Đạp xe khám phá Vân Lâm xưa và nay
Cùng vẽ nên tấm bản đồ đồng bằng
Bài‧Rina Liu Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Khiết Nhi
Tháng 10 2024
Huyện Vân Lâm là huyện nông nghiệp lớn nhất Đài Loan, đạp xe đi giữa đồng xanh, từ thị trấn đến ruộng đồng, đi dọc theo các dòng suối, Vân Lâm có thể mang đến cho nhóm người yêu thích đi xe đạp bầu không khí tràn đầy hương thơm của những chiếc lá rau tươi mơn mởn và mùi của đất, cùng với di sản văn hóa lịch sử đáng để khám phá.
Đi dọc Quốc lộ 17 về hướng đền Hải Thanh Tam Điều Luân (Santiaolun), chúng tôi tìm thấy con đường xe đạp “Rừng đen” (Black Forest Bicycle Trail) được bao quanh bởi những cánh rừng dày đặc. Đây là điểm khởi đầu của con đường đến vùng đất ngập nước Thành Long (Chenglong Wetlands). Cơn gió biển thổi qua những chiếc cối xay gió khổng lồ mang đến vị mặn của đại dương, điều hiếm khi cảm nhận được ở đồng bằng Vân Lâm.
Từ đất canh tác thành đất ngập mặn
Đạp xe đến lối vào của vùng đất ngập mặn, sau khi đậu xe, chúng tôi từ từ đi dọc theo con đường gỗ nhỏ để dẫn vào khu đất ngập mặn. Mặt trời hoàng hôn tròn trĩnh soi rọi trên khu đất ngập rộng hơn 50 ha này, những con chim nước đến bắt cá tôm, vui đùa nghỉ ngơi bên các bụi cỏ xung quanh, khi hoàng hôn xuống cùng réo lên tiếng gọi bầy, rủ nhau cất cánh bay về phía cuối trời.
Vùng đất ngập mặn Chenglong vốn là đất canh tác nông nghiệp nhưng do khai thác nước ngầm quá mức đã gây ra sự lún sụt của tầng đất, cộng thêm bão làm nước biển tràn vào, cuối cùng nông dân đành phải bỏ đất mà đi. Sau bao nỗ lực phục hồi của cộng đồng cư dân tại đây, mời nghệ sĩ đến đặt các tác phẩm cộng sinh với môi trường, khu vực này đã trở thành nơi sinh sản của nhiều loại cá, tôm, cua, thực vật đầm lầy và các loài chim nước.
Vào buổi tối, chúng tôi đến thăm ngôi đền trang nghiêm, đền Triều Thiên ở Bắc Cảng (Beigang). Phía ngoài đền, cả một con phố được treo đầy đèn lồng màu hồng đào. Ngôi đền cổ này đã hơn 300 năm tuổi, qua thiết kế ánh sáng của nghệ sĩ ánh sáng Chou Lien, mỗi bức tượng thần trong đêm càng thêm sinh động thiêng liêng, cùng với tranh tường thủy mặc, cột trụ và mái hiên với họa tiết trang trí vẽ tay tao nhã, thực sự đẹp không góc chết.
Với sự nỗ lực của cư dân tại đây, từ vùng đất bị sụp lún do rút nước ngầm quá mức, vùng ngập mặn Thành Long đã trở thành nơi đất lành chim đậu và là nơi bảo tồn của các loài thực vật ngập mặn.
Hưng thịnh nhờ tôn giáo và nông nghiệp
Khi đến Trung tâm Văn hóa Beigang, thông qua những hiện vật tôn giáo được sưu tập, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về các nghi lễ, phong tục, di tích và di sản văn hóa liên quan đến đền Triều Thiên. Bước lên tầng hai, ông Ngô Đăng Hưng – Chủ tịch kiêm huấn luyện viên trưởng của Hiệp hội Văn hóa múa Rồng - Phượng - Lân Trung Hoa, đang dọn dẹp một lá “cờ tang” dùng trong tang lễ xưa. Ông giải thích: “Loại cờ này chỉ được treo lên linh đường khi có tang lễ của những nhân vật quan trọng hoặc người có địa vị trong cộng đồng, nhằm thể hiện sự trang trọng”.
