Sự tổng hợp giữa nhân văn và sinh thái
Đài Giang xưa và nay
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 4 2024
Môi trường của khu biển nội hải Đài Giang chủ yếu bao gồm vùng gian triều, đầm phá, ao cá, đất ngập mặn, là nơi thích hợp cho các loài chim nước sinh sống.
Khi nhắc đến Đài Giang (Taijiang), nếu bạn là nhà đầu tư sáng tạo khu vực, chắc bạn sẽ từng nghe qua câu chuyện “Miếu lớn mở trường” ở Đài Giang.
Nếu bạn là người yêu thích núi rừng, bạn sẽ biết được, đây là điểm khởi đầu của “Con đường xanh” cự ly dài Shanhaizhen tại Đài Loan.
Nếu bạn là người yêu thích ngắm chim, bạn nhất định sẽ biết, Đài Giang chính là nơi cư trú của cò thìa mặt đen tại Đài Loan mỗi độ mùa đông đến, sự thành lập của Công viên Quốc gia Đài Giang cũng có liên quan mật thiết đến công tác bảo tồn giống cò thìa mặt đen tại Đài Loan.
Đài Giang không phải là khu vực hành chính chính thức trên bản đồ nhưng ở đây luôn có một nhóm người không quản mệt mỏi, ngày đêm viết nên những câu chuyện đầy nhiệt huyết về mảnh đất này
Đài Giang – Điểm khởi đầu của Shanhaizhen
“Miếu lớn mở trường” – phong trào văn hóa “bình dân”
Các thôn làng tại Đài Loan đều có miếu làng, “miếu làng chính là trường học, là trường học của khu dân cư vào thời đại ấy”. Miếu làng cũng chính là nơi xử lý, thương lượng những công việc chung trong làng của “quan lại” và còn là Trung tâm văn hóa của địa phương, là nơi mà mọi người học tập, tham gia dân sự của mình. Giám đốc chi nhánh Đài Giang của trường Đại học Cộng đồng khu vực Đài Nam - ông Ngô Mậu Thành kể lại nguồn gốc của “Miếu lớn mở trường” với chúng tôi.
Cuộc vận động “Miếu lớn mở trường” đã nhận được sự ủng hộ từ Hiệu trưởng Lâm Triều Thành (Lin Chao-cheng), Chủ nhiệm Lâm Quán Châu (Lin Guan-zhou) của trường Đại học Cộng đồng Đài Nam, cả Chủ nhiệm Triều Hoàng Cung Hải Vĩ - ông Ngô Tiến Trì cũng rất tâm huyết với việc xúc tiến sự nghiệp giáo dục. Vì thế, vào năm 2007, chi nhánh Đài Giang của trường Đại học cộng đồng Đài Nam đã thành lập trường học tại Triều Hoàng Cung Hải Vĩ.
Thông qua các chương trình giảng dạy về Đài Giang, với nội dung bao gồm “văn hóa dân gian Đài Giang”, “du lịch theo dòng chảy của sông - theo dõi và tìm hiểu về môi trường sinh thái lưu vực sông Đài Giang”, “du lịch tham quan bảo tàng khu dân cư Haiweiliao” và viết lên những khúc ca cho quê hương, để người dân có thể trở về với vùng đất này, tìm hiểu về quê hương mình.
Ngày nay, khi đi vào Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đài Loan trên con đường xanh Shanhaizhen, cuộc triển lãm thường trực sẽ giới thiệu với bạn về vịnh biển lớn ở đây, nơi mà 400 năm trước được gọi là “Nội hải Đài Giang”, là nơi mà ông Trịnh Thành Công đã đổ bộ Đài Loan vào năm 1661, cũng là nơi lên bờ đầu tiên mà người xưa khi vượt qua “Rãnh nước đen” ở eo biển Đài Loan để đến Đài Loan, là điểm khởi đầu mang nhiều ý nghĩa lịch sử.
Miếu lớn mở trường, là một phong trào văn hóa “bình dân”, điểm xuất phát chính là tại Triều Hoàng Cung Hải Vĩ.
Thực tiễn triết học bảo tồn môi trường, bảo vệ cuộc sống
Vị thần chính được thờ trong Triều Hoàng Cung là Bảo Sanh Đại Đế, là vị thần được người bản địa gọi là “Đại Đạo Công”, xuất phát từ phong hiệu “Đại Đạo Chân Nhân” từ thời nhà Tống. Người dân trong làng đa số đều là con nuôi của thần Đại Đạo Công, ông Ngô Mậu Thành giải thích, do thần Đại Đạo Công là một vị danh y, với tinh thần “bảo vệ biên giới, bảo vệ cuộc sống của người dân”, theo quan điểm ngày nay chính là “bảo tồn môi trường, bảo vệ sự sống”.
