Muôn vẻ nhân sinh qua góc nhìn ống kính
Cảm nhận sức mạnh tín ngưỡng qua tuyển tập “Hành hương Đài Loan”
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Chen Yi-hong Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 8 2022
Kể từ năm 2006, anh Trần Dật Hoành bắt đầu chụp ảnh Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn, vì không ấn định trước tuyến đường nên đã tạo ra thử thách về thể lực và sức bền cho nhiếp ảnh gia, mỗi một hình ảnh chỉ có thể tình cờ chụp được mà không thể chụp theo chủ đích. Trong ảnh là kiệu rước Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn đi ngang qua tuyến xa lộ Xi-Bin trên đường về, anh Trần Dật Hoành đã chụp được ảnh kiệu rước và tua-bin điện gió trong cùng một khung hình.
俗諺說:「三月瘋媽祖,四月王爺生。」每年農曆三月開始,台灣的媽祖廟就更顯熱鬧,尤其大甲媽祖遶境進香、白沙屯媽祖進香,總吸引大批民眾跟著媽祖徒步前行,帶來一股安定的精神力量。而出生屏東東港的攝影師陳逸宏,自1990年參加大甲媽祖遶境進香後,便與媽祖結下緣分,此後30多年來,他帶著對信仰力量的好奇及專業的攝影技巧,記錄下台灣廟會祭典,並在去(2021)年集結出版《朝聖台灣》。本期《光華》,將透過陳逸宏的鏡頭,看見台灣民間信仰裡,珍貴而美麗的人文風景。
Ngạn ngữ có câu: “Tháng 3 tưng bừng lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, tháng 4 long trọng lễ tế Thần Vương Gia”. Tại Đài Loan, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều đền thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (hay còn gọi là Bà Ma Tổ, Mazu) trở nên vô cùng nhộn nhịp, đặc biệt là Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp (Dajia) và Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn (Baishatun) thường thu hút đông đảo người dân đi bộ theo sau, mang lại nguồn sức mạnh tâm linh.
Trong mắt anh Trần Dật Hoành, lễ hội đền chùa là sự hội tụ giữa nghệ thuật và mỹ thuật. Anh muốn thông qua ống kính để nhiều người chiêm ngưỡng được sức sống của văn hóa địa phương Đài Loan.
Nhiếp ảnh gia Trần Dật Hoành (Chen Yi-hong) sinh ra ở Đông Cảng (Donggang) huyện Bình Đông. Kể từ năm 1990, sau khi tham gia Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp hành hương đã tạo cơ duyên với Bà Thiên Hậu. Trong suốt hơn 30 năm kể từ đó tới nay, anh đã ghi lại hình ảnh lễ hội đền chùa của Đài Loan với sự hiếu kỳ về sức mạnh tâm linh và kỹ năng chụp ảnh chuyên nghiệp, rồi tập hợp lại để xuất bản thành tuyển tập “Hành hương Đài Loan” vào năm 2021.
Trong ảnh là cảnh Lễ hội nghênh đón Thần Vương Gia cầu bình an, một thiếu niên đóng vai nhân vật Ngũ Độc Đại Thần đi tuần, người dân quỳ bái nghênh đón.
Trong Tạp chí “Taiwan Panorama” số này, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan nhân văn đẹp đẽ và quý giá trong tín ngưỡng dân gian Đài Loan thông qua ống kính của nhiếp ảnh gia Trần Dật Hoành.
Năm 1990, anh Trần Dật Hoành lần đầu tiên tham gia Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu, dùng phim đen trắng chụp lại hình ảnh xe công nông, xe cảnh sát mở đường cho lễ rước.
Sau khi kiệu rước Bà Thiên Hậu khởi giá, anh Trần Dật Hoành xúc động trước bầu không khí thành tâm kính bái Bà Thiên Hậu của các hộ dân, vì vậy đã khơi gợi trong anh ý tưởng thực hiện loạt tác phẩm “Thời khắc khởi giá”.