Ông Ngô Đăng Hưng còn sưu tầm một cuốn sách “Giải quẻ” nhỏ bằng lòng bàn tay của đền Triều Thiên Beigang, được phát hành bởi báo Nhật Nhật Tân vào năm 1911. Những trang giấy đã ngả vàng đến mức gần như trong suốt, trên đó viết kín mít giải thích về các bài thơ trong quẻ. Ông đã tích cực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Beigang suốt hơn mười năm qua. Ông nói: “Trước khi Vân Lâm tách ra thành huyện, người dân ở đây đều là 'người Đài Nam'. Sau khi tách huyện, người Vân Lâm thấy được sự phong phú của tài liệu và hiện vật văn hóa liên quan đến tôn giáo còn sót lại, việc bảo tồn chúng chính là bảo tồn văn hóa Vân Lâm”.
Vào gần buổi trưa, chúng tôi tiếp tục đi trên đường Huyện lộ 155 rồi chuyển sang Huyện lộ 153, đến ruộng tỏi rộng mênh mông tại Yuanchang và BaoChong. Ông Trương Hạ Minh (Chang Sha Min) - thế hệ thứ ba trồng tỏi, đến nay đã hơn 50 năm, chia sẻ: “Hương vị tỏi Đài Loan hoàn toàn khác với tỏi nhập khẩu, vì từ phương pháp thu hoạch thì đã bắt đầu khác rồi”.
Con trai ông Trương Hạ Minh là Trương Cốc Dung (Chang Ku Jung) vừa tách các củ tỏi mới thu hoạch vừa giải thích rằng: “Tỏi Đài Loan là cây trồng rất nhạy cảm, từ việc trồng trọt đến thu hoạch, không chỉ phải nhìn trời nhìn đất, mà còn phải chú ý nhiệt độ”. Và vừa hay Vân Lâm có “tất cả điều kiện lý tưởng”, vì vậy tỏi được trồng ở đây chiếm hơn 70% sản lượng toàn Đài Loan. Tỏi do Vân Lâm sản xuất có hương vị đặc biệt, khi ngửi có mùi thơm nồng, ăn sống thì vừa cay mà lại thanh mát, còn khi phơi khô và chế biến thành tỏi đen, lại có thể ăn như mứt.
Ấn phẩm “Giải quẻ” của đền Triều Thiên Beigang đã được in từ hàng trăm năm trước như một báu vật còn sót lại mà ông Ngô Đăng Hưng vô tình phát hiện, đến nay chỉ còn duy nhất một cuốn.
Làng quân đội Jianguo vốn là căn cứ tập huấn của đội phi công cảm tử Thần Phong, ở đây vẫn còn nhà ở của quân Nhật. Sau khi đến Đài Loan, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã biến nơi đây thành làng quân đội của không quân, sau này tòa kiến trúc này được xây dựng thêm, thành phong cách pha trộn “Đài – Nhật”.
Ngôi làng ẩn mình dưới ánh nắng chói chang
Từ Huyện lộ 160 đi qua huyện Yuanchang, rồi chuyển sang Huyện lộ 145, chúng tôi phát hiện ra một con đường ít khách ngoài tỉnh biết đến – “Con đường đê Huwei”. Dưới ánh nắng, dòng sông Huwei lấp lánh đồng hành cùng chiếc xe đạp. Đoạn đường đến làng quân đội Jianguo không xa và cũng không khó tìm. Con đường rừng không có tên này là con đường chính nối liền với làng quân đội, với những hàng cây lớn hai bên đường trông thật uy nghi và vững chãi.
Đi hết con đường rừng, làng quân đội Jianguo hiện ra trước mắt chúng tôi. Đây là một làng quân đội nông thôn còn đang trong quá trình tu sửa theo từng khu, những phần đã được tu sửa được tái sử dụng thành những không gian mở mới. Bà Lý Y Nê (Lee Yini), người sáng lập “Keeping The Culture”, chuyên nghiên cứu văn hóa và lịch sử làng quân đội Huwei đã dẫn chúng tôi đi tham quan. Bà nói: “Trước đây, đây thực sự là đất canh tác và nhà ở nông thôn. Thời kỳ người Nhật Bản chiếm đóng, vì ở đây có nhiều cây lớn, từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy chỉ là một làng nông thôn rất kín đáo, vì vậy quân đội Nhật đã xây dựng một sân bay huấn luyện gần đó”.