Shanhaizhen bắt đầu từ việc bảo vệ sông ngòi. Biển nội hải Đài Giang là quê hương sông nước, những đứa trẻ sinh ra trên vùng đất này đều có một tuổi thơ gắn liền với sông nước, nhưng sông ngòi ở đây lại bị ô nhiễm, trong ao hồ không còn thấy tôm cá nữa. 18 năm trước, Nhóm đọc sách sông Tiểu Đài Giang của thầy trò, hội phụ huynh trường Tiểu học Hải Điền đã phát động phong trào bảo vệ sông ngòi. Mọi người cùng đi lội suối, đi dọc đường núi để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nước lại bị bẩn, “lấy Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đài Loan làm điểm trung tâm, trong vòng bán kính 10 km có 8 khu công nghiệp, có 4 khu không có nhà máy xử lý nước thải”. Sau khi phát hiện vấn đề, mọi người đã cùng tổ chức buổi điều trần để giải cứu đập nước Gia Nam, đưa ra hai chủ trương: trồng cây xây đường và giải quyết nguồn nước bị ô nhiễm.
Sau đó, có thêm nhiều hội nhóm khác đến tham gia giải cứu, trong nhiều năm qua đã không ngừng thực hiện công tác tuần tra tại các con sông, điều tra sinh thái, tổ chức hội nghị thảo luận công dân về lưu vực sông.
Khi nghe ông Ngô Mậu Thành kể về “Miếu lớn mở trường”, nói về câu chuyện của Shanhaizhen, bạn sẽ cảm động trước sự chân thành và nhiệt huyết của ông ấy.
Kết hợp lực lượng công và tư cùng mở ra con đường đến núi Ngọc
Buổi điều trần giải cứu sông Tiểu Đài Giang năm 2006 đã nhận được sự ủng hộ của ông Lại Thanh Đức - Ủy viên thành phố Đài Nam lúc bấy giờ, hiện là Phó Tổng thống, sau đó đã mời nhiều đơn vị khác cùng đến thương thảo, và bắt đầu cho trồng nhiều cây xanh tại đoạn đường ven đê đập nước Gia Nam.
Việc sát nhập thành phố Đài Nam và huyện Đài Nam vào năm 2010 cũng đã góp phần thúc đẩy việc nối dài con đường xanh này đến hồ chứa nước Wushantou ở khu Quan Điền, tạo thành con đường xanh Shanhaizhen Đài Nam với tổng chiều dài 45 km, là tiền thân của con đường xanh cấp quốc gia Shanhaizhen Đài Loan.
Năm 2017, Ủy ban Phát triển Quốc gia thảo luận và công bố chương trình “Quy hoạch chiến lược về xây dựng mạng lưới con đường xanh”, trên tinh thần của chương trình này, Cục Lâm vụ (tức Sở Bảo tồn thiên nhiên và Lâm nghiệp ngày nay) đã cùng lên kế hoạch, năm 2018 đã bắt nối “Con đường xanh quốc gia Shanhaizhen”, với điểm xuất phát là Công viên Quốc gia Đài Giang, dọc theo đê Gia Nam đi về hướng hồ nước Wushantou, rồi đi dọc suối Zengwen, đi qua núi A Lí đế đến núi Ngọc (độ cao 3.952 m).
Con đường xanh Quốc gia với tổng chiều dài 177 km, con đường này cũng chính là thước phim nhanh về lịch sử 400 năm của Đài Loan, là con đường kết nối ba cộng đồng văn hóa lớn: Đài Giang – Siraya - dân tộc Tsou, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng với năm loại hình khí hậu rừng và bốn loại thủy vực, qua đó thấy được sự phong phú đa dạng về sinh thái của Đài Loan và điểm xuất phát chính là từ Đài Giang.
Triển lãm thường trực tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đài Loan kể lại câu chuyện Đài Loan qua 400 năm thăng trầm.
