Hương vị tiềm ẩn của Đông y trong cuộc sống thường ngày
Chặng đường trăm năm của những cửa hàng thuốc Bắc
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 6 2024
Ảnh do City Explorer cung cấp.
Dạo quanh phố phường Đài Loan, đôi lúc ta sẽ thấy những cửa hàng thuốc Bắc đã kết thúc kinh doanh, tuy nhiên, văn hóa sử dụng thuốc cũng như kiến thức và phong tục liên quan đến thuốc Bắc thì đã ăn sâu vào trong nếp sống ngày thường của người dân Đài Loan. Chúng ta hãy cùng nhìn lại nguồn gốc quan trọng của văn hóa thuốc Bắc nhé!
Phố cổ Bắc Môn của thành cổ Trúc Tiệm (nay thuộc địa phận thành phố Tân Trúc) từng là huyết mạch trọng yếu kết nối với tuyến đường vận chuyển hàng hóa tại miền bắc Đài Loan, mặc dù nay đã không còn tấp nập như xưa, nhưng đối diện ngôi đền trăm tuổi Trường Hòa Cung vẫn còn một cửa hiệu thuốc Đông y (thuốc Bắc) tên là Hồng An Đường (鴻安堂), với mặt tiền kiến trúc mang phong cách Baroque trang nhã, kiên trì kinh doanh cho đến ngày nay.
Người phụ trách đời thứ tư của hiệu thuốc này là hai anh em Tạ Kiệt Nhiên (Robie Hsieh) và Tạ Khôn Dục (Stanley Hsieh), những tiếng chào mời thân thiết của họ khiến cho khách ghé thăm cảm giác như bước vào một hành lang thời gian.
Tủ thuốc trong cửa hiệu thuốc đều được đóng theo nhu cầu sử dụng của mỗi cửa hiệu khác nhau, đằng sau đó đều có câu chuyện của riêng mình.
Đông y, Hán dược, văn hóa Hán
Tiền thân của Hồng An Đường là Thâm Mậu Dược Hãng (森茂藥行), do ông cố nội của hai anh em Tạ Kiệt Nhiên, Tạ Khôn Dục là Tạ Sâm Hồng (Xie Sen-hong) sáng lập, ông là hậu duệ của Tạ An (Xie An) thời Đông Tấn. Nhà họ Tạ là dòng dõi có học vấn, thầy thuốc Đông y kiêm thầy đồ Tạ Hồng Sâm cùng con trai trưởng Tạ Lân Ký (Xie Linji) – ông chủ đời thứ hai của hiệu thuốc, còn tích cực tham gia hoạt động ngâm thơ của hội thơ, từng là những nhân vật hoạt động tương đối tích cực trong giới văn học địa phương.
Bài trí bên trong cửa hiệu đến nay vẫn như cũ, cả không gian giống như bị bao bọc bởi chiếc hộp thời gian, vẫn có thể mường tượng ra dáng vẻ cần cù làm việc của người xưa. Kệ tủ sát tường cao đến trần nhà, mỗi một hộc tủ đều chứa đựng những dược liệu khác nhau, còn chiếc tủ thấp và rộng hơn là bàn làm việc của chủ hiệu thuốc vào ban ngày, nơi để bắt mạch, bốc thuốc và bào chế thuốc, đến tối thì lại hóa thân thành nơi để ông cố nội và ông nội sáng tác thơ ca.
Ông Tạ Khôn Dục nói, trước đây hiệu thuốc gần như mở cửa quanh năm không nghỉ ngày nào, dù là buổi tối, chỉ cần trong nhà còn có người thì vẫn sẽ trông tiệm và giữ cửa cho những vị khách có việc gấp cần tìm, nhưng cũng vì vậy mà cửa hàng khó tránh khỏi tình trạng bị sâu bọ tấn công.
Để đuổi sâu bọ, ông Tạ Sâm Hồng đã tự bào chế thuốc từ những dược liệu sẵn có, sau này dần dần phát triển thành sản phẩm “Túi đuổi muỗi” nổi tiếng của Hồng An Đường. Bên trong chiếc túi vải màu trắng là hỗn hợp của tám loại thảo mộc khác nhau gồm đinh hương, ngải cứu, hoắc hương, chỉ cần vò nhẹ là sẽ tỏa ra mùi hương nồng nàn khiến sâu bọ, ruồi muỗi tránh xa.
Phải thừa nhận rằng, đối với những hiệu thuốc Đông y ngày nay, “thuốc” đã không còn là sản phẩm chủ yếu mà thay vào đó là bột tiêu trắng, tiêu đen được xay tươi hàng tuần, đương quy được cắt tươi hàng tháng, những nguyên liệu thực phẩm tươi mới tỏa ra hương nồng này chắc chắn không phải những món hàng được bày bán trong siêu thị hay sản phẩm trộn thêm chất phụ gia có thể so bì được.
