Du ngoạn quanh Hậu Sơn bằng xe đạp
Dạo chơi ngắm cảnh tuyến Tỉnh lộ số 11
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 2 2020
被中央山脈、海岸山脈、太平洋包圍的花東地區,素來被稱作台灣的「後山」,得天獨厚享受大自然的抱擁。這裡收容來自各方的人,只因為他們找到安身立命的地方,找到心的故鄉。
在台11線上,我們以都蘭為起點,慢遊北上,最終停駐在長濱,一路聆聽在地「原住民」、「新移民」的故事。
Khu vực Hoa Đông được bao bọc bởi dãy núi Trung Ương, dãy núi ven biển và Thái Bình Dương, thường được gọi với cái tên là “Hậu Sơn (Houshan)” của Đài Loan, nằm trong vòng tay ưu ái của thiên nhiên. Nơi đây là nhà của những người đến từ khắp mọi nơi, chỉ bởi tại đây, họ đã tìm được nơi chốn để ổn định cuộc sống, tìm thấy được quê hương của trái tim mình.
Chúng tôi xuất phát từ Dulan, một xã của huyện Đài Đông, đi dọc theo tuyến Tỉnh lộ số 11 về hướng Bắc, cuối cùng dừng chân tại Changbin, vừa đi vừa lắng nghe những câu chuyện của “người dân tộc nguyên trú” và “tân di dân” tại địa phương.
Đến Dulan, thỉnh thoảng bạn sẽ nhìn thấy những người cầm theo ván lướt sóng đang chuẩn bị ra biển, những studio nghệ thuật nằm trong các ngõ hẻm và cả cuộc sống gần gũi với thiên nhiên của cộng đồng người dân tộc Amis. Đây chính là nguyên nhân khiến cho cả gia đình chủ nhân của Zu Du Lan (9 Dulan Soap) - Zhang Jing-ru (Trương Cảnh Như), tên theo tiếng dân tộc nguyên trú là Avi - cùng dọn đến Dulan sinh sống.
9 Dulan Soap: Cho con những ngày thơ ấu được vui chơi thỏa thích
Avi nói: “Nguyên nhân chủ yếu của việc di cư là muốn cho con cái được lớn lên trong môi trường thiên nhiên”. Ban đầu do thích trẻ con nên mới quyết định sinh con, nhưng công việc bận rộn khiến cho vợ chồng cô trở thành “bố mẹ ngày cuối tuần”, còn ngày thường thì phải gửi con đến nhà bảo mẫu.
Avi tự hỏi bản thân rằng “Đây chính là điều mà mình muốn mang đến cho con hay sao?”. Vì thế nhân lúc trước khi con gái vào tiểu học, Avi cùng với chồng là Sun Wei-zhi (Tôn Vỹ Trí), tên theo tiếng dân tộc nguyên trú là Dagula, đã rời khỏi Đài Bắc và dọn đến Dulan.
Hai vợ chồng đã sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình, trước đây việc quan trọng nhất là kiếm tiền nhưng bây giờ gia đình mới là vị trí số 1. Dagula từng theo học cách làm xà phòng thủ công với thợ của Công ty hóa chất Namchow, sau đó lại bỏ ra thêm hai năm để kết hợp ưu điểm giữa phương pháp làm xà phòng lạnh và nóng, tạo ra công thức làm xà phòng của riêng mình. Avi cũng đóng góp ý tưởng rằng nên kết hợp với văn hóa của người dân tộc nguyên trú, thêm chiết xuất của quả cau, cây thuốc lá, kê vàng vào trong xà phòng để tạo ra những sản phẩm đặc sắc của riêng mình. Họ đặt tên cho thương hiệu là Zu Du Lan (Túc Độ Lan), ý là cả gia đình cùng di cư đến Dulan.
