Đẹp biết bao sóng và gió đảo ngọc!
Đạp sóng rẽ gió “lướt” Đài Loan
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 6 2024
Nick chơi lướt ván buồm tại Dulan thuộc huyện Đài Đông.
Tại Đài Loan có thể lướt sóng trong suốt bốn mùa. Tận hưởng sự ấm áp của đại dương, sự phong phú về ẩm thực và tình người nồng ấm, đều là những điều thường gặp trong hành trình du lịch Đài Loan.
Ghé thăm bộ lạc Dulan nằm ở chân dãy núi ven biển phía đông Đài Loan, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy một màu xanh rì của dãy núi Dulan, biển Thái Bình Dương bao la ngập tràn sóng và gió. Du khách người Pháp Nicolas Postec (dưới đây gọi tắt là “Nick”) đã liên tiếp hai năm đến Đài Loan “long stay” 3 tháng, ngày nào anh cũng lướt sóng hoặc lướt ván buồm, có vẻ như chưa bao giờ cảm thấy chán.
Ảnh: Chính quyền huyện Đài Đông cung cấp
Lướt sóng, tắm suối khoáng và ăn lẩu
“Trên thế giới hiếm chỗ nào vừa có gió đẹp mà sóng lại rất tốt như vậy”, Nick cho biết anh rất hay lướt sóng tại những nơi mang đậm nét văn hóa lướt sóng ở Pháp như Biarritz và Osage, nhưng vào mùa đông thường rất lạnh, trong khi đó từ tháng 10 hàng năm đến tháng 2 năm sau Đài Loan có sóng rất đẹp, có thể lướt sóng hàng ngày, thật sự quá tuyệt vời.
Vào năm 2022, khi lên mạng internet sưu tầm những địa điểm lướt sóng, Nick đã bị cuốn hút bởi clip của một cửa tiệm kinh doanh đồ lướt sóng tại Dulan, Đài Đông, sau khi tìm hiểu kỹ, anh đã quyết định đến Đài Loan lướt sóng.
Gửi hai chiếc ván buồm và một chiếc ván lướt sóng từ Pháp qua đường hàng không đến Đài Loan, Nick hết lời ca ngợi sóng và gió Đài Đông: “Sóng ở Dulan rất đồng đều, rất mạnh nhưng lại không nguy hiểm, vì vậy giúp tôi dễ dàng tiến bộ hơn”.
Ngày nào cũng vậy, việc đầu tiên mà Nick sẽ làm sau khi ngủ dậy là phải tới cửa hàng tiện lợi 7-11 nhâm nhi một ly cà phê, sau đó đi ngắm sóng. “Nếu sóng to thì chơi lướt sóng; gió to thì chơi lướt ván buồm”, anh vừa cười vừa nói rằng: “Bởi vì lướt ván buồm là “anh em họ” của lướt sóng mà!”
Nick nói rằng, ở Đài Loan hầu như ngày nào cũng có thể lướt sóng. Vì chơi môn thể thao này cực kỳ hao sức, “cho nên ăn lẩu, tắm suối khoáng nóng Hongye ở Tri Bản (Zhiben) là cách tốt nhất để phục hồi thể lực, đặc biệt là ăn lẩu nước dùng vị thuốc Bắc, ăn vào thấy người khỏe hẳn ra...”, Nick vừa nói vừa để lộ biểu cảm thỏa mãn đến mức dường như suýt cười phá lên.
“Nếu không phải đi làm thì tôi cứ muốn ở Đài Loan mãi mãi”. Nick cho biết, lướt sóng là một môn thể thao giúp cơ thể “gạn đục khơi trong”, giúp con người được thỏa mãn, vì vậy có cảm giác được tận hưởng cuộc sống. Điều quan trọng nhất là ở Đài Loan, anh gặp được rất nhiều bạn bè có chung sở thích lướt sóng. Anh nói: “Sau này cứ đến mùa lướt sóng hàng năm đều sẽ tới Đài Loan”.
Đến Đài Loan “long stay”, Nick lướt sóng mỗi ngày và cho rằng, bất kể sóng to hay sóng nhỏ, không chỉ có thể nâng cao kỹ năng, mà chơi lướt sóng còn giúp bản thân ngày càng trở nên tốt hơn.
Ấn tượng đẹp nhất trong chuyến đi chính là con người
Những người bạn tốt mà Nick nhắc đến ở trên là vợ chồng anh Mark Jackson và cô Trần Vịnh Ức (Chen Yong-yi), cũng là chủ nhà nghỉ và cửa tiệm “WaGaLigong” có mở lớp huấn luyện chơi ván chèo SUP ở Dulan (Đài Đông).
