Tuyến đường sắt lâm nghiệp trăm tuổi Alishan
Cảnh quan văn hóa chung của thế giới
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 12 2022
Đài Loan thực sự xuất sắc trong việc phục hồi sửa chữa, bảo tồn đoàn tàu Shay.
曾經以為要穿越時空才能看到的影像,2021年春,在阿里山上重現了。林務局阿里山林業鐵路及文化資產管理處(簡稱「林鐵處」)和嘉義林區管理處合作,由已高齡105歲的蒸汽火車SL-31進入水山支線,載出疏伐木,重現百年運材的場景。
Những hình ảnh mà người ta từng cho rằng phải du hành xuyên thời gian mới được nhìn thấy thì vào mùa xuân năm 2021 đã được tái hiện ở núi A Lí Sơn (Alishan). Ban Quản lý đường sắt lâm nghiệp và tài sản văn hóa núi A Lí Sơn thuộc Cục Lâm nghiệp (dưới đây gọi tắt là “Ban quản lý đường sắt lâm nghiệp”) đã hợp tác với Ban Quản lý rừng Gia Nghĩa, cho chiếc xe lửa đầu máy hơi nước SL-31 đã 105 tuổi đi vào tuyến đường nhánh Shuishan chuyên chở những cây gỗ được chặt tỉa để phát quang rừng, tái hiện khung cảnh vận chuyển gỗ từ hàng trăm năm trước.
Tính đến năm 2022, tuyến đường sắt lâm nghiệp núi A Lí Sơn đã tròn 110 tuổi. Được khởi công xây dựng vào năm 1906, ngày 25/12/1912, chuyến tàu đầu tiên chở những khúc gỗ xẻ được vận chuyển từ trên núi xuống. Tuyến đường sắt lâm nghiệp núi A Lí Sơn có tác dụng giống như dây cuống rốn, đã thúc đẩy sự phát triển của thành thị Gia Nghĩa và cũng là ngành quan trọng giúp cho việc tăng trưởng GDP quốc gia. Năm 1914, “Trạm gia công nguyên liệu gỗ Gia Nghĩa” hoàn công và đi vào hoạt động, gánh vác trọng trách gia công những khúc gỗ xẻ. Theo tài liệu của năm 1935, người dân thành phố Gia Nghĩa cứ 10 người lại có 1 người làm những công việc có liên quan đến gỗ, vì vậy dần dần đã hình thành tên gọi “quê hương của gỗ”.
Năm 2018, Viện Hành chính quyết định giao Cục Lâm nghiệp thành lập cơ quan chuyên trách “Ban Quản lý đường sắt lâm nghiệp và tài sản văn hóa núi A Lí Sơn” để bảo tồn, làm sống dậy văn hóa lâm nghiệp và đường sắt núi A Lí Sơn thông qua khái niệm “cảnh quan văn hóa”. Năm 2019, Bộ Văn hóa công bố “Lâm nghiệp và đường sắt núi A Lí Sơn” là cảnh quan văn hóa quan trọng cấp quốc gia đầu tiên của Đài Loan, chúng ta đã tìm ra cách mà con người có thể cùng tồn tại với thiên nhiên, lịch sử, ký ức của người dân và sự bền vững.
Đoàn tàu đầu máy hơi nước đang chạy trong rừng, tái hiện khung cảnh vận chuyển gỗ từ hàng trăm năm trước. (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt lâm nghiệp và tài sản văn hóa núi A Lí Sơn thuộc Cục Lâm nghiệp cung cấp)
Du ngoạn bằng xe lửa mini
Vào ngày thực hiện cuộc phỏng vấn, tiết trời trong xanh, chúng tôi xuất phát từ ga xe lửa Beimen ở Gia Nghĩa, đi chuyến xe lửa mini núi A Lí Sơn chạy về hướng ga Shizilu, dọc đường đi có hướng dẫn viên Wu Yu-yoe (được mọi người gọi thân mật là anh Năm) đồng hành cùng chúng tôi. Anh sinh ra và lớn lên trong thời kỳ xe lửa đầu máy hơi nước sắp ngừng hoạt động, tiếng còi tàu là kỷ niệm tuổi thơ của anh, chạy đuổi theo xe lửa chính là dấu ấn tuổi thanh xuân của anh.