Trong văn hóa của người dân tộc Amis, trầu cau, cây thuốc lá và kê vàng là những nông phẩm thiêng liêng mang ý nghĩa liên kết với tổ tiên của họ nhưng trong xã hội ngày nay, những biểu tượng này lại bị bôi xấu đi rất nhiều. Để có thể xóa bỏ những ấn tượng xấu của xã hội về trầu cau, thuốc lá và rượu, Dagula đã đưa sản phẩm xà phòng thủ công đi kiểm nghiệm và kết quả cho thấy những miếng xà phòng thủ công này có thể phân giải và bị hấp thu vào trong đất, là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, quả cau và cây thuốc lá có tác dụng diệt khuẩn, còn kê vàng thì có thể dưỡng ẩm và làm trắng da, giải quyết vấn đề về da cho rất nhiều người. Những bằng chứng khoa học này giúp cho Avi cảm thấy rất tự hào khi giới thiệu về sản phẩm của mình cho khách hàng, cô nói: “Bởi vì chúng tôi sử dụng những nguyên liệu của địa phương nên càng tự tin hơn”.
Đến nay, việc mà cả gia đình nghiêm túc thực hiện nhất chính là “sống”. Avi cười nói rằng “Thật ra chúng tôi kinh doanh không nghiêm túc cho lắm!”. Dẫn con đi lướt sóng, hòa nhập vào cộng đồng, tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc nguyên trú, đây mới là những việc quan trọng nhất trong giai đoạn hiện tại.
Một chuyến hành trình về quê đã tạo nên những cảnh sắc khác biệt cho cuộc đời, anh Dagula nói: “Tôi biết ơn những khó khăn trong quá khứ, chúng là chìa khóa để tôi tìm thấy dũng khí của mình”. Còn Avi thì bày tỏ: “Tôi luôn tự khen bản thân mình rằng, làm tốt lắm!”. Cô cảm ơn bản thân trong quá khứ vì đã có can đảm để thay đổi và đã luôn nỗ lực hết sức mình.
Siki Sufin: Đưa người dân tộc nguyên trú về nhà bằng đôi cánh
Từ Zu Du Lan, chúng tôi tiếp tục di chuyển dọc con đường mòn nhỏ và gặp được một nhà máy chế biến đường đen được xây dựng từ thời kỳ quân Nhật chiếm đóng Đài Loan - Nhà máy đường Sintung (Tân Đông), chúng tôi đến thăm nghệ nhân điêu khắc người dân tộc Amis - Siki Sufin.
Câu chuyện của Siki là câu chuyện kể về trách nhiệm và sự trớ trêu của lịch sử.
Siki từng học nghề với nhà điêu khắc bản địa Rahic Talif trong khoảng thời gian ngắn, sau khi trở về Dulan, anh vừa làm thêm vừa sáng tác những tác phẩm nói về thần thoại của người Amis bằng gỗ trôi dạt. Các tác phẩm điêu khắc của Siki thường không được xử lý phần bề mặt, bởi vì “Tôi thích những dấu tích mà cưa xích để lại trên thân gỗ”, để cho khái niệm của tác phẩm trực tiếp đi vào trong nhận thức của người xem.
Về đến quê nhà, Siki phát hiện ra rằng, những người già trong bộ lạc mặc dù mang đường nét gương mặt đặc trưng của người Amis nhưng lại nói sõi tiếng Quan Thoại và anh cảm thấy khó hiểu trước sự phi lý này. Anh đi hỏi khắp nơi và cuối cùng được biết về giai đoạn lịch sử đã bị lãng quên của “Lính tình nguyện Takasago”, đơn vị lính thuộc địa của Nhật trong Thế chiến thứ hai. Cùng với sự thay đổi của chính quyền, người dân tộc nguyên trú bị buộc phải ra chiến đấu ở tiền tuyến nhưng sau khi chiến tranh kết thúc thì những người lính này lại bị bỏ rơi. Mọi người chưa bao giờ biết phản tỉnh từ những bài học lịch sử, bởi vì câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với những “Cựu chiến binh Đài Loan” trong bộ lạc của Siki.
Những người biết về giai đoạn lịch sử này quá ít, vì thế Siki đã chọn cách quay phim tài liệu và thành lập đoàn kịch để cho nhiều người nhớ tới việc này hơn. Thần thoại dân tộc Amis kể rằng, những người Amis ra đi ở xứ người có thể cầu xin tổ tiên một đôi cánh, để đôi cánh ấy dẫn dắt linh hồn của họ trở về nhà. Siki đã mượn câu chuyện thần thoại này, điêu khắc một đôi cánh bằng gỗ trôi dạt, hy vọng những người tộc Amis đã hy sinh ở xứ người có thể theo đôi cánh ấy tìm thấy đường về nhà.