Chúng tôi đi qua nhiều dãy nhà ở dài kiểu cách tiêu chuẩn của phi hành gia Nhật Bản, mỗi căn nhà đều có một hầm chống không kích hình con rùa bên cạnh. “Khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đến Đài Loan, vì có sân bay gần đó, lực lượng không quân đã đưa quân đội và gia quyến vào sinh sống tại đây và đã mở rộng các dãy nhà lính kiểu Nhật theo nhu cầu sinh hoạt, hình thành một làng quân đội pha trộn phong cách ‘Đài-Nhật’ vô cùng độc đáo”, bà Lý Y Nê nói.
Huwei Salon là tòa nhà theo phong cách hiện đại đầu tiên được xây dựng bởi người Đài Loan, áp dụng phong cách mái nhà truyền thống kiểu Nhật, trở thành kiến trúc mang phong cách “Vương miện” mới mẻ của thời bấy giờ.
Tòa nhà hành chính “tổng hợp” gồm Văn phòng hành chính của thị trấn, Cục Cảnh sát và Cục Phòng cháy chữa cháy. Tháp quan sát cao chót vót của đội cứu hỏa, năm xưa là khối kiến trúc cao nhất của địa phương, từ đây có thể ngắm nhìn thấy toàn bộ thị trấn Huwei.
Kể lại câu chuyện thế kỷ
Bảo tàng Câu chuyện Vân Lâm (Yunlin Story House) trước đây từng là dinh thự của quan phủ Huwei và đã được xếp hạng di tích trong huyện. Khi chúng tôi bước vào Bảo tàng, ông Lưu Toàn Chi (Liou Chen-chi), cựu Trưởng phòng Văn hóa trong hai nhiệm kỳ của huyện Vân Lâm, đang thưởng trà và trò chuyện cùng cô Đường Lệ Phương-người sáng lập kiêm Chủ tịch Hiệp hội Yunlin Storyteller Association. Ông Lưu Toàn Chi giới thiệu: “Bảo tàng của bà Đường chính là ví dụ điển hình nhất về việc làm sống lại các tòa nhà cổ ở Vân Lâm”.
“Tòa nhà “tổng hợp” ở chếch bên đối diện, vào thời kỳ người Nhật Bản chiếm đóng là tòa kiến trúc bao gồm cả văn phòng thành phố, đội cứu hỏa và đồn cảnh sát, nhưng giờ đây bước vào lại tràn ngập hương thơm của sách và cà phê. Đây chính là giá trị của việc bảo tồn và tái sử dụng di sản văn hóa”. Ông Lưu Toàn Chi giải thích rằng, sự hiện diện của nhà sách Eslite và cà phê Starbucks đã tạo ra một phong cách văn hóa độc đáo trong tòa nhà cổ, nơi người ta có thể đến để mua sách, đọc sách và thưởng thức cà phê mà không làm thay đổi hình dáng nguyên bản của các tòa nhà. “Cộng thêm văn hóa múa rối vốn có của Huwei và tàu hỏa mini duy nhất còn sót lại duy nhất ở Đài Loan, kết hợp thêm với các tòa nhà cổ đồng thời được tái sử dụng làm quán ăn, nhà nghỉ và hiệu sách độc lập ở gần đó, Huwei hiện đã trở thành trung tâm văn hóa của Vân Lâm, ông Lưu Toàn Chi mỉm cười hài lòng nói.
Đi vào những con hẻm nhỏ xung quanh, bạn sẽ thấy hiệu sách độc lập “Huwei Salon” với kiến trúc xinh đẹp kết hợp giữa Nhật Bản và phương Tây theo phong cách “Teikan” (vương miện). Mái hiên mang phong cách Trung Quốc và điêu khắc đậm nét phương Đông, cửa sổ vòm tròn của Ả Rập, còn mái nhà lại theo kiểu đỉnh nhọn của kiến trúc thời Đường, giống như đội vương miện hoàng đế nên mới có tên gọi này.
Chủ salon, bà Vương Lệ Bình là một người yêu sách, thích đọc sách và quan tâm đến sự phát triển văn hóa Vân Lâm, mong muốn thúc đẩy mọi người chủ động tư duy. Kệ sách trên hành lang salon đều là những cuốn sách bà trực tiếp chọn lựa, bà cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm văn hóa. Không gian ở đây được biết đến với sự bao dung và cởi mở.
Ông Lưu Toàn Chi (bên trái) cho rằng, cách làm có ý nghĩa nhất là thông qua giao lưu nghệ thuật tại Yunlin Storyhouse như bà Lưu Lệ Phương (bên phải) đã làm, để thổi luồng sức sống mới cho những tòa kiến trúc cũ có từ thời kỳ người Nhật chiếm đóng Đài Loan.