Vào 20 năm trước, Mark từ Nam Phi đến Đài Đông để dạy tiếng Anh, từ cư trú dài hạn anh đã chuyển thành định cư tại Đài Loan, tới nay có thể dễ dàng chuyển đổi giữa 3 loại ngôn ngữ gồm tiếng Trung, tiếng Đài và tiếng Anh. Mark chia sẻ: “Trong 5 năm đầu tiên ở Đài Loan, tôi đã gặp được 3 người bạn “rất hợp gu”, có thể nói là những người thầy dẫn dắt tôi”. Lính không quân Trương Kiệt Sư dạy anh cách lặn biển để săn bắt cá, Tết năm nào cũng mời Mark cùng ăn Tết; Tăng Ánh Hạo làm việc ở tòa án thì dạy Mark cách chơi ván buồm; còn anh Kongqiang (Khổng Thương) người dân tộc nguyên trú (trước đây gọi là “Kong Jia-hao (Khổng Gia Hào)”) thì dạy Mark cách chơi dù lượn. “Tôi với ba người đó giống hệt anh em trong nhà, chúng tôi cũng rất thân thiết với người thân của nhau, nhờ vậy tôi đã hòa nhập hoàn toàn với cuộc sống và văn hóa địa phương, phải lòng Đài Loan và muốn ở lại đây”.
Chính vì vậy “con người” là vô cùng quan trọng, thỉnh thoảng Nick lại tổ chức những buổi nướng thịt, kết nối những người bạn mới và cũ, hy vọng trong tương lai tất cả mọi du khách đến Dulan đều có cảm giác gần gũi thân thuộc.
Cửa tiệm bán đồ lướt sóng WaGaLiGong hàng năm đều tổ chức “Lễ hội lướt ván buồm”, thu hút đông đảo những người yêu thích lướt sóng từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại Đài Loan.
(Ảnh: Lễ hội lướt ván buồm Đài Đông cung cấp)
Lướt sóng là một loại “ngôn ngữ” quốc tế
Kể từ năm 2015, cứ đến tháng 11, hàng năm cửa tiệm kinh doanh dụng cụ lướt sóng WaGaLigong đều tổ chức “Lễ hội lướt ván buồm Đài Đông” với quy mô nhỏ, thu hút những người thích lướt sóng trên toàn cầu đến đây. Với chất giọng khàn khàn, Mark nói rằng điều khiến anh cảm động nhất là du khách từ nhiều quốc gia khác nhau như Litva, Nga, Mỹ, Ý và Mông Cổ, sau khi đến Đài Loan, vài năm sau lại quay trở lại, mọi người đã trở thành bạn bè thân thiết.
Hay như anh Taiga Matsumoto người Nhật, rất thích chơi lướt sóng và lướt ván buồm, sau khi đến Đài Loan vào năm 2016, trong 7 năm liền, năm nào anh cũng đến Đài Loan “long stay” 1 tháng.
Đến Dulan, bạn có thể cảm nhận sự phong phú về nghệ thuật của Đài Đông và văn hóa của dân tộc nguyên trú.
Mark Jackson và Trần Vịnh Ức hy vọng những du khách đến Dulan lướt sóng có thể tận hưởng lướt sóng, lướt ván SUP và nhiều môn thể thao dưới nước một cách an toàn.
Đài Đông là địa điểm lướt sóng đẳng cấp thế giới
Cảng Kim Tôn (Jinzun) ở Đài Đông là cứ điểm dành cho các cao thủ lướt ván theo nhóm tập thể. Từ năm 2011, Chính quyền huyện Đài Đông bắt đầu tổ chức “Giải lướt sóng quốc tế Đài Loan mở rộng”, cùng hợp tác với Tổ chức lướt sóng quốc tế Châu Á (ASC) và Liên minh lướt sóng thế giới (WSL), xin được công nhận là giải lướt sóng quốc tế, giúp Đài Đông trở thành địa điểm lướt sóng nổi tiếng thế giới.
Theo trưởng Phòng Du lịch và Giải trí huyện Đài Đông - bà Hồng Tiệp Nhã chỉ ra rằng, khu vực bờ biển Đài Đông từ sóng để luyện lướt sóng cơ bản đến nâng cao đều có, ngoài việc mùa đông ấm áp nên thu hút rất nhiều người yêu thích lướt sóng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và châu Mỹ, các tuyển thủ chuyên nghiệp còn cho rằng kiểu sóng của Đài Đông “rất đẹp”, chủ yếu là vì mỗi lớp sóng vỗ lên đều rất hoàn chỉnh, rất ít có những con sóng bị vỡ hoặc chỉ có bọt, có thể giúp người chơi luyện tập nhiều động tác lướt sóng.