Bằng cả tấm lòng của mình, người nghệ sĩ hy vọng có thể khơi dậy sự chú ý và phản tỉnh của xã hội. Siki nói: “Nếu có khả năng thì sẽ xây cho họ một bia tưởng niệm ở Mũi Dulan để họ có được một nơi yên nghỉ và ở bên nhau.”
Phong cảnh tuyệt đẹp ở hai bên đường xe đạp
Tiếp tục đạp xe về hướng Bắc, chúng tôi đến được nơi có hai cây cầu Donghe (Đông Hà) cũ và mới bắc ngang qua cửa sông Mawuku. Cây cầu mới được sơn màu đỏ, mang đậm phong cách hiện đại. Còn cây cầu cũ được xây dựng vào năm 1930, do sự khác biệt về địa hình giữa hai bờ sông nên chân cầu ở đoạn phía Bắc được thiết kế theo kiểu vòm cung, còn đoạn phía Nam được xây dựng trên những cột trụ, nhìn từ xa hai bên cầu tạo nên hình ảnh tương phản rất thú vị.
Ở gần đó còn có một con đường xe đạp với cái tên rất thú vị là “Đường xe đạp Baonon”. Trước đây con đường này vốn là đường Tỉnh lộ số 11 cũ, nay được quy hoạch lại thành đường dành cho xe đạp, dọc đường lúc nào cũng có thể nhìn thấy cảnh biển xinh đẹp đến mê hồn.
Rời khỏi Tỉnh lộ số 11, chúng tôi rẽ vào Bộ lạc Pisirian ở gần Sanxiantai (Tam Tiên Đài), tại đây có thể thấy được tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Cừu đầu đàn” do Rahic Talif và người dân tộc Amis sáng tác, tái hiện cảnh tượng chăn dê của dân tộc nguyên trú năm xưa.
Tiếp theo, chúng tôi đi đến khu dân cư Zhongyong (Trung Dũng) ở Changbin, tại đây có một con đường lớn tên là Đại lộ Jingang. Ruộng lúa ở hai bên dần thay màu áo từ xanh lá sang vàng óng theo sự thay đổi của bốn mùa, ở giữa là con đường thẳng tắp dẫn ra Thái Bình Dương khiến cho cảnh sắc tuyệt đẹp của đại lộ này như kéo dài bất tận.
Đến Sunny BuHouse: Gặp gỡ mặt khác của bản thân
Từ Đại lộ Jingang tiếp tục lên dốc, có thể thấy được những hình mặt trời nhỏ trên cột điện hoặc hàng rào ở hai bên đường. Đây chính là ý tưởng độc đáo của homestay “Sunny BuHouse”, chỉ cần bạn thu thập đủ số hình ảnh mặt trời nhỏ này, khi đến cuối đường, bạn sẽ có thể đổi lấy một buổi trò chuyện với chủ homestay, buổi trò chuyện này có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của bạn về cuộc sống.
Homestay Sunny BuHouse là một khoảng trời mới của cặp vợ chồng thất nghiệp ở tuổi trung niên ông Zhang Nianyang (Trương Niệm Dương) và bà Chen Cibu (Trần Từ Bố). Ngoại hình của ông Zhang Nianyang trông rất giống với nhân vật ông nội Tomozou trong bộ truyện tranh Nhật Bản Maruko, còn nữ chủ nhân bà Chen Cibu thì thân thiện như một người chị hàng xóm.
Làm công chức suốt 17 năm, một ngày nọ ông Zhang Nianyang chợt nghĩ rằng “đủ rồi”, và bắt đầu có ý muốn đổi nghề. Ông chuyển sang làm việc tại một công ty điện tử nhưng do gặp phải những bất ổn về kinh tế, công ty của ông đứng trước bờ vực sụp đổ, tám năm sau, ông Zhang Nianyang chính thức thất nghiệp ở tuổi trung niên.