“Tuyến đường sắt lâm nghiệp núi A Lí Sơn là một tuyến đường quá xuất sắc”, anh Năm nói, năm xưa xuất phát từ độ cao chỉ cách mực nước biển 30 mét, xe lửa đã leo lên đến tận ga Er’wanping ở độ cao 2.000 mét, dọc đường đi qua các dải khí hậu gồm nhiệt đới, ấm áp và ôn đới, ngắm từ cửa sổ sẽ hiện lên bức tranh phong cảnh từ những loài cây nhiệt đới thường gặp như nhãn, cau, rồi tiếp tục băng qua những đồi chè, rừng trúc và lạc vào thế giới của liễu sam Nhật Bản, cối đỏ Đài Loan và bách dẹt, cảnh sắc các loài cây cối suốt dọc đường biến hóa liên tục, tràn trề nhựa sống.
Sau khi qua khỏi ga Zhuqi, xe lửa bắt đầu leo dốc, dọc đường sẽ đi qua nhiều khúc cua 180 độ, anh Năm nhắc chúng tôi ngó ra phía ngoài cửa sổ sẽ thấy một đường cong uốn lượn hình chữ U, thấy được cảnh tượng dường như đầu tàu và đuôi tàu đang gật đầu chào nhau vô cùng thú vị.
Trên đường đi từ ga Pingzhena đến ga Zhaoping, áp dụng cách làm một tiến một lùi theo kiểu “hình chữ chi (之)” tựa như leo cầu thang, cũng là kỹ thuật xây dựng giúp khắc phục vấn đề thiếu đất của vùng núi, giảm độ dốc cho đường ray.
Đoàn tàu mini dừng tại ga cuối là ga Shizilu, hiện nay trục chính của tuyến đường sắt lâm nghiệp chỉ chạy tới đây, đường hầm số 42 ở phía trước mặt bị cơn bão Dujuan tàn phá đang được xây dựng lại, do vậy dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến năm 2023.
Quay xuống chân núi, đi tham quan “Trạm gia công nguyên liệu gỗ Gia Nghĩa” được mệnh danh là “Đệ nhất Đông Dương” nằm gần ga Beimen. Theo sự thuyết trình giới thiệu của hướng dẫn viên Lâu Thành Quốc, khuôn viên trạm gia công nguyên liệu gỗ gồm có các kiến trúc như bãi gia công gỗ, buồng phát điện, kho mùn cưa, phòng làm khô, v.v... Những khúc gỗ xẻ mang từ trên núi xuống sẽ được đưa vào xưởng để tiến hành gia công, đó chính là nền tảng cho ngành nguyên liệu gỗ của Gia Nghĩa. Ông Lâu Thành Quốc nói, cầu trục để vận chuyển gỗ xẻ năm đó cao 20 mét di chuyển trong khu xưởng để cẩu gỗ chuyển đi, đưa vào công xưởng tiến hành gia công.
Tour du lịch mini theo chân những khúc gỗ xẻ, nhìn lại chặng đường đã đi qua, với nguồn nhân lực, vật lực thời trước, có thể xây dựng được trục đường ray leo lên tới được độ cao hơn 2.000 mét, công trình trăm năm này vẫn có thể duy trì hoạt động vận chuyển đến tận bây giờ, đúng là không dễ dàng chút nào.
Ga xe lửa Beimen với nét đẹp cổ điển và chân phương, hàng trăm năm qua đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của ngành lâm nghiệp núi A Lí Sơn.