Bà Hồng Tiệp Nhã gợi ý, đến Đài Đông “long stay” để lướt sóng, sau khi đã dầm mình trong nước lạnh, thì hãy nhớ đến Tri Bản (Zhiben), Kim Luân (Jinlun) để ngâm mình trong làn nước suối khoáng nóng ấm áp. Ngoài ra cũng đừng bỏ lỡ những món đồ ăn thức uống đặc sắc của dân tộc nguyên trú tại Đài Đông như món A Bai (bánh chưng làm bằng hạt kê), trà thanh nhiệt và bún gạo (Mitaimu).
Hướng dẫn về an toàn chính là điều quan trọng hàng đầu của lớp huấn luyện lướt sóng diễn ra trong 3 tiếng. (Ảnh: WaGaLiGong cung cấp).
Từ năm 2011,chính quyền huyện Đài Đông bắt đầu tổ chức “Giải lướt sóng quốc tế Đài Loan mở rộng”, thu hút đông đảo vận động viên lướt sóng cùng tề tựu về đây. (Ảnh: Chính quyền huyện Đài Đông cung cấp).
Cuộc đời và lướt sóng hòa làm một
Ngoài Đài Đông, tại cảng Wushi ở huyện Nghi Lan, Jialeshui ở huyện Bình Đông và Fengbin thuộc huyện Hoa Liên đều có thể trải nghiệm những kiểu sóng khác nhau.
Jim Hayes, ông chủ của Trạm lướt sóng nhiệt đới Hoa Liên (Tropical Blends Sports LLC) - điểm lướt sóng có chút tiếng tăm trong làng lướt sóng, là người chơi lướt sóng kỳ cựu đến từ Hawaii. Ông bắt đầu lướt sóng từ năm 12 tuổi, từng tham gia giải đấu lướt ván SUP nổi tiếng của Hawaii M20 (The Moloka’i 2 O’ahu Paddleboard World Championships), trong 7 tiếng điều khiển ván chèo phải đối mặt với vô vàn những cơn sóng to gió lớn. Ông cũng từng có lần đi thuyền buồm từ Hawaii đến California, năm 1978, từng ba lần theo Liên minh lướt sóng chuyên nghiệp thế giới (WSL) tới các địa điểm lướt sóng nổi tiếng trên thế giới và đảm nhiệm công việc quay phim.
Năm 1978, ông Jim Hayes kinh doanh cửa hàng kinh doanh dụng cụ lướt sóng tại Hawaii, nhất là ván SUP kiểu chèo đứng của cửa tiệm được bán đi khắp thế giới, nhưng 6 năm trước, Jim quyết định về hưu để chuyển tới Đài Loan định cư, tuy nhiên lý do không phải là vì để lướt sóng.
Hóa ra vào 25 năm trước, anh trai của Jim dạy tiếng Anh tại trường Đại học Quốc lập Hải Dương Cơ Long, sau khi về hưu đã quyết định đến Hoa Liên định cư. Anh trai ông đã nhiều lần mời ông đến Đài Loan.
Vốn là người hầu như làm việc quanh năm không bao giờ nghỉ ngơi, ông Jim phát hiện thấy Hawaii ngày càng đông người, cộng thêm vật giá cũng tăng cao ngất ngưởng, “Chẳng khác nào một Los Angeles thu nhỏ, mà không còn là Honolulu quê hương của tôi nữa”, ông bất giác cất giọng phàn nàn.
Jim có anh trai sinh sống tại Đài Loan, ông cho rằng, ở Hawaii người châu Á rất đông, vì vậy bầu không khí rất châu Á của Đài Loan khiến ông cảm thấy khá thân thiết, hơn nữa tình hình an ninh cũng rất tốt, vì vậy năm 2018 ông quyết định đến Đài Loan định cư.
Đài Đông nhờ có địa hình bờ đá và gió mùa Đông Bắc, nên sóng rất đẹp và có năng lượng tốt. (Ảnh: WaGaLiGong cung cấp, người chụp He, Chen Hong)
Jim đã vận chuyển rất nhiều ván lướt sóng phiên bản giới hạn từ Hawaii đến Đài Loan bằng container, ông nói, ván lướt sóng giống như bạn gái của người lướt sóng vậy, thậm chí còn thân thiết hơn cả bạn gái.