Ngoài ra, Hồng An Đường cũng đưa ra loại trà thảo dược tuân theo quan niệm của Đông y, với bóng dáng của những bài thuốc ngày xưa, mỗi túi trà của họ nặng nhất có thể lên đến 20 gram, trong đó là những bông hoa cúc mâm xôi to, miếng đan sâm nguyên vẹn, tầm gửi gạo, nguyên liệu đầy ắp, phần lượng khác hoàn toàn so với những túi trà mang hương vị chỉ 3 đến 5 gram mà nguyên liệu còn bị giã nhuyễn thường thấy trên thị trường. Những sản phẩm này cũng chính là nguyên nhân mà người dân ngày nay vẫn nhất quyết phải tìm đến các cửa hiệu thuốc Đông y.
Những loại thuốc Đông y như bụp giấm, sơn tra, đều là loại thức uống quen thuộc. (Ảnh do City Explorer cung cấp)
Miếu Thổ địa và cửa hàng tiện lợi của thời ấy
Khác với sự phân công tùy theo chuyên môn từng ngành nghề của ngày nay, cửa hiệu thuốc Đông y trong xã hội truyền thống không chỉ chuyên về y dược, mà trước đây, sinh lão bệnh tử, cuộc sống thường ngày đều gắn liền với hiệu thuốc Đông y.
Từ canh thuốc bổ cho phụ nữ ở cữ sau sinh hoặc sảy thai, bài thuốc của đền thờ, đến tiêu trắng, tiêu đen, dược liệu trong nhà bếp, Tử Vân Cao - kem bôi cho vết thương mau lành, bột làm trắng răng, thậm chí đến cả thuốc nhuộm tóc, mọi thứ đều có thể mua ngay được tại hiệu thuốc Đông y. Để đáp ứng nhu cầu to lớn của cộng đồng dân cư xung quanh, ông Lư Tuấn Hùng (Lu Junxiong) – chủ cửa hiệu đời thứ ba của hiệu thuốc Đông y Thuận Xương (順昌中藥行) tại quận Phụng Sơn (Fengshan), Cao Hùng khi nhớ về ngày xưa đã kể lại rằng “Tết đến cũng chỉ nghỉ một ngày, 364 ngày còn lại vẫn mở cửa kinh doanh”.
Hiệu thuốc Đông y mặc dù mang danh là hiệu thuốc nhưng phạm vi phục vụ thì lại vượt xa hơn phạm trù “thuốc”. Nét đặc biệt này cũng đã giúp cho các cửa hiệu thuốc Đông y giữ lại một con đường để tiếp bước.
Hồng An Đường Tân Trúc, ngôi nhà cổ với hơn trăm tuổi, có thể thấy những dấu tích lịch sử của một gia tộc, mang đậm phong cách cổ xưa.
Trong tủ thuốc là dược liệu, trong tủ bếp thì là hương liệu
Đối với người Đài Loan, thuốc Đông y không chỉ là thuốc, mà còn là thực phẩm mang tính dược phẩm. Những năm gần đây rộ lên trào lưu sử dụng xuyên tiêu, loài thực vật thường được dùng để ép dầu, không chỉ là nguyên liệu quan trọng không thể thiếu trong món lẩu cay, theo quan điểm của Đông y, xuyên tiêu còn là một loại thuốc dùng để giảm đau và gây tê. Cùng một sản phẩm nhưng “để trong tủ thuốc là dược liệu, mang vào bếp thì trở thành hương liệu”, chủ cửa hiệu đời thứ ba của hiệu thuốc Thuận Xương - ông Lư Tuấn Khâm (Lu Chun-chin) nói.
Mặc dù người ta thường không hiểu rõ hoàn toàn về cách ứng dụng thuốc Đông y nhưng những dược liệu lại được sử dụng khá phổ biến. Ngoài những món cơ bản mà nhà bếp gia đình đều có như tiêu đen, tiêu trắng, xuyên tiêu, đại hồi, trong chợ đêm còn thường bắt gặp những món ăn bổ dưỡng như Tứ Vật, Bát Trân, Thập Toàn hay những món lẩu mà người Đài Loan yêu thích như lẩu thịt dê, vịt nấu gừng, thậm chí là cả trứng trà hay cơm thịt kho, đâu đâu cũng có thể thấy bóng dáng của dược liệu Đông y.