Đường sắt leo núi số 1 Đài Loan
Ngành lâm nghiệp của Gia Nghĩa phát triển mạnh mẽ, khởi nguồn là vì vào năm 1899, người Nhật phát hiện nguồn tài nguyên lâm nghiệp dồi dào của vùng núi A Lí Sơn và đã xây dựng tuyến đường sắt leo núi theo đề xuất của tiến sĩ lâm nghiệp Kawai Shitaro, đồng thời sử dụng loại đường ray khổ hẹp 762 mm và đoàn tàu Shay để dễ bề leo dốc và vào cua ở địa hình đường núi chật hẹp.
Tuyến đường sắt núi A Lí Sơn là hệ thống đường sắt duy nhất của Đài Loan kết hợp giữa đường sắt xuyên rừng và đường sắt leo núi, các bãi khai khác lâm nghiệp được thành lập vài năm sau đó trên các vùng núi gồm núi Thái Bình, núi Bát Tiên đều áp dụng phương pháp vận chuyển gỗ bằng tuyến dây cáp. Theo chuyên gia đường sắt Tô Chiêu Húc (Su Chao-hsu): “Việc này có liên quan đến sự tiến hóa của lịch sử công nghệ”. Năm 1903, máy bay ra đời, đường cho xe hơi chạy mãi đến sau năm 1920 mới bắt đầu trở nên phổ biến, vì vậy đường sắt có thể nói là huyết mạch của hệ thống giao thông vận tải đường bộ. Núi A Lí Sơn áp dụng kỹ thuật khai thác phát triển của hệ thống đường sắt xuyên rừng của Mỹ, nếu quan sát theo góc độ thời nay, mặc dù không phải là phương pháp kinh tế nhất nhưng thực sự đã là đỉnh cao về công nghệ và phương pháp xây dựng thời bấy giờ.
Ông Tô Chiêu Húc nói: “Trong 5 phương pháp xây dựng đường sắt leo núi của thế giới thì công trình núi A Lí Sơn đã áp dụng tới 4 phương pháp, đường cua hình móng ngựa với góc 180 độ là phương pháp đầu tiên, thứ hai là tuyến đường hình xoắn ốc với các ngọn núi độc lập, thứ ba là đường gấp khúc kiểu hình chữ chi và thứ tư là sử dụng kiểu đoàn tàu đầu máy hơi nước Shay”. Muốn leo núi, xe lửa phải có kỹ thuật nhất định, loại xe lửa đầu máy hơi nước Shay do hãng Lima của Mỹ sản xuất được thiết kế chuyên để leo núi, cho đặt xi lanh khí theo chiều thẳng đứng để tiết kiệm không gian nên có lực khá mạnh, những cây gỗ lớn trên núi được vận chuyển xuống chân núi đều là nhờ có đoàn tàu Shay.
Mặc dù công ty mẹ tại Mỹ sản xuất loại xe lửa Shay đã ngừng hoạt động từ khá lâu, nhưng nhờ có xưởng sửa chữa Beimen tự đúc linh kiện, tự sửa chữa, bảo trì, những đoàn tàu Shay trên núi A Lí Sơn vẫn tiếp tục hoạt động cho tới năm 1969 mới dần dần “về hưu”. Năm 2000, đoàn tàu đầu máy hơi nước số hiệu 26 được sửa chữa khôi phục thành công, ngoài ra, tới nay các đoàn tàu số hiệu 31, 25 cũng phục hồi sửa chữa thành công và đưa vào sử dụng. Trên thế giới có rất ít quốc gia vẫn còn bảo tồn được những đoàn tàu Shay, hơn nữa vẫn có thể hoạt động được thì càng ít hơn, Đài Loan bảo tồn được loại xe lửa đầu máy hơi nước tầm cỡ đồ cổ này, có thể nói thực sự là bảo vật của thế giới.