Chỉ cần luôn được sống với biển
Là vận động viên lướt sóng kỳ cựu, Jim cho rằng, ngoại trừ những ngày trước và sau bão, nếu so với những con sóng lớn hoặc dạng sóng ống được gọi là “Pipeline” ở bãi biển hoàng hôn của Hawaii thì sóng của Đài Loan quá nhỏ.
Vậy tại sao sóng nhỏ mà Jim lại đến Đài Loan định cư? Jim giải thích: “Tôi đã lướt sóng ở “Trung tâm lướt sóng của thế giới (chỉ Hawaii) đã hơn 40 năm, tới bây giờ tôi không cầu mong sóng to nữa mà chỉ muốn được thường xuyên ngâm mình trong lòng biển. Hơn nữa tôi đã hơn 70 tuổi rồi, bờ vai không còn rắn chắc như lúc trẻ nhưng ván lướt sóng đứng (SUP) thì vẫn còn chơi tốt”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Đài Loan có rất nhiều bờ biển đẹp như Hawaii, mặc dù sóng không lớn nhưng rất thích hợp chèo bằng ván đứng.
“Đài Loan hội đủ 3 điều kiện cần thiết để trở thành điểm lướt sóng quốc tế, bao gồm sóng biển ấm áp, con người nhiệt tình và đồ ăn ngon”. Ông Jim vốn thiết kế bánh lái ván lướt sóng rất giỏi, đã đánh giá Đài Loan sẽ là một thị trường mới nổi về lướt sóng. “Tôi hy vọng với hơn 50 năm kinh nghiệm và chuyên môn về lướt sóng mà mình tích lũy được, bất kể là về kỹ thuật, kiến thức, hay về dụng cụ thiết bị, đều có thể hỗ trợ cho những nhóm lướt sóng ở Hoa Liên và nhiều nơi khác”, Jim cho biết.
Ông còn hy vọng quảng bá loại ván ôm lướt sóng (Body Boarding), bởi vì loại ván lướt này vừa rẻ, an toàn lại dễ học. Ở tầng trên cửa tiệm của ông có một căn phòng để đón tiếp những người yêu thích lướt sóng đến từ mọi nơi.
Nơi đây thật tuyệt vời!
Trong lúc phỏng vấn, chúng tôi đã bắt gặp Jan Luo đến từ Berlin, Đức, vì cái nắng của Đài Loan quá gay gắt nên đã tìm đến cửa tiệm của Jim để mua kem chống nắng và xin tư vấn về lướt sóng.
Đây là lần thứ hai Jan đến Đài Loan “long stay” 4 đến 5 tuần. Anh nói: “Nơi đây thật tuyệt vời, mấy năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khi hậu nên Berlin mưa suốt, mùa đông thì lạnh, với tôi mà nói thì mùa đông của Đài Loan thực sự rất ấm áp”. Trước đây Jan đã từng đến nhiều nơi ở Đài Loan nhưng Hoa Liên là nơi anh yêu thích nhất. Anh nói, ngoài lướt sóng, Đài Loan có hệ thống cơ sở hạ tầng rất tốt có thể đi xe đạp, anh thậm chí còn sắm một chiếc xe đạp trong thời gian ở tại Đài Loan.
Huyện trưởng huyện Hoa Liên giới thiệu: “Hoa Liên là một thành phố hiếm có trên thế giới, chỉ cần trong vòng 10 phút là có thể lên núi xuống biển”. Bãi tắm biển Jiqi thuộc xã Fengbin huyện Hoa Liên, bãi biển ở công viên Beibin và bãi biển ở phía ngoài bờ kè cảng Hoa Liên tạo thành một thiên đường lướt sóng được bao quanh bởi những ngọn núi. Ngoài lướt sóng còn có 20 con đường mòn ngắm biển và núi, du khách cũng đừng quên thưởng thức các món địa phương đặc sắc như gạo hữu cơ, hồng trà hương mật ong và các món ăn tươi ngon của dân tộc nguyên trú.
Nói tới đây bạn có cảm thấy hào hứng không nào? Nếu bạn đang lập kế hoạch cho một kỳ nghỉ lướt sóng dài ngày, tại sao không thử đến Đài Loan để cảm nhận những làn sóng ấm áp và nhịp điệu của biển.
Đến lướt sóng tại bãi biển Jiqi thuộc xã Fengbin huyện Hoa Liên, có thể thu trọn quang cảnh núi và biển tuyệt đẹp trong tầm mắt. (Ảnh: Chính quyền huyện Hoa Liên cung cấp, người chụp Luo, Min Feng).