Thế nhưng không phải ai cũng nhận ra sự tồn tại của chúng. “Đó là bởi vì cách mà người Hoa sử dụng hương liệu không giống với cách sử dụng trực tiếp trong món ăn Ấn Độ, trong món ăn của chúng ta, hương liệu chỉ được xem như là ‘vị ẩn’”.
Ông Lư Tuấn Khâm là một người lớn lên cùng với thuốc Đông y, từ nhỏ đã thích theo mẹ quanh quẩn trong bếp, kết hợp quan điểm ẩm thực và dược liệu, ông xuất bản cuốn sách “Bách khoa toàn thư về Hương liệu kiểu Trung” (An Encyclopedia of Chinese Spices). Bên cạnh đó, nhờ rành về hương liệu và có mối liên kết với làm bếp chuyên nghiệp, hiện tại ông cũng là cố vấn cho nhiều nhà hàng khác nhau.
Ông Lư Tuấn Khâm nói, việc kết hợp giữa hiệu thuốc Đông y với kinh doanh ẩm thực thật ra đã có từ thời cha của ông – ông Lư Thuận Phúc (Lu Shunfu). Từ trong chiếc tủ nhỏ, ông Lư Tuấn Khâm lấy ra một quyển sổ ghi chép đã sờn cũ, trong đó là những “toa thuốc nội” (toa thuốc do hiệu thuốc kê dựa trên nhu cầu cá biệt của khách hàng và giữ lại bài thuốc ở trong tiệm) mà các đời chủ hiệu thuốc trước đây để lại. Ngoài bài thuốc trị hen của một thôn nào đó và bài thuốc có tác dụng thông mạch máu mà ông bác nhà bên yêu cầu, trong sổ còn có không ít những bài như cách để hấp cua bùn, công thức bí mật của một sạp bán trầu nào đó và công thức hương liệu bí mật của một cửa hàng bán vịt quay nọ.
Ba anh em trong gia đình ông Lư Tuấn Khâm đều đang cố gắng hết sức trên con đường phát huy thuốc Đông y thông qua góc độ thực phẩm. Ông Lư Tuấn Khâm lấy tên cha mình đặt tên cho cửa hàng thực phẩm thuốc bổ là “Phúc Bá Bản Thảo” (福伯本草), cửa hàng này đưa ra những sản phẩm như túi hương liệu làm món kho, bột ngũ hương, thập tam hương, bột hương liệu khô dùng để ướp thịt heo mặn; còn cửa hàng trực tuyến 97spicyhotpot (玖食柒食堂) do người em gái Lư Thục Như (Lu Shu-ju) phụ trách thì chuyên bán các gói thức ăn nấu sẵn như canh lẩu cay, canh dưa chua… Mặc dù cửa hiệu thuốc Đông y đã không thể quay lại với những tháng ngày huy hoàng như xưa nhưng những sản phẩm vô cùng thu hút này cũng đã nói lên rằng hiệu thuốc Đông y sẽ không bao giờ biến mất.
Chủ cửa hiệu đời thứ tư của Hồng An Đường – Tạ Khôn Dục.
Đại Đạo Trình: Nơi tập trung hàng đầu của ngành Đông y
Nói đến ngành dược liệu Đông y, chắc hẳn cũng phải nhắc đến Đại Đạo Trình, nơi mà các thương hiệu, cửa hàng tập trung đông đúc. Khu phố này có rất nhiều cửa hiệu thuốc Đông y, cửa hàng tạp hóa, đồ khô, lá trà, vải vóc…, chỉ một con phố Địch Hóa ngắn ngủi thôi mà đã có hơn chục cửa hiệu thuốc Đông y. Đại Đạo Trình không những là nơi mua sắm quen thuộc của người dân Đài Loan, mà còn là một trong những thắng cảnh quan trọng mà du khách đến từ các nơi như Hong Kong, Macau, Nhật Bản, Hàn Quốc nhất định phải ghé thăm.
Tại sao Đại Đạo Trình lại trở thành khu trọng điểm của ngành dược liệu Đông y? Ông Trần Sỹ Triết (Chen Shih-che) – Tổng Giám đốc Hiệp hội Xúc tiến phát triển khu thương mại Địch Hóa, Đài Bắc, cho biết: Kể từ sau Hiệp ước Thiên Tân năm 1858, Đạm Thủy mở cửa cảng biển, thương nhân người Anh John Dodd đã hợp tác với thương nhân đến từ Hạ Môn Lý Xuân Sanh (Li Chunsheng), mang giống trà từ An Khê, Phúc Kiến đến Đài Loan để nuôi trồng, cho gia công, sao chế tại Đại Đạo Trình rồi mang đi xuất khẩu. Sau này, cùng với giao thương mạnh mẽ, cộng với những mặt hàng như lá trà, dược liệu Đông y, đồ khô đều cùng một phạm trù hàng hóa, nơi đây dần trở thành nơi tập kết, vận chuyển và buôn bán chủ yếu những mặt hàng này.