Hình ảnh lễ hội đền chùa qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia
“Thưa thầy, em muốn ứng tuyển làm hầu đồng hoặc ông tướng Jia-Jiang (Gia Tướng tùy tùng trong đội biểu diễn nghi lễ tín ngưỡng)”. Lúc tuổi thơ, anh Trần Dật Hoành từng nói với người thầy về ý tưởng này. Anh sinh ra tại Đông Cảng, huyện Bình Đông, trong trí nhớ của anh, mỗi cư dân địa phương đều có vai trò riêng của mình trong Lễ tế cầu an nghênh đón Thần Vương Gia, một sự kiện trọng đại của toàn thị trấn cứ 3 năm được tổ chức 1 lần.
Cha anh Trần Dật Hoành là thành viên trong đội khiêng kiệu của Lễ tế Thần Vương Gia ở Đông Cảng, “Từ nhỏ tôi đã cầm roi quất ngựa, mặc áo phu xe ngựa, đi theo sau ngựa của Thần Vương Gia”. Trong nhà anh Trần Dật Hoành có chiếc nón lá “Lu-Li” được truyền lại qua nhiều thế hệ, là biểu tượng cho thành viên của đội khiêng kiệu, “Tôi là con dân của Thần Vương Gia Đông Cảng, đây là thân phận mà tôi sẽ không bao giờ thay đổi trong suốt quãng đời còn lại của mình”, anh Trần Dật Hoành nói với vẻ tự hào và kiên quyết.
Lớn lên trong các lễ hội chùa chiền, anh Trần Dật Hoành vừa cười vừa kể rằng, bản thân anh đã quen với các hoạt động lớn, anh lấy nghi lễ “Thỉnh Thủy” (Thỉnh Vương) làm ví dụ, với hàng trăm đội biểu diễn nghi lễ tín ngưỡng kéo dài tới vài cây số, nối đuôi nhau lao ra biển trong khí thế hừng hực. Đội biểu diễn nghi lễ đặc thù của Đông Cảng có 13 vị Nguyên soái áo giáp vàng với những hoa văn động vật, hoa lá, chim chóc được vẽ trên mặt. Trong mắt anh, văn hóa Đài Loan khiến cho người nước ngoài phải trầm trồ kinh ngạc, điều đó cũng đã thôi thúc anh muốn dùng ống kính để ghi lại những hình ảnh thú vị này.
“Đối với tôi mà nói, chụp ảnh lễ hội đền chùa là một việc hiển nhiên như ăn cơm, uống nước mỗi ngày vậy”, anh Trần Dật Hoành cho biết.
Utopia được tạo nên bởi tín ngưỡng Bà Thiên Hậu
Với kinh nghiệm chụp ảnh lễ hội đã tích lũy từ vài chục năm, năm ngoái anh Trần Dật Hoành đã xuất bản tác phẩm phóng sự ảnh “Hành hương Đài Loan - Lễ tế đốt thuyền rồng Vương Gia, nghênh đón Bà Thiên Hậu, 30 năm rong ruổi lễ hội chùa chiền của phóng viên ảnh”, tập hợp hơn 300 tấm ảnh, trong đó có tác phẩm đầu tay về hai tín ngưỡng dân gian quan trọng của Đài Loan là Bà Thiên Hậu và Thần Vương Gia, đây là hai tín ngưỡng rất gắn bó với anh Trần Dật Hoành. Vị Thần Vương Gia đến từ quê hương anh, ngoài ra, anh cũng đã “bén duyên” với Bà Ma Tổ từ năm 1990. Khi lên đại học, anh tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh, nhờ sự dẫn dắt của người thầy dạy nhiếp ảnh Lý Khôn Sơn (Li Kun Shan), lần đầu tiên anh tham gia sự kiện Lễ hội rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp.