Cuộc đời hai vợ chồng vì cơ duyên nên đã dừng chân tại Changbin, Đài Đông, mua đất và xây homestay, bắt đầu hòa nhập vào đời sống của người dân địa phương. Ngoài kinh doanh homestay, hai vợ chồng còn tổ chức “Kế hoạch Chang Cheng”. Chang là chỉ Changbin, còn Cheng thì là chỉ Huayuan Xincheng ở Xindian (Tân Điếm, thành phố Tân Bắc), nơi mà hai ông bà đã ở trong suốt một thời gian dài.
Ông Zhang Nianyang thích kết giao bạn bè và bạn bè ông cũng đều là những người tài giỏi. Cuộc sống ở nơi làng quê hẻo lánh thiếu thốn nguồn lực về kinh tế, văn hóa và xã hội, khiến cho con trẻ thiếu tầm nhìn về tương lai. Nếu kết nối những người bạn của ông với những đứa trẻ ở Changbin thì sẽ thế nào? Với Kế hoạch Chang Cheng, hai vợ chồng ông Chang Nianyang hy vọng có thể đi cùng những đứa trẻ này trên đoạn đường trưởng thành vô cùng quan trọng của chúng, khơi dậy trong chúng những triển vọng mới trong tương lai.
Suy nghĩ này đã thu hút rất nhiều người hưởng ứng, trong đó có những nhân vật như vận động viên siêu marathon Kevin Lin đã chủ động đến chạy bộ cùng với các em nhỏ, người đại diện kèn trumpet của thương hiệu Yamaha tại Đài Loan Stacey Wei thì đưa hẳn một ban nhạc Jazz đến Changbin để tổ chức biểu diễn âm nhạc. Ngoài ra còn có nhà tạo mẫu tóc đẳng cấp thế giới và các biên đạo nổi tiếng cũng đều xuất hiện tại thị trấn Changbin này.
Một điểm thu hút khác của Sunny BuHouse chính là cảm giác tự do tự tại như đang ở nhà mà homestay này mang lại. Một ngày ở Sunny BuHouse được mở đầu bằng bữa ăn sáng thơm ngon do nữ chủ nhân Chen Cibu chuẩn bị. Bữa ăn sáng thường kéo dài từ hai đến ba tiếng đồng hồ, mọi người cùng ngồi vào bàn, vừa ăn vừa trò chuyện. Chiếc bàn dài này là nơi đầy ắp những câu chuyện của những mảnh đời vô tình gặp nhau tại đây. Ông Zhang Nianyang là người rất biết cách quan sát nội tâm của người khác, dễ dàng khiến cho đối phương cởi bỏ sự phòng bị trong lòng và trút nỗi niềm tâm sự với ông. Còn bà Chen Cibu thì luôn có thể chạm đến sự yếu đuối trong trái tim con người, rất nhiều người đến đây để du lịch nghỉ dưỡng nhưng lại khóc như mưa bên cạnh chiếc bàn dài này.
Di cư đến sống ở Changbin suốt 10 năm, bà Chen Cibu giải thích rằng, bản thân vốn thích ở một mình, đến nay thì cảm thấy một mình cũng tốt, mà rất nhiều người thì cũng không tệ. Trước đây bà luôn là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng bây giờ bà đã học cách thả lỏng và đón nhận bản thân mình.
Ông Zhang Nianyang thì từ nhỏ đã là một học sinh ưu tú, thường bị gò bó bởi những quy tắc trong cuộc sống, đến nay ông vẫn đang còn do dự nhiều điều, ví dụ như cuộc sống đã ổn định nhưng ông vẫn luôn muốn tính toán trước cho tương lai, ông luôn đắn đo rằng liệu bản thân mình có nên làm việc nhiều hơn để dành thêm tiền hay không?
Hiện tại Sunny BuHouse nghỉ hai ngày trong một tuần và họ cũng đang cố gắng để có thể nghỉ ba ngày trong một tuần, còn số khách trọ thì chỉ cần khoảng 80% là đủ. Hai vợ chồng nói với vẻ mãn nguyện.
Thái độ và cách suy nghĩ này của hai vợ chồng vừa hay lại khá thích hợp với cuộc sống ở bờ biển phía Đông Đài Loan.