Vẻ đẹp choáng ngợp của hòn đảo núi
Lý do không thể không ghé thăm Đài Loan
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tường Vy
Tháng 6 2024
Nhiều người nước ngoài sống ở Đài Loan lâu năm đều đồng tình bày tỏ rằng, họ đặc biệt yêu thích những ngọn núi của Đài Loan. Núi Đài Loan có gì đặc biệt mà làm rung động trái tim của du khách đến thế?
Nếu như ngồi máy bay về Đài Loan từ hướng Nam, suốt dọc đường sẽ nhìn thấy dãy núi hùng vĩ cao chạm suối mây, trải dài đến tận bên kia đại dương.
Núi chính là thắng cảnh nổi bật nhất của địa lý Đài Loan, 70% địa hình Đài Loan là núi đồi bát ngát với 269 ngọn núi cao trên 3.000 mét, trong đó bao gồm núi Ngọc (Yushan) có cao độ 3.952 mét so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất khu vực Đông Bắc Á.
Ngoài nguồn tài nguyên rừng núi phong phú, môi trường Đài Loan còn có một đặc điểm thú vị là khoảng cách giữa các không gian được thu nhỏ nên rất dễ dàng để trải nghiệm. Chẳng hạn, nếu đến bờ biển phía Đông và ngồi thuyền ra biển, chỉ mất nửa giờ là có thể nhìn thấy những loài cá ở vùng biển sâu như cá voi và cá heo, đến tối lại lên nghỉ đêm trên núi Taroko. Những điều thường nhật mà người Đài Loan chẳng để ý đến lại được xem là điều phi thường trong mắt người nước ngoài.
Điều này là bởi cấu tạo địa chất Đài Loan còn khá “trẻ”, địa thể hòn đảo được nhô lên do sự va chạm xung đột của mảng lục địa Á- Âu và mảng biển Philippines, với vĩ độ nằm ngay tại giao giới giữa khí hậu nhiệt đới và khí hậu cận nhiệt đới cho nên địa hình, giống loài vô cùng đa dạng, lại có đặc điểm địa hình sườn dốc.
Phong cảnh núi non của Đài Loan khiến du khách quốc tế có được những cảm nhận mới mẻ và ấn tượng sâu sắc. Ông La Minh Thụy (Mike Lo) là một vận động viên leo núi đến từ Cộng hòa Séc, định cư ở Đài Loan lâu năm, chỉ vì yêu núi rừng nên bao năm qua ông làm tình nguyện viên cho Vườn quốc gia Tuyết Bá (Xueba). “Núi của Đài Loan rất CỪ!”. Ông La Minh Thụy giải thích: “Khi còn ở châu Âu, chúng tôi có thể dễ dàng đi vào rừng, nhưng núi ở Đài Loan nếu như không có đường mòn thì khó mà đi vào sâu được”.
Cũng chính vì thế mà núi rừng lại càng trở thành “đặc sản” dễ nhận diện hơn so với những tài nguyên du lịch tiêu biểu khác của Đài Loan như đồ ăn vặt, trà, thức uống lắc tay, chợ đêm, tòa cao ốc 101 tầng và chùa chiền. Đặc biệt, khi các quốc gia láng giềng như Hồng Kông cũng nổi tiếng với đồ ăn vặt, hay Thái Lan nổi tiếng với chợ đêm và chùa chiền cũng là điểm đặc sắc được cộng đồng người Hoa cùng chia sẻ, thì “những ngọn núi” khiến cho Đài Loan nổi bật hơn so với tất cả.
Núi Ngọc được mệnh danh là đỉnh núi cao nhất Đông Bắc Á, thu hút những người đam mê leo núi trong và ngoài nước. (Ảnh: Công ty Du lịch Edison cung cấp)
Đường mòn cổ Trùy Lộc (Zhuilu) trên núi Taroko đã trở thành tuyến đường đi bộ nổi tiếng trong những năm gần đây.
(Ảnh: Công ty Du lịch Edison cung cấp)
Ai cũng có lối đi riêng cho mình
Vì vậy, nhiều công ty lữ hành chuyên phục vụ “du lịch dành cho khách nước ngoài” đều cho rằng khi quảng bá du lịch Đài Loan, "đặc sản" núi có thể được chọn làm sản phẩm quảng bá thu hút.
