so với mực nước biển, cả vườn trà rộng lớn bao la đột nhiên hiện ra trước mắt.
Nằm sâu trong con đường mòn giữa núi, “Vườn trà rừng” của Giản Gia Văn (Jian Jiawen), chủ nhân của một phòng trà “hoang dã” (wild foods) riêng tư chỉ tiếp đón bạn bè. Khi đến đây, tất cả những gì tôi biết về vườn trà trước đó đều hoàn toàn thay đổi. Những cây trà tự nhiên hoang dã, nước trà thơm ngát với hương vị đậm đà, thậm chí khi đã pha đến nước thứ bảy, thứ tám, mà ta vẫn có thể thưởng thức được vị ngọt của trà.
Những cây trà núi Đài Loan và cây trà Ô Long của Giản Gia Văn ẩn mình trong rừng cây hu đay, ngưu chương và giổi Đài Loan. Hoa dã quỳ và cúc dại mọc đan xen vào nhau, thân cây bò tràn lan trên đất. Những cây trà núi cao từ 6m đến 13m, phải dùng giá đỡ mới có thể leo lên để hái trà. Sự hòa quyện giữa cây trà với rừng tự nhiên tạo nên một hương vị độc đáo, đậm chất địa phương.
Không tỉa cành, không bón phân, không dùng thuốc trừ sâu mà chỉ trồng trà bằng cách “thả rông”, sau 10 năm, trong vườn trà của ông Giản Gia Văn đã có thể thấy được loài ếch cây xanh Đài Loan – một loài vật vô cùng nhạy cảm với môi trường sống, những con nhện săn mồi nằm ở đầu chuỗi thức ăn, có thể nghe thấy cả tiếng ngân nga của loài chim hoét giống đặc chủng Đài Loan (Steere’s liocichla) và loài kim oanh tai trắng Đài Loan.
“Sự đa dạng về loài chim, côn trùng và thực vật là chứng nhận rõ ràng nhất cho vườn trà sinh thái”, chuyên gia về trà Thái Dịch Triết, đồng thời cũng là người tích cực khởi xướng trà sinh thái nói.
Để cho đất đai tự lên tiếng
Đối với những nông dân trồng trà theo phương pháp tự nhiên như Giản Gia Văn và Diệp Nhân Thọ (Ye Renshou), câu chuyện được bắt đầu kể từ khi bão Morakot tàn phá khu vực núi A Lý vào năm 2009. Chỉ trong 5 ngày, mưa lớn kéo dài với lượng mưa của cả năm, gây ra lũ bùn đá, sạt lở và sụt lún. Bão mạnh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, khiến cho người ta bắt đầu suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người với đất đai. Ông Giản Gia Văn bất chấp sự phản đối của gia đình, quyết định trồng trà bằng hình thức “thả rông”.
Trải qua 4 đến 5 năm, vườn trà của ông đã hình thành nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, những loài săn mồi ăn sâu bọ trở nên nhiều hơn, cộng thêm những cây trà sau nhiều năm phát triển tự nhiên, tán cây đã hình thành một cơ chế tự bảo vệ, trà do ông trồng đều mang hương vị của đất đai. Đây chính là thuận theo ý trời, vừa lòng người dân, “Thiên nhiên thực sự rất thần kỳ!”, ông Giản Gia Văn nói.
Còn với nông dân trồng trà Diệp Nhân Thọ, động cơ ban đầu khi áp dụng hình thức trồng tự nhiên cũng là do mưa bão. Khi bão Morakot ập đến, ông Diệp Nhân Thọ đã tận mắt chứng kiến người thân và bạn bè mình gặp nạn, vườn trà có lịch sử 30 năm trong chốc lát bị lũ bùn đá cuốn trôi 200 mét. Thế nhưng vườn trà sau cơn bão, nay đã nằm trên đất của người khác, vẫn tiếp tục sinh trưởng mạnh mẽ dù không được chăm sóc. Việc này đã khiến cho ông Diệp Nhân Thọ phải suy ngẫm và bắt đầu thử phương pháp trồng tự do trên vườn trà của mình. Từ 2000 mét vuông ban đầu, ông đã mở rộng và phát triển thành vườn trà sinh thái rộng đến 1 hecta.