Cò thìa mặt đen tại Đài Giang
Đài Giang: Thiên đường của các loài chim nước
Theo thống kê thế giới trước đây, loài cò thìa mặt đen chỉ còn lại 288 con, với sự nỗ lực của các nước, đến nay, số con cò thìa mặt đen trên thế giới đã tăng lên 6.603 con, Đài Loan chính là nơi mà chúng hay di cư đến mỗi độ đông về. Theo thống kê của năm 2023, có 4.228 cá thể cò thìa mặt đen đã đến đây, chiếm 2/3 số lượng cá thể của loài này trên thế giới.
Thư ký trưởng Hiệp hội Bảo tồn Cò thìa mặt đen Đài Loan ông Đới Tử Nghiêu (Tai Tzu-yao) nói: “Môi trường biển nội hải Đài Giang chủ yếu gồm vùng gian triều, biển nội hải, đầm phá, ao cá, vùng đất ngập mặn, đây vốn là môi trường rất thích hợp cho các loài chim nước kiếm ăn, sinh sống”. “Cộng thêm Đài Loan nằm trên trục đường di cư của các loài chim nước Đông Á, rất nhiều chim trên đường đi di cư sẽ dừng lại để trú đông hoặc nghỉ ngơi, ở đây không chỉ có cò thìa mặt đen, mà thật ra còn là thiên đường của các loài chim nước”. Ông Quách Đông Huy – Giám đốc thường vụ của Hiệp hội Chim Đài Nam, người đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong việc điều tra về cò thìa mặt đen cho biết, những người yêu chim của khu vực miền Nam Đài Loan đều biết, cò thìa mặt đen là loài chim di trú cố định, sẽ đến hàng năm. Mãi đến năm 1988, khi Hiệp hội Chim Hong Kong công bố về số lượng cá thể của loài cò này trên thế giới, người ta mới biết rằng, hóa ra số lượng của chúng ít ỏi đến thế.
“Lúc đó lại vừa trùng với thời điểm phát triển khu công nghiệp Binnan”, ông Đới Tử Nghiêu nói, dự án phát triển Khu công nghiệp Binnan lại vừa hay chọn địa điểm tại khu vực sinh sống trú đông của các loài chim nước nên đã diễn ra sự tranh cãi mạnh mẽ giữa bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế; các tổ chức phi chính phủ NGO tại Đài Loan như Hiệp hội Chim Cao Hùng, Hiệp hội Chim Đài Bắc, Đài Nam và các đoàn thể chim hoang dã lớn đều cùng lên tiếng phản đối, cả Liên minh Giải cứu Cò thìa mặt đen Quốc tế SAVE (Spoonbill Action Voluntary Echo) cũng lên tiếng ủng hộ, cuối cùng mới thành công ngăn chặn việc triển khai dự án xây khu công nghiệp.
Năm 1994, chính phủ quy hoạch ra khu bảo tồn động vật hoang dã Sicao (rộng 515 ha), năm 2002, quy hoạch vùng đất sinh sống quan trọng của động vật hoang dã, trong đó có 300 ha là Khu bảo tồn Cò thìa mặt đen tại cửa sông Zengwen. Năm 2009, thành lập Công viên Quốc gia Đài Giang.
Con đường xanh Quốc gia Shanhaizhen là con đường đi từ Đài Giang đến Ngọc Sơn, dọc đường có thể sử dụng các phương tiện giao thông khác nhau như đi bộ, đi xe đạp, đón xe bus hoặc ngồi du thuyền.
Ông Ngô Mậu Thành dẫn các bạn trẻ ở Đài Giang khám phá quê hương.
Điểm khởi đầu trong công tác bảo tồn
“Vì loài cò thìa mặt đen chỉ phân bố tại khu vực Đông Á, những ghi chép chính thức về chúng lúc ban đầu chỉ ít ỏi như vậy, Đài Loan đóng một vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn loài cò này”, ông Đới Tử Nghiêu nói.
Đếm số lượng cá thể là công việc cơ bản nhất, từ sự biến đổi về số lượng sẽ nhận biết được sự thay đổi của giống loài và sự thay đổi của môi trường sinh sống. Cùng với sự tiến bộ của khoa học, “Trước đây cả thế giới đều biết cò thìa mặt đen là loài chim sẽ di trú vào mùa đông nhưng không biết là chúng sẽ đi đâu vào mùa hè nên đã cho chúng mang theo máy phát tín hiệu để tiện theo dõi, thông qua định vị vệ tinh, lần đầu tiên thành công theo dõi được dấu vết của chúng chính là ở tại khu vực cửa sông Zengwen, Đài Nam, và sau đó phát hiện, chúng trở về khu vực tiếp giáp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để sinh sản”, ông Đới Tử Nghiêu giải thích.