Nói tóm lại, “Tuyến đường sắt núi A Lí Sơn hiện là một di sản đường sắt của thế giới, hội đủ các yếu tố gồm đường sắt leo núi (với độ dốc trên 50/1.000), đường sắt trên núi cao (ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển) và đường sắt xuyên rừng (khai thác gỗ), ông Tô Chiêu Húc cho biết. “Cũng là tuyến đường sắt leo núi đường ray khổ hẹp có độ cao nhất của châu Á, với đường xoắn ốc đồng tâm phức tạp nhất thế giới, là tuyến đường sắt khổ 762 mm có độ chênh lệch về độ cao so với mực nước biển lớn nhất trên thế giới”. Hơn nữa, tuyến đường sắt lâm nghiệp núi A Lí Sơn còn kết nghĩa với các tuyến đường sắt tại nhiều quốc gia gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Anh quốc, Thụy Sĩ và Slovakia, thường xuyên giao lưu quốc tế.
Bên trong Trạm gia công nguyên liệu gỗ Gia Nghĩa trưng bày quá trình cây gỗ khổng lồ được cắt xẻ thành nguyên liệu.
Là tài sản của Đài Loan, cũng là tài sản của thế giới
Đoàn tàu đầu máy hơi nước SL-21 được “rinh về” sau khi Ban Quản lý đường sắt lâm nghiệp thành lập không lâu, “thường trú” tại công viên Gia Nghĩa suốt 44 năm, công việc phục hồi sửa chữa đã được khởi động với mục tiêu đưa đoàn tàu này quay trở về hoạt động tại núi A Lí Sơn, đồng thời ghi chép lại và lập cuốn sổ tay về sửa chữa bảo trì để truyền bá kỹ thuật. Những nỗ lực này bắt nguồn từ sự lĩnh hội của Trưởng Ban Quản lý Hoàng Diệu Tu (Huang Miao-hsiu) khi ra nước ngoài tham quan. Bà từng đi thăm châu Âu, khi đưa danh thiếp và giới thiệu về danh hiệu đường sắt núi A Lí Sơn của Đài Loan, thấy ánh mắt của mọi người lập tức sáng lên, “Qua ánh mắt của họ tôi càng hiểu rằng chúng ta đặc biệt tới mức nào”, bà Hoàng Diệu Tu cho biết. Đài Loan có thể sửa chữa đoàn tàu Shay là một điều rất xuất sắc. “Họ đều bày tỏ cảm ơn sự bảo vệ giữ gìn của Đài Loan trong hàng trăm năm nay, hy vọng Đài Loan có thể tiếp tục bảo tồn đoàn tàu Shay, khi có khó khăn họ sẵn sàng hỗ trợ hết sức, bởi vì đây là di sản văn hóa đường sắt của toàn thế giới”. Cũng giống như vào năm 2018, Nhật Bản đã trao tặng “Giải đặc biệt về đường sắt tại hải ngoại” cho tuyến đường sắt xuyên rừng của núi A Lí Sơn, qua đó đã xóa bỏ khái niệm về khu vực, về quyền sở hữu; và không còn nghi ngờ gì nữa, tuyến đường sắt lâm nghiệp núi A Lí Sơn chính là tài sản văn hóa của toàn thế giới.
Ông Tô Chiêu Húc một đời gắn bó với tuyến đường sắt núi A Lí, đang hào hứng dùng mô hình để giới thiệu phương pháp xây dựng kiểu “đường chữ chi” của tuyến đường sắt núi A Lí Sơn.
Chung sống hài hòa với núi rừng
Tài sản của núi A Lí Sơn không chỉ là đường sắt, xe lửa, “Sự quyến rũ của núi A Lí Sơn còn kết hợp bởi nhiều điều khác như hệ sinh thái rừng, kỹ thuật đường sắt, sản xuất lâm nghiệp, cuộc sống công nghiệp và nghệ thuật nhân văn”, bà Hoàng Diệu Tu nói, “Tất cả những yếu tố gồm cả hữu hình và vô hình đã cùng tạo nên một núi A Lí Sơn độc nhất vô nhị”.