Vì yêu quý vùng đất Vân Lâm nên ông Liêu Thụy Sinh kiên quyết trồng trọt bằng phương pháp hữu cơ, mỗi ngày ông đều đích thân đến nhà kính để kiểm tra từng cây rau, dùng tình yêu để chăm sóc rau, dùng tấm lòng để kinh doanh trang trại.
Tất cả đều vì tình yêu
Chưa đến chiều tối, chúng tôi tiếp tục đi dọc theo tuyến đường Huyện lộ 145, thăm Trang trại hữu cơ Hoa Hưng (Huaxing Organic Farm) do ông Liêu Thụy Sinh (Liao Rui Sheng) - lớp trưởng lớp 47 chuyên sản xuất và tiêu thụ rau Xiluo làm chủ. Ông Liêu Thụy Sinh đã xây dựng một phòng kiểm tra thuốc trừ sâu ngay phía trên kho của mình. Mỗi lô rau xanh trước khi đem bán đều được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu và nộp báo cáo cho chính phủ. Khi được hỏi lý do, ông đã trả lời không chút do dự: “Tôi là người Vân Lâm, tôi yêu mến mọi thứ ở Vân Lâm. Nếu không thể nghiên cứu phương pháp trồng trọt hữu cơ, mà vẫn sử dụng thuốc trừ sâu độc hại thì sau này thổ nhưỡng sẽ ra sao? Nguồn nước sẽ ra sao? Quê hương của tôi sẽ ra sao?”
Sự kiên trì của ông Liêu Thụy Sinh đã được đền đáp, trang trại hữu cơ mà ông hợp tác với Lớp 47 đã được chọn làm nhà cung cấp bữa trưa dinh dưỡng cho các trường học ở sáu thành phố lớn. “Đây là những loại rau được trồng bằng tình yêu thực sự, hy vọng mọi người đều có thể ăn uống lành mạnh”.
Tiếp tục hành trình, Xiluo là điểm dừng cuối cùng của chúng tôi, nơi đây còn được gọi là “Quê hương của nước tương (xì dầu)”. Chúng tôi bị thu hút bởi thương hiệu nước tương đã kinh doanh được ba thế hệ “Ngự Đỉnh Hưng” (Yu-Ding-Shing), được truyền từ đời ông đến đời cháu, đến nay hãng nước tương này vẫn giữ phương pháp sản xuất thủ công và trong suốt quá trình chế biến đều chỉ sử dụng củi để đốt. Hai anh em thế hệ thứ ba của hãng nước tương này là ông Tạ Nghi Trừng (Hsieh Yi-cheng) và Tạ Nghi Triết (Hsieh Yi-che) đã cùng nhau khai phá con đường mới, phát triển “Mỹ học nước tương”, đưa Yu-Ding-Shing ra quốc tế, đến tận New York. Họ còn thông qua ý tưởng món ăn sáng tạo và chia sẻ bữa ăn cùng nhau, thể hiện sự đa dạng hương vị của nước tương Yu-Ding-Shing.
Hai anh em đang mở nắp một cái vại trong sân, những con ong gần đó đã bỏ hoa để đến gần và vờn quanh miệng vại. Ông Tạ Nghi Triết cười nói: “Mỗi khi mở nắp vại là sẽ như vậy”. Ông Tạ Nghi Trừng thì bắt đầu đốt lửa trong lò, điều chỉnh độ nóng trong bếp hoàn toàn bằng kinh nghiệm của bản thân, tay thì không ngừng khuấy đều chiếc muỗng sắt to, khi nước tương ấm lên, hương thơm lan tỏa vạn dặm.
Hành trình đi dọc theo các cánh đồng canh tác và dấu ấn văn hóa như một cây bút vẽ đầy màu sắc, cùng vẽ nên tấm bản đồ Vân Lâm xinh đẹp, thu thập sự chân chất, văn hóa, lịch sử, tình cảm con người con người và hương vị của quê hương nông nghiệp này.
Hai anh em Yu-Ding-Shing đã thông qua cách marketing sáng tạo và khái niệm chia sẻ bữa ăn cùng nhau, để tạo ra “nét đẹp mới” cho nước tương, để Yu-Ding-Shing từ thương hiệu nước tương lâu năm có thể trở nên mới mẻ và cuốn hút hơn.