Do vừa yêu thích lễ hội đền chùa lại vừa đam mê bộ môn nhiếp ảnh nên anh Trần Dật Hoành rất nóng lòng muốn trải nghiệm, anh mang theo phim đen trắng mà anh rất mê mệt vào thời đó, để ghi lại những hình ảnh sự kiện, trong đó có khung cảnh thị trấn náo nhiệt có rất đông tín đồ khi kiệu rước Bà Thiên Hậu khởi giá. Anh cũng chụp được hình ảnh mái đền Trấn Lan (Zhenlangong) tỏa sáng rực rỡ, làm toát lên vẻ đẹp về đêm, còn có cảnh người dân ở dọc đường đặt bàn hương án trước cửa nhà, thành kính cầm hương đợi kiệu rước Bà Thiên Hậu đi qua, cảnh mở đường bằng xe công nông và ngay cả hình ảnh những vị Gia Tướng trong đội biểu diễn nghi lễ sau khi trút bỏ bộ trang phục hình nộm Thần Tướng cồng kềnh nằm ngủ dưới chân kiệu cũng được anh Trần Dật Hoành ghi lại qua ống kính của mình.
Dọc đường đi nhiều người dân nhiệt tình tiếp tế những vật dụng cần thiết, trong đó có cụ bà vốn không quen biết đã nhét gói thức ăn vào ba lô của anh như lo cho anh bị đói vậy. Chỉ cần có gắn phù hiệu nhân viên chụp ảnh của đền Trấn Lan thì người dân sẵn sàng mở rộng cánh cửa, yên tâm cho bạn mượn nhà vệ sinh; khi mệt có thể nghỉ lại ở khu nghỉ qua đêm dành cho khách hành hương, ghế sau của xe tải, hoặc trải chiếu nằm dưới mái hiên, “Tôi đeo máy ảnh nằm ngủ trên vỉa hè cũng không lo bị cướp giật”. Trước mặt thần linh, tất cả chúng sanh đều bình đẳng, mọi người rất tin cậy lẫn nhau và vui vẻ hòa đồng. Trong bối cảnh như thế, khiến anh Trần Dật Hoành, người tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học thốt lên rằng, chẳng khác nào xã hội không tưởng (Utopia) mà người ta thường nói!
Môi trường tu dưỡng không thể đoán trước
Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn chỉ quyết định ngày khởi giá, ngày làm lễ dâng hương và ngày quay về, còn thời gian và địa điểm dừng kiệu, ở lại qua đêm đều không được định sẵn từ trước, mọi việc đều tùy thuộc sự dẫn dắt của kiệu Bà Ma Tổ, thậm chí có lúc phải đi bộ trong vòng 36 giờ đồng hồ từ đền Củng Thiên ở thị trấn Thông Tiêu, huyện Miêu Lật, đến đền Triều Thiên ở thị trấn Bắc Cảng, huyện Vân Lâm với chặng đường kéo dài 200 cây số, giống hệt như cuộc hành quân thần tốc. Trong một chuyến đi như thế, có quá nhiều tình huống không thể đoán trước được, giống như thử thách phản ứng nhanh nhạy trên sân khấu kịch. Nhiều người làm trong ngành sân khấu kịch đều rất tôn sùng và coi việc tham gia lễ rước hành hương là một kiểu tu dưỡng.
Anh muốn khám phá nơi tu dưỡng theo cách nói của người trong ngành sân khấu kịch và cũng muốn tìm hiểu rốt cuộc đằng sau tín ngưỡng có nguồn sức mạnh nâng đỡ sâu xa thế nào? Đúng như thầy dạy nhiếp ảnh Hoàng Kiến Lượng (Albert J. L. Huang) nói với anh Trần Dật Hoành rằng: “Đáp án ở nơi diễn ra sự kiện, anh phải tự tới đó mới biết được”.