Năm 2002, Đài Loan xảy ra sự kiện cò thìa mặt đen bị ngộ độc tập thể, khiến 73 con bị chết, nguyên nhân được xác định là ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum. Từ đó trở đi, công tác bảo tồn loài cò thìa mặt đen có thêm hạng mục mới, phải tuần tra và dọn dẹp những xác cá bị thiu tại các ao cá. Ông Quách Đông Huy giải thích: “Clostridium botulinum là loài vi khuẩn kị khí (yếm khí), xác chết các loài động vật chính là nguồn dinh dưỡng tốt, khi cò thìa mặt đen ăn phải, độc tố sẽ tấn công tế bào cơ, khiến cơ bị tê liệt”. Nếu phát hiện cò thìa mặt đen chân đứng không nổi, là phải lập tức cứu chữa.
Cho phép các tổ chức bảo vệ môi trường nhận lãnh trách nhiệm quản lý đất ruộng muối quốc hữu bị bỏ trống, cũng đã giúp công tác bảo tồn có thể phát triển tốt hơn. Trong ảnh là ông Đới Tử Nghiêu (phải, 1) và các bạn trong Hiệp hội Bảo tồn Cò thìa mặt đen Đài Loan.
Quan sát cò thìa mặt đen
Người bản địa còn gọi cò thìa mặt đen là “Ngỗng thìa”, bởi chiếc mỏ của chúng giống cái thìa ăn cơm, chúng có thể dùng chiếc mỏ thìa của mình đi “múc” cá tôm kiếm ăn. Loài cò thìa mặt đen thường sẽ ngủ vào ban ngày, đến ráng chiều mới bay đi tìm mồi.
Chúng thường di cư đến Đài Loan vào tháng 10 hàng năm và sẽ ở lại Đài Loan khoảng nửa năm, đến tháng 3 năm sau mới lại bay đi. Khi lông ở vùng đầu và trước ngực của cò thìa mặt đen chuyển sang màu vàng có nghĩa là chúng đã trưởng thành, đã có khả năng sinh sản, cũng có nghĩa là sắp tới thời gian chúng bay trở về phương Bắc.
Cò thìa mặt đen thường chỉ đứng một chân khi nghỉ ngơi, phần đầu và cổ sẽ quay 180 độ về đằng sau, phần mỏ sẽ vùi vào phần lông vũ ở trên lưng.
Chính phủ, người dân và tổ chức NGO cùng chung tay
Đến bên một ao cá, ông Quách Đông Huy chỉ cho chúng tôi nhìn bia đá bên cạnh ao, đó là biện pháp “xây dựng nơi sinh sống thân thiện với sinh thái” của Công viên Quốc gia Đài Giang, khuyến khích ngư dân sau khi đã thu hoạch vẫn giữ mực nước trong ao cao khoảng 20 cm, để lại các loài cá tạp trong ao làm thức ăn cho cò thìa mặt đen.
Hiện tại, căn cứ theo bản sửa đổi của “Nguyên tắc xử lý trường hợp nhận lãnh đất cận biên không dùng cho mục đích công cộng thuộc sở hữu nhà nước, để thúc đẩy bảo vệ môi trường”, một số đất ruộng muối quốc hữu ven biển của khu vực Gia Nghĩa – Đài Nam đã được một số đoàn thể, tổ chức bảo vệ môi trường cùng đứng ra để nhận lãnh 1.230 ha đất ruộng muối quốc hữu tại khu vực Jiangjun và Qigu, để những không gian bị bỏ trống này có thể được quản lý, tạo thành nơi sinh sống của nhiều loài chim hơn nữa.
Sự thành công trong việc bảo tồn loài cò thìa mặt đen là một niềm tự hào của đội ngũ châu Á, đồng thời cũng là một ví dụ điển hình cho thế giới; nhưng ông Quách Đông Huy cũng không quên nhắc nhở chúng tôi về ý nghĩa thật sự đằng sau, “cò thìa mặt đen là loài bảo trợ, bảo vệ cò thìa mặt đen và nơi sinh sống của chúng cũng chính là bảo vệ tất cả các giống loài sinh sống trong môi trường đó, là bảo vệ sự đa dạng sinh học".
Đàn cò thìa mặt đen đang bay.
Ông Quách Đông Huy – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chim Đài Nam, là người đã góp nhiều công sức cho công tác bảo tồn loài cò thìa mặt đen.