Tuy nhiên, những cảnh tượng như lá trà bị sâu ăn, lá xấu, dưới cây trà mọc đầy cỏ dại, đối với người dân thôn Thái Hòa, nơi có đến 90% dân số là nông dân trồng trà, thì đây là việc không thể nào tưởng tượng nổi. “Đồ vô dụng”, “Ông ta mất hết ý chí rồi”, đây chính là những lời bình luận mà người dân cùng thôn dành cho ông Diệp Nhân Thọ, nhưng ông chỉ tự động viên bản thân rằng: “Mình là người bình thường”.
Cả ông Giản Gia Văn và ông Diệp Nhân Thọ đều nghiệm ra được đạo lý chung sống hòa bình với thiên nhiên thông qua thực tiễn tôn trọng tự nhiên. Họ phát hiện ra rằng, sức mạnh của thiên nhiên không những có thể phá hoại hoặc làm mất đi, mà còn mang lại nguồn sống và phúc lành.
Lấy vụ trà mùa đông năm 2018 của ông Diệp Nhân Thọ làm ví dụ, rất nhiều vườn trà áp dụng phương pháp trồng trọt thường dùng đều bị giảm sản lượng do thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, nhưng vườn trà của ông Diệp thì không những không bị giảm sản lượng, mà ngược lại còn tăng thêm. Qua nhiều năm bồi đắp, đất đai màu mỡ đã giúp cho cây trà có thêm khả năng chống chọi lại gió mùa, ông Diệp Nhân Thọ nói, vườn trà sinh thái ngược lại còn có thể chống chịu sức ảnh hưởng từ sự biến đổi của vi khí hậu ở địa phương.
Đồng hành cùng nông dân trồng trà, phục hồi và bảo tồn núi trà
Ông Thái Dịch Triết, người đã gắn bó với nông dân trồng trà suốt hơn 20 năm, từ tốn nói rằng “Uống trà là uống môi trường”.
Năm 1996, ông Thái Dịch Triết đi tìm mua trà ở khu Bút Thạch, thuộc xã Tín Nghĩa, huyện Nam Đầu, bão Herb ập đến khiến cho sông Chenyoulan đột nhiên tràn bờ đê. Chỉ trong tích tắc, lũ bùn đá cuốn trôi túp lều tranh bên cạnh ông Thái Dịch Triết. Ông thoát chết, nhưng bị kẹt ở giữa núi, bặt vô âm tín suốt mười mấy ngày liền.
Kinh nghiệm xương máu vô cùng sâu sắc ấy đã khiến cho ông Thái Dịch Triết hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ đất và nước, và cũng giúp ông nhận ra rằng bảo tồn núi trà là một việc làm vô cùng cấp thiết. “Việc bảo tồn núi trà được bắt đầu bằng sự tham gia của người tiêu dùng và sự đồng hành cùng nông dân trồng trà”. Trải qua nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, ông từng bước đưa ý tưởng của mình đến với các hộ trồng trà của Đài Loan, từ Bình Lâm đến Thạch Đĩnh (Shiding), từ khu Danh Gian (Mingjian) của huyện Nam Đầu đến hồ Nhật Nguyệt, rồi lại từ khu vực núi A Lý đến khu Cao Đài của huyện Đài Đông. “Nói là đồng hành nhưng thực ra là khơi gợi lại ký ức về thời kỳ trồng trà của ông bà trong trí nhớ của những nông dân bây giờ, đồng thời cũng giúp ruộng đất khôi phục lại trạng thái tự nhiên, không cần bón phân, không cần thuốc trừ sâu”. Áp dụng phương pháp trồng trà tự nhiên, từng bước khắc phục khó khăn, chắc chắn sẽ tìm ra được điểm cân bằng giữa sản xuất và môi trường.