Giờ xuất phát của Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn
Vì thế, hàng năm anh Trần Dật Hoành đều đi chụp ảnh Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn. Vì không đoán trước được tuyến đường, Bà Thiên Hậu có thể nghỉ chân ở nhiều nơi như nhà dân, siêu thị, bệnh viện, công xưởng v.v..., thậm chí có lần ghé ghăm cả phòng bệnh. Trong lúc kiệu rước Bà Thiên Hậu đang đi trên đường, nếu gặp các em nhỏ hô lớn: “Con yêu Bà Ma Tổ!” thì kiệu thần sẽ được dừng lại ngay lập tức để những đứa trẻ chui qua gầm kiệu, tượng trưng cho ý nghĩa xua tan vận rủi, mang đến vận may. Để đi theo sau chụp ảnh Bà Ma Tổ Bạch Sa Đồn, anh Trần Dật Hoành từng phải đeo trên người những thiết bị máy móc rất nặng. Anh đi hết cây cầu Tây Loa (Xiluo), từng túc trực giữa đồng ruộng khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ từ lúc 5 giờ sáng, chỉ để chụp được khung cảnh Bà Ma Tổ đi ngang qua cánh đồng lúa xanh ngát, trong tiếng pháo nổ giòn giã nghênh đón trên dọc đường đi.
Chụp ảnh Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn đã hơn 10 năm, có một lần anh Trần Dật Hoành chụp xong khung cảnh kiệu thần khởi giá, tình cờ khi đi qua một hộ dân, mặc dù đã là rạng sáng, nhưng lại thấy chủ nhà ăn mặc chỉnh tề, thành tâm kính bái pho tượng Bà Ma Tổ trong nhà. Hình ảnh vô cùng tĩnh lặng nhưng tràn đầy sức mạnh như vậy khiến anh Trần Dật Hoành cảm động sâu sắc, từ đó khơi gợi cho anh ý tưởng ghi lại hình ảnh nhà dân trước giờ kiệu thần khởi giá, chụp loạt ảnh “Thời khắc khởi giá”.
Anh Trần Dật Hoành cho biết, mỗi khi nhắc tới chuyến hành hương, thông thường đều tập trung sự chú ý vào pho tượng và chiếc kiệu rước tượng Bà Thiên Hậu, nhưng đối với cư dân Bạch Sa Đồn mà nói, có thể chỉ có 5% dân số địa phương đi theo đoàn rước, nhưng 95% còn lại không phải ở nhà ngủ, mà cùng lúc đó họ vẫn cúng bái tại nhà, một lòng hướng về Bà Thiên Hậu. “Vì đây vốn là tín ngưỡng địa phương của Bạch Sa Đồn và cũng là cội nguồn của lễ rước hành hương”.
Cuộc hẹn trong dịp Lễ rước kiệu Bà Nhị Ma Tổ
Khi kết thúc chuyến rước kiệu Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn, ngày hôm sau sẽ diễn ra một hoạt động lớn khác được tổ chức ngay tại Bạch Sa Đồn, đó là Lễ rước kiệu Bà Nhị Ma Tổ. Bà Nhị Ma Tổ của đền Củng Thiên, Bà Thiên Hậu sườn núi của đền Sơn Biên đã tháp tùng Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn trong lễ rước hành hương. Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh khác, cùng nhau trèo đèo vượt núi, đi tới từng con đường nhỏ chốn làng quê Bạch Sa Đồn, “Đem phúc phận, may mắn mà Bà Thiên Hậu mang về, chia sẻ với người dân Bạch Sa Đồn, đây mới là ý nghĩa quan trọng nhất của lễ hành hương”, anh Trần Dật Hoành cho biết.