Cho đến ngày nay, cảnh bình minh ở núi A Lí Sơn vẫn luôn là ký ức đọng lai trong tâm trí của du khách trong và ngoài nước, ngày nào cũng có những du khách dậy từ tờ mờ sáng tới đài ngắm cảnh Zhushan để đón bình minh; từ đài ngắm cảnh Xiaoliyuan với tầm nhìn 360 độ hoàn toàn không bị che khuất, có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những đỉnh núi thuộc dãy núi Ngọc Sơn (Yushan), những dãy núi trùng điệp và biển mây, đẹp tựa như bức tranh thủy mặc. Vào mùa xuân, những cánh hoa Anh đào nhẹ bay tựa như tuyết rơi, còn mùa thu ở núi A Lí Sơn sẽ rợp trời bởi ngân hạnh và lá phong, vào ban đêm đài ngắm cảnh Xiaoliyuan sẽ trở thành giảng đường về thiên văn, tại đây còn có quần thể gỗ hàng nghìn năm tuổi, trải qua biết bao mưa gió vẫn sừng sững hiên ngang.
Trong những năm gần đây, Cục Lâm nghiệp xúc tiến “Liệu pháp rừng”, trong đó núi A Lí Sơn là một trong các địa điểm được thử nghiệm. Phó tổng thư ký Hiệp hội rừng trị liệu Đài Loan Lâm Gia Dân (Paul Lin) chỉ ra rằng, từ bằng chứng khoa học xác thực cho thấy, tham gia một đợt liệu pháp rừng, nhờ có sự dẫn dắt của chuyên gia, cảm nhận thiên nhiên bằng 5 giác quan, có thể làm vơi bớt u sầu, làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng lo lắng, về mặt cơ thể thì có thể giảm thấp tốc độ tim đập, giảm huyết áp một cách hiệu quả. Ông Lâm Gia Dân sẽ bố trí cho các thành viên tham dự đi bộ trên những con đường mòn sơn thủy hữu tình có ít người qua lại để hít thở chất kháng sinh thiên nhiên phytoncine. Sau khi đám đông tới ngắm bình minh đã tản đi, có thể lưu lại đài ngắm cảnh Zhushan và Xiaoliyuan để hưởng trọn sự thư thái và tĩnh lặng khắp ngọn núi; đi chân không trên thảm cỏ, mở đôi tai ra để lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót véo von, cảm nhận thiên nhiên bằng 5 giác quan; hoặc tìm kiếm một gốc cây thật to, ôm lấy nó, hay dựa vào nó, yên lặng ở bên cạnh nó trong khoảng 15 phút, núi A Lí Sơn tràn đầy tiềm năng đã trở thành ngôi rừng trị liệu cấp quốc gia.
Ga xe lửa Liyuanliao ở độ cao 904 mét so với mực nước biển là địa điểm nổi tiếng về đom đóm, được mệnh danh là “đường sắt dòng sông đom đóm”, tại thôn Thái Hưng (Taixing) ở giữa ga Liyuanliao và ga Jiaoliping, mỗi năm có tới hàng nghìn hàng vạn con cò ruồi từ phương Bắc di cư về phương Nam, là cảnh quan sinh thái đặc sắc vào mùa thu, cảnh tượng ngoạn mục này được gọi là “Vạn lộ triều phượng”.
Tại khu vui chơi rừng A Lí Sơn, những loài chim đặc hữu của Đài Loan như chim trĩ xanh Đài Loan, gà so và gà lôi Đài Loan thong dong đi lại trong khu vui chơi mà không hề sợ người, dọc theo tuyến đường sắt Mianyue có khu bảo tồn thiên nhiên giống lan kiều diễm Đài Loan, còn tại khu vực đài quan sát Xiaoliyuan thì có những con hoẵng rừng đi lại khoan thai. Cảnh tượng thiên nhiên hài hòa như vậy khiến cho người ta chợt ngẫm nghĩ về chính sách lâm nghiệp; thời trước chủ yếu tập trung vào khai thác rừng, còn ngày nay lấy “lâm nghiệp bền vững” làm nền tảng, đang trên chặng đường tìm kiếm giải pháp con người và núi rừng cùng tồn tại.
Ở núi Ali Sơn, chúng tôi tìm thấy cách mà con người có thể cùng tồn tại với thiên nhiên, lịch sử, ký ức của người dân và sự bền vững.