Vườn trà hữu cơ, bảo tồn sinh thái
“Tôi không trồng trà, tôi chỉ bảo vệ môi trường!”. Ông Du Tam Hòa (Yu Sanhe), người bắt đầu áp dụng phương pháp trồng trà tự nhiên tại khu Bình Lâm của thành phố Tân Bắc từ năm 2010, mang ra trà mùa đông vừa hái và chế biến xong và chia sẻ với ánh mắt ngời sáng: “Tôi chuyển sang trồng hữu cơ, không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn giúp tôi bội thu vụ trà mùa đông”.
Ông Dư Tam Hòa giải thích, khi vừa mới bắt đầu chuyển hướng sang trồng vườn trà sinh thái, ngoài vấn đề bị giảm sản lượng, phiền phức nhất là “lây nhiễm từ sân vườn láng giềng”. “Hồi 4, 5 năm trước, một nông dân gần đó đã vô tình cho biết anh ta phải phun thuốc trừ sâu đến ba lần lá trà mới mọc ra. Tôi mới phát hiện ra rằng thì ra do anh ta phun thuốc nhiều như vậy nên sâu bọ chạy hết sang vườn trà của tôi. Thảo nào vườn trà của tôi bị ăn sạch”. Để đối phó với vấn đề vườn hàng xóm phun thuốc trừ sâu, ông Dư Tam Hòa đã cố tình không thu hoạch trà vào tháng 8, đợi đến khi vườn bên cạnh phun xong thuốc vào tháng 9, do lá trà trên cây đã già, sâu bọ từ vườn hàng xóm kéo sang không thích ăn lá già, rồi đợi đến tháng 10 thì cây mọc mầm non mới, cũng là lúc thu hoạch trà mùa đông.
Trải qua những tháng ngày bị giảm sản lượng, thâm hụt vốn, phải vay vốn của Ủy ban Nông nghiệp để sống qua ngày, ông Dư Tam Hòa cuối cùng cũng khổ tận cam lai, cũng giống như trà của ông, từ tốn mà bền vững, nhất là loại trà trắng và trà vàng của ông, nước trà thanh đạm, nhưng vị ngọt thì vẫn đọng lại trên chót lưỡi.
Ở thượng nguồn khu vực tích nước của hồ chứa nước Phỉ Thúy (Feitsui Reservoir), nơi có vườn trà hơn 1.000 hecta phân bố ở khu Bình Lâm và Thạch Đĩnh, trong đó vẫn còn đến 90% hộ nông dân áp dụng cách trồng trà thường dùng, thường xuyên sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu trong suốt thời gian dài, khiến cho đất bị chua và làm tăng mối lo ngại về phì dưỡng ở khu hồ chứa nước này. Ngoài ông Dư Tam Hòa, 30 nông dân trồng trà thuộc nhóm trồng và sản xuất trà hữu cơ số 7 và số 8 ở Bình Lâm cũng đều nỗ lực phục hồi và bảo tồn vườn trà sinh thái, giảm thiểu tổn hại cho hồ chứa nước Phỉ Thúy do phương pháp canh tác thường lệ gây ra.
Ngoài ra còn có ông Huỳnh Bách Quân (Huang Bojun), người sáng lập thương hiệu Taiwan Blue Magpie Tea, với khái niệm “Phục hồi lưu vực sông”, từ năm 2013 đến nay, ông đã thuyết phục được 14 nông dân ở khu vực Bình Lâm gia nhập hàng ngũ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Ông Huỳnh Bách Quân lấy “sinh thái” làm nền tảng cho thương hiệu của mình và đưa ra những chiến lược marketing như kêu gọi tài trợ từ doanh nghiệp, tham quan du lịch tại nơi sản xuất. Thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sự tham gia của người tiêu dùng, mọi người cùng nhau nỗ lực vì mục tiêu thân thiện với môi trường trong phạm trù của việc uống trà.
Uống trà là sự tái hiện của tự nhiên, đồng thời là một kiểu thẩm mỹ và thái độ của cuộc sống. Thông qua việc bảo tồn núi trà, thân thiện với môi trường, điều mà thiên nhiên đáp lại, chính là một tách trà ngon tràn đầy sức sống.