Tham gia Lễ rước kiệu Bà Nhị Ma Tổ đã nhiều năm, anh Trần Dật Hoành có một người bạn ở Bạch Sa Đồn nhưng không biết tên, anh gọi tên bà là bà cụ xóm Nội Đảo. Năm 2015, anh tình cờ thấy một bà cụ ăn mặc trang trọng, đứng trước cửa ngôi nhà Tam hợp viện vui vẻ nghênh đón Bà Nhị Ma Tổ nên đã chụp ảnh bà cụ. Trong 5 năm liên tiếp, mỗi dịp diễn ra Lễ rước kiệu Bà Nhị Ma Tổ, anh Trần Dật Hoành đều đến chụp ảnh cho bà cụ xóm Nội Đảo. Năm 2020, anh Trần Dật Hoành tới thăm ngôi nhà quen thuộc này, nhưng không còn thấy bóng dáng của bà cụ, trong lòng cảm thấy bất an, ngay lập tức cảm thấy có điềm chẳng lành. Qua lời kể của hàng xóm mới biết được, bà đã qua đời một tuần trước khi diễn ra lễ rước kiệu, khiến anh cảm nhận nhân sinh thật vô thường. Dù cho bà cụ đã không còn, anh vẫn đến thăm ngôi nhà như xưa, “Tôi tới thăm vào năm ngoái, năm nay cũng tới đây, sang năm vẫn tới thăm nữa..., chỉ cần tôi tham gia Lễ rước kiệu Bà Nhị Ma Tổ thì tôi sẽ tới đây, giống như trước kia đã tới thăm bà cụ vậy”, anh Trần Dật Hoành quả quyết, vì đây là cuộc hẹn giữa anh và bà cụ vào mỗi dịp lễ rước kiệu.
Chứng kiến bản chất tín ngưỡng
Anh Trần Dật Hoành là người có tác phong nhanh nhẹn, trong giới chụp ảnh có biệt danh là “tia chớp”, có một lần đi chụp ảnh Lễ rước kiệu Bà Nhị Ma Tổ, bỗng nhiên chân anh bị chuột rút, chỉ có thể nằm sấp tại chỗ để đợi cơn đau giảm bớt. Nhìn thấy đội ngũ rước kiệu đi càng ngày càng xa hơn, anh Trần Dật Hoành bất giác lẩm nhẩm trong lòng với Bà Thiên Hậu. Không bao lâu, anh nhìn thấy chiếc kiệu rước thần Tam Thái Tử ở phía trước đang trên đường quay về chùa, còn ở con hẻm phía bên trái có một bà cụ ngồi trên chiếc xe lăn, theo trực giác anh nghĩ chiếc kiệu chắc sẽ đi về phía bà cụ. Quả nhiên chiếc kiệu vốn đang đi thẳng, bỗng nhiên lại đi chéo tới bên cạnh bà cụ để độ trì bình an. Hình ảnh Tam Thái Tử và bà cụ trò chuyện với nhau khiến anh Trần Dật Hoành cảm động đến nỗi vừa rơi nước mắt vừa bấm máy ảnh.
“Nếu như chân tôi không bị chuột rút, thì thực ra tôi đã không được thấy hình ảnh này”. Ngay lúc đó anh Trần Dật Hoành bỗng nhiên hiểu ra một điều rằng, “Trong tín ngưỡng nguyên sơ nhất của người dân thường, thần thánh không nên chỉ được thờ phụng ở thánh điện trên cao, mà Ngài sẽ đi sâu vào đời sống, sống cùng với dân, chịu khổ cùng dân, khi người dân có nhu cầu thì Ngài sẽ ở bên cạnh, tôi cho rằng đó mới là điều khiến tín đồ kính trọng thần thánh đến vậy, đó cũng chính là nguyên nhân giúp cho tín ngưỡng trở nên vững chắc không thể lung lay”, anh Trần Dật Hoành chia sẻ.
Khi hỏi anh Trần Dật Hoành có làm tập tiếp theo của “Hành hương Đài Loan” hay không, anh cho biết muốn cho ra mắt một cuốn có tựa đề “Như gần như xa”. Khác với cuốn “Hành hương Đài Loan”, tập hợp những tác phẩm được tích lũy trong suốt 30 năm, lần này, anh Trần Dật Hoành hy vọng chụp ảnh những đảo nhỏ ngoài khơi, bao gồm Bành Hồ (Penghu), Kim Môn (Kinmen), Mã Tổ (Matsu) và Tiểu Lưu Cầu (Xiaoliuqiu), do tín ngưỡng dân gian của những nơi này mang một hơi thở phóng khoáng hơn khiến anh cảm thấy thán phục. Đối với anh Trần Dật Hoành, xuất bản cuốn “Hành hương Đài Loan” không phải là sự khép lại của lễ hành hương mà chính là một sự bắt đầu.