Đối với ngành dược liệu Đông y tại Đài Loan, những doanh nghiệp tại đây có sức ảnh hưởng rất lớn, còn đối với người tiêu dùng, nơi đây là thiên đường mua sắm với đầy đủ những hàng hóa tươi mới khác nhau, và cũng là nơi có nhiều hàng cao cấp nhất.
Vòng quanh phố Địch Hóa có thể thấy tất cả mọi cửa hàng đều có chung một đặc điểm chính là làm ăn linh hoạt, nhìn thấu thời cuộc để luôn thay đổi kịp thời.
Đặc tính này cũng gắn với chặng đường phát triển của phố cổ. Năm 1996, nhận thấy hiện tượng “họp chợ” tự phát tại Đại Đạo Trình diễn ra trước thềm năm mới hàng năm, kết hợp với phong tục văn hóa dân gian, con phố này tổ chức “Chợ Tết” và nhận được thành công vang dội.
Mang theo niềm kiêu hãnh của Đại Đạo Trình, sứ mệnh khôi phục ngành nghề truyền thống, cùng với hành trình chuyển hướng sang phục vụ du lịch, cộng thêm sự thay đổi của thị trường tiêu thụ, cũng như sự kế thừa của lớp trẻ, rất nhiều nhân tố khác nhau đã thôi thúc những cửa hàng, doanh nghiệp tại khu Đại Đạo Trình phải tìm đủ mọi cách để kinh doanh, ngoài giữ vững nguồn khách vốn có, còn phải tích cực phát triển thêm nhiều cơ hội làm ăn mới.
Vì thế, những cuộc cạnh tranh về thiết kế bao bì, mẫu mã mới lạ theo từng series khác nhau ra đời, những tấm bảng thuyết minh về sản phẩm bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung xuất hiện nhiều hơn, những gói sản phẩm dành riêng cho khách hàng là gia đình nhỏ hoặc người độc thân cũng càng lúc càng nhiều, những loại sản phẩm như túi thực phẩm thuốc bổ nấu sẵn hay túi hương liệu rượu vang rất được lớp trẻ yêu thích… không ngừng được đổi mới tùy vào thói quen sinh hoạt và trào lưu ẩm thực của xã hội. Bên cạnh đó, những cửa hàng này không chỉ tập trung dịch vụ khách hàng trực tiếp, mà gần như tiệm nào cũng đi theo hướng kết hợp kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, phát triển thêm mua sắm trên cửa hàng online.
Từ những chiến lược kinh doanh kết hợp đa chiều này có thể thấy, thuốc Đông y sau khi vượt ra khỏi biên giới quốc gia đã có nhiều tương tác, phù hợp với những nền văn hóa khác nhau và tiềm năng văn hóa, thương mại của nó trong cuộc sống hiện đại là vô cùng to lớn.
Cũng giống như Đại Đạo Trình, trải qua chặng đường trăm năm với bao thăng trầm mà đến nay vẫn vững như bàn thạch, thuốc Đông y cũng sẽ tiếp tục đồng hành với cuộc sống của người dân Đài Loan một cách rộng mở và đa dạng hơn trong tương lai.
Túi đuổi muỗi của ông Tạ Sâm Hồng sử dụng 8 loại dược liệu khác nhau.
Bên trong những món lẩu yêu thích của người Đài Loan như lẩu thịt dê, vịt nấu gừng, lẩu cay…, đều có bóng dáng của dược liệu Đông y.
Thế hệ thứ ba của hiệu thuốc Đông y Thuận Xương, tìm con đường sáng tạo mới từ thuốc Đông y. Từ bên trái: Lư Tuấn Khâm, Lư Tuấn Hùng, Lư Thục Như.
Nhục quế、Trần bì、Đò ho、Sơn tra、Đại hội、Sa nhân đỏ、Cam thảo、Xuyên tiêu、Gừng khô、Tiểu hồi、Bạch chỉ、Nhục đậu khấu、Củ riềng
-
“Thập tam hương”, loại hương liệu được gọi là bản nâng cấp của ngũ vị hương, có thể được dùng để chiên, xào, nấu, nướng, là một hỗn hợp hương liệu phổ biến tại Đài Loan.
Đại Đạo Trình được mệnh danh là “phố cổ sống”, những cửa hàng dược liệu Đông y cổ xưa tại đây đã chuyển mình và tìm ra mối liên kết với người đương đại và đa văn hóa.