Làm thế nào để khẳng định điều đó? Đài Bắc được núi non bao quanh tứ phía, đó chính là điểm đến của đa số du khách khi ghé thăm Đài Loan. Vào một buổi sáng ngày thường, chúng tôi theo chân ông Dương Chí Minh (Yang Chih-ming), người sáng lập Công ty Du lịch Quốc tế Wildman, đi bộ từ lối ra ga tàu điện ngầm đến lối vào đường mòn lên núi Tượng Sơn (Núi Voi Xiangshan).
Núi Tượng Sơn là một trong bốn con đường mòn trên núi Tứ Thú (Sishou), là sự lựa chọn hot nhất để người dân đi bộ vào cuối tuần. Nhưng vào ngày thường, núi Tượng Sơn lại rất khác, những con đường mòn toàn nhìn thấy những vị khách du lịch ăn mặc chưng diện chỉnh chu, trên đường đi có thể nghe thấy đủ thứ tiếng như tiếng Nhật, Hàn, Anh, Pháp và tiếng Trung giọng Malaysia. Ông Dương Chí Trung chia sẻ: “Nếu dẫn đoàn khách người Hoa Malaysia thì nơi đây là điểm thắng cảnh mà họ yêu cầu nhất định phải đến thăm”.
Đối với điểm đến của khách du lịch, ngoài 6 tảng đá khổng lồ dọc đường đi, đài quan sát có thể ngắm tòa cao ốc 101 tầng càng là lý do khiến họ đến đây. Khi hoàng hôn buông xuống, ta cũng sẽ thấy từng nhóm người nước ngoài mang theo đồ ăn vặt, bia rượu, thức uống lên tổ chức party mini ở khu vực ngắm cảnh.
Có thể nói rằng người dân Đài Bắc được sống trong môi trường bao quanh bởi núi non, thử hỏi còn gì hạnh phúc hơn. Ngoài hệ thống đường mòn núi Tứ Thú thân thiện, chỉ cần ai có thói quen leo núi thì mọi người tự nhiên sẽ kết nối với các tuyến đường mòn vùng núi ngoại ô gần với nơi ở của mình, “Khu phía Nam có hệ thống đường mòn Mao Không (Maokong), ở Sỹ Lâm (Shilin), Thiên Mẫu (Tienmu) thì có đường mòn cổ Thiên Mẫu, đường mòn công viên Quốc gia núi Dương Minh (Yangmingshan)”, Tổng Giám đốc công ty du lịch Edison, ông Quách Đại Kỳ (Dinnis Kuo) chia sẻ.
Để bắt kịp cơn sốt du lịch leo núi trong nước, từ trung ương đến địa phương, các ban ngành chính phủ đã kiểm kê, tích hợp và kết nối các nguồn tài nguyên đường mòn trên khắp Đài Loan. Ông Quách Đại Kỳ chỉ ra rằng, dù cho thể lực của bạn như thế nào, có thói quen tập thể dục hay không, nhu cầu của bạn là gì, có muốn mang theo thiết bị leo núi hay không, muốn thực hiện chuyến đi trong ngày hay hành trình dài ngày. Thậm chí, có những sở thích đặc biệt như: muốn ngắm chim và bướm, muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Bắc Á, muốn tham quan địa hình băng tuyết trên núi, hoặc đặc biệt muốn trải nghiệm văn hóa dân tộc nguyên trú, với nguồn tài nguyên núi rừng phong phú của Đài Loan, “ai cũng có thể tìm cho mình một lối đi riêng”.
Công ty du lịch Edison chuyên phát triển lĩnh vực leo núi thương mại và phục vụ khách du lịch nước ngoài trong 36 năm qua. Ông Quách Đại Kỳ phân tích rằng, 70% khách du lịch nước ngoài đến Đài Loan sẽ ghé thăm thành phố Đài Bắc, chỉ riêng điều kiện địa lý của Đài Bắc, dù là khởi động trước khi leo “núi cao” hay đơn giản chỉ là ngắm phong cảnh thiên nhiên thì tại Đài Bắc sở hữu khá nhiều điểm tham quan, có thể cung cấp hành trình du lịch nửa ngày hoặc trong một ngày.
Hồ Gia Minh (Jiaminghu) đặc biệt thu hút khách du lịch Malaysia.
(Ảnh: Công ty Du lịch Quốc tế Wildman cung cấp)
Vùng bồn địa Đài Bắc có nhiều tài nguyên núi rừng, hố trầm tích núi lửa Xiaoyoukeng (ảnh trái) và thảo nguyên Qingtiangang (ảnh phải) trên núi Dương Minh, cho phép du khách khám phá một góc nhìn khác trong khung cảnh thành phố Đài Bắc.
Bước chân trên những lối mòn cổ xưa, nhớ về một thời đã qua
Với sự thuận tiện giao thông và sự trao đổi thông tin thường xuyên, du lịch chuyên sâu đã trở thành xu hướng mới. Trong thời đại chưa có đường bộ hay đường sắt, những con đường cổ đóng vai trò quan trọng trong giao thông thời bấy giờ, những năm gần đây đã trở thành mô hình du lịch phổ biến đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi muốn khám phá Đài Loan. Đường mòn cổ Đạm Lan (Danlan) nối liền các khu vực từ Đài Bắc, Cơ Long đến Nghi Lan. Con đường mòn này nổi tiếng với cánh đồng chè vè bạt ngàn vào mùa thu, còn có thể kết hợp với câu chuyện mục sư Makay đến Đài Loan truyền giáo, chi tiết này dễ dàng nhận được sự đồng điệu với du khách đến từ vùng Bắc Mỹ. Đường mòn cổ vượt núi Ha Bồn (Hapen) qua lại giữa Tân Bắc và Nghi Lan, đường mòn vượt núi Phúc Ba (Fuba) dẫn từ Ô Lai (Wulai) đến núi La La (Lalashan) ở Đào Viên, ngày xưa là con đường được người dân tộc Atayal sử dụng để đi săn bắn hoặc đường rước dâu khi kết hôn với người ngoài bộ tộc, ngoài phong cảnh núi non, văn hóa chạm khắc của người dân tộc nguyên trú nơi đây lại càng hấp dẫn du khách.
Thời kỳ dịch bệnh khiến ngành du lịch bị suy thoái, ông Dương Chí Minh đã hỗ trợ chính phủ quy hoạch và quảng bá một số tuyến đường mòn cấp quốc gia. Là người thường dẫn đoàn leo núi đến Nepal, Malaysia và Peru trong mười ngày hoặc nửa tháng, những tuyến đường kinh điển nổi tiếng quốc tế lý tưởng trong lòng ông là tuyến đường hành hương Tây Ban Nha, tuyến đường Kumano Kodo cổ xưa của Nhật Bản và đường mòn MacLehose của Hồng Kông. Ông hy vọng chỉ cần một con đường là có thể giúp Đài Loan đưa ra “hành trình thuyết phục” giới thiệu đến cho khách du lịch quốc tế.
Trong số đó, đường mòn xanh Shanhaizun (Mountains to Sea Greenway) phải mất hơn 10 ngày mới đi hết con đường, bắt đầu từ Công viên quốc gia Đài Giang (Taijiang) ở Đài Nam, con đường đi thẳng lên đến đỉnh núi Ngọc (Yushan), điểm khởi đầu từ độ cao 0 mét so với mực nước biển leo lên đến độ cao 3.952 mét so với mực nước biển, đỉnh núi cao nhất Đài Loan, ông Dương Chí Minh cho rằng: “Đưa lên bình diện quốc tế mà so sánh, thì đó là một con đường rất có tính cạnh tranh”.
Một con đường mang tính tiêu biểu khác là “Con đường long não” (Raknus Selu Trail), đường mòn trong núi đi xuyên qua Long Đàm (Longtan), Đào Viên và Đông Thế (Zhongshi), Đài Trung. Tuyến đường phản ánh sự tương tác giữa các nhóm tổ tiên khác nhau, cũng như lịch sử phát triển ngành chặt đốn và tinh chế long não ở Đài Loan. Từ cuối đời nhà Thanh đến thời Nhật đô hộ, Đài Loan từng là trung tâm công nghiệp long não chủ chốt, long não sản xuất được đưa đến khắp nơi trên thế giới thông qua đường vận chuyển sông Đạm Thủy. Vào thời kỳ huy hoàng của ngành này, sản lượng long não Đài Loan chiếm tới 70% sản lượng toàn cầu, lịch sử của ngành sản xuất long não cũng là điểm nhấn thu hút du khách nước ngoài.
Cộng đồng leo núi gọi ông Dương Chí Minh là “Yang Da (Dương Đại)”, người quảng bá đặc sản “núi” của Đài Loan đến với du khách quốc tế.
Núi Đại Tuyết giàu tài nguyên chim chóc, là điểm tham quan quan trọng không thể bỏ qua của hội người yêu chim khi đến Đài Loan.
(Ảnh: Lin Min-hsuan)
Núi non hùng vĩ, những cảnh sắc tuyệt vời không thể bỏ qua
“Bạn có biết không? Núi Ngọc Đài Loan còn cao hơn cả núi Phú Sĩ đấy!”. Đây là câu nói cửa miệng của ông Quách Đại Kỳ, người thường tham gia các triển lãm du lịch, triển lãm thể thao quốc tế và giải trí ngoài trời.
Ngọn núi nào nổi tiếng ở Đài Loan mà du khách quốc tế không muốn bỏ lỡ? Ngọn núi mang tính biểu tượng Ngọc Sơn nổi tiếng với danh hiệu đỉnh núi cao nhất Đông Bắc Á với địa hình dốc, cho phép mọi người trên đường đi có thể nhanh chóng trải nghiệm sự biến hóa của diện mạo rừng, như rừng lá rộng, rừng hỗn giao cây lá kim và cây lá rộng, rừng lá kim cho đến rừng hàn đới núi cao. 200 mét cuối cùng trước khi chinh phục đến đỉnh núi được lấp đầy bởi mạt đá vụn đã trải qua phong hóa, điều này đặc biệt hiếm. Khuyết điểm duy nhất là nhà nghỉ Paiyun Lodge trên núi mỗi ngày chỉ nhận 24 chỗ dành riêng cho khách du lịch nước ngoài, những chiến hữu leo núi nói đùa: “Chinh phục đỉnh Ngọc Sơn không khó, nhưng rất khó để giành được một chiếc giường!”
Còn khi nhắc đến núi Tuyết, đỉnh núi cao thứ hai nổi tiếng với cảnh quan thung lũng sông băng, trong hệ thống núi bao gồm núi Đại Tuyết (Daxueshan), một địa điểm lý tưởng để ngắm chim và ngọn núi Taroko là 1 trong 2 ngọn duy nhất trên thế giới (ngọn núi còn lại ở Ý) có địa hình lòng sông mặt cắt đá cẩm thạch trắng như tuyết, với độ sâu theo chiều dọc đạt đến 800 mét, cũng vô cùng độc đáo.
Về phần ông Dương Chí Minh, tham gia câu lạc bộ leo núi từ khi còn là sinh viên đại học, lần đầu giới thiệu núi Nam Hồ (Nanhu). Ông Dương Chí Minh cho biết, “có một câu nói trong cộng đồng leo núi là Nam Hồ Đế Vương Đầu”. Đến núi Nam Hồ, bạn sẽ có dịp tham quan những cảnh quan đa dạng như núi non hùng vĩ, bờ vực cheo leo, vách đá, những tảng đá kỳ thú, ngắm mặt trời mọc, biển mây, rừng thông, những con suối, thác nước, thung lũng trong cùng một lúc. “Môi trường rất đặc biệt, rất khó mà thay thế”, ông chia sẻ.
Những người cùng tần số có sở thích giống nhau, ông Dương Chí Minh giải thích dựa trên một câu chuyện lịch sử. Trong thời kỳ Nhật đô hộ, nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên Tadao Kano đã mời thầy của mình là ông Kaoru Tanaka đến Đài Loan. Thầy Kaoru Tanaka từ nơi xa xôi đến, yêu cầu ông Tadao Kano chọn ra ngọn núi tiêu biểu nhất của Đài Loan, khi đó ông Tadao Kano đã chọn núi Nam Hồ. Sau đó, cả hai thầy trò phát hiện ra sự tồn tại của 12 thung lũng hình tròn và các địa hình băng bào mòn khác trên khu vực núi “sông băng có hương thơm”.
Vẻ đẹp hùng vĩ của núi non khó có thể diễn tả hết được chỉ trong vài từ, khơi dậy niềm khao khát vô hạn của con người rằng “thà được tận mắt chiêm ngưỡng, còn hơn chỉ được nghe lời đồn”. Ông Dương Chí Minh thốt lên lời khen đầy ngưỡng mộ: “Đẹp vô cùng!”. Có thể thấy, chỉ vài ngày cưỡi ngựa xem hoa ngắn ngủi thôi, làm sao mà đủ? Đối với những đoàn du khách đến Đài Loan vì mục đích leo núi, hành trình ít nhất phải kéo dài 10 ngày đến nửa tháng, chưa kể đến những vị khách nước ngoài du lịch dài hạn. Vì ở đây có lý do để “họ” sẵn sàng vượt trùng dương ghé thăm.
Do sự chèn ép của các mảng kiến tạo và các dòng suối dồi dào cắt ngang lâu năm, Taroko với vách núi dọc bằng đá cẩm thạch trắng tinh khiết là một cảnh quan hiếm thấy